Cảm nhận về nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao

Xuất bản: 27/05/2019 - Cập nhật: 29/11/2021 - Tác giả: Giangdh

[Văn mẫu 11] Cảm nhận về nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí phèo để làm sáng tỏ hơn cái xã hội tăm tối phong kiến muốn nhấn chìm những kẻ vô tội đó nhưng ẩn sâu trong họ vẫn tồn tại một tình yêu thuần khiết, sự cảm thông của những kẻ sống dưới đáy xã hội

Cảm nhận về hình tượng nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí phèo để thấy được dù bị đè nén, bị chà đạp khi sống trong cái xã hội đen tối thì cái tình người, sự cảm thông và tình yêu thuần khiết giữa con người với con người vẫn luôn tồn tại

----------

Những bài văn mẫu hay cảm nhận về nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo

Bài văn mẫu 1

Vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật Thị Nở

Chí Phèo“ là một trong những sáng tác sớm nhất của Nam Cao về đề tài làng quê Việt Nam và người nông dân. Các nhân vật trong tác phẩm của ông đều hướng về số phận bi đát của những người nghèo khổ, bị bần cùng hóa. Chí Phèo qua ngòi bút của Nam Cao hiện lên là một con quỷ dữ chứ không phải là con người nữa. Đã là quỷ thì làm gì có ai dám động chạm, làm gì có ai dám gần gũi nữa. Ấy vậy mà Thị Nở đã dám và làm được. Người phụ nữ bất hạnh, hiện ra với biết bao chuẩn mực của cái xấu ấy đã cảm hóa được con quỷ dữ của làng Vũ Đại, cảm hóa được những cơn say triền miên và kéo dài của hắn, chính thị đã khơi dậy lại bản tính lương thiện, hiền lành vốn có của hắn.

Con người ta trước khi trở thành kẻ xấu thì ai cũng là người tốt, chỉ khi bị dồn ép vào nước đường cùng, không còn sự lựa chọn nào khác, con người ta mới thay đổi và trở nên độc ác hơn để chống chọi với thời cuộc mà thôi. Thị Nở đã làm được điều mà không ai dám chợt nghĩ đến chứ đừng nói là làm, có nên gọi thị là thiên thần? Vì chỉ có thiên thần mới cảm hóa được quỷ dữ mà thôi. Thị Nở – một nhân vật xuất hiện trong truyện của nhà văn Nam Cao, xuất hiện và mang lại biết bao cảm nhận riêng cho người đọc. Có người đọc sẽ thấu hiểu và thương xót, đau đớn thay cho thị nhưng cũng có những người cười nhạt và coi đó như một câu chuyện cười châm biếm.

Qua ngòi bút của Nam Cao, Thị Nở hiện lên như một chuẩn mực của cái xấu, “xấu như thị nở”, “nhìn xa cứ tưởng Thúy Kiều, nhìn gần mới biết người yêu chí phèo” – những câu nói truyền miệng được lưu truyền từ tác phẩm. Thị xấu ma chê quỷ hờn, mặt chiều ngang dài hơn chiều dọc, mũi to bành bạch, môi thịt trâu xám ngoách, răng vổ, mặt lỗ chỗ như tổ ong. Rồi thị còn là con của nhà có dòng giống mả hủi, quanh năm nghèo đói, bệnh tật. Giá mà thị minh mẫn, đầu óc có bình thường như người khác thì chắc thị cũng phát điên, phát rồ lên mới sống được. Một người phụ nữ đã xấu còn vô duyên như thị thì còn ai muốn kết bạn qua lại cho được. Nếu không bị dở hơi, ngớ ngẩn thì đúng là ông trời bất công với thị thật. Mà có khi vậy lại là một điều hay vì đã dở người thì người ta còn biết đến hay phân biệt được xấu đẹp là như thế nào đâu. Như nhau tất! Cũng may có được ân huệ ấy của ông trời ban chi mà thị sống vô tư, thoải mái, bất cần lo nghĩ sự đời. Vô tư đến nỗi vô duyên, vô dáng “ thị cởi áo ra ngồi tựa vào gốc chuối ’’, thị nghĩ “ về nhà thì cũng ngủ, ngủ ngay đây cũng vậy”. Đấy, người phụ nữ vô tư đến nỗi vô duyên, vì trước nay chưa ai phạm vào thị bao giờ nên thị vững tâm, thị yên tâm mà tựa vào gốc chuối tận hưởng ánh trăng dát vàng cùng gợn gió mát như quạt hầu mà ngủ, mà ngáy ngon lành.

Thị làm những việc mà không ai dám làm, thị thích khác người hay là không biết sợ là gì? Vườn chuối là nơi bà con trong làng đi tắt qua sông gánh nước nhưng từ ngày Chí Phèo về ở thì dân làng đều tìm lối khác mà đi cả. Duy chỉ có thị là vẫn tiếp tục đi lối cũ, thị không thấy sợ như mọi người. Thị thấy đôi lúc Chí Phèo hiền đến lạ lùng. Tại sao chỉ có thị mới mới nhìn thấy phần hiền lành, lương thiện bên trong con người hắn, phải chăng chỉ có những người cùng cảnh ngộ mới thấu hiểu và đồng cảm cho nhau. Ai cũng tránh Chí Phèo như tránh quỷ dữ, không ai muốn gần thì làm sao có thể nhận ra bản chất của Chí được. “Thị cứ đi qua ngõ”, “trong lúc hắn ngủ thị còn vào cả nhà hắn để rọi nhờ lửa nữa”, “ có lần thị xin của hắn một tí rượu về bóp chân, hắn càu nhàu bảo thị ở xó nhà ấy, muốn rót bao nhiêu thì rót, để yên cho hắn ngủ”. Qua những lần tiếp xúc, thị thấy ngỡ ngàng rằng sao mọi người lại sợ hắn đến vậy?

Thị đồng lòng cùng chia sẻ niềm vui thể xác với Chí, “ thị bỗng nhiên bật cười, vừa rủa vừa đập tay lên lưng hắn” rồi “ cái tay ấy lại dúi lung hắn xuống”. Thị cũng là đàn bà mà, thị cũng có những ham muốn cho riêng mình. Thị cũng ngại ngùng, e thẹn khi nhớ lại “ thị lên giường định đi ngủ. Nhưng thị nhớ lại việc lạ lùng tối qua. Thị cười, thị thấy không buồn ngủ và thị cứ lăn ra, lăn vào”. Những cảm xúc lần đầu tiên người đàn bà đó có được, chính những giây phút ấy thị đã đánh thức chấm dứt cơn say triền miên kéo dài trong cuộc đời chí Phèo. Thị làm cho Chí tỉnh táo mà nhìn thấy ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào, làm Chí ngẩn người mà suy nghĩ rằng hắn đã già mà vẫn cô độc, lần đầu tiên hắn tỉnh táo mà ngẫm nghĩ về cuộc đời. Thị như người mở đường cho hắn quay về làm người lương thiện, thị có thể chung sống với hắn thì sao người khác lại không được?

Người đàn bà vô duyên, vô dáng ấy đôi lúc lại làm được những chuyện tưởng chừng như không thể. Thị cũng muốn yêu, cũng muốn quan tâm, săn sóc cho nhân ngãi của mình như bao người phụ nữ khác. Khi con người ta vướng vào tình yêu thì tính thay đổi hẳn. “ Thị muốn gặp Chí Phèo, gặp hắn mà nhắc lại chuyện đêm qua thì chắc buồn cười lắm”, thị săn sóc, lo lắng cho Chí “ thị để hắn nằm lên và đi nhặt tất cả các manh chiếu rách đắp lên người hắn”. Thị cũng muốn làm một cô vợ đảm đang, vun vén “ dẫu sao thì cũng ăn nằm với nhau như vợ chồng rồi”. Thị nấu cháo hành cho nhân ngãi ăn giải cảm, thị đưa mắt nhìn trộm tình tứ, thị giục hắn ăn nhanh cho nóng. “ Thị phát khẽ hắn một cái, làm vẻ không ưa đùa, sao mà e lệ đến thế”, một người thật xấu khi yêu cũng khác, cũng e lệ, ngượng ngùng. Đáng ra những cảm xúc ấy thị xứng đáng được hưởng sớm hơn chứ không phải là lúc ngoài 30 tuổi này. Thị lấy làm bằng lòng lắm, bằng lòng vì thị làm cho hắn yêu thị, vì thị mà hắn cố uống thật ít rượu, vì thị mà hắn cố tỉnh táo để yêu. Những việc như này làm gì có ai làm lại được, thị làm cho một con quỷ dữ phải ngẩn ngơ, cảm kích mà rung rung chực khóc. Chưa một ai cho hắn thứ gì ngoài thị, thị cho hắn tình yêu, cho hắn sự quan tâm tình tứ, cho hắn bát cháo hành, cho hắn con đường về với người lương thiện. Thị như một ân nhân cứu giúp đời Chí. Đằng này thị dở người nên hành động cao cả của người đàn bà có duyên trong mắt Chí Phèo ấy nhanh chóng vụt tắt. Sống chung với nhau năm ngày, năm ngày đôi lứa hạnh phúc thì đến ngày thứ sáu thị chợt nhớ ra còn bà cô trên đời “ hãy dừng yêu để hỏi cô thị đã”, thi bỏ lại Chí Phèo một mình, thị tức lắm, thị bực mình lắm khi bị bà cô chửi, nhiếc những lí lẽ ngoa ngoắt. Thị trút hết bực dọc vào mặt hắn rồi ngoay ngoáy cái mông đít ra về. Đáng thương thay cho thị, thói đời chưa trót “ ngoài ba tuổi ai còn đi lấy chồng?”, xót xa khi cả đời không có được hạnh phúc trọn vẹn. Chỉ vì già, vì xấu, vì dở hơi mà không được phép hưởng hạnh phúc hay sao?

Nhưng không, dẫu sao thị cũng có được những giây phút hạnh phúc của đời mình. Khép lại câu chuyện bằng hình ảnh mang lại nhiều suy nghĩ cho người đọc. Hình ảnh Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng rồi thoáng hiện ra trong trí óc cái lò gạch cũ. Xã hội phong kiến lạc hậu đã làm thị thoáng nghĩ đã ngẩn ngơ “nói dại, nếu mình chửa, bây giờ hắn chết rồi, thì làm ăn thế nào”. Bằng nghệ thuật tạo dựng hình ảnh và sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, khéo léo Nam Cao đã xây dựng lên nhân vật Thị Nở cùng với Chí Phèo cho xứng lứa vừa đôi. Một cặp đôi đã trở thành biểu tượng của nhân dân ta sau này, biểu tượng của đôi lứa xứng đôi ngồi cười hạnh phúc bên chén rượu.

Có thể bạn quan tâm: Bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành của Thị Nở

Bài văn mẫu 2

Cảm nhận của em về nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo lớp 11

Chí Phèo là kiệt tác nghệ thuật của văn học Việt Nam hiện đại. Người ta nhớ đến Chí Phèo không chỉ vì sự đặc sắc về nội dung và nghệ thuật mà còn là bởi những nhân vật điển hình trong đó có thị Nở.

Thị Nở không phải là nhân vật trung tâm trong tác phẩm nhưng ở nhân vật này lại chứa đầy đủ quan niệm về người phụ nữ nói riêng, về con người nói chung của Nam Cao. Thị Nở là hiện thân của người phụ nữ trong văn chương Nam Cao: dù số phận bất hạnh vẫn ánh lên vẻ đẹp của tâm hồn, một con người ẩn sau bề ngoài xấu xí là những phẩm chất đáng quý: hồn nhiên, nhạy cảm, khao khát yêu đương, thương người và bao dung.

Nếu như nhân vật nữ trong các truyện thơ Nôm khuyết danh, hay như chị Dậu trong Tắt Đèn(Ngô Tất Tố) thường có sự thống nhất giữa tính cách và ngoại hình thì phần nhiều nhân vật của Nam Cao lại ngược lại. Dường như, Nam Cao cố tình tạo nên sự trái ngược giữa hình thức bề ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật. Ở đây, chúng tôi muốn nói tới cái xấu, cái nghèo, dở hơi của thị Nở để nhấn mạnh tư tưởng của tác giả. Nam Cao không quan niệm đã là nhân vật chính diện thì tất cả đều phải đẹp, nhân vật phản diện thì phải xấu về ngoại hình. Khi miêu tả thị Nở xấu “ma chê quỷ hờn”… “má phinh phính thì mặt Thị còn hao hao mặt lợn…cái mũi vừa ngắn vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành…hai môi dày…màu thịt trâu xám ngoách…” Nam Cao muốn khẳng định dù họ xấu như thế nhưng tâm hồn họ đẹp. Ông trân trọng bênh vực họ, quan niệm của ông gần với mơ ước trong văn học dân gian: ngoại hình xấu xí nhưng lại có những phẩm chất đáng trân trọng.

Tác giả Ngô Gia Võ trong bài viết của mình đã khẳng định: “thị Nở là người nhân hậu, dịu hiền, nêu cao đạo lí cha ông, lại vừa thông minh tinh tế nhất làng Vũ Đại chính là bất ngờ nhất trong kiệt tác Chí Phèo mà hết truyện mới bộc lộ ra”. Nhưng chúng tôi lại nghĩ rằng những phẩm chất ấy được bộc lộ ngay từ khi thị Nở bắt đầu xuất hiện trong thiên truyện.

Thị Nở là người hồn nhiên “thông minh nhất làng Vũ Đại”. Khi cả làng tìm một lối đi xa hơn để không phải qua lều của Chí Phèo, Thị lại phân tích cặn kẽ: Chí Phèo đi vắng suốt ngày, khi về thì hắn đã say lả còn gì mà sợ. “Chí Phèo ít khi có nhà, mà ở nhà thì hắn lại hiền lành, ai có thể ác trong khi ngủ. Hắn chỉ về nhà để ngủ”. Thị còn hồn nhiên vào nhà hắn xin rượu bóp chân và ngạc nhiên “sao người ta ghê hắn thế ?”. Thị Nở là cầu nối duy nhất để Chí Phèo nhích dần về phía con người. Con người ấy cần được thông cảm và chia sẻ.

Không chỉ “thông minh” mà thị Nở còn là người phụ nữ rất nhạy cảm với thiên nhiên. Đó là một nét đẹp trong sáng của tâm hồn con người. “Chiều hôm ấy, trăng lại sáng hơn mọi chiều trăng tỏa trên sông và sông gợn biết bao nhiêu gợn vàng. Gió lại mát như quạt hầu”. Thị Nở đã nhận ra vẻ thơ mộng và gợi cảm của thiên nhiên để  rồi hồn nhiên ngủ lại bên bờ sông một cách dễ dàng. Như chúng ta đã biết : “Nam Cao ít tả cảnh vì cảnh trước hết cũng để soi sáng nội tâm nhân vật”. Điều đó chứng tỏ tâm hồn thị Nở trong sáng và đẹp như thiên nhiên đêm trăng hôm ấy. Như thế ai bảo thị Nở là dở hơi, liệu có đúng không? Chính sự nhạy cảm với thiên nhiên đã đưa đến biến đổi trong cuộc đời thị Nở.

Trong con người ấy còn chứa đựng lòng thương người, Một trái tim phụ nữ biết khao khát yêu và muốn yêu mà bình thường người phụ nữ không dám nói ra. Trước hành động bất ngờ của Chí, thị ngạc nhiên, hốt hoảng kêu la, sau thì “thị Nở bỗng nhiên bật cười. Thị vừa rủa vừa đập lên lưng hắn nhưng đó là cái đập yêu, bởi đập xong cái tay ấy lại dúi lưng hắn xuống. Và chúng cười với nhau”. Đó là cái cười mãn nguyện. Sau khi được hưởng hương đời- niềm khát khao bình dị của con người, thị Nở như tinh tế hơn, dịu dàng và thật đáng yêu. Xây dựng mối tình Chí Phèo- thị Nở- hai con người bên lề xã hội bắt đầu bằng một đêm chung đụng xác thịt, đó là thử thách của nhà văn. Nam Cao đã thật tinh tế khi xây dựng nên một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, gợi cảm: “khắp bãi trồng toàn dâu, gió đưa đẩy những thân mềm oặt ẹo, cuộn theo nhau thành làn…và những tàu chuối nằm ngửa, ưỡn cong cong lên hứng lấy trăng thanh rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giẫm lên đành đạch như là hứng tình”. Thiên nhiên đã đập theo nhịp đập của trái tim trai gái một cuộc tình đẹp đẽ và thật thanh thản. “Bây giờ chúng ngủ bên nhau…Chúng ngủ như chưa bao giờ được ngủ…” Giấc ngủ ấy sẽ là một mốc lớn đánh dấu một giai đoạn những con người sống khổ cực giờ đây sẽ có một cuộc sống hạnh phúc với những tấm lòng khao khát yêu thương. Sau đêm ấy Chí Phèo đã tỉnh ngộ, đã từ bỏ những cơn say triền miên để trở lại làm người. Chí Phèo đã nhận ra cuộc sống xung quanh. “Tiếng chim hót ngoài bãi vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ…” và “chao ôi hắn buồn”. Hắn buồn vì bấy lâu nay con người hắn bị xã hội chôn vùi. Hắn nhớ lại “Hình như một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê…” “Tỉnh dậy hắn thấy hắn già mà vẫn cô độc”. Chính tình yêu của thị Nở đã giúp Chí Phèo trở lại làm người.

Nếu như đêm hôm ấy chỉ giúp Chí nhận ra mình “già nua vẫn cô độc”, nhận ra mình còn là người thì chính bát cháo hành của Thị Nở- biểu hiện của tình thương đã giúp Chí lại muốn sống, hắn nghĩ về tương lai. Nếu như không có bát cháo và tình cảm chăm sóc ấy mà hắn mới muốn trở lại làm người, một con người chân chính. Câu nói ngô nghê nhưng thật thà của Chí “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?” Hay “mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”- đó là khát khao muốn lương thiện, Chí muốn làm lại từ đầu, muốn chuộc lỗi lầm tội ác của mình và “thị Nở sẽ mở đường cho hắn”. Thị Nở chăm sóc hắn như tình thương của mẹ dành cho con. Từ khi nhận được sự chăm sóc của thị Nở Chí thấy “lòng mình thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng thị như mẹ” “mắt hình như ươn ướt”, thị giục hắn ăn cháo “Trời ơi cháo mới thơm làm sao…Sao đến bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo”. Hắn như nâng niu, dè sẻn những giây phút quý hóa bên Thị. Hắn thực sự xúc động bởi từ trước đến giới không ai cho không hắn cái gì, tất cả đều có từ dọa nạt, cướp giật…Những biểu hiện khát khao cuộc sống của Chí là minh chứng cho tình yêu thương và nét đẹp cảm háo ở thị Nở. Cái chết của Chí không phải do thị Nở vô tâm mà chính bởi chế độ phong kiến “mà một biểu hiện là bà cô thị Nở” đã ngăn cản họ đến với nhau. Thị Nở vô tội.

Ở Thị Nở còn một phẩm chất đẹp nữa là lòng bao dung. Sau khi yêu nhau được năm ngày, thị tỉnh táo nhận ra mình phải báo cáo với bà cô. Thị Nở biết nghĩ trước sau, thị biết việc trọng đại của một đời người nên phải báo cáo với người lớn. Nhưng thật bất hạnh là bà cô của thị không đồng ý. Chính việc này đã đẩy Chí Phèo đến đường cùng giết Bá Kiến và kết liễu luôn đời mình. Trước cái chết của hai người ấy “Cả làng Vũ Đại nhao lên. Họ bàn tán rất nhiều về vụ án bất ngờ ấy”. Đa số mọi người đều tỏ ra hài lòng, mỗi người một lời bình. Đội Tảo thì thích ra mặt vì từ bây giờ không bị Bá Kiến ức hiếp. Bọn đàn em lấy làm mừng “Thằng mọi già ấy chết anh em mình nên ăn mừng”. Thị Nở lại là người duy nhất ở làng Vũ Đại chứng kiến cảnh ấy mà không vui mừng trước cái chết của hai người. Và khi bà cô nói với giọng chì chiết “Phúc đời nhà mày con nhé. Chả ôm lấy ông Chí Phèo”, thị Nở đã đủ thông minh để lảng sang chuyện khác và trong lời nói đó còn chứa đựng lòng thương người, sự bao dung. Chỉ mỗi thị Nở thương cho Lí Cường- Bá Kiến “thiệt người hại của”. Trước cái chết của Chí thị không khóc vô nghĩa, không trách cứ Chí Phèo bỏ mình thị với đứa con trong bụng, cái gì đã mất làm sao lấy lại được. Thị Nở nhớ lại những kỉ niệm ngày xưa và bằng linh tính của người phụ nữ thị nhìn nhanh xuống bụng, chuẩn bị tình huống xấu để sẵn sàng vượt qua. Thị không hối hận vì đã ăn ở với Chí Phèo mà thị còn ‘tiếc” quãng thời gian ấy. Hóa ra thị Nở không đáng chê, đáng cười như người ta vẫn nghĩ mà ở thị Nở, những người phụ nữ có thể học hỏi rất nhiều điều để để hoàn thiện mình. Hóa ra ẩn sau một hình dáng xấu xí ấy thị Nở mang trong mình bao phẩm chất tốt đẹp tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam.

Có thể nói qua tác phẩm Chí phèo, Nam Cao đã xây dựng một hình tượng người phụ nữ khá tiêu biểu. Thông qua hình tượng này tác giả muốn ngợi ca phẩm chất tốt đẹp cuả người phụ nữ. Hình tượng thị Nở trong kiệt tác Chí Phèo của Nam Cao sẽ còn sống mãi với chúng ta như một minh chứng cho tài năng của tác giả.

Tham khảo thêm: Ý nghĩa chi tiết bát cháo hành của Thị Nở

Bài văn mẫu 3

Bài văn cảm nhận về nhân vật Thị Nở được đánh giá cao

Không biết sau này, truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao có trụ vững được trước sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian không nhưng hiện tại, tác phẩm này vẫn được coi là kiệt tác. Từ khi được đưa vào nhà trường phổ thông đến nay, vị trí của tác phẩm trong văn học hiện đại đã được khẳng định trên rất nhiều phương diện. Từ góc nhìn văn hóa, tác phẩm không chỉ hé mở tiếp những giá trị đặc sắc mà theo tôi, còn có thể giải đáp được phần nào vai trò và ý nghĩa của nhân vật Thị Nở - một kiểu nhân vật ngẩn ngơ, xấu xí quen thuộc trong văn Nam Cao.

Thị Nở chắc chắn là sự tái sinh của một kiểu nhân vật cổ tích. Để khẳng định điều này có cơ sở trước hết cần điểm lại một đặc điểm của nhân vật cổ tích. Đó là sự phân cực đến tuyệt đối. Phần lớn các nhân vật cổ tích nếu đã ác thì ác đến không còn tính người, đã nghèo thì tài sản duy nhất chỉ là manh khố, đã thật thà thì hết lần này đến lần khác đều bị lừa, đã xấu thì xấu đến độ dị dạng, … Nghĩa là điểm nào cũng được thể hiện ở mức tận cùng. Nam Cao tuy ảnh hưởng của Tây học nhưng cái nền tảng đầu tiên tạo nên “con người văn hóa” trong nhà văn vẫn là môi trường của nông thôn Việt Nam xưa với những tích chèo, những câu chuyện cổ,… đi vào tâm thức văn hóa dân tộc từ hàng ngàn đời nay. Hẳn không lạ gì với kiểu nhân vật như Quadimodo của V. Hugo nhưng cái nguồn văn hóa chủ yếu chi phối nhà văn xây dựng nhân vật Thị Nở phải là dấu ấn của các câu chuyện cổ tích. Chính nhà văn đã ví Thị Nở là “một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn”. Thị Nở chính là sự tái sinh của nhân vật người mang lốt trong cổ tích. Đó là một kiểu của nhân vật phù trợ. Những nhân vật này thường mang lốt cóc, lốt sọ dừa, lốt rắn, hoặc những người xấu xí, dị dạng,… Và thường thử thách phẩm chất của các nhân vật khác để trừng phạt kẻ ác, cứu vớt người lương thiện. Thị Nở cũng vậy, mang bề ngoài xấu xí, đần độn nhưng chính Thị Nở lại cứu vớt lương tri của Chí phèo. Trong truyện Sọ Dừa, cả hai người chị nhà phú ông xa lánh chàng trai mang lốt sọ còn cô út nhân hậu thì chấp nhận lấy chàng và được hạnh phúc. Trong Chí Phèo, cả làng Vũ Đại tránh Thị Nở “như tránh con vật lạ” song Chí Phèo bất ngờ “tiếp cận” được với Thị, thế là nhân tính được cứu rỗi (Điều này sẽ được trình bày rõ hơn ở phần sau). Nhưng khác với cổ tích, cô út nhà phú ông dù có gặp tai biến cuối cùng vẫn đoàn viên còn ở Chí Phèo, Thị Nở chỉ có thể cứu được nhân tính chứ không thể cứu được số phận của Chí. Ở một khía cạnh khác, khi miêu tả Thị Nở “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích” thì nhân vật này cũng là tái sinh của kiểu nhân vật ngốc thuộc lớp người “thấp cổ bé họng”. Và nếu trong cổ tích, nhân vật ngốc dù bị lừa gạt thì vẫn được lực lượng thần kỳ che chở, cuối cùng vẫn được giàu có hoặc lấy được công chúa,… nhưng trong Chí Phèo, Thị Nở là nhân vật bị cô lập, bị bỏ rơi bởi định kiến xã hội. Mặc dù kết thúc tác phẩm chưa phải là kết thúc số phận của Thị Nở nhưng người đọc vẫn hình dung được kết cục của nhân vật trong hoàn cảnh xã hội còn đầy những định kiến hà khắc về người phụ nữ “không chồng mà chửa”. Như vậy, là tái sinh của nhân vật phù trợ “người mang lốt”, Thị Nở không cứu vớt được số phận của Chí Phèo, là tái sinh của nhân vật “thấp cổ bé họng”, Thị Nở không được ai che chở, bênh vực. Nếu cổ tích là “những giấc mơ đẹp” thì đến Nam Cao, giấc mơ ấy bị đổ bể. Hiểu như vậy thì tác phẩm hiện thực phê phán này không chỉ là sự đổ vỡ của “lí tưởng lãng mạn” như bản chất của Chủ nghĩa hiện thực nói chung mà còn là sự đổ vỡ của những giấc mơ đẹp có từ cổ tích. Đó là sự thức tỉnh để nhìn rõ vào bản chất của hiện thực xã hội. Ở thời cổ tích, con người dù chịu bất công vẫn có thể vin vào triết lí “ở hiền gặp lành” làm đức tin còn trong tác phẩm này thông điệp mà Nam Cao muốn chuyển tải là sự cảnh báo về một thời kỳ con người không biết tin vào đâu để sống. Nếu như cách lí giải về nhân vật Thị Nở theo hướng này có lí thì liệu cái lí ấy có liên quan gì đến tư tưởng nghệ thuật và phương thức phản ánh hiện thực của Nam Cao, cái lí ấy liệu có liên quan gì đến những suy tư của nhà văn về con người, xã hội đương thời?

Xung quanh nhân vật Thị Nở, tác phẩm còn tạo nên một lối kết cấu riêng: kết cấu đối xứng. Nếu Thị Nở là sự tái sinh của nhân vật cổ tích thì kết cấu đối xứng là sự tái sinh của một kiểu tư duy có tính bác học thời trung đại - tư duy quan hệ. Lối tư duy này dựa trên nền tảng là triết học  m dương. Đó là cách dùng mặt nọ nói mặt kia trên cơ sở hai mặt đối lập. Chẳng hạn, dùng ánh sáng nói bóng tối hoặc dùng mộng nói thực,... Đành rằng đây không phải là phương thức tư duy của riêng phương Đông nhưng chỉ ở phương Đông, tư duy quan hệ mới được ý thức một cách sâu sắc, triệt để. Trên nền tảng lối tư duy ấy, tác giả dựng lên những cặp nhân vật, sự kiện đối xứng để làm nổi bật nhau như Chí phèo - Thị Nở, Chí Phèo - Tự Lãng, Chí Phèo - Bá Kiến, hoặc như hai câu nói của Chí ở cuối tác phẩm “tao muốn làm người lương thiện” - “ai cho tao lương thiện?” … Đó là những cặp đối xứng dễ thấy và dễ nhận ra tác dụng nhất. Xung quanh nhân vật Thị Nở, tư duy quan hệ còn tạo ra sự đối xứng ở mức độ sâu sắc hơn.

Cặp đối xứng thứ nhất là mối quan hệ giữa hai người đàn bà đi qua cuộc đời Chí Phèo: Thị Nở và bà ba Bà Kiến. Đây không phải là sự suy diễn vì không phải ngẫu nhiên mà tác giả để cho Chí Phèo hồi tưởng lại những ký ức về bà ba khi sống bên Thị Nở. Cả hai người đàn bà này đều tạo nên những bước ngoặt lớn trong cuộc đời Chí phèo. Nếu bà ba xinh đẹp thì Thị Nở lại là “con vật lạ”, là một sự “mỉa mai của hóa công”. Bà ba lẳng lơ một cách ranh mãnh còn Thị Nở thì vô tâm “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích”, đến mức không biết thế nào là lẳng lơ, là xấu. Bà ba chủ động tìm cách “tiếp cận” Chí Phèo còn Thị Nở lúc đầu hoàn toàn bị động trong cuộc gặp gỡ với Chí. Cùng phát khởi từ vấn đề tính dục nhưng sự “ưu ái” của bà ba dành cho Chí chỉ để thỏa mãn nhục dục còn sự chăm chút của Thị Nở là hoàn toàn tự nguyện. Với bà ba, Chí tuy “không phải là đá” nhưng chỉ cảm thấy nhục vì phải phục dịch còn khi được Thị Nở chăm chút, Chí chỉ mong “giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ”. Việc buộc phải quan hệ với bà ba, Chí Phèo trở thành cái gai trong mắt Bá Kiến và đó chính là nguyên nhân trực tiếp đầu tiên để Chí trở thành con quỷ dữ sau này. Sự kiện gặp gỡ với Thị Nở lại là nguyên nhân quan trọng để Chí Phèo dần thức tỉnh ý thức làm người. Mặc dù không hề có một so sánh trực tiếp nào ví Thị Nở như một “thiên thần mang lốt kẻ dị dạng” nhưng tư duy quan hệ vẫn cho phép người đọc hiểu dụng ý của Nam Cao. Khi đã ví bà ba như “con quỷ cái”, người đọc có quyền hiểu rằng hình tượng đối lập với “yêu quỷ” phải là “thiên thần”. Nếu không phải với chức năng ấy, Thị Nở làm sao có thể cứu rỗi linh hồn của Chí một cách kì diệu đến thế. Chỉ khi liên tưởng đến Thị Nở trong chức năng của thiên thần cứu rỗi mà không cứu vớt được số phận của Chí Phèo, ta mới cảm thấy thấm thía những suy tư của Nam Cao về thân phận, số phận con người trong một thời đại “không còn chúa” - thời đại mà triết lí “ở hiền gặp lành” thành ra viển vông. Viển vông vì ở cái làng Vũ Đại này càng hiền càng bị đè nén đến “không ngóc đầu dậy được”.

Cặp đối xứng thứ hai là mối quan hệ giữa hai bữa ăn mà Chí được “chiêu đãi”. Một bữa ăn do Bá Kiến mời và một bữa ăn do Thị Nở nấu cho. Đây cũng là hai dấu ấn quan trọng với Chí.

Bữa ăn nhà Bá Kiến là sự kiện xảy ra khi Chí Phèo vừa ở tù về. Tuy đã biến thành tên lưu manh tha hóa nhưng Chí vẫn nhớ mối thù vì bị đẩy vào tù. Chí uống rượu và đến gây gổ nhà Bá Kiến, xô xát với Lí Cường. Hành động ấy tuy có khiến dân làng hả hê đôi chút vì cái gia đình cụ bá thường ngày xem người như rác mà nay bị một thằng “cùng hơn cả dân cùng” đến mạt sát. Nhưng Bá Kiến đã xuất hiện kịp thời, đuổi khéo dân làng tản đi để Chí bị cô lập và lại “trịnh trọng” mời Chí Phèo vào nhà. Chí Phèo sau một thoáng lo sợ hão đã cảm thấy hả hê vì cái lão Bá “thét ra lửa” kia không chỉ hạ mình thành ngang hàng với Chí mà còn “cung kính” thết đãi cơm rượu. Bữa ăn ấy có đầy đủ rượu thịt, lại được mời mọc bằng những lời ngon ngọt mà thực chất là một thứ “độc dược” để đầu độc linh hồn của Chí Phèo. Gọi là “độc dược” là hợp lí bởi làng Vũ Đại vốn chỉ toàn gắn với những ký ức buồn của Chí. Sau bảy, tám năm ở tù, Chí trở về làng chắc không phải vì người thân, cũng chẳng phải vì mảnh ruộng hay túp lều nào cả bởi Chí vốn không cha mẹ, không họ hàng thân thích, không tấc đất cắm dùi. Một cảnh ngộ như thế lại mang tiếng là từng có một án tù, nếu chẳng còn gì vương vấn chắc Chí sẽ đi biệt tích như cô Đào trong truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải. Chí về làng chỉ với mục đích duy nhất là trả thù. “Hắn về hôm trước hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa cho đến xế chiều” rồi “ngật ngưỡng” đến nhà Bá Kiến. Điều đó chứng tỏ, bảy, tám năm qua, Chí đã từng nung nấu mối thù với lão Bá. Thế mà chỉ bằng một bữa ăn với vài lời ngon ngọt, Chí đã bị đầu độc đến mức không chỉ quên đi mối thù mà còn trở thành tay chân của lão.

Bữa ăn được Thị Nở “thết đãi” là sự kiện diễn ra sau đêm “đôi lứa xứng đôi” bất ngờ gặp nhau. Nếu Bá Kiến thết đãi Chí Phèo với động cơ nham hiểm là thu phục và lợi dụng thì Thị Nở chăm chút Chí phèo bằng một tình cảm yêu thương hồn nhiên, vô tư. Nếu bữa ăn nhà Bá Kiến có đủ rượu thịt thì bữa ăn của Thị Nở chỉ vẻn vẹn một nồi cháo hành. Sau bữa ăn nhà Bá Kiến, Chí Phèo lại được thêm tiền và hả hê ra về còn sau bữa ăn của Thị Nở, Chí vừa có cảm giác cay đắng khi nghĩ lại đời mình lại vừa có nỗi khát thèm hạnh phúc đời thường. Và điều quan trọng nhất, nếu bữa ăn nhà Bá Kiến là thứ “độc dược” nhằm hoàn tất công việc của nhà tù thực dân, đầu độc nhân tính của Chí Phèo thì bát cháo hành của Thị Nở lại là thứ “linh dược” làm hồi sinh nhân tính trong Chí. Sau bữa ăn nhà Bá Kiến, Chí bắt đầu những chuỗi ngày đâm thuê, chém mướn, rạch mặt ăn vạ, “triền miên trong những cơn say”. Sau khi ăn cháo hành, cái sức mạnh quỷ dữ bị gạt bỏ, bị tiêu trừ dần, khiến Chí cảm thấy yếu đuối, sợ ốm đau, tuổi già và sự cô độc, nhất là sự cô độc, “cái này còn đáng sợ hơn đói rét, ốm đau”.

Hai cặp đối xứng vừa kể trên có tác dụng đặc biệt trong dụng ý đặt ra vấn đề quen thuộc ở các sáng tác của Nam Cao - vấn đề “đôi mắt”. Nghĩa là nhà văn cho rằng muốn nhìn cuộc sống một cách đúng đắn thì phải “cảnh giác” với những biểu hiện bên ngoài. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ta sẽ chỉ thấy bà ba xinh đẹp, Thị Nở xấu xí, chỉ thấy bữa ăn nhà Bá kiến đầy đủ rượu thịt còn bát cháo hành xoàng xĩnh. Nhưng trong thực tế, cái giá trị nhân văn đích thực của cuộc sống nhiều khi lại núp sau cái vẻ ngoài xấu xí, xoàng xĩnh. Đó là một trong những ý nghĩa triết lí sâu sắc của tác phẩm, là tiếng nói thường đau đáu trong văn Nam Cao.

Xét đến những tác động của hoàn cảnh đến tâm tính của Chí Phèo, có thể kể đến sự đối xứng giữa Thị Nở và nhà tù thực dân. Nếu nhà tù thực dân tiếp tay cho Bá Kiến biến một người lương thiện thành một kẻ lưu manh, tha hóa thì Thị Nở lại biến con quỷ dữ của làng Vũ Đại trở lại làm một con người. Nhà tù tác động đến Chí Phèo một cách có chủ ý còn Thị Nở lại vô tình. Vô tình vì Thị Nở cùng lắm chỉ biết rằng mình vừa cứu sống một con người khỏi chết vì bị cảm chứ đâu có ý thức về sự cứu rỗi. Vô tình vậy mà sức tác động đến Chí Phèo lại vô cùng bất ngờ. Chí Phèo trở lại ý thức người đột ngột đến mức mà bộ óc Tào Tháo của Bá Kiến cũng không ngờ tới. Nội dung nhân đạo toát ra từ cặp đối xứng này chính là sự đề cao sức mạnh của tình người. Tình người có sức mạnh hơn bất cứ thứ bạo lực nhà tù nào. Để nhào nặn nên con quỷ dữ Chí Phèo, nhà tù thực dân phải mất bảy, tám năm trời nhưng để biến Chí thành một con người Thị Nở chỉ cần có vài ngày ngắn ngủi.

Lâu nay, tác phẩm của Nam cao thường được nhìn nhận trong những ảnh hưởng phức tạp của các trào lưu văn học lớn từ phương Tây, thậm chí kể cả Chủ nghĩa tự nhiên. Đó là điều không ai có quyền nghi ngờ nhưng ở mỗi nhà văn lớn thường có sự kế thừa những tinh hoa truyền thống kết hợp với hiện đại. Nếu nhìn từ truyền thống, từ góc độ văn hóa, có thể tầm vóc của nhà văn sẽ được tôn vinh thêm rất nhiều? Với ý tưởng ấy, bài viết này đã mạnh dạn nêu lên vài suy nghĩ xung quanh nhân vật Thị Nở.

----------

Trên đây là những bài văn mẫu cảm nhận về nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo mà Đọc tài liệu đã biên soạn. Còn rất nhiều những bài văn mẫu hay khác thuộc tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, các bạn chỉ cần truy cập vào trang doctailieu.com là thấy ngay nhé. Chúc các em học tốt môn văn mẫu 11

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM