Đại học Ngoại thương công bố 6 phương thức xét tuyển năm 2021

Xuất bản: 19/03/2021 - Tác giả:

Đại học Ngoại thương tuyển năm 2021 với 3.990 sinh viên theo 6 phương thức, trong đó bổ sung cách lấy kết quả đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia.

Ngày 19/3, Đại học Ngoại thương thông báo phương thức thứ nhất là kết hợp học bạ đối với thí sinh đạt giải quốc gia hoặc là học sinh trường THPT chuyên. Trường dành 25% chỉ tiêu cho phương thức này.

Nếu tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường (gồm Toán, Tin, Lý, Hóa, Văn, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Nhật), thí sinh phải đạt điểm trung bình 5 kỳ học (trừ kỳ II lớp 12) từ 8 trở lên.

Trường hợp đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi cấp tỉnh, thành phố hoặc là học sinh trường chuyên, thí sinh lần lượt phải có điểm học tập từng năm lớp 10, 11 và kỳ I lớp 12 tối thiểu 8 và 8,5; điểm trung bình 5 kỳ học này từ 8,5 và 9 trở lên.


Phương thức thứ hai là xét tuyển kết hợp học bạ và chứng chỉ quốc tế, chỉ áp dụng cho chương trình dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại với 28% chỉ tiêu.

Học sinh trường THPT chuyên nộp hồ sơ vào các chương trình dạy bằng tiếng Anh phải có IELTS 6.5 trở lên hoặc chứng chỉ khác tương đương, điểm học tập từng năm lớp 10, 11 và kỳ I lớp 12 tối thiểu 8 và điểm trung bình 5 kỳ này không dưới 8,5. Nếu có nguyện vọng vào ngành ngôn ngữ thương mại, thí sinh phải đảm bảo yêu cầu tương tự, trung bình học tập từng năm lớp 10, 11 và kỳ I lớp 12 từ 8 điểm trở lên.

Nếu là học sinh không chuyên, yêu cầu về chứng chỉ tiếng Anh không đổi nhưng điểm từng năm từ 8,5 và trung bình 5 kỳ từ 9 trở lên.

Ngoài ra, thí sinh cũng có thể đăng ký xét tuyển bằng cách đạt IELTS tối thiểu 6.5, ACT 27 hoặc SAT 1260 trở lên hoặc A môn Toán của chứng chỉ A-level, không cần sử dụng điểm học bạ.

Phương thức thứ ba, trường dành 7% chỉ tiêu để xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021. Phương thức này cũng chỉ áp dụng cho các chương trình dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.

Thí sinh cần đạt IELTS tối thiểu 6,5, điểm trung bình học tập từng năm bậc THPT từ 7,5 trở lên và điểm thi tốt nghiệp THPT thuộc ba tổ hợp (Toán - Lý, Toán - Hóa hoặc Toán - Văn) qua ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường.

Phương thức thứ tư dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, chiếm 30% chỉ tiêu. Thí sinh cần đảm bảo hai điều kiện: Tổng điểm thi của ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển phải qua điểm đầu vào của Đại học Ngoại thương, điểm trung bình từng năm bậc THPT từ 7 trở lên.

Phương thức thứ năm, Đại học Ngoại thương sẽ xét tuyển thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM. Phương thức tuyển sinh năm 2021 này sẽ  chiếm 7% tổng chỉ tiêu.

Điều kiện đối với thí sinh sử dụng phương thức này gồm: Điểm trung bình từng năm bậc THPT tối thiểu 7, điểm đánh giá năng lực không dưới 105/150 (đối với bài thi của Đại học Quốc gia Hà Nội) hoặc 850/1200 (với Đại học Quốc gia TP HCM).

Với phương thức thứ sáu, Đại học Ngoại thương dành 3% chỉ tiêu còn lại tuyển thẳng thí sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm ngoái, điểm chuẩn vào trường là 27-36,6. Tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), nhóm ngành Kinh tế - Quản trị của cơ sở TP HCM có điểm chuẩn cao nhất - 28,15, trung bình 9,3 một môn. Kế đó, nhóm ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại trụ sở chính Hà Nội có điểm trúng tuyển 36,6, trong đó ngoại ngữ nhân đôi, trung bình 9,15 điểm một môn.

Xem ngay:

>> Điểm chuẩn Ngoại thương cơ sở 1

>> Điểm chuẩn Ngoại thương cơ sở 2

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM