Đặc điểm nổi bật của truyện thơ dân gian qua đoạn trích Lời tiễn dặn

Xuất bản: 18/06/2024 - Tác giả:

Văn mẫu 11 Cánh diều hướng dẫn viết một đoạn văn phân tích và làm rõ một đặc điểm nổi bật của truyện thơ dân gian qua đoạn trích Lời tiễn dặn.

Truyện thơ dân gian là kho tàng văn hóa vô giá của dân tộc, chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc và những bài học quý báu về cuộc sống. Để hiểu rõ hơn những đặc điểm độc đáo của thể loại này, chúng ta cùng phân tích kỹ lưỡng các đoạn trích tiêu biểu, trong đó "Lời tiễn dặn" là một ví dụ điển hình. Bài viết này sẽ hướng dẫn em các bước để viết đoạn văn phân tích và làm rõ một đặc điểm nổi bật của truyện thơ dân gian qua đoạn trích "Lời tiễn dặn".

Khái quát về truyện thơ dân gian

Truyện thơ dân gian là gì?

Truyện thơ dân gian là một thể loại văn học dân gian, sáng tác dưới hình thức văn vần, thường xoay quanh đề tài tình yêu, hôn nhân; kết hợp tự sự với trữ tình, rất gần gũi với ca dao, dân ca; phát triển nhiều ở các dân tộc miền núi.

Những đặc điểm của truyện thơ dân gian

- Truyện thơ dân gian mang các đặc điểm của văn học dân gian: sáng tác tập thể, phương thức lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng, mang tính nguyên hợp.

- Truyện thơ dân gian có sự kết hợp giữa tự sự (yếu tố truyện) và trữ tình (yếu tố thơ).

- Về nội dung, truyện thơ dân gian thường mang tính giải trí như kể chuyện, hùng biện hay thần thoại.

- Cốt truyện của truyện thơ dân gian đa dạng, không thuần nhất, thường gồm ba phần: Gặp gỡ - Thử thách (hoặc Tai biến) - Đoàn tụ.

- Nhân vật của truyện thơ dân gian thường được phân theo loại (tốt - xấu, thiện - ác), được miêu tả qua những biểu hiện bên ngoài (diện mạo, hành động, lời nói) và qua tâm trạng.

- Ngôn ngữ trong truyện thơ dân gian đậm chất dân ca, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, nhạc điệu và các biện pháp tu từ, là ngôn ngữ của các làn điệu dân ca các dân tộc miền núi phía Bắc, gắn với nghi lễ của hát then, hát mo, ngôn ngữ của hát diễn xướng, hát giao duyên.

- Sử dụng ngôn ngữ thơ ca độc đáo, giàu hình tượng và sử dụng các tài nguyên ngôn ngữ cổ, phương ngữ để tạo ra sự màu sắc và tính thơ cao đẹp trong tác phẩm.

- Về hình thức, truyện thơ dân gian có độ dài tương đối dài, được xâu chuỗi từ nhiều câu thơ để tạo ra một câu chuyện đầy đủ, tường thuật chi tiết.

- Nhân vật trong truyện thơ có hai dạng: nhân vật trữ tình tự bạch và nhân vật được nhắc đến của người kể chuyện.

- Không gian trong truyện thơ là không gian bản làng, không gian sinh tồn của cộng đồng dân tộc, không gian sản xuất và chiến đấu của các tộc người, có địa chỉ cụ thể chứ không phải phiếm chỉ.

- Thời gian trong truyện thơ dân gian tùy thuộc vào tính chất của từng nhóm truyện (lịch sử, cổ tích hoặc trữ tình)

+ Trong truyện thơ kể về sự việc có liên quan đến lịch sử thì thời gian được phản ánh là thời gian lịch sử tương đối xác định.

+ Thời gian trong nhóm truyện thơ lấy từ sự tích cổ tích là thời gian của một đời người, cũng có thể kéo dài ra hình như vô tận trong kiếp bên kia sau khi chết.

+ Thời gian trong nhóm truyện thơ trữ tình lấy từ dân ca là thời gian của tâm trạng, thời gian diễn tiến của cuộc tình từ khi họ gặp nhau, yêu nhau, thậm chí lúc còn nằm trong bụng mẹ đến kết thúc cuộc tình.

Hướng dẫn phân tích một đặc điểm nổi bật của truyện thơ dân gian qua đoạn trích Lời tiễn dặn

Bước 1: Lựa chọn đặc điểm nổi bật của truyện thơ dân gian muốn phân tích.

- Được sáng tác dưới hình thức văn vần, xoay quanh đề tài tình yêu và hôn nhân.

- Có sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình.

- Cốt truyện xoay quanh số phận của hai nhân vật chính với số phận ngang trái, bất hạnh.

- Sử dụng hình ảnh thiên nhiên, đậm chất dân gian, nhiều hình ảnh thiên nhiên quen thuộc, gần gũi với đời sống người dân, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

- Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu, dễ đi vào lòng người.

- Có kết cấu đối đáp giữa chàng trai và cô gái, thể hiện sự giằng xé nội tâm và nỗi đau chia ly.

- ...

Bước 2: Lập dàn ý phân tích và làm rõ đặc điểm ấy thông qua đoạn trích Lời tiễn dặn

Mở đoạn: Giới thiệu khái quát về truyện thơ dân gian và đoạn trích "Lời tiễn dặn".

Thân đoạn:

- Nêu rõ đặc điểm nổi bật mà em đã chọn.

- Phân tích, chứng minh:

+ Dẫn chứng từ đoạn trích "Lời tiễn dặn" để làm rõ đặc điểm đó.

+ Giải thích ý nghĩa của các dẫn chứng.

+ Liên hệ với các truyện thơ dân gian khác (nếu có) để làm nổi bật hơn đặc điểm đang phân tích.

Kết đoạn: Khẳng định lại đặc điểm nổi bật và ý nghĩa của nó trong việc tạo nên sức hấp dẫn của truyện thơ dân gian.

Bước 3: Viết đoạn văn.

Dựa vào dàn ý đã gợi ý ở trên, em hãy viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh:

- Nhớ chọn đặc điểm nổi bật phù hợp với đoạn trích và nội dung truyện thơ dân gian, phân tích chi tiết, cụ thể các ví dụ trong đoạn trích để làm rõ đặc điểm.

- Kết hợp sử dụng các biện pháp nghệ thuật như so sánh, đối chiếu, liên tưởng để tạo sự thuyết phục.

- Viết văn phong mạch lạc, dễ hiểu, tránh sử dụng ngôn ngữ phức tạp, hàn lâm.

Bước 5: Kiểm tra và sửa lỗi

Sau khi viết xong, em hãy đọc lại đoạn văn để kiểm tra xem có lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp hay câu văn nào chưa được mạch lạc không. Nếu có, hãy sửa lại cho đúng.

7+ mẫu đoạn văn phân tích và làm rõ một đặc điểm nổi bật của truyện thơ dân gian qua đoạn trích Lời tiễn dặn

Dưới đây là một số đoạn văn mẫu phân tích và làm rõ một đặc điểm nổi bật của truyện thơ dân gian qua đoạn trích Lời tiễn dặn, các em có thể đọc tham khảo trước khi làm bài để mở rộng vốn từ ngữ khi trình bày.

Đoạn văn 1

Truyện thơ dân gian "Lời tiễn dặn" là một ví dụ điển hình cho sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố tự sự và trữ tình, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho tác phẩm. Ngay từ đầu đoạn trích, người đọc đã được dẫn dắt vào câu chuyện tình yêu của chàng trai và cô gái với những tình tiết cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, xen lẫn với mạch kể chuyện là những lời độc thoại nội tâm, những câu thơ bộc lộ cảm xúc mãnh liệt của chàng trai khi phải chia xa người yêu. (Dẫn chứng các câu thơ thể hiện nỗi đau, sự xót xa của chàng trai). Sự kết hợp này không chỉ giúp người đọc hiểu rõ diễn biến câu chuyện mà còn đồng cảm sâu sắc với tâm trạng của nhân vật. Chính yếu tố trữ tình đã thổi hồn vào câu chuyện, khiến nó trở nên sống động, chân thực và lay động lòng người.

Đoạn văn 2

Đoạn trích Lời tiễn dặn được coi là một trong những đoạn trích thể hiện rõ nét về những đặc sắc của thể loại truyện thơ dân gian mang lại. Nó là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình. Hình ảnh cô gái được hiện lên rõ nét qua quan sát và tâm trạng của chàng trai trên đường tiễn cô và thái độ chăm sóc ân cần của chàng trai khi cô gái ở nhà chồng. Sự đan xen giữa kể sự việc và miêu tả tâm trạng nhân vật là ưu thế nổi bật của truyện thơ. Đồng thời, các cấu trúc câu lặp lại, lối sử dụng điệp từ là đặc điểm nghệ thuật nổi bật trong đoạn trích. Một hành động, một tâm trạng khi được dùng với tần suất lặp lại với nhiều hình ảnh theo một cấu trúc ngữ pháp, nó sẽ khắc họa sâu sắc nội dung diễn tả hơn. Điều đó tạo tính chất phô diễn, giãi bày đậm chất trữ tình và tạo sự cân đối, nhịp nhàng, hài hòa về nhạc điệu. Ngoài ra, việc sử dụng các đại từ nhân xưng “anh yêu em”, “đôi ta yêu nhau”, các hô ngữ, mệnh lệnh thức “xin hãy”, “dậy đi em”,… cũng làm đoạn trích tăng tính chất trữ tình cho thể loại này.

Đoạn văn 3

"Lời tiễn dặn" là một đoạn trích đặc sắc trong kho tàng truyện thơ dân gian của dân tộc Thái. Tác phẩm không chỉ gây ấn tượng bởi câu chuyện tình yêu cảm động mà còn bởi cách sử dụng hình ảnh thiên nhiên đầy tính biểu tượng. Hình ảnh "con suối", "bóng cây", "con chim",... không chỉ là phông nền cho câu chuyện mà còn là những ẩn dụ cho tâm trạng và số phận của nhân vật. Con suối chia cắt đôi bờ như chia cắt đôi lứa yêu nhau, bóng cây in hình người yêu như nỗi nhớ khôn nguôi, con chim bay về phương xa như khát vọng tự do. Thiên nhiên trong "Lời tiễn dặn" không chỉ là thiên nhiên khách quan mà còn là thiên nhiên chủ quan, thiên nhiên của tâm hồn. Nhờ đó, đoạn trích đã khắc họa thành công nỗi đau chia ly và khát vọng hạnh phúc của nhân vật, đồng thời thể hiện rõ nét đặc trưng của truyện thơ dân gian là sự gắn bó mật thiết giữa con người và thiên nhiên.

Đoạn văn 4

Đoạn trích Lời tiễn dặn mang các đặc điểm của văn học dân gian. Bằng sự kết hợp giữa ngôn ngữ thơ dân gian đậm chất dân ca, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, nhạc điệu và các biện pháp tu từ cùng các hình ảnh quen thuộc, gần gũi với cách suy nghĩ, cảm nhận của người dân tộc Thái. Đoạn trích đã thành công xây dựng một câu chuyện bằng thơ về tình yêu đầy trắc trở giữa chàng trai và cô gái khi cô gái phải đi lấy chồng và chịu rất nhiều những khổ đau nhà chồng mang lại. Văn bản hướng vào đề tài, chủ đề tình yêu lứa đôi với cốt truyện đi từ gặp gỡ đến thử thách (hoặc tai biến), cuối cùng là đoàn tụ. Nhân vật trong đoạn trích cũng được phân theo loại (tốt - xấu, thiện - ác), qua những biểu hiện bên ngoài và qua tâm trạng của nhân vật "Anh", nhân vật xấu, ác ở đây đó là gia đình chồng của cô gái còn nhân vật thiện, tốt là chàng trai và cô gái. Tóm lại, chúng ta cảm nhận một cách tình yêu mãnh liệt, tha thiết, khát khao được bên cạnh người mình yêu của chàng trai.

Đoạn văn 5

Tình yêu là những gì thiêng liêng nhất, đẹp nhất của cuộc sống này mà loài người may mắn được tạo hóa ban tặng. Bởi nó là thứ vô giá, nên không phải ai cũng dễ dàng có được. Trong xã hội phong kiến, bao người khao khát có được tình yêu, chỉ mong mỏi một điều giản đơn rằng được ở cạnh người mình yêu, để rồi đối mặt với hiện thực là không thể. Những con người ấy chỉ biết âm thầm quan sát, dõi theo bước chân của người yêu và luôn cố gắng vượt qua mọi trắc trở để giành lại hạnh phúc của mình. Đó cũng chính là chủ đề và nội dung chính của truyện thơ "Lời tiễn dặn" của dân tộc Thái, truyện đã bộc lộ rõ nét tâm trạng đau khổ, bất lực, ngậm ngùi của một chàng trai khi tiễn bước người yêu về nhà chồng, và khao khát cùng nhau vượt bao sóng gió để được đoàn tụ bên nhau.

"Tiễn dặn người yêu" (nguyên văn tiếng Thái: Xống chụ xon xao) là một trích đoạn trong truyện thơ đặc sắc, tiêu biểu nhất của dân tộc Thái giữa một kho tàng văn học các dân tộc thiểu số. Truyện thơ là những truyện dài kể bằng thơ, có sự kết hợp ăn ý, hài hòa giữa hai yếu tố tự sự và trữ tình. Một trong hai chủ đề nổi bật của thể loại này là khát vọng tự do yêu đương và hạnh phúc lứa đôi. Và cốt truyện mang chủ đề thường trải qua ba cột mốc như sau: Đôi nam nữ yêu nhau tha thiết - Tình yêu bị ngăn cấm rồi tan vỡ, đau khổ - Tìm mọi cách vượt lên tình cảnh ngang trái để được ở cạnh nhau (bằng cách chết cùng nhau hoặc cùng nhau vượt khó khăn để được bên nhau).Và bài thơ "Lời tiễn dặn" có kết thúc theo cách thứ hai.

Một trong những điều đau khổ nhất trong cuộc đời là không thể cùng sống hạnh phúc với người mình yêu. Đó cũng chính là tâm trạng, nỗi khổ tâm của cô gái trong truyện, được chàng trai cảm nhận với cả tấm lòng. Cô gái bịn rịn, lưu luyến, không muốn xa rời người yêu qua những hành động cụ thể:

"Vừa đi vừa ngoảnh lại,
Vừa đi vừa ngoái trông,
Chân bước xa lòng càng đau nhớ.
Em tới rừng ớt ngắt lá ớt ngồi chờ,
Tới rừng cà ngắt lá cà ngồi đợi,
Tới rừng lá ngón ngóng trông".

Những hành động "ngoảnh lại, ngoái trông" chẳng phải bộc lộ rõ chúng ta đang chờ đợi một ai đó sao? Đúng vậy nàng đang chờ đợi được gặp mặt chàng trước khi trở thành vợ của một người khác. Kèm theo đó, là một loạt hành động tiếp theo (ngắt lá ớt, ngắt lá cà) mục đích duy nhất chỉ là muốn chờ đợi người yêu. Qua mỗi cánh rừng đều dừng lại để ngắt lá, người con gái muốn níu kéo thời gian dài ra, khát khao muốn được gặp lại người yêu thêm chút nữa. Tất cả những điều đó qua ánh mắt, qua hành động thể hiện rõ tâm trạng đau khổ, nỗi lòng xót xa, quyến luyến không muốn rời xa, kết thúc mối tình tuyệt đẹp của mình.

Thông thường, những người khi yêu nhau thì sẽ có một mối tương thông là thần giao cách cảm. Có lẽ, chàng trai cảm nhận được người yêu đang cần mình, như hai người đã hẹn nhau từ trước, chàng trai đã tới những nơi người yêu mình từng đi qua:

"Anh tới nơi, em bẻ lá xanh em ngồi;
Được nhủ đôi câu, anh mới đành lòng quay lại,
Được dặn đôi lời, anh yêu em mới chịu quay đi".

Lời tiễn dặn nghe sao mà da diết, day dứt quá. Anh cũng như chị, cũng muốn níu dài thêm những giây phút bên nhau nên mới cố tình dặn dò thêm đôi ba câu để được gần chị đôi chút. Ngôn ngữ xưng hô của người Thái nghe sao mà ngọt ngào quá. Anh xưng "anh yêu em ý nói anh yêu của em" và anh cũng gọi chị là "người đẹp anh yêu" ngay từ câu thứ hai của bài thơ, thể hiện tình yêu anh dành cho chị vẫn còn nguyên vẹn, vẫn mặn nồng, sâu sắc dù cho giờ đây chị đã cất bước theo chồng.

Dĩ nhiên khi yêu ai đó ngoài việc muốn được ở bên nhau còn luôn mong muốn lúc nào cũng cảm nhận được có người yêu ở bên để đỡ phải nhung nhớ. Và người Thái cũng thế nên mới có một phong tục như sau:

"Xin hãy cho anh kề vóc mảnh,
Quấn quanh vai ủ lấy hương người,
Cho mai sau lửa xác đượm hơi
Một lát bên em thay lời tiễn dặn!"

Theo phong tục hỏa táng của người dân tộc Thái xưa, khi con người chết đi linh hồn muốn siêu thoát cần có hương của người mà mình yêu thương nhất. Vì thế, chàng trai nghĩ rằng không lấy được người mình yêu coi như rằng cả đời này sẽ không có ai yêu, vì vậy trong giây phút này, khi chàng còn gần nàng thì muốn được quấn lấy, gần sát nàng để mong còn lưu luyến hương thơm của người yêu để sau khi chết sẽ không trở thành kẻ cô đơn, lạc lõng.

Ai mà không mong sau khi lấy được người mình yêu thì có thể cùng nhau xây dựng một tổ ấm viên mãn, hạnh phúc bên bạn đời. Thế nhưng, có mấy người đàn ông nào được như anh, vì yêu chị mà tấm lòng vị tha, bao dung của anh đã vượt cả giới hạn thông thường:

"Con nhỏ hãy đưa anh ẵm,
Bé xinh hãy đưa anh bồng,
Cho anh bế con dòng, đừng ngượng,
Nựng con rồng, con phượng, đừng buồn".

Mất người yêu đã đành đằng này nhìn người yêu có con với một người khác, mà tình yêu của chàng trai đối với cô gái không hề thuyên giảm, thể hiện qua hành động anh bế bồng đứa con không phải của mình vô cùng nâng niu, âu yếm và đầy tình thương. Có thể thấy, tất cả những gì liên quan đến chị, thì anh vô cùng trân trọng mà hết lòng yêu thương. Sự vị tha, bao dung ấy là bằng chứng cho tình yêu bền vững, kiên định mặc cho giờ đây cô đã tay bồng, tay mang.

Kết thúc phần một, là lời thề nguyền vô cùng chắc chắn với người con gái anh yêu:

"Đôi ta yêu nhau, đợi tới tháng Năm lau nở,
Đợi mùa nước đỏ cá về,
Đợi chim tăng ló hót gọi hè.
Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông,
Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già".

Lời thề nguyền vô cùng chắc chắn thể hiện qua thời gian cụ thể, những hình ảnh vô cùng trữ tình ngọt ngào minh chứng cho tình yêu sắt đá của anh dành cho chị. Qua cách lấy mốc thời gian từ đầu đến cuối năm (mùa xuân đến mùa đông) đó chính là một quãng đời người, cụ thể là cuộc đời của anh ngoài chị ra sẽ không yêu bất cứ ai khác. Tiếp đến là cột mốc từ "thời trẻ đến khi "góa bụa về già". Đối với chàng trai việc đến với nhau không bao giờ là muộn, vì thế nếu tuổi thanh xuân không được ở bên nhau thì khi "đầu bạc răng long" ta sẽ đoàn tụ. Bên cạnh đó, tác giả đã sử dụng nghệ thuật điệp cấu trúc "Không lấy được nhau... ta sẽ lấy nhau" khẳng định sự quyết tâm đến cùng, sẽ tìm mọi cách để được ở bên người anh yêu.

Khi yêu người ta luôn mong muốn có thể khiến cho người yêu luôn hạnh phúc. Thế nhưng chàng trai này đã không thể làm được điều đó. Đó chính là nỗi đau khổ, luôn dằng xé trong tâm tư của chàng trai khi chứng kiến cô gái bị đánh đập, hành hạ ngay trước mắt, giờ đây anh chỉ còn có thể làm một việc duy nhất là chăm sóc, an ủi bên cô trong giai đoạn cay đắng này:

Dậy đi em, dậy đi em ơi!
Dậy rũ áo kẻo bọ,
Dậy phủi áo kẻo lấm!
Đầu bù anh chải cho,
Tóc rối đưa anh búi hộ!
Anh chặt tre về đốt gióng đầu,
Chặt tre dày, anh hun gióng giữa,
Lam ống thuốc này em uống khỏi đau".

Vì muốn một lòng chung thủy son sắt với người yêu, nên có lẽ cô gái đã phản kháng, làm trái với đạo lý của một người con dâu, chỉ để mong bị đuổi, trả về nhà, đoàn tụ với người yêu. Đương nhiên, cô phải trả giá cho những điều đó. Cô bị đánh đập, hành hạ và bị đối xử như người ở trong nhà. Tất cả những việc cô làm, chàng trai đều hiểu hết, giờ đây trong chàng là một nỗi xót xa, bất lực cùng cực, chỉ còn có thể đứng đằng sau mà vỗ về, an ủi, tận tình chăm sóc sau những trận đòn roi của gia đình chồng.

Không phải chỉ có một mình cô gái đang chiến đấu, đấu tranh để được quay về bên chàng trai, anh muốn nói với cô rằng dù cho có chuyện gì xảy ra thì cô sẽ không một mình, luôn có anh ở bên cô cùng cô vượt qua mọi sóng gió:

"Tơ rối đôi ta cùng gỡ,
Tơ vò ta vuốt lại quay guồng;
Quay lại guồng gỗ tốt cán thuôn,
Về với người ta thương thuở cũ".

Những hình ảnh "tơ rối ta cùng gỡ, tơ vò vuốt lại" là minh chứng cho câu hứa chàng sẽ cùng người yêu đối mặt mọi sóng gió, luôn là chỗ dựa vững chắc cho cô mỗi khi gặp trắc trở. Sức chịu đựng của con người là có giới hạn, tức nước thì vỡ bờ. Thực tế quá cay đắng, chàng trai quyết tâm muốn phá vỡ mọi quy tắc, giành lại người yêu được thể hiện qua những hình ảnh về cái chết:

"Chết ba năm hình còn treo đó;
Chết thành sông, vục nước uống mát lòng,
Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm,
Chết thành bèo, ta trôi nổi ao chung,
Chết thành muôi, ta múc xuống cùng bát".

Chết là khi con người ta đã tới bước đường cùng, không thể làm gì được nữa, quá bức xúc với hiện thực cuộc sống. Nhưng cặp đôi này lại không lựa chọn phương án đó mà trái ngược là thái độ quyết tâm sống hạnh phúc, sống mạnh mẽ, cùng nhau phá vỡ rào cản xã hội phong kiến khắt khe để đi đến con đường tình yêu của hai người. Sử dụng hình ảnh cái chết, chỉ để càng khẳng định sức sống mãnh liệt, muốn đoàn tụ bên nhau của hai người.

"Có công mài sắt, có ngày nên kim". Kiên trì mài giũa tình yêu cùng với niềm tin tưởng tuyệt đối sẽ đem đến niềm tin về cái kết có hậu như một câu chuyện cổ tích ngọt ngào:

Đôi ta yêu nhau, tình Lú - Ủa mặn nồng,
Lời đã trao thương không lạc mất;
Như bán trâu ngoài chợ,
Như thu lúa muôn bông.
Lòng ta thương nhau trăm lớp nghìn trùng,
Bền chắc như vàng, như đá.
Yêu nhau, yêu trọn đời gỗ cứng,
Yêu nhau, yêu trọn kiếp đến già,
Ta yêu nhau tàn đời gió, không rung không chuyển,
Người xiểm xui, không ngoảnh không nghe".

Bằng biện pháp tu từ so sánh, tác giả đã khiến cho ta thêm biết được các phong tục, tập quán vô cùng đặc sắc của người Thái, và những câu chuyện tình yêu ngọt ngào của các cặp đôi dân tộc Thái. Sau bao sóng gió, nỗ lực giành lấy hạnh phúc, cuối cùng hai người đã đoàn tụ, được sống bên nhau trọn vẹn. Sức mạnh tình yêu chân chính sẽ khiến cho họ có một kết thúc vô cùng có hậu.

Cái kết của họ chính là niềm tin vào một tình yêu chân chính. Nó có thể khiến những điều tưởng chừng không thể thành có thể. Họ sẽ cùng nhau vượt qua mọi gian nan, biến cố của cuộc đời này để nhận lại những gì xứng đáng nhất. Chàng trai thực hiện được đúng lời hứa của mình bằng tất cả lòng yêu thương, sự tin tưởng, ý chí kiên định với tình yêu sắt đá của hai người. Câu chuyện của hai người là một bằng chứng sống của niềm tin vào tình yêu chân chính trong xã hội xưa khắc nghiệt. Thông qua đó, đoạn trích còn phản ánh một hiện thực khắc nghiệt chính là những phong tục, tập quán cổ hủ, lạc hậu khi xưa khiến cho tình yêu chân chính bị ngăn cấm, làm cho nhiều mối tình bị tan vỡ vì những định kiến khắt khe và vô lý của xã hội phong kiến miền núi. Đồng thời tác giả bày tỏ tiếng nói, khát vọng được tự do yêu đương, tự quyết định bạn đời, cuộc sống hôn nhân của các cặp đôi người Thái.

Đoạn văn 6

Đoạn trích "Lời tiễn dặn" trong truyện thơ dân gian cùng tên đã thể hiện rõ nét một đặc trưng nổi bật của thể loại này, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố tự sự và trữ tình. Mạch truyện được dẫn dắt qua lời chàng trai, kể lại quá trình gặp gỡ, yêu thương và nỗi đau chia ly khi cô gái về nhà chồng. Tuy nhiên, xen lẫn với diễn biến câu chuyện là những lời tâm tình, những cảm xúc dạt dào của chàng trai dành cho người yêu. Những câu thơ như "Trên đường anh dắt em về/ Tay êm tay dắt lối che bụi hồng" hay "Dậy đi em, anh thương em lắm/ Mai sau anh lên với em" không chỉ đơn thuần kể chuyện mà còn là lời tỏ tình tha thiết, chứa đựng nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi. Sự đan xen giữa kể và bộc lộ cảm xúc này đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho truyện thơ dân gian, vừa giúp người đọc theo dõi câu chuyện, vừa đồng cảm sâu sắc với tâm trạng của nhân vật. Qua đó, đoạn trích "Lời tiễn dặn" không chỉ là câu chuyện tình yêu đơn thuần mà còn là bức tranh sinh động về tình cảm con người, mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc.

Đoạn văn 7

Đoạn thơ để lại ấn tượng sâu sắc trong em là:

“Chết ba năm hình còn treo đó;

Chết thành sông, vực nước uống mát lòng

Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm,

Chết thành bèo, ta trôi nổi ao chung,

Chết thành muôi, ta múc xuống cùng bát,

Chết thành hồn, chung một mái, song song.”

Với việc sử dụng điệp cấu trúc “Chết…” làm nổi bật lời thề nguyền của chàng trai đã lên đến tận cùng, Chàng trai khẳng định dù biến thành bất cứ hình dạng, dáng vẻ nào, hai người vẫn sẽ ở bên nhau, vai kề vai sánh đôi. Cái chết tưởng chừng như hết nhưng khi đặt trong hoàn cảnh này, nó như trở thành một sự giải thoát cho cả hai, sẽ đưa họ đến bên nhau mà không ai có thể ngăn cách. Cách nói đầy hình ảnh này nhằm nhấn mạnh tình yêu mà chàng trai dành cho cô gái, nó dường như đã vượt ra khỏi ranh giới giữa sự sống và cái chết, tìm kiếm hy vọng trong sự tận cùng, chỉ vì muốn được ở bên nhau dù trong bất cứ thân phận nào. Tình cảm ấy thật mãnh liệt, nồng cháy, một tình yêu bất diệt trước mọi hoàn cảnh khiến người đọc không khỏi xúc động, cảm thông cho hoàn cảnh của chàng trai.

(Tác giả: Hà Quang Minh)

-/-

Trên đây là những gợi ý của Đọc tài liệu cho cách viết đoạn văn phân tích và làm rõ một đặc điểm nổi bật của truyện thơ dân gian qua đoạn trích Lời tiễn dặn. dành cho các em tham khảo. Ngoài ra, đừng quên tìm đọc các bài Văn mẫu lớp 11 khác do chúng tôi biên soạn để cải thiện kĩ năng viết văn cho các em.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM