Dàn ý phân tích hình tượng bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt

Xuất bản: 02/09/2018 - Cập nhật: 09/04/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn chi tiết xây dựng dàn ý cho đề văn phân tích hình tượng nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.

Dàn ý phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt

I. Mở bài

- Kim Lân là một cây bút có tài, các sáng tác của ông hướng vào chủ đề chính là nhưng người nông dân và cuộc sống ở nông thôn Việt Nam.

- Tác phẩm Vợ nhặt: nằm trong tập truyện Con chó xấu xí, là bức tranh chân thực về nạn đói năm 1945, là sự ngợi ca tình người, tình mẫu tử, khát vọng sống.

- Bà cụ Tứ là đại diện cho vẻ đẹp của những người nông dân, người mẹ Việt Nam.

II. Thân bài

1. Giới thiệu nhân vật

+ Là một bà mẹ nghèo, già nua (lẩm nhẩm tính toán theo thói quen người già), là dân ngụ cư.

+ Ngoại hình: dáng đi lọng khọng, chậm chạp, run rẩy, vừa đi vừa ho húng hắng, lẩm nhẩm tính toán theo thói quen người già.

2. Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ

- Trước sự đon đả của đứa con trai ngờ nghệch “bà lão phấp phỏng”.

- Bà không hề hay biết chuyện anh con trai đã nhặt một người vợ về, thấy người đàn bà lạ trong nhà, bà rất ngạc nhiên: “quái, sao lại có một người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ?” “người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia?”, “sao lại chào mình bằng u?”

- Sau tất cả sự ngạc nhiên, bà đã hiểu ra “biết bao nhiêu cơ sự”, “mắt bà nhoèn đi”:

+ Bà thương, buồn tủi cho con trai phải lấy vợ nhặt, mà trong cảnh đói khát mới lấy được vợ “Chao ôi”, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm làm nồi ... còn con mình thì ...”.

+ Bà cũng thấy hờn tủi cho chính mình, có lỗi với con trai bởi không thể lo được chuyện dựng vợ gả chồng cho con chu đáo.

+ Bà cảm thương cho người đàn bà khốn khổ cùng đường mới phải lấy con trai bà, thương cho cả sự ngờ nghệch của đứa con trai: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được ... ”

- Bà mừng vì con trai đã yên bề gia thất: “các con đã phải duyên ... u cũng mừng lòng”, “cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên” chấp nhận đứa con dâu vừa được nhặt về.

- Bà cụ Tứ dần lo lắng cho cuộc sống các con sau này: “chúng nó có nuôi nhau sống qua được cơn đói khát này không”, “vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không”

- Bà đối xử tốt với nàng dâu mới bằng sự cảm thông, trân trọng:

+ Ân cần quan tâm con: “Con ngồi đây ... đỡ mỏi chân”,

+ Nói về tương lai với niềm lạc quan “biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời”

+ Bảo ban các con làm ăn: “khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà, ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có đàn gà cho xem”.

- Nhận xét: bà cụ Tứ là người mẹ nghèo hiền từ, chất phác, vị tha, nhân hậu, âm thầm hi sinh vì hạnh phúc của con. Bà là nhân vật tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp của người mẹ nghèo Việt Nam.

III. Kết bài

- Cảm nhận riêng về hình tượng bà cụ Tứ.

- Khái quát giá trị nghệ thuật: xây dựng tình huống truyện độc đáo, miêu tả tâm lí nhân vật nhuần nhuyễn, ngôn ngữ giản dị, gần gũi.

- Tác phẩm chứa đựng giá trị nhân đạo sâu sắc, phản ánh chân thực tình cảnh người nông dân trong nạn đói, mặt khác cũng phản ánh bản chất tốt đẹp và sức sống mãnh liệt của họ.

Tham khảo thêm một số bài văn mẫu hay phân tích hình tượng bà cụ Tứ trong Vợ nhặt do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tuyển chọn

Bài văn phân tích hay về nhân vật bà cụ Tứ dành cho học sinh tham khảo

    Vợ nhặt một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Kim Lân. Trong tác phẩm ta không chỉ nhớ về anh cu Tràng và chị vợ nhặt mà còn nhớ đến bà mẹ tảo tần, chịu nhiều vất vả. Bà cụ Tứ là hình ảnh bà mẹ nông dân Việt Nam trước 1945. Ở nhân vật này, Kim Lân không chú ý vào hành động mà đi sâu vào khai thác tâm trạng nhân vật, qua đó khẳng định tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của ông.

Diện mạo của bà cụ Tứ chỉ được tác giả phác họa bằng vài chi tiết “dáng đi lọng khọng, đôi mắt nghèn dử, vừa đi vừa húng hắng ho”. Nhưng chừng ấy cũng đã đủ để cho người đọc hình dung về một bà mẹ nhân dân lam lũ, vất vả đã bị cái đói cái nghèo đeo bám suốt cả cuộc đời.

Nhưng ngòi bút tập trung đi sâu miêu tả tâm lí bà cụ Tứ, đặc biệt là ở hai thời điểm: trong buổi tối cô vợ nhặt về nhà và buổi sáng hôm sau. Qua hai thời điểm đó đã cho thấy tài năng miêu tả tâm lí bậc thầy của Kim Lân.

Khi bà cụ Tứ nhìn thấy cô con dâu, bà ngạc nhiên đến mức ngỡ ngàng vì chưa bao giờ bà thấy con trai bà mong ngóng bà về đến vậy. Sự ngạc nhiên tạo nên tâm lí phấp phỏng khi bà theo anh cu Tràng vào nhà và thấy một người đàn bà lạ ngồi trong nhà. Đến lúc này sự ngạc nhiên của bà đã lên đến đỉnh điểm, bà tự hỏi: “Quái, sao lại có người đàn bà ngồi trong ý nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u”. Sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng đến mức bà không tin nổi vào mắt mình, phải dụi mắt để cho đỡ nhoèn.

Sau khi được anh con trai giải thích, tâm trạng bà ngổn ngang, rối bời. Bằng trái tim yêu thương của người mẹ, lòng bà dâng lên tình yêu thương con sâu sắc. Bởi bà hiểu người ta chỉ lấy vợ lấy chồng khi cuộc sống yên ổn, nhưng con bà lại lấy vợ vào thời điểm cái đói diễn ra ác liệt nhất. Cùng với đó bà nghĩ tủi cho phận người mẹ nghèo khi không làm tròn trách nhiệm lo lắng cho hạnh phúc của con. Tất cả những nỗi lòng ấy được dồn trong cái cúi đầu nín lặng. Sau tình yêu thương bà chuyển sang xót xa, lo lắng “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau vượt qua cơn đói khát này được không?”. Nạn đói đang hoành hành, những lo lắng của bà là hoàn toàn hợp lí. Từ lòng yêu thương, lo lắng cho con, tấm lòng nhân hậu của người mẹ còn chuyển sang người vợ nhặt. Dù Tràng không giới thiệu chi tiết, tỉ mỉ nhưng với kinh nghiệm sống của mình và hiểu đám cưới vội vã của người con dâu. Bà nhìn cô với ánh mắt đầy cảm thông, yêu thương: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ”. Như vậy bà không chỉ là hiện thân của tình mẫu tử thiêng liêng mà còn là hiện thân của tấm lòng bao dung, vị tha, sẵn sàng giúp đỡ những người có số phận bất hạnh, éo le.

Dù trong lòng ngập tràn nỗi xót xa, nhưng bà vẫn luôn nói nhưng điều vui vẻ, hạnh phúc với người con dâu mới: “ừ, thôi thì các con đã phải duyên, phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Câu nói vừa xóa đi cái ngượng ngùng cho người con dâu vừa là sự chào đón đầy ấm áp, nhân từ bà dành cho thành viên mới của gia đình. Dù miệng nói ra những điều phấn khởi, vui vẻ nhưng ám ảnh về cái đói, cái chết vẫn là quá lớn. Bởi vậy, khi chìm vào thế giới của riêng mình bà vẫn không khỏi lo lắng, xót xa, và không nén nổi thành dòng nước mắt chảy ròng ròng.

Trong buổi sáng hôm sau, Kim Lân tiếp tục đi sâu khai thác tâm lí bà cụ Tứ, đặc biệt nhấn mạnh vào niềm tin, khát vọng tương lai. Cùng với sự thay đổi của Tràng và cô vợ nhặt, bà cụ Tứ cũng có sự thay đổi rõ ràng. Tràng đã cảm nhận thấy người mẹ của mình có dáng vẻ khác hẳn mọi khi, không phải sự nhếch nhác, khổ sở mà thay vào đó là dáng điệu nhẹ nhõm, tươi tỉnh. Bà dậy sớm cùng con dâu quét dọn nhà cửa. Những hành động tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn lao, nó thể hiện sự vun đắp, chăm lo của người mẹ cho hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ.

Để tạo niềm tin và hi vọng vào tương lai cho vợ chồng Tràng, trong bữa cơm ngày đói bà lão toàn nói những chuyện sung sướng sau này. Sự tính toán của bà về việc mua lấy đôi gà để ngoảnh đi ngoảnh lại đã có đàn gà, khiến cho đôi vợ chồng có niềm tin vào tương lai. Nhưng dù dùng những câu chuyện vui, lạc quan thì bà lão vẫn không thay đổi được hiện thực là nồi cháo kia chỉ đủ cho mỗi người ăn hai lưng là hết. Và để vượt qua cái đói, bữa cơm đón cô dâu mới có thêm cả nồi cháo cám. Bưng nồi cháo cám ra, phản ứng tâm lí của bà vô cùng đáng thương, bà lật đật, lễ mễ, khuấy khuấy cùng với giọng nói đầy phấn khởi, để giấu bớt đi phần khắc nghiệt của hiện thực là bát cháo cám nghẹn ứ ở cổ. Những hành động đó của bà thật cảm động và đáng trân trọng.

Không phải ngẫu nhiên mà trong ba nhân vật, Kim Lân lại để một bà cụ gần đất xa trời nói về tương lai, nhưng điều tốt đẹp, sau đó còn ẩn chứa thông điệp: Dù thế nào cũng phải giữ lấy niềm tin và hi vọng. Đồng thời cũng là sự ngợi ca của tác giả trước sức sống khỏe khoắn, mãnh liệt của tâm hồn Việt. Người mẹ nghèo nhưng tính cách bao dung, nhân từ đã gieo mầm sự sống, hạnh phúc lứa đôi. Có thể coi bà cụ Tứ là điểm kết tinh của tác phẩm, thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc.

Bằng nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật bậc thầy, Kim Lân đã lách sâu ngòi bút của mình để thấy được vẻ đẹp tâm hồn, tấm lòng bao dung nhân hậu của bà cụ Tứ với đôi vợ chồng trẻ. Bà cụ Tứ chính là hình ảnh đẹp đẽ nhất, đại diện tiêu biểu cho hàng triệu bà mẹ Việt Nam. Đồng thời qua nhân vật này cũng thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc của Kim Lân.

/***/

Trên đây là phần hướng dẫn lập dàn ý chi tiết cho đề văn phân tích hình tượng bà cụ Tứ trong truyện Vợ Nhặt. Bên cạnh nhân vật bà cụ Tứ, để hiểu thêm về cách mà tác giả tôn vinh vẻ đẹp của con người Việt Nam, các em có thể tham khảo thêm các bài phân tích nhân vật Tràng hay nhân vật Thị trong tác phẩm.

Ngoài ra, đừng bỏ lỡ những bài văn mẫu hay do Đọc tuyển chọn trong mục tài liệu Văn mẫu 12 nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM