Hướng dẫn trả lời câu hỏi Chuẩn bị đọc soạn bài Mùa thu về Trùng Khánh nghe hạt dẻ hát trang 82 sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập 1 Chân trời sáng tạo.
Câu hỏi Chuẩn bị đọc trang 82 SGK Ngữ Văn 7 tập 1 Chân trời sáng tạo
Chi tiết câu hỏi: Em hãy chia sẻ trải nghiệm của mình về sản vật đặc trưng cho một vùng đất.
Gợi ý trả lời:
Các em có thể chia sẻ lại trải nghiệm về bất kì sản vật đặc trưng nào ở chính địa phương nơi mình sống hoặc ở một địa phương nào khác mà em từng có dịp đến thăm (Ví dụ: cốm làng Vòng, phở bò Nam Định, nhãn lồng Hưng Yên, vải Lục Ngạn, bánh cáy Thái Bình...)
Ví dụ mẫu:
(1) Nói đến đặc sản của đất Thái Bình thì không thể không nhắc tới bánh cáy. Đây vốn là thức bánh dân dã với hương vị rất đặc trưng được làm từ đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Nguyễn, xưa kia còn được dùng như một sản vật để tiến vua.
Bánh cáy có nguồn gốc từ làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Khi ăn, người thưởng thức sẽ cảm nhận được vị ngọt, bùi, lại có chút béo đan xen cùng với độ giòn, lại vừa dẻo vừa dai. Thú vị hơn nữa là lại được nhâm nhi bên ấm trà xanh nóng trong tiết trời se se lạnh, vị trà ấm kết hợp với vị cay nóng của gứng trong miếng bánh sẽ khiến người ăn cảm thấy ấm dạ, khoan khoái.
Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng bánh cáy được làm từ con cáy bởi trong dân gian cũng có truyền thuyết cho rằng bánh cáy là do thần cáy ở biển ban cho. Tuy nhiên, trên thực tế, bánh cáy là một loại bánh được làm từ gạo nếp, vừng, lạc kết hợp thêm các loại lá, quả để tạo ra các màu trắng, xanh, vàng cho miếng bánh. Có thể nói, đây là loại bánh rất đặc trưng mà ngoài Thái Bình ra không nơi nào có được.
(2)
Thành phố Nam Định nhỏ bé, nhưng văn hóa ẩm thực ở đây lại vô cùng phong phú, nào phở bò Nam Định, bánh gai Bà Thi, kẹo sìu châu, bánh nhãn Hải Hậu, bánh cuốn làng Kênh, nem nắm Giao Thủy, bánh mỳ Ba Lan, nào xíu báo, xôi xíu lạp xưởng, bánh mỳ pate,…Những món ăn đơn giản, mộc mạc như chính đất thành Nam, nhưng nếm thử rồi chắc chắn sẽ nhớ mãi.
Ắt hẳn, món phở bò Nam Định đã quá quen thuộc với nhiều thực khách, nhưng cái món xôi xíu lạp xưởng ( hay còn gọi xôi xíu) của đất thành Nam này vẫn còn xa lạ với nhiều người.
Cũng chẳng biết món xôi xíu này xuất hiện ở Nam Định từ bao giờ, chỉ biết rằng, khắp các đường của thành phố bạn chắc chắn sẽ dễ dàng tìm thấy món xôi này. Sẽ thấy những cô bán hiền lành, vồn vã bên cái bàn kê cao cao, bày đủ món xôi, chè, sữa đậu… Giống như xôi trứng, xôi ruốc, xôi lạp xưởng,… xôi xíu lạp xưởng là món xôi trắng, dùng kèm với thịt xá xíu, lạp xưởng, và nước sốt thịt nhưng nó vẫn tạo nên một phong vị riêng, mà không thứ xôi nào có được.
Nam Định vốn nổi tiếng với đặc sản gạo Hải Hậu. Gạo làm món xôi xíu này cũng là loại gạo nếp thật ngon, hạt tròn, căng mọng, để xôi được thành thứ xôi dẻo thơm, đượm vị nắng, đượm vị quê. Thịt xíu ăn kèm, phải được tẩm ướp vừa vặn, nạc và mềm. Lạp xưởng chủ yếu được mua ngoài, nhưng đều phải chọn loại ngon đậm đà. Và điều làm nên sức hút riêng của món xôi xíu thành Nam này, có lẽ chính là nhờ thứ nước sốt thịt thơm ngon, mà mỗi hàng, thường có một bí quyết riêng.
Trộn đều bát xôi, nếm thử một miếng, bạn sẽ thấy, mùi vị thịt xíu, hòa quyện với lạp xưởng, gạo nếp dẻo thơm, vị cay cay của tiêu, nước sốt thịt ngọt, lại đậm đà, dùng thêm một ly sữa đậu nành, cũng đủ để bạn bắt đầu một ngày mới.
Các câu hỏi khác trong bài
- Em hình dung thế nào về cảnh được tả trong đoạn văn này
- Đoạn văn gợi cho em suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên?
- Đọc văn bản Mùa thu về Trùng Khánh nghe hạt dẻ hát, em cảm nhận được điều gì về cái tôi của tác giả Y Phương.
Hướng dẫn soạn văn 7 Chân trời tại Doctailieu.com