Dàn ý nghị luận Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng

Xuất bản: 06/04/2019 - Cập nhật: 30/08/2019 - Tác giả:

Lập dàn ý chi tiết đề văn nghị luận về ý nghĩa câu nói: Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng, bàn về khát vọng và tham vọng trong cuộc sống.

Dàn ý Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn giúp các em hình thành khung sườn nội dung cơ bản cho bài viết của mình. Từ đó, các em có thể dễ dàng triển khai được các luận điểm, luận cứ trong dàn ý thành bài nghị luận hoàn chỉnh. Cùng tham khảo ngay nhé !

Dàn ý nghị luận Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng

* Dàn bài ngắn gọn nhất

I. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng”.

  Ví dụ: Trong cuộc sống có bao điều khó khăn và phức tạp, những cám dỗ sẽ khiến bạn đôi lúc lạc đường và làm những điều sai trái. Chính vì thế đã có một câu nói khuyên rằng “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng”. Chắc có lẽ ai cũng đã từng nghe câu nói này, nhưng chưa hiểu rõ về ý nghĩa của câu nói này. Chúng ta sẽ đi tìm hiểu ý nghĩa của câu nói “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng”.

II. Thân bài

1. Giải thích ý nghĩa của câu nói

- Khát vọng là mong muốn làm nên những điều lớn lao, tốt đẹp cho bản thân, cho cuộc sống với một sự thôi thúc mạnh mẽ. Hướng tới khát vọng là hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và cho cộng đồng.

- Tham vọng là lòng ham muốn, mong ước quá lớn, vượt xa khả năng thực tế của con người, khó có thể đạt được của một người chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân. Tham vọng đôi khi chỉ gắn với dục vọng cá nhân. Tham vọng đôi khi là hại người khác để đem lại những lợi ích cho bản thân.

- “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng”: hướng tới sự khát vọng chính đáng, hướng tới những lợi ích của cộng đồng, của chung và phê phán những tham vọng chỉ đem lại lợi ích cho cái riêng, cho bản thân.

2. Ý nghĩa của sống hướng tới ước mong khát vọng

- Là một mục đích sống có ý nghĩa, mang tính tích cực và ý nghĩa của con người.

- Cách sông này sẽ đem lại một cuộc sông tươi đẹp và hoàn hảo

- Đem lại niềm vui cho con người, mang lại lợi ích chung, đóng góp phát triển đất nước và con người.

- Người có ý tưởng sống khát vọng là người biết mình là ai, đang làm gì. Họ có trái tim say mê lý tưởng, có đầu óc tỉnh táo, nhận thức đúng, sai, lợi, hại. Họ có thể điều chỉnh và làm chủ bản thân mình. Vì thế, họ tránh được rủi ro trong cuộc sống.

- Khát vọng tạo nên động lực, thôi thúc sự cố gắng của mỗi con người

3. Tác hại của sự tham vọng

- Tham vọng là sự ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân mình

- Khi có tham vọng, con người sẽ làm bất cứ điều gì để đạt được mục đích của bản thân mình

- Làm con người không có nhận thức đúng đắn, ảo tưởng

- Người có tham vọng sẽ bất chấp đúng sai, luật pháp, tình người để thực hiện bằng được ý muốn của mình. Vì thế, họ sẽ lãnh hậu quả khó lường

- Khi không thực hiện được tham vọng, con người sẽ trở nên thù ghét và có ý nghĩ xấu xa

- Tham vọng có thể dẫn con người đến con người trở nên tội lỗi, vi phạm pháp luật.

4. Bài học nhận thức và hành động

- Nhận thức được sự đúng đắn có ích của ước muốn khát vọng, phê phán lối sống tham vọng.

- Có ý chí vươn lên, sống có ý nghĩa

- Biết đấu tranh với tham vọng của bản thân

III. Kết bài:

- Nêu cảm nghĩ về câu nói “Hãy khát vọng đừng tham vọng”

Ví dụ: Câu nói “Hãy khát vọng đừng tham vọng” là một câu nói hết sức ý nghĩa. Câu tục ngữ khuyên ta có mục đích sống ý nghĩa, có ích cho cuộc sống và cho gia đình, cho xã hội. Chúng ta nên làm theo câu tục ngữ để xã hội được phát triển và tươi đẹp hơn.

» Xem thêm: Nghị luận Sống tức là thực hiện một cuộc hành trình không thể trì hoãn

*

Dàn bài chi tiết 1

I. Mở bài

- Là con người sống trong cuộc đời ai cũng có khát vọng và tham vọng . Tuy nhiên chúng ta cần phân biệt rõ giữa khát vọng và tham vọng đừng để sự nhầm lẫm giữa hai khái niệm này làm cho ta có những định hướng sai lầm.

II. Thân bài

1. Giải thích khái niệm

- Khát vọng: là mong muốn những điều lớn lao, tốt đẹp trong cuộc sống. Nó thôi thúc con người ta sống, nỗ lực để đạt đến điều đó. Khát vọng biểu tượng cho những gì lớn lao tốt đẹp mà con người ta hướng đến cho bản thân mình và cho cộng đồng.

- Tham vọng: là lòng ham muốn của con người, nhưng mong ước này quá lớn vượt qua khả năng của con người. Tham vọng dường như chỉ gắn với dục vọng cá nhân.

- Giá trị của khát vọng là những điều mà chúng ta nên hướng đến, để chúng ta đạt được giá trị của cuộc sống.

2. Bàn luận về giá trị của sống có khát vọng

- Khát vọng là biểu hiện mang tính tích cực của tâm lý, tốt đẹp của con người. Khát vọng xuất phát từ những mong ước làm nên cuộc đời hạnh phúc, không chỉ cho bản thân người đó mà cho những người xung quanh. Khát vọng thể hiện được giá trị cao đẹp của con người.

- Những con người có khát vọng luôn nhận thức mình là ai và có thể làm gì để giúp đỡ mọi người. Những người có khát vọng sống có trái tim say mê, luôn sống hết mình và hơn ai hết họ nhận thức được lợi hại. Và trong thực tế cuộc sống họ luôn tỉnh táo tránh được những rủi ro không đáng có.

- Khát vọng có thể thực hiện được có thể không nhưng chung quy lại nó luôn mang đến cho người ta sự lạc quan nhất định và hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho nhân loại.

3. Tác hại việc sống trong tham vọng:

- Tham vọng thường là những gì gắn với màu sắc tiêu cực. Khi con người quá ham muốn một điều gì đó thì sẽ nảy sinh ra tham vọng. Tham vọng xuất phát từ lợi ích của bản thâm từ lòng tham của con người. Những người mang tham vọng chỉ muốn lợi ích cho bản thân, đôi khi có thể chà đạp lên lợi ích của người khác để đạt được lợi ích của mình. Tham vọng sẽ làm mờ mắt con người.

- Có những tham vọng xa vời quá mức tưởng tượng sẽ làm cho con người ta bất chấp thủ đoạn để đạt được nó. Có khi con người có tham vọng, dã tâm quá lớn sẽ bất chấp đúng, sai luật pháp để thực hiện được mong muốn của mình.
Khi không thực hiện được tham vọng con người dễ rơi vào tâm lý xấu, bi quan, chán nản, thù ghét.

III. Kết bài

- Phê phán những người có lối sống tham vọng, sống không có khát vọng, sống như người thừa của xã hội. Những người bất chấp tất cả để dẫn đến con đường tội lỗi.

- Hiểu được ý nghĩa của khát vọng và tham vọng. Có ý thức nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, biến những thói xấu thành lối sống có khát vọng cao đẹp.

* Dàn bài chi tiết 2

I. Mở bài

+ Dẫn dắt, giới thiệu câu nói “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng”.

+ Nêu vấn đề cần nghị luận: bàn về khát vọng và tham vọng của con người trong cuộc sống

II. Thân bài

1. Giải thích các khái niệm

– Khát vọng là mong muốn những điều lớn lao, tốt đẹp với một sự thôi thúc mạnh mẽ. Hướng tới khát vọng là hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và cho cộng đồng.

– Tham vọng là lòng ham muốn, mong ước quá lớn, vượt xa khả năng thực tế của con người, khó có thể đạt được. Tham vọng đôi khi chỉ gắn với dục vọng cá nhân.

* Về thực chất,câu nói đó khẳng định giá trị của khát vọng hướng đến cái chung, phê phán những tham vọng chỉ đem tới cái riêng cho mỗi con người.

2. Phân tích, đánh giá bàn bạc vấn đề

* Phân tích ý nghĩa việc sống có khát vọng

– Khát vọng là một biểu hiện tâm lí mang tính tích cực, tốt đẹp của con người. Khát vọng xuất phát từ những mong ước làm nên cuộc đời hạnh phúc, không chỉ cho bản thân người đó mà còn cho những người xung quanh trong tương lai, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đất nước; (dẫn chứng thực tế)

– Người có khát vọng là người nhận thức đúng đắn bản thân mình là ai, mình có thể làm gì cho mình và cho mọi người. Họ có trái tim say mê lý tưởng, có đầu óc tỉnh táo, nhận thức đúng, sai, lợi, hại. Họ có thể điều chỉnh và làm chủ bản thân mình. Vì thế, họ tránh được rủi ro trong cuộc sống; (dẫn chứng thực tế)

– Khát vọng có thể thành hiện thực, có thể không. Khát vọng đem đến niềm tin, niềm lạc quan cho con người, tạo sức mạnh tinh thần để họ vượt qua thử thách; (dẫn chứng thực tế)

* Phân tích tác hại việc sống trong tham vọng

– Tham vọng là hiện tượng tâm lý ít nhiều mang sắc thái tiêu cực. Khi đó, con người quá ham muốn đạt điều gì đó lớn lao cho riêng mình. Tham vọng xuất phát từ sự ích kỉ, từ lòng tham. Người có tham vọng chỉ muốn lợi cho bản thân, đôi khi không quan tâm lợi ích của người khác. Khi bị tham vọng làm mờ mắt, con người có thể làm hại người khác để đạt mục đích đề ra; (dẫn chứng thực tế)

– Tham vọng xuất hiện khi con người không còn nhận thức đúng đắn về bản thân, mong ước những điều xa tầm xa với, ngoài khả năng của mình. Người có tham vọng sẽ bất chấp đúng sai, luật pháp, tình người để thực hiện bằng được ý muốn của mình. Vì thế, họ sẽ lãnh hậu quả khó lường; (dẫn chứng thực tế)

– Khi không thực hiện được tham vọng, con người dễ rơi vào tâm lý xấu, bi quan, chán chường, thù ghét. (dẫn chứng thực tế)

– Phê phán những người sống không có khát vọng, làm cho cuộc sống trở nên vô nghĩa, sống thừa; bị tham vọng làm cho mờ mắt, dễ đưa đến con đường tội lỗi, vi phạm pháp luật và đạo đức.

3. Bài học nhận thức và hành động

– Nhận thức: phải hiểu ý nghĩa của khát vọng và hậu quả của tham vọng;

– Hành động: Có ý thức nỗ lực vươn lên, biết tỉnh táo để điều chỉnh hành vi sai trái. Biết đấu tranh với chính mình, biến tham vọng ích kỉ thành khát vọng cao đẹp.

III. Kết bài

- Liên hệ thực tế, liên hệ bản thân.

» Tham khảo thêm: Nghị luận Hãy sống như thể ta chỉ còn một ngày để sống

Bài văn mẫu
hay bàn về khát vọng và tham vọng trong cuộc sống

Bạn sẽ chẳng làm được việc gì cho ra hồn, cuộc sống của bạn sẽ bình lặng trôi đi nếu không muốn nói là tẻ nhạt và vô nghĩa khi ngay từ lúc còn trẻ bạn chẳng có ước mơ, khát vọng gì. Khát vọng và tham vọng có một ranh giới thật mong manh. Trước một ước muốn nào đó của bạn, có người nói tớ có khát vọng nhưng lại có bạn nói tớ quá tham vọng.

Khát vọng là mong muốn lớn lao với sự thôi thúc mạnh mẽ, là hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và cả cộng đồng. Còn tham vọng lại là ham muốn quá lớn với khả năng thực tế của con người, nó gắn với dục vọng của cá nhân. Vậy giữa chúng có mối quan hệ thế nào? Cả khát vọng và tham vọng là những điều mà con người đều có trong cuộc sống, tuy nhiên lại có không ít điểm khác nhau. Và con người thực hiện nó vì những điều khác nhau, do đó kết quả mang lại cũng khác nhau. Hiểu rõ khát vọng và tham vọng của bản thân và làm chủ thì sẽ đạt được thành công và những điều mà mình mong muốn.

Vì sao giữa khát vọng và tham vọng lại có những điểm tương đồng? Trước hết đó là hiện tượng tâm lí của con người, là khi con người mong ước đạt được những điều lớn lao, tốt đẹp mà trong cuộc sống hiện tại chưa vươn tới. Hơn nữa lại đều là động lực làm nên sức mạnh để dẫn tới hành động, là chất kích thích giúp con người chảy trôi phát triển mà không quá bình yên hay buồn tẻ. Vậy sự khác biệt giữ khát vọng và tham vọng biểu hiện như thế nào? Khát vọng là biểu hiện tâm lí tích cực, có ý nghĩa cho bản thân gia đình và xã hội. Nét tương đồng quan trọng nhất giữa tham vọng và khát vọng là đều được bắt nguồn từ nguyện vọng:

Tham vọng = Lòng tham + Nguyện vọng

Ước vọng = Mong ước + Nguyện vọng

Nguyện vọng là cội nguồn của tham vọng và ước vọng của mỗi con người. Ai cũng mong muốn cho mình những nguyện vọng khác nhau trong đời như có gia đình hạnh phúc, có cuộc sống tốt, có con cái ngoan ngoãn, ba mẹ khỏe mạnh… thế nhưng để đạt được nguyện vọng của mình thì con người chúng ta phải biến nguyện vọng trở thành tham vọng hoặc ước vọng để có thể quyết tâm cố gắng và khao khát đạt được.

Tham vọng có ít nhiều mang màu sắc tiêu cực, đó là khi con người quá ham muốn đạt được điều gì đó lớn lao, xuất phát từ sự ích kỉ, lòng tham, chỉ có mong muốn làm những điều có lợi cho bản thân. Đôi khi không quan tâm đến lợi ích của người khác, thậm chí bị tham vọng làm mờ mắt. Có thể đó là một ước mơ, khát vọng không “mang tính khả thi” lắm với điều kiện, môi trường sống và khả năng thực tế của bạn. Song đó vẫn là một giấc mơ đẹp, giúp bạn coi nhẹ những khó khăn, thiếu thốn, trở ngại, chông gai thực tại mà nhìn về phía trước. Nó còn giúp cho tâm hồn bạn, trái tim bạn, suy nghĩ của bạn luôn trong trẻo, luôn rung lên và thấm đẫm chất nhân văn. Tham vọng sẽ khiến bạn như bị ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Bạn sẽ chẳng còn mắt để nhìn, tai để nghe và cái đầu để suy nghĩ cho tỉnh táo. Bạn sẽ trở thành nô lệ của cái ác, sẵn sàng làm điều xấu, điều ác…

Tham vọng xuất hiện khi con người không nhận thức đúng đắn của bản thân, ước những điều ngoài tầm với, người tham vọng bất chấp tất cả để thực hiện bằng được tham vọng của mình, thật đúng cho câu nói: Đời không lấy đi của ai tất cả và cũng không cho ai tất cả cái gì, đến khi nhận thất bại thì con người trở nên bi quan, tuyệt vọng, sống trong trạng thái bất an. Có rất nhiều người tỉnh táo nhận thức rõ ranh giới giữa khát vọng và tham vọng, để sống tốt hơn lên. Nhưng số ít trong xã hội lại có những người không có khát vọng khi đó cuộc sống sẽ trở nên tẻ nhạt, vô nghĩa.

Chúng ta có thể thấy rằng khi thiếu khát vọng hay quá tham vọng điều khiến cuộc sống vô nghĩa không thể vươn tới điều tốt đẹp. Thật vậy khát vọng là điều cần vươn tới và ngược lại thì tham vọng là điều cần chống chế không nên tiến tới của con người trong cuộc sống.

Bản thân chúng ta nhận thức rằng con người cần có khát vọng cao đẹp và nỗ lực để thực hiện. Khi giật mình nhận ra tham vọng chúng ta cần tỉnh táo để nhận ra bản thân, biến tham vọng thành khát vọng mãnh liệt. Hơn nữa, khi hiểu được ranh giới giữa khát vọng và tham vọng rất mong manh, chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn mới có thể trụ vững trên con đường đầy thăng trầm, để cùng nhau vươn tới những điều tốt đẹp. Mỗi khoảnh khắc sống trôi chậm lại chậm lại chút nữa để cảm nhận hạnh phúc dù trong cả lúc gục ngã, mỗi vấp ngã lại là một trải nghiệm, là một thành công mới sắp bắt đầu khi ta có khát vọng để vươn lên và dập tắt hoàn toàn tham vọng.

Sẽ có không ít người trong chúng ta đã từng rơi vào tình trạng đánh mất bản thân. Điều đó là dễ hiểu bởi sức cuốn của vòng xoáy xã hội này là quá lớn và không phải ai cũng đủ điềm tĩnh để nhìn nhận ra đúng sai của những giá trị nhân sinh trong cuộc sống. Nếu bạn cũng đang phát hiện ra mình đã để cho khát vọng trở thành tham vọng, thì đừng chần chừ, hãy nhanh chóng xác định lại mục tiêu thật sự của mình, dựa vào lý trí và loại bỏ tất cả những phương thức sai lầm đi. Hãy đến đích theo con đường đúng đắn nhất, khi ấy bạn sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc và sung sướng. Văng vẳng đâu đây lời cha dặn con trong lời một bài hát:

Và cha tôi mỉm cười bảo tôi là ngôi sao nhỏ thôi

Nhưng luôn nhớ giữ ước mơ trong tim mình

Hãy giữ con tim khao khát

Hãy giữ đôi chân vững bước.

-/-

Văn mẫu lớp 12 : Tuyển chọn những bài văn hay nhất trong chương trình lớp 12 / Đọc Tài Liệu

Dàn ý nghị luận Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM