Dàn ý so sánh hai đoạn thơ trong Tây Tiến và Đây thôn Vĩ Dạ
I. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về đoạn thơ và Hàn Mặc Tử, Tây Tiến và tác giả Quang Dũng
- Điểm gặp gỡ và khác biệt giữa hai đoạn thơ
II. Thân bài:
1. Phân tích hai đoạn thơ:
* Đoạn thơ Đây thôn Vĩ Dạ: Cảnh ban mai của thôn Vĩ và lòng người đang tha thiết nhớ mong
+ Câu hỏi tu từ “sao anh không về chơi thôn Vĩ” là lời mời mọc pha chút trách hờn của cô gái vừa là câu hỏi tự vấn của tác giả. Đại từ nhân xưng “anh” chỉ chủ thể trữ tình kết hợp nhiều tiếng thanh bằng tạo giọng điệu nhẹ nhàng và cũng đượm nỗi buồn của thi nhân.
+ Thôn Vĩ được nhìn từ hai góc nhìn trên cao và dưới thấp: nắng lung linh nhảy múa trên những hàng cao và dưới khu vườn cây trái sum suê.
+ “Nắng” là đặc sản của miền Trung đầy nắng gió, nhưng “nắng mới lên” là ánh nắng trong trẻo, gợi cảm cũng làm ấm áp tình người nơi xứ Huế.
+ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” cái nhìn ở khoảng cách gần và thân quen như nhìn thấy những kỉ niệm đẹp trong khu vườn ấy. “Ai” đại từ phiếm chỉ để nhắc đến gương mặt của một bóng hình xứ Huế hay những người đã từng gặp gỡ. “Mướt quá” mang sắc thái ngợi ca và cũng như tiếng reo vui của trẻ thơ, kết hợp với “xanh như ngọc” chỉ sắc thái xanh tươi, màu mỡ, sức sống tràn đầy của thiên nhiên thôn Vĩ”.
+ Con người xuất hiện giữa khung cảnh thiên nhiên nên thơ cũng thật kín đáo “lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Hình ảnh thơ đã biến cái cụ thể thành cái mơ hồ. Đằng sau lá trúc che ngang là khuôn mặt chữ điền phúc hậu, ngay thẳng - vẻ đẹp tâm hồn của con người xứ Huế.
=> Đoạn thơ tả cảnh đẹp hữu tình của thôn Vĩ lúc hừng đông cũng là tâm hồn nhạy cảm, yêu đời, yêu người nhưng luôn day dứt của tác giả.
* Đoạn thơ Tây Tiến: Bức tranh thiên nhiên miền núi Tây Bắc qua hồi ức của tác giả
+ Hai câu đầu là nỗi nhớ da diết về Tây Tiến bắt đầu bằng hình ảnh dòng sông Mã:
“Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Tiếng gọi “Tây tiến ơi” với từ cảm thán “ơi” kết hợp từ láy “chơi vơi” vang lên như tiếng gọi người thân yêu. Câu thơ ngân dài, bồi hồi vọng ra khắp không gian và truyền sâu vào khoảng thời gian xa vắng. Hai từ “xa rồi” của câu thơ thứ nhất và “nhớ” ở câu thơ thứ hai như một tiếng thở dài nuối tiếc của tác giả về quãng thời gian đầy kỉ niệm với sông Mã và đoàn quân Tây tiến. Đằng sau tiếng thở dài ấy là cả quãng trời kỉ niệm:
+ Kỉ niệm về núi rừng miền Tây hoang sơ, hiểm trở: núi non trùng điệp hiểm trở, vực sâu thăm thẳm, cồn mây heo hút, mưa rừng mù mịt…kết hợp với âm thanh hoang vắng, ghê rợn của hùm, beo “thác gầm thét, cọp trêu người”.
+ Hàng loạt những địa danh hẻo lánh gợi sự bí ẩn, xa xăm, dữ dằn: Mường Lát, Mường Hịch, Sài Khao, Pha Luông
+ Tuy nhiên cũng có lúc thiên nhiên gần gũi, thơ mộng và hiền lành: “hoa về trong đêm hơi” hình ảnh thơ lung linh gợi từ những ngọn đuốc soi đường trong những lúc hành quân. “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” câu thơ toàn thanh bằng như một tiếng thở phảo nhẹ nhõm. Câu thơ vẽ nên bức tranh lãng mạn trong màn mưa mờ đục ẩn hiện nhà ai thấp thoáng gơi cảm giác bình yên cho những người lính.
=> Bức tranh thiên nhiên hoang dã đậm chất núi rừng kì bí, gợi về quãng đường nguy hiểm, vất vả mà người lính Tây Tiến phải trải qua.
2. Sự tương đồng và khác biệt giữa hai đoạn thơ
* Tương đồng: thể thơ 7 chữ hiện đại; cảnh người và thiên nhiên hiện lên trong nỗi nhớ da diết và sự hồi tưởng của nhà thơ.
* Khác biệt:
+ Đây thôn Vĩ Dạ: Hồi ức về cảnh và người của thôn Vĩ với những nét đặc trưng mang nặng tâm tình, ước mong, khao khát của nhà thơ trước cuộc đời.
+ Tây Tiến: nỗi nhớ da diết về miền núi đồi Tây bắc hoang sơ, hùng vĩ, hiểm trở nhưng cũng có lúc thơ mộng. Đồng thời đó cũng là tình cảm gắn bó của người lính với đồng đội, cách mạng, vẽ nên một trang lịch sử hào hùng của dân tộc.
III. Kết bài: Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ.
***
Bài văn mẫu phân tích cảm nhận về hai đoạn thơ trích trong Tây Tiến và Đây thôn Vĩ Dạ
Những bài thơ xuất sắc của văn học Việt Nam thường có những câu thơ miêu tả thiên nhiên cảnh vật nhưng qua đó nói lên tâm trạng chủ thể. Tây Tiến và Đây thôn Vĩ Dạ chính là hai bài thơ như thế.
Nhà thơ Quang Dũng viết Tây Tiến với dòng hồi tưởng và những tình cảm về đoàn quân Tây Tiến của mình. Ở đó không chỉ vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc mà cả tình cảm của những người lính cũng đều được khắc họa. Nhà thơ đã miêu tả nỗi nhớ về những bóng hình con người trên vùng đất Tây Bắc, đó là dáng người tha thướt, uyển chuyển và đầy dịu dàng trên con thuyền độc mộc. Dáng người ấy liệu có phải là dáng người con gái đã từng e ấp trong điệu múa Viêng Chăn khiến nhà thơ khi về xuôi vẫn ấn tượng mãi không quên. Dáng người ấy cũng được miêu tả trong làn sương mờ ảo, trong cảnh vật nên thơ lãng mạn của một buổi chiều buồn. Thực tại đã không thể quay lại, đó là những hình ảnh mà nhà thơ chỉ có thể lưu giữ trong tâm trí vì vậy những tình cảm và cảnh tượng ấy càng trở nên đặc sắc nhưng cũng rất xa vời.
Với Hàn Mặc Tử, nhà thơ viết về nỗi nhớ và khát khao được về bên người thương của mình. Sống ở Bình Định xa xôi với căn bệnh hiểm nghèo, nhà thơ đã gửi nỗi nhớ thương và tình cảm tha thiết của mình với người con gái xứ Huế qua những giấc mơ và lời tự hỏi. Cảnh vật trong khổ thơ này được miêu tả với một nét buồn cô quạnh, trầm mặc, chia lìa: “Gió theo lối gió mây đường mây – Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”. Có thể vì người buồn cảnh có vui đâu bao giờ cho nên cảnh vật trong thơ Hàn Mặc Tử cũng bị ngăn cách, xa vời đầy cách trở. Chỉ có nhà thơ với nỗi nhớ bổi hổi, da diết cháy bỏng, khao khát được ngay lập tức về bên người mình thương. Cũng giống như Quang Dũng, nhà thơ Hàn Mặc Tử đang mơ về một giấc mơ xa vời và khó thành sự thực. Những con người ấy chỉ có thể xuất hiện trong giấc mơ ảo ảnh của chàng trai mà thôi.
Cả hai khổ thơ trong Tây Tiến và Đây thôn Vĩ Dạ đều sử dụng những hình ảnh ước lệ tượng trưng, đều mượn cảnh mà tả tình. Ở Tây Tiến là những hình ảnh thuyền độc mộc, dòng nước, nhành hoa thường thấy trong thơ Đường khi miêu tả sự chảy trôi, buông xuôi theo dòng đời thì ở Đây thôn Vĩ Dạ, đó là hình ảnh gió mây, sông, dòng nước, bóng trăng; cũng là những hình ảnh tượng trưng quen thuộc ấy nhưng cảnh vật dường như tâm trạng hơn, day dứt hơn. Qua đó, người đọc có thể thấy được tình cảm chân thành của người viết. Hẳn họ phải rất bứt rứt, rất trăn trở trong nỗi cô đơn và tâm trạng khi nhớ về cảnh vật và con người của vùng đất nơi mình từng gắn bó.
Qua hai đoạn thơ, người đọc đều có thể thấy được sự chia cắt giữa hai bờ, hai vùng đất của các chàng trai. Thế nhưng ở họ có một điểm chung đó là tình cảm thủy chung không thay đổi, là tình cảm cháy bỏng và mãnh liệt mà tác giả gửi đến vùng đất và con người nơi xa. Dù là một bài thơ tả cảnh mà đong đầy tình cảm, khiến người đọc rung động trong từng câu chữ. Đây quả là những tác phẩm đặc sắc không chỉ đối với hai tác giả Quang Dũng và Hàn Mặc Tử mà còn là những dòng thơ xuất sắc để lại cho thơ ca Việt Nam.
--------------------------------------------------------------------
» Xem thêm những bài văn hay khác: