Dàn ý nghị luận về mối quan hệ giữa tiền và hạnh phúc

Xuất bản: 04/04/2019 - Cập nhật: 08/04/2019 - Tác giả:

[Văn mẫu 12] Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết đề văn nghị luận bàn về mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc trong cuộc sống con người.

Lập dàn ý nghị luận bàn về mối quan hệ giữa tiền và hạnh phúc

Dàn ý tham khảo 1:

I. Mở bài

– Tiền bạc và hạnh phúc là hai trong những vấn đề thiết yếu của con người.

– Vậy tiền bạc và hạnh phúc đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống của chúng ta?

II. Thân bài

1. Giải thích: (Đặt câu hỏi: là gì?)

– Tiền bạc là gì? => Đó là từ ngữ chỉ chung về những thứ giúp con người trao đổi với nhau những lợi ích.

– Hạnh phúc là gì? => Đó là tính từ thể hiện sự đạt được như ý nguyện của con người về mặt tình cảm, cảm xúc.

2. Đưa ra các biểu hiện: (Đặt câu hỏi: Tại sao? Vì sao?)

- Tại sao tiền bạc và hạnh phúc lại có mối quan hệ khăng khít với nhau?

+ Bởi vì nó là hai khía cạnh góp phần tạo nên cuộc sống của mỗi con người.

+ Phần lớn, mọi người đều có suy nghĩ rằng tiền bạc có thể mua được tất cả mọi thứ. Và chúng ta chỉ có hạnh phúc khi và chỉ khi có tiền bạc đầy đủ.

+ Dẫn chứng: Nêu ra những dẫn chứng thiết thực của cuộc sống thực dụng ở mỗi con người. Họ dùng tiền để mua hạnh phúc và liệu họ có hạnh phúc thật sự hay không?…

3. Bàn bạc, mở rộng vấn đề

– Tiền bạc có thể mua được tất cả tuy nhiên đối với hạnh phúc thì không.

– Dẫn chứng: Những gia đình giàu có có những người mẹ vì muốn lấy vợ cho con mình mà bỏ ra một số tiền lớn để “mua” con dâu về. Thế nhưng, chắc chắn đó là hai vợ chồng không hề tìm thấy được hạnh phúc. “Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên” đúng như ông bà ta ngày xưa thường nói.

III. Kết bài

– Tiền bạc và hạnh phúc là hai mặt luôn đi song song với nhau.

– Tuy vậy, chúng ta cần hiểu rõ và đúng đắn ý nghĩa của đồng tiền và tự tạo cho mình hạnh phúc tròn đầy bằng chính trái tim của chúng ta chứ không phải bằng những đồng tiền vô nghĩa.

Dàn ý tham khảo 2:

1. Đặt vấn đề

- Có rất nhiều quan điểm khác nhau về tiền tài, về hạnh phúc. Có người cho rằng có tiền là có hạnh phúc. Có người lại cho rằng có tiền chưa chắc đã có hạnh phúc. Nhưng cũng có người có ý kiến "người giàu cũng khóc".

- Thế nào là tiền tài? Là hạnh phúc? Tiền tài và hạnh phúc có mối quan hệ với nhau như thế nào? Để hiểu được điều đó, chúng ta cùng bàn về vấn đề này.

2. Giải quyết vấn đề

a. Giải thích từ ngữ:

- Tiền tài: Tiền bạc và của cải.

- Hạnh phúc: Trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện.

b. Tầm quan trọng của tiền tài và hạnh phúc

- Tiền tài và hạnh phúc đều rất quan trọng, cần phải có quan niệm đúng về hai vấn đề này.

- Tiền tài dùng để phục vụ cuộc sống của con người. Nếu thiếu tiền, thiếu của cải, cuộc sống của con người sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi bệnh tật, ốm đau, ta sẽ không thể chữa bệnh kịp thời. Khi cần mua sắm phục vụ cuộc sống của con người, thiếu tiền ta không thể thực hiện được.

- Nhưng đồng tiền cũng có mặt trái của nó. Nhiều khi vì đồng tiền, người ta đối trắng thay đen, biến giả thành thật, hủy hoại nhân cách con người. Trong xã hội hiện nay, nhiều người vì chạy theo đồng tiền mà không từ một thủ đoạn nào.

- Hạnh phúc chỉ được xây dựng trên những giá trị mang ý nghĩa xã hội và tinh thần chân chính. Hạnh phúc có giá trị về mặt tinh thần. Nó làm cho các thành viên trong gia đình thấy vui vẻ, ấm cúng, làm cho cộng đồng hoà hợp tạo nên sức mạnh thúc đẩy xã hội phát triển.

c. Mối quan hệ giữa tiền tài và hạnh phúc

- Nếu chỉ coi đồng tiền là mục đích duy nhất, cao nhất để sống thì nhiều khi chính ta sẽ rơi vào bi kịch. Nhân cách bị huỷ hoại, gia đình tan nát, mọi người sẽ coi thường, xa lánh.

- Nhiều khi có tiền tài nhưng con người vẫn không thấy hạnh phúc. Nếu vì đồng tiền mà quên đi tất cả người thân bạn bè thì đồng tiền sẽ chẳng tạo nên giá trị, chẳng tạo nên sức mạnh trong cuộc sống.

=> Tóm lại: Điều quan trọng là ta phải tạo được sự hài hoà giữa tiền tài với hạnh phúc, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Con người được sống hạnh phúc lại có đầy đủ điều kiện vật chất thì thật là lí tưởng. Hiện nạy, có rất nhiều gia đình vừa có điều kiện kinh tế vừa sống rất hạnh phúc. Bởi vì, đồng tiền họ làm ra là bằng sức lao động của chính họ.

d. Làm thế nào để vừa có tiền tài vừa được hạnh phúc

- Muốn tạo được sự hài hoà giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, mỗi người phải nỗ lực phấn đấu không ngừng trong học tập, lao động, rèn luyện đạo đức.

- Tạo ra của cải vật chất một cách chân chính. Biết sử dụng nó một cách hợp lí, có ý nghĩa.

- Phải trân trọng, giữ gìn hạnh phúc khi đã tạo dựng được. Không vì tiền tài mà tranh giành lẫn nhau, đánh mất đi hạnh phúc đã tạo dựng được.

3. Kết thúc vấn đề

- Tiền tài và hạnh phúc có vai trò quan trọng đối với mỗi con người.

- Kết hợp hài hoà giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần.

- Khi có cuộc sống hạnh phúc phải biết phấn đấu để cuộc sống ngày một đầy đủ, tốt đẹp hơn.

- Phê phán những người chỉ biết chạy theo đồng tiền mà chà đạp lên cuộc sống tình cảm gia đình, bè bạn...

» Tham khảo thêm: Dàn ý nghị luận về tiền bạc và hạnh phúc

Dàn ý tham khảo 3:

I. Mở bài

- Tiền bạc và hạnh phúc có mối quan hệ chặt chẽ. Thiếu một trong hai thứ ấy, con người sẽ không thể sống trọng vẹn cuộc đời ý nghĩa.

II. Thân bài

1. Giải thích từ ngữ:

- Tiền: Tiền bạc, của cải vật chất.

- Hạnh phúc: Trạng thái sung sướng, thỏa mãn vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện.

- Tiền tài và hạnh phúc đều rất quan trọng, cần phải có quan niệm đúng về hai vấn đề này cũng như cần thấy được mối quan hệ của chúng.

2. Bàn luận:

- Nếu chỉ coi đồng tiền là mục đích duy nhất, cao nhất để sống thì nhiều khi chúng ta sẽ rơi vào bi kịch, nhân cách bị huỷ hoại, gia đình tan nát, mọi người sẽ coi thường, xa lánh.

- Nhiều khi có tiền nhưng con người vẫn không thấy hạnh phúc. Nếu vì đồng tiền mà quên đi tất cả người thân bạn bè thì đồng tiền sẽ không tạo nên giá trị cũng như sức mạnh trong cuộc sống.

- Điều quan trọng là ta phải tạo được sự hài hoà giữa tiền với hạnh phúc, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Hiện nay, có rất nhiều gia đình vừa có điều kiện kinh tế vừa sống rất hạnh phúc. Bởi vì, đồng tiền họ làm ra bằng sức lao động của chính mình và họ biết cân bằng các giá trị sống.

- Phải trân trọng, giữ gìn hạnh phúc khi đã tạo dựng được. Không vì tiền tài mà tranh giành lẫn nhau, đánh mất đi hạnh phúc đã có.

III. Kết bài: Bài học nhận thức, hành động

- Muốn tạo được sự hài hoà giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, mỗi người phải nỗ lực phấn đấu không ngừng trong học tập, lao động, rèn luyện đạo đức.

- Tạo ra của cải vật chất một cách chân chính. Biết sử dụng nó một cách hợp lí, có ý nghĩa.

» Xem thêm bài văn mẫu:

Bài văn mẫu bàn về mối quan hệ giữa tiền và hạnh phúc

Thỏa mãn về vật chất và đời sống tình cảm hạnh phúc là hai nhu cầu lớn nhất của con người. Có thể nói trọn cuộc đời người luôn xoay quanh hai giá trị ấy. Bởi thế, tiền bạc và hạnh phúc có mối quan hệ chặt chẽ. Thiếu một trong hai thứ ấy, con người sẽ không thể sống trọn vẹn cuộc đời ý nghĩa.

Tiền bạc là phương tiện để mua bán, trao đổi. Nói rộng ra, nó là của cải vật chất mà con người có được. Tiền bạc tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau như: vàng bạc, tiền giấy, tài khoản hay các vật chất có giá trị khác. Hạnh phúc là trạng thái hoàn toàn mãn nguyện trong tâm hồn về mọi phương diện trong cuộc sống. Hạnh phúc là một khát vọng tự nhiên và chính đáng của con người.

Giữa tiền bạc và hạnh phúc có mối quan hệ khăng khít với nhau. Tiền là phương tiện gây dựng hạnh phúc. Hạnh phúc là giá trị quan trọng cần hướng đến trong cuộc đời con người. Tiền bạc giúp thỏa mãn những nhu cầu vật chất tối thiểu của con người trong cuộc sống như thực phẩm, áo quần, nhà ở, dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Nếu những nhu cầu tối thiểu này không được đáp ứng, chúng ta sẽ không thể sống bình thường được.

Tiền bạc giúp sống tinh thần thoải mái, không lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần, nghĩa là tránh được nỗi lo lắng về tài chính; và khi cần, nó có thể giúp ta chia sẻ, tương trợ cho những ai đang gặp hoàn cảnh khó khăn, khổ sở. Chính điều này mới mang lại cho ta cảm giác hạnh phúc.

Tiền bạc giúp ta tự tin thực hiện được những mong muốn của mình, giúp ta cảm thấy được tôn trọng, được độc lập, có bạn bè và công việc ưa thích. Đối với những người có xu thế hướng ngoại, thích khám phá và hưởng thụ cuộc sống bên ngoài, thích hội họp, ngoại giao, coi tiền bạc là một giá trị của cuộc đời thì càng kiếm được nhiều tiền họ càng hạnh phúc. Khi con người ta hạnh phúc, tinh thần thoải mái, đầu óc sáng suốt sẽ nảy sinh nhiều ý tưởng hay, nhiều kế hoạch thiết thực, và do đó sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.

Tiền bạc và hạnh phúc không lệ thuộc với nhau. Tiền bạc không mang lại hoặc không thể mua hạnh phúc trọn vẹn. Hạnh phúc không tùy thuộc vào số tiền ta nắm trong tay, mà ở những cảm nhận ta có được qua từng ngày sống của mình. Đối với những người sống nội tâm, chủ trương đi theo lối sống tinh thần thanh cao chẳng màng đến những lợi lộc vật chất tầm thường, đam mê trong công việc, coi công việc là giá trị cuộc sống, thì việc kiếm nhiều tiền bạc không phải là niềm hạnh phúc của họ, thậm chí nó còn trở thành một nỗi phiền toái.

Nếu làm việc chỉ vì tiền thì công việc đó mất đi tính thú vị và còn tạo nên sự mặc cảm, dằn vặt và do đó không còn cảm thấy hạnh phúc. Nếu cứ hùng hục làm việc bất kể ngày đêm để theo đuổi giàu sang và danh vọng thì cũng sẽ chẳng bao giờ hiểu được cái giá trị của hạnh phúc đích thực. Bởi một khi có tiền rồi, chúng ta vẫn muốn có nhiều hơn nữa vì ít có ai cảm thấy hài lòng với những gì mình đang nắm giữ trong tay.

Tiền bạc cũng tạo nên những áp lực nặng nề, gây những stress và làm cho các mối quan hệ của con người trở nên tồi tệ, đôi khi làm cho nhiều người trở thành cô đơn, khổ sở. Không nhất thiết cứ phải có thật nhiều tiền bạc, chỉ cần say mê với một thú vui tinh thần nào đó, bạn cũng đã tìm thấy được nhiều hạnh phúc. Tiền là gốc rễ của quỷ dữ, nó có thể phá hủy bất cứ mối quan hệ nào trong xã hội, dù là bạn bè, gia đình, đồng nghiệp hay vợ chồng.

Hạnh phúc không phải là chúng ta có bao nhiêu tiền, cũng không phải những tươi đẹp trôi qua trong quá khứ hay những hi vọng hão huyền vào tương lai. Hạnh phúc thật sự là ở chỗ ta sống với hiện tại và ta đang có hạnh phúc như thế nào. Chính tiền bạc đã tạo nên sự bất bình đẳng trong mối quan hệ giữa người và người, triệt tiêu tình người, làm con người trở nên xa lạ với nhau, do người có tiền tự kiêu, người không có tiền tự ti, tự ái.

Tiền bạc là nguyên nhân của mọi xích mích, bất hòa triền miên trong gia đình: tranh giành của cải nhau giữa cha mẹ và con cái, giữa anh em, giữa vợ chồng… Trong cuộc sống, có nhiều người quá đề cao tiền bạc mà xem thường tình nghĩa. Vì tiền bạc họ bất chấp thủ đoạn để đoạt lấy được nó. Họ cố thâu tóm thật nhiều tiền bạc và sống xa hoa, lãng phí. Những người như thế thật đáng chê trách.

Cần có được một thái độ đúng đắn đối với tiền bạc: Phải nhận ra được ranh giới và sự khác biệt giữa muốn và cần. Chúng ta cần tiền bạc, chứ không phải lúc nào cũng muốn tiền bạc. Không nên đánh đồng giá trị tài chính với giá trị của chính mình. Coi tiền bạc là phương diện chứ không phải mục đích của con người của cuộc đời. Cũng đừng để tiền bạc trở thành phương tiện điều khiển chính trong quan hệ với mọi người. Hạnh phúc có thể làm nên tiền bạc. Tiền bạc chưa hẳn đã mua được hạnh phúc trong cuộc đời này.

Cũng không nên quan niệm phi thực tế: Một túp lều tranh hai trái tim vàng. Cuộc sống luôn cần có tiền bạc để giữ vững đời sống tinh thần. Không ai có thể tồn tại một cách tự nhiên mà có được hạnh phúc đích thực.

Để sống cuộc đời có ý nghĩa hãy biết cân đối giữa tiền bạc và tình cảm. Không vì lòng tham tiền bạc mà đánh đổi cả hạnh phúc của mình và của người khác. Cũng không nên vì xem trọng tình cảm mà xem thường giá trị của tiền bạc.

Tuyển tập những bài văn hay lớp 12 tham khảo / Đọc Tài Liệu

Dàn ý nghị luận về mối quan hệ giữa tiền và hạnh phúc

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM