Cảm nhận về nhân vật cụ Bơ-men trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng

Xuất bản: 06/11/2019 - Cập nhật: 12/11/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn dàn ý chi tiết cùng một số bài văn mẫu nêu Cảm nhận về nhân vật cụ Bơ-men trong tác phẩm Chiếc lá cuối cùng dành cho các em học sinh lớp 8 tham khảo

Mục lục nội dung

​Đề bài: Nêu cảm nhận của em về nhân vật cụ Bơ-men trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng.

Để làm được bài văn này, cùng Đọc tài liệu tham khảo dàn ý sau đây:

Dàn ý chi tiết cảm nhận về cụ Bơ-men

a. Mở bài 

- Giới thiệu tác phẩm Chiếc lá cuối cùng và tác giả O.Hen-ri

- Dẫn dắt vào đề tài: cảm nhận nhân vật cụ Bơ-men.

b. Thân bài

Khái quát chung: Giới thiệu mối quan hệ của cụ Bơ-men trong tác phẩm. Tình huống truyện đã xảy ra.

Nội dung chính:

- Thương xót cảnh ngộ của Giôn-xi.

- Không ngần ngại gian nan tìm cách cứu Giôn-xi về với cuộc sống.

- Dồn cả tâm lực, tài năng để vẽ lên tường một chiếc lá đem lại cho Giôn-xi một niềm hi vọng về sự sống.

- Cứu sống được Giôn-xi, Bơ-men đổi cả tính mạng.

Nhận xét chung:

- Cụ Bơ-men: người nghệ sĩ giàu lòng nhân ái và sống vì nghệ thuật đích thực hướng tới con người.

- “Chiếc lá cuối cùng” do cụ Bơ-men vẽ chính là kiệt tác duy nhất trong cuộc đời nghệ thuật của ông

c. Kết bài: Cảm nhận sâu của em về cụ Bơ-men qua đó mở rộng liên hệ tới lí tưởng sống.

Xem thêm: Phân tích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng

Văn mẫu cảm nhận về nhân vật cụ Bơ-me

Bài văn 1

Đọc truyện “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn Mĩ O.Hen-ri ta bồi hồi xúc động về tấm lòng nhân ái cao cả của một người hoạ sĩ nghèo, cô đơn. Vì tình thương yêu con người, để đem lại niềm tin và sự sống cho một người, cụ Bơ-men đã sẵn sàng hi sinh cả tính mạng của mình.

Câu chuyện kể về hai hoạ sĩ Giôn-xi và Xiu, họ cùng chung sở thích về nghệ thuật... và cùng thuê một căn phòng ở tầng thượng để làm xưởng vẽ. Làng Greenwich kì dị và cổ kính này là một "biệt khu" phía tây công viên Oa-sinh-tơn với những phố xá chạy ngang chạy dọc lung tung, đây là nơi trú ngụ của những nghệ sĩ nghèo. Chẳng may vào mùa đông năm ấy, Giôn-xi bị viêm phổi nặng. Bệnh tình nghiêm trọng có thể nói mười phần chỉ còn hi vọng một mà thôi. Nhưng điều tệ hại nhất đến với Giôn-xi đã cảm thấy tuyệt vọng nghĩ rằng mình không thể khỏi bệnh được. Giôn-xi chán ngán tất cả, không có niềm tin để bám víu, nàng đã đã cảm nhận được cái chết đang đến gần. Theo lời bác sĩ, y học cũng bó tay, mọi thứ thuốc men đều không có tác dụng khi người bệnh không muốn sống nữa. Hàng ngày, Giôn-xi nhìn ra ngoài cửa sổ và đếm từng chiếc lá thường xuân rụng. Giôn-xi còn nghĩ rằng khi nào chiếc lá cuối cùng trên cây thường xuân rơi xuống thì cũng là lúc cô ra đi. Xiu hết lòng chăm sóc, khuyên nhủ, động viên nhưng bất lực, Giôn-xi vẫn sống trong tuyệt vọng và từ từ chờ đợi chiếc lá cuối cùng lìa cành, chờ đợi cái chết.

Không khuyên ngăn được Giôn-xi, Xiu tìm đến cụ Bơ-men để kể cho cụ nghe về suy nghĩ đầy bất lực đó của Giôn-xi và hi vọng một sự cứu giúp. Nhắc tới cụ Bơ-men, cụ cũng là một hoạ sĩ nghèo sống cô đơn trong một gian buồng tối om ở tầng dưới. Cụ đã ngoài sáu mươi, là ông già nhỏ nhắn có bộ râu loạn xoăn “loà xoà xuống cái thân hình như thân hình một tiểu yêu”. Cụ kiếm sống bằng cách làm người mẫu cho các họa sĩ. Đã hơn 40 năm cầm bút vẽ nhưng cụ chưa từng có một kiệt tác nào. Cụ luôn ước ao “vẽ một bức tranh kiệt tác, nhưng chưa bao giờ bắt đầu cả”.

Nhưng không ai nghĩ ra được, bên trong con người kì quái, dữ tợn, lúc nào cũng sặc sụa mùi rượu ấy của cụ lại có một thế giới tâm hồn rất phong phú, đẹp đẽ. Khi nghe Xiu kể lại chuyện Giôn-xi, cụ đã vô cùng tức giận, không ngờ rằng một con người trẻ tuổi lại suy nghĩ buông tha cuộc sống đến vậy. Lòng nhân ái được khơi dậy, thôi thúc người nghệ sĩ già phải tìm cách cứu lấy niềm tin, niềm hi vọng của sự sống trong cô gái trẻ. Và ông nghĩ rằng, chỉ cần chiếc lá thường xuân cuối cùng vẫn mãi ở đó chắc chắn sẽ cứu sống được Giôn-xi. Quả vậy, qua một đêm mưa bão tuyết vùi dập, chiếc lá cuối cùng vẫn còn trên cây.

Sáng sớm tỉnh dậy, Giôn-xi ngạc nhiên nhìn thấy chiếc lá vẫn còn, nhưng cô nghĩ chỉ qua hôm nay thôi, nó cũng sẽ rụng xuống. Nhưng ngày hôm sau, chiếc lá vẫn còn đó. Niềm hi vọng sống vẫn còn nhen nhóm đâu đó trong lòng cô gái bỗng trỗi dậy, Giôn-xi vui vẻ trở lại và bệnh tình cũng giảm dần.

“Chiếc lá cuối cùng” đó chính là kiệt tác của cụ Bơ-men. Cụ đã cứu được Giôn-xi với tâm huyết và tình yêu thương con người nhưng đó cũng là lần cuối, cụ ra đi mãi mãi. Khi Xiu biết được tin đã vội vàng nói sự thật cho Giôn-xi biết: “Người nghệ sĩ ra đi vĩnh viễn nhưng để lại một kiệt tác và cứu sống một con người.”.

Có lẽ trong lịch sử của hội họa nhân loại chưa từng có một hoạ sĩ nào đã cầm bút vẽ trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Bất chấp hiểm nguy, trong cái đêm mưa gió khủng khiếp, trên một chiếc thang chênh vênh dựa vào tường, với ánh sáng mờ tỏ của chiếc đèn bão cầm tay, cụ Bơ-men đã dồn hết khả năng của mình để vẽ lên một chiếc lá. Hành động của cụ không một ai biết cho đến khi bác gác cổng thấy cụ ốm nặng trong căn phòng, với giấy và áo quần ướt sũng, lạnh buốt. Hôm sau, cụ Bơ-men qua đời vì sưng phổi nặng.

“Chiếc lá cuối cùng” là kết tinh của một tấm lòng nhân ái, nó là một tác phẩm nghệ thuật chân chính. Cao cả và thiêng liêng biết nhường nào khi người nghệ sĩ đã dám hi sinh cả tính mạng để phục vụ cho nghệ thuật. Cụ Bơ-men đã cứu sống một con người bằng nghệ thuật và người nghệ sĩ ấy đã đánh đổi bằng cả cuộc sống của chính bản thân mình. Đọc “Chiếc lá cuối cùng” của O.Hen-ri, chúng ta càng thêm tin tưởng ở con người, con người sống với nhau bằng tình nhân ái và lòng vị tha. Chúng ta cần trân trọng những tác phẩm nghệ thuật đích thực hướng tới con người, vì sự sống của con người.

Xem thêm bài văn mẫu: Cảm nhận về tác phẩm Chiếc lá cuối cùng

Cảm nhận về nhân vật cụ Bơ-men trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng

Bài văn 2

O.Hen-ri là một nhà văn Mĩ chuyên viết truyện ngắn. Những tác phẩm của ông thường nhẹ nhàng nhưng toát lên tinh thần nhân đạo cao cả, tình yêu thương người nghèo khổ. “Chiếc lá cuối cùng” là truyện ngắn góp phần làm cho tên tuổi của O.Hen-ri. Trong câu chuyện ấy, ta thấy thấm đượm tình cảm cao đẹp giữa những người họa sĩ nghèo khổ, và đặc biệt là xúc cảm sâu sắc nhất với nhân vật cụ Bơ-men.

Cụ sống cùng Xiu và Giôn-xi trong một căn hộ thuê ở gần công viên Oa-sinh-tơn. Hơn 40 năm nay cụ mơ ước vẽ một kiệt tác nhưng chưa thực hiện được, cụ ngồi làm mẫu vẽ cho các họa sĩ khác để kiếm tiền sống qua ngày. Mặc cho cuộc sống nghèo khổ nhưng cụ luôn giữ phẩm chất tinh thần minh mẫn, khỏe khoắn và yêu đời. Chả thế mà cụ “hay chế nhạo cay độc sự mềm yếu của bất kì ai”.

Cụ Bơ-men luôn sống giàu tình thương, quan tâm tới mọi người. Cụ muốn những người xung quanh mình phải mạnh mẽ và cứng rắn. Mùa đông năm ấy, Giôn-xi bị bệnh sưng phổi, cô tuyệt vọng, đếm từng chiếc lá thường xuân còn lại bám vào bức tường gạch đối diện cửa sổ, cô còn suy nghĩ rằng: chờ khi nào chiếc lá cuối cùng rụng thì cô cũng lìa đời. Biết được ý nghĩ tuyệt vọng ấy, lại xuất phát từ một con người trẻ tuổi, cụ Bơ-men vô cùng buồn bực

Là một nhân vật chính của câu chuyện nhưng cụ xuất hiện thật ít ỏi. Phải đến cuối truyện, qua lời kể của Xiu, Giôn-xi và người đọc mới hiểu rõ hành động cao cả của cụ. Chắc chắn khi đứng dưới mưa tuyết lạnh lẽo, không biết bằng cách nào cụ có thể vẽ chiếc lá lấy ên bờ tường gạch. Có lẽ do tình thương mà cụ dành cho Giôn-xi, ý chí muốn dùng cây bút và bảng màu để đem lại niềm tin, nghị lực sống cho cô gái trẻ. Chiếc lá mà cụ vẽ sống động và rất thật: “ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng với rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa”, khiến cho hại cô họa sĩ của chúng ta cũng không hề nghi ngờ. Và chiếc lá ấy đã gieo vào lòng cô gái trẻ tội nghiệp hơi ấm của niềm tin, nghị lực, kéo cô từ vực thẳm của bệnh tật vươn lên sống tiếp.

Chiếc lá là cả tấm lòng của cụ Bơ-men, là minh chứng cho sự hi sinh đến quên mình để đem lại sự sống đến cho người khác. Cụ đã làm được một điều mà 40 năm qua cụ hằng mơ ước: vẽ một kiệt tác. Cụ không chỉ cống hiến cho đời một kiệt tác nghệ thuật, cụ còn cứu sống được một cô gái trẻ, đem tới cho cô cái khát khao sự sống đã mất đi.

Có thể nói O.Hen-ri đã rất khéo léo khi xây dựng nghệ thuật đảo ngược tình huống hai lần. Lần đảo ngược thứ nhất, Giôn-xi như đang tiến dần đến cái chết bỗng khỏe lại, yêu đời và chiến thắng bệnh tật. Lần đảo ngược thứ hai liên tiếp sau đó, cụ Bơ-men từ một người khỏe mạnh đến cuối truyện mắc bệnh và qua đời. Một con người đi từ sự sống đến cái chết, một con người người từ cái chết tìm lại sự sống. Tất cả đã được nhà văn kể lại thật tự nhiên và cảm động.

Truyện ngắn "Chiếc lá cuối cùng" làm cho chúng ta không khỏi rung cảm trước tình yêu thương cao cả giữa những người nghèo khổ. Câu chuyện còn giàu tính nhân văn, ẩn chứa bức thông điệp trong cuộc sống: dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn nhất cũng đừng bao giờ bị quan, tuyệt vọng, hãy mạnh mẽ tin tưởng vào ngày mai tươi sáng, ta sẽ vượt qua tất cả.

-/-

Trên đây là dàn ý kèm một số bài văn mẫu cảm nhận về nhân vật cụ Bơ-men trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng do Đọc tài liệu thực hiện, mong rằng nội dung này sẽ giúp ích để các em hoàn thiện bài văn của mình.

Đừng quên còn rất nhiều văn mẫu 8 hay khác trong chương trình em nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM