Dàn ý nghị luận vai trò của những người lãnh đạo anh minh qua Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ

Xuất bản: 11/04/2019 - Cập nhật: 12/04/2019

Lập dàn ý nghị luận vai trò của những người lãnh đạo anh minh dựa vào hai tác phẩm Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn và Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn.

Tham khảo dàn ý nghị luận vai trò của những người lãnh đạo anh minh qua Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ, dàn ý chi tiết mà Đọc tài liệu đã sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các em có định hướng tốt nhất cho đề văn này.

Đề bài

Dựa vào Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn và Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn hãy nêu suy nghĩ của em về vai trò của những người lãnh đạo anh minh.

Dàn ý nghị luận vai trò của những người lãnh đạo anh minh qua Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ

A. Mở bài:

- Dẫn dắt vấn đề: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.

- Nêu vấn đề: Lãnh đạo có vai trò vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của một quốc gia, dân tộc.

B. Thân bài:

Luận điểm 1: Những phẩm chất của một người lãnh đạo anh minh

- Có tầm nhìn xa, trông rộng.

- Có lòng yêu nước, thương dân.

- Có kiến thức sâu rộng, uyên thâm.

- Luôn sáng suốt, anh minh, công bằng….

Luận điểm 2: Vai trò của một vị vua đối với vận mệnh đất nước.

- Vua Lý Thái Tổ là vị vua khai sinh ra ra vương triều nhà Lý - một triều đại thịnh trị trong lịch sử dân tộc.

- Giành được hòa bình, đất nước đang trong giai đoạn dựng xây và phát triển, vua Lý Thái Tổ đã nhìn ra được những yếu điểm của kinh đô Hoa Lư và những lợi thế, tương lai của vùng đất Thăng Long. Chính nhờ tầm nhìn xa, trông rộng của vua mà đất nước mới có được điều kiện để phát triển thịnh vượng nhất có thể.

- Vua Lý Thái Tổ cũng rất cẩn thận, khéo léo trong cách thuyết phục nhân dân, quần thần dời đô:

+ Nhắc lại các triều đại dời đô thành công trong lịch sử Trung Quốc: nhà Thương, nhà Chu.

+ Phân tích những hạn chế của vùng đất Hoa Lư và sự bảo thủ của các triều Đinh, Lê

+ Phân tích những lợi thế của vùng Thăng Long

⇒ Trong thời đại đất nước đang trên đà phát triển hưng thịnh, vua Lý Thái Tổ với kiến thức uyên thâm về địa lý, phong thủy, tầm nhìn xa trông rộng, tấm lòng yêu nước, thương dân, một lòng muốn cống hiến cho đất nước để đưa ra quyết định dời đô – từ đó tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ trong lịch sử dân tộc ta.

Luận điểm 3: Vai trò của một vị tướng lĩnh đối với vận mệnh đất nước trong chiến tranh, nguy nan.

- Trần Quốc Tuấn là một vị tướng lĩnh tài ba dưới thời vua Trần Nhân Tông, có công lao to lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên năm 1285 và 1287.

- Nhận thấy sức mạnh, khí thế của quân đội ta đang đi xuống, Trần Quốc Tuấn đã ngay lập tức làm bài “Hịch tướng sĩ” để khích lệ tinh thần quân đội, lập nên chiến thắng anh dũng trước quân Mông – Nguyên. Đó là một hành động vô cùng cần thiết và hợp lí, đánh trúng vào lòng yêu nước, căm thù giặc của tất cả binh sĩ, phát động đấu tranh trong toàn nước.

- Trần Quốc Tuấn không chỉ nắm được điểm yếu của giặc mà còn nắm được điểm yếu, điểm mạnh của chính quân đội ta khiến cho bài hịch có sức thuyết phục và ảnh hưởng mạnh mẽ đến quân đội.

- Sự am hiểu về binh pháp, tài điều binh khiển tướng, năm bắt thời cơ tốt cùng tấm lòng trung quân ái quốc của Trần Quốc Tuấn chính là mấu chốt giúp ta giành được thắng lợi trước quân giặc mạnh và hung hãn như quân Mông – Nguyên.

Luận điểm 4: Bàn luận

- Cả Lý Thái Tổ và Trần Quốc Tuấn đều là những người lãnh đạo anh minh, sáng suốt, hội tụ đủ các phẩm chất tinh anh của dân tộc, có công lao lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong lịch sử dân tộc.

- Nếu như vua không sáng, tướng không giỏi thì chắc chắn đất nước đó sẽ sớm bại lụi, không thể phát triển được.

C. Kết bài:

- Khẳng định lại vai trò to lớn của người lãnh đạo đối với vận mệnh đất nước.

- Liên hệ đến thời hiện đại: Trong xã hội đang trên đà phát triển, hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, chúng ta càng cần đến những người lãnh đạo sáng suốt, anh minh, nhạy bén thì mới có thể chèo lái nhân dân, đưa đất nước đến sự thịnh vượng, văn minh, tiên tiến.

>> Xem lại kiến thức hai tác phẩm Chiếu dời đôHịch tướng sĩ để phục vụ cho việc làm bài.

Bài văn mẫu nghị luận vai trò của những người lãnh đạo anh minh qua Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ

Trong mọi thời đại vai trò của người lãnh đạo có sự ảnh hưởng rất lớn. Người lãnh đạo anh minh, sáng suốt ắt sẽ đem lại những thắng lợi vẻ vang. Ngược lại những kẻ đầu óc hạn hẹp, tăm tối khi đứng đầu chỉ đem lại bi kịch cho toàn quân mà rộng hơn là thảm kịch cho cả đất nước. Qua văn bản Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn và Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn ta lại càng thấy rõ hơn nữa tầm quan trọng của người đứng đầu.

Trước hết, họ đều là những người lãnh đạo anh minh, sáng suốt, nhìn nhận tình hình hết sức chính xác. Lý Công Uẩn ngay từ khi lên ngôi đã nhận ra vấn đề lớn nhất của đất nước lúc bấy giờ là việc định đô ở Hoa Lư không còn phù hợp. Ông nhận thấy rằng trong cổ kim đông tây đã có không ít các triều đại phải chuyển dời kinh đô để vận nước lâu dài, ví như vua Bàn Canh nhà Thương, nhà Chu đã nhiều lần chuyển dời. Gần hơn hai triều đại Đinh và Tiên Lê cố thủ nơi rừng sâu nên vận nước khó khăn, dễ bị suy yếu. Chính bởi vậy, trong ông đã dấy lên mong mỏi tìm ra nơi định đô mới cho toàn dân tộc.

Đối với Trần Quốc Tuấn ông viết bài hịch này bởi nguy cơ chiến đấu với quân Mông Nguyên lần thứ hai đang đến gần. Bài hịch để khích lệ lòng yêu nước và để các tướng sĩ học theo cuốn Binh thư yếu lược do ông soạn thảo. Ông đã nêu lên nhiều dẫn chứng về những vị tướng sẵn sàng xả thân vì nước như Do Vụ, Kỉ Tín, Dự Nhượng,… Từ đó ông nêu lên thực tế, khi quân Mông Nguyên tràn sang chúng sẵn sàng “uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thỏa lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn”. Chúng vô cùng hung hãn, ngang nhiên phách lối như vậy, còn binh sĩ của ta lại thờ ơ không quan tâm đến việc chính sự của đất nước. Họ chỉ ham mê những trò chơi tầm thường, mê hát, mê chọi gà, chơi cờ, vui thú điền viên,… và khi giặc đến cựa gà không đâm thủng áo giáp giặc, chén rượu không thể làm giặc say chết, tiếng hát không thể làm giặc điếc tai… Đến khi ấy sự nghiệp ngàn năm cha ông để lại cũng mất, gia đình li tán, ta cùng các ngươi sẽ phải bỏ mạng và mang tiếng xấu muôn đời. Đó quả là thực tế đáng buồn.

Từ việc nhìn nhận một cách chính xác tình hình của đất nước, những vị chủ tướng, những người lãnh đạo anh minh đã đưa ra những quyết định hết sức chính xác. Chính nhờ những quyết định đó đã đem lại sự vững bền cho đất nước, sự bình yên cho dân tộc.

Lý Công Uẩn đã xác định được việc làm cấp thiết của mình lúc này là phải dời đô đến một nơi khác, bằng sự am tường của mình ông đã quyết định dời đô về kinh thành Thăng Long – nợi hội tụ tinh khí của trời đất. Ở đây hội tụ đầy đủ những yếu tố thuận lợi: “ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cứ khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa”. Từ những suy xét kĩ lưỡng đó, Lý Thái Tổ đã có quyết định đúng đắn rời kinh đô về kinh thành Thăng Long.

Trần Quốc Tuấn trên cương vị là một chủ tướng, sau những phân tích đúng sai, thiệt hơn, đã đưa ra những lời khuyên chân thành, sâu sắc với những quân sĩ dưới quyền của mình: “Nay ta chọn binh pháp các nhà hợp làm một quyển gọi là Binh thư yếu lược. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo của ta, thì mới phải đạo thần chủ; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy bảo của ta, tức là kẻ nghịch thù”. Và từ chính trong thực tiễn đã cho thấy rằng nhờ những lời răn đe, nhờ cuốn sách Binh thư yếu lược mà quân ta đã giành thắng lợi vẻ vang trước quân Mông Nguyên xâm lược hung hãn lần thứ hai.

Chỉ với hai dẫn chứng hết sức ngắn ngủi về một vị vua anh minh, về một tướng tài của Đại Việt, ta cũng đã có thể thấy vai trò, ý nghĩa của người đứng đầu. Họ chính là tinh hoa, là yếu tố quyết định đến sự thành bại của mỗi trận đấu, sự tồn vong của mỗi dân tộc.

>> Tham khảo thêm nhiều bài mẫu nghị luận vai trò của những người lãnh đạo anh minh qua Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ

------------------------

Từ dàn ý nghị luận vai trò của những người lãnh đạo anh minh qua Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ cùng bài tham khảo mà Đọc tài liệu đã hướng dẫn trên đây, các em hãy vận dụng kiến thức đã học, kết hợp với cách hành văn của mình để làm thành một bài viết hoàn chỉnh nhé. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên cập nhật những bài văn mẫu 8 hay nhất phục vụ việc học văn của các em. Chúc các em luôn học vui và học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM