Cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng để thấy rõ bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc của núi rừng miền Tây.
----------
Top 3 bài văn hay nhất cảm nhận bức tranh thiên nhiên miền Tây Bắc qua khổ đầu bài thơ Tây Tiến
Bài văn mẫu 1
Vẻ đẹp hùng vĩ mỹ lệ của thiên nhiên núi rừng miền Tây Bắc
Văn chương có khả năng tái hiện vẻ đẹp của cuộc sống đồng thời có thể làm cho nhân cách mỗi con người hoàn thiện hơn. Tác phẩm văn chương cũng là những chuyến đi đưa chúng ta tới nhiều vùng đất mới, giúp ta hiểu biết thêm về vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước:
“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.”
Rồi:
“Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh
Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm.”
Mặc dù chưa một lần đặt chân đến đến nhưng văn chương có thể cho ta cảm nhận được phần nào vẻ đẹp của đối tượng được nhắc đến. Nhắc đến Tây Bắc, văn chương không chỉ một lần đưa ta đến với mảnh đất này: ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bộ tranh tứ bình của rừng núi Tây Bắc trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu, qua trang thơ Quang Dũng, một lần nữa, bức tranh thiên nhiên miền Tây Bắc tổ quốc lại hiện ra trước mắt độc giả rõ nhất qua đoạn thơ:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục bên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
(Bình giảng đoạn đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng)
Đoạn thơ trên trích từ phần đầu bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc, ông là một nhà thơ khoác áo lính, đã từng sống và chiến đấu cùng với đơn vị Tây Tiến. Sự nghiệp sáng tác của Quang Dũng tuy khiêm tốn nhưng cũng có những bài thơ đi cùng năm tháng và một trong số đó là bài thơ “Tây Tiến”. Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở thượng Lào cũng như ở miền Tây Bắc Bộ Việt Nam. Địa bàn đóng quân và hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng bao gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền Tây Thanh Hóa và cả Sầm Nưa (Lào).
Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên như Quang Dũng, chiến đấu trong hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Tuy vậy, họ sống rất lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm. Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa được bao lâu, tại Phù Lưu Chanh, nỗi nhớ Tây Tiến đã trào dâng mãnh liệt và từ sự thôi thúc của nỗi nhớ tác giả đã viết bài thơ “Nhớ Tây Tiến”, sau đó đổi thành Tây Tiến. Theo tác giả chỉ “Tây Tiến” thôi đã đủ gợi nhớ lắm rồi, vừa cô đọng lại không lộ mạch cảm xúc ngay từ đầu đề.
Quang Dũng đã kết hợp hoàn hảo bút pháp hiện thực và lãng mạn để vẽ lên bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hiện lên vừa hùng vĩ, dữ dội, hoang sơ lại vừa gần gũi ấm áp chỉ bằng một đoạn thơ. Hai câu thơ đầu của bài thơ là mạch nguồn cảm xúc của cả bài thơ đồng thời cũng là cảm xúc chủ đạo của cả bài thơ:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.”
Cảm xúc bao trùm lên toàn bài thơ đó là nỗi nhớ. Câu thơ mở đầu là một câu cảm thán nhưng dùng để gọi với hô ngữ “ơi”, câu thơ đã trở thành một tiếng gọi thiết tha trìu mến như gọi một người bạn thân. Sông Mã là địa danh gắn liền với bước đường hành quân của đoàn quân Tây Tiến. Đã không biết bao nhiêu lần những người lính Tây Tiến hành quân qua địa danh này và cũng thật dễ dàng lí giải được tại sao hình ảnh sông Mã xuất hiện ngay trong câu thơ mở đầu, nhắc đến Tây Tiến thì dòng sông Mã hiện lên đầu tiên trong tâm trí nhà thơ.
Câu thơ mở đầu là một câu cảm thán nhưng dùng để gọi với hô ngữ “ơi” khiến câu thơ trở thành một tiếng gọi thiết tha trìu mến như gọi một người bạn thân, tác giả gọi Tây Tiến mà đối với tác giả thì bây giờ Tây Tiến đã cách xa nghìn trùng. Khi người ta gọi một đối tượng mà đã cách xa phải chăng nỗi nhớ trong lòng đang trào dâng mãnh liệt, không thể kìm nén được nữa đành phải bật lên thành tiếng gọi. Và đến câu thơ thứ hai cảm xúc trong lòng nhà thơ đã được cụ thể hóa với cách sử dụng biện pháp điệp động từ “nhớ”. Biện pháp điệp đã khẳng định nỗi nhớ trong lòng nhà thơ là vô cùng sâu sắc. Hơn nữa tác giả lại khéo léo sử dụng từ láy tượng hình “chơi vơi” để bổ sung ý nghĩa cho động từ “nhớ” xuất hiện lần thứ hai làm cho chúng ta như hình dung thấy, như nhìn thấy nỗi nhớ đang lớn dần, lớn dần và đang muốn hướng đến, tìm về một bến bờ để neo đậu. Nỗi nhớ đã dẫn tác giả về với Sài Khao, Mường Lát, Mường Hịch, Mai Châu...
Theo dòng hoài niệm của nhà thơ, bức tranh thiên nhiên miền Tây Bắc hiện ra ban đầu là qua những nét vẽ mờ ảo, ẩn hiện trong sương khói và sau đó là những nét khắc họa cụ thể bằng hình ảnh, đường nét rõ ràng.
Xem thêm: Sơ đồ tư duy Tây Tiến
Bài văn mẫu 2
Cảm nhận bức tranh thiên nhiên miền Tây Bắc qua khổ đầu bài thơ Tây Tiến
Quang Dũng là nhà thơ quân đội, trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Ông cũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, hào hoa. Âm điệu thơ trầm hùng, giàu nhạc tính.
"Tây Tiến" là bài thơ hay về đề tài người lính thời chống Pháp. Tác phẩm ra đời vào năm 1948 là kết quả từ nỗi nhớ của Quang Dũng về đơn vị Tây Tiến, về miền Tây Bắc nơi mà nhà thơ đã có nhiều kỉ niệm sống và chiến đấu.
Đoạn thơ đầu là một trong những đoạn thơ hay nhất của bài "Tây Tiến", thể hiện nỗi nhớ của Quang Dũng về bước chân kiêu hùng của người lính Tây Tiến trên những chặn đường hành quân gian khổ qua rừng núi Tây Bắc hùng vĩ.
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
......................
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"
Quang Dũng viết bài thơ "Tây Tiến" khi đã chuyển sang đơn vị khác, khi những gì đẹp nhất đã trở thành quá khứ. Cảm hứng chủ đạo của đoạn thơ là nỗi nhớ về người lính Tây Tiến gắn liền với địa bàn hoạt động vùng rừng núi Tây Bắc. Đoạn thơ khắc hoạ rõ nét bức tranh cuộc sống và chiến đấu của đơn vị Tây Tiến ở miền Tây Bắc xa xôi trong những ngày đầu chống Pháp.
Mở đầu đoạn thơ là câu cảm thán: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!" vừa như lời tâm sự, vừa như lời gọi thể hiện tình cảm sâu nặng của nhà thơ. Quang Dũng đã gọi tên dòng "sông Mã", một hình ảnh tượng trưng của thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ. Con "sông Mã" như người bạn tri kỉ để Quang Dũng nhớ khi phải chia xa. Nhớ đến là đơn vị Tây Tiến mà phần lớn là những thanh niên Hà Nội đi chiến đấu, Quang Dũng đã cùng đoàn binh Tây Tiến trải qua bao tháng ngày đầy gian khổ, hi sinh mà thắm đượm tình đồng đội.
Điệp từ "nhớ" được nhắc lại hai lần trong một dòng thơ kết hợp với từ láy "chơi vơi" để cụ thể hoá về một nỗi nhớ rất thực, gây ấn tượng về một nỗi nhớ dạt dào, lắng đọng trong con người từng sống và gắn bó với dòng "sông Mã" với binh đoàn Tây Tiến. Nỗi nhớ như có hình, có ảnh, da diết nghìn trùng, lan toản khắp không gian, khắp thời gian.
Miền đất Tây Bắc rộng lớn với các địa danh nhắc đến xa xôi, hoang sơ và đầy bí ẩn: "Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu" với địa hình không mấy bằng phẳng và thời tiết vô cùng khắc nghiệt:
"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người"
Tây Bắc nhiều vực sâu, lắm dốc cao thường xuyên mưa nguồn, thác lũ, để miêu tả một cách ấn tượng về Tây Bắc Quang Dũng dùng nhiều từ láy tượng hình: "khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút" cùng với nhịp thơ trắc trở có cảm giác như bẻ đôi: "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống". Câu thơ như chênh vênh, trắc trở theo thế núi, thế đèo, theo bước chân hành quân của người lính Tây Tiến. Hình ảnh thơ gấp khúc vẽ ra hai sườn núi vút lên và đổ xuống gần như thẳng đứng. Dốc núi thì cao còn vực thì sâu "thăm thẳm". Một Tây Bắc hiểm trở, dữ dội còn được thể hiện ở nhiều thanh trắc trên câu thơ: "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm". Một Tây Bắc còn dữ dội hơn nhiều bởi những âm thanh ghê rợn của "thác gầm thét" của "cọp trêu người" vào mỗi "chiều chiều, đêm đêm" đe doạ đến tính mạng của con người.
Thiên nhiên được tái hiện rất chân thực bởi bút pháp tả thực và được tô đậm bởi hàng loạt thủ pháp đối lập của cảm hứng lãng mạn. Miêu tả thiên nhiên hoang dại, bí ẩn, dữ dội để ca ngợi những con người oai phong, lẫm liệt, kiêu hùng trên chặn đường hành quân gian khổ.
Sống gắn bó với Tây Bắc khoảng thời gian khá dài, Quang Dũng có nhiều phát hiện mới mẻ về vùng đất ấy. Vùng biên giới Việt - Lào không chỉ hiện lên với chốn rừng thiêng nước độc mà còn là mảnh đất giàu chất thơ và nhiều kỉ niệm.
"Mường Lát hoa về trong đêm hơi
............
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"
Cảnh Tây Bắc trong cái nhìn của hồn thơ đa cảm rất trữ tình và quyến rũ: ở địa danh "Mường Lát" đêm về hoa rừng toả ngát hương thật hấp dẫn, dịu kì. Nơi "Pha Luông" thấp thoáng những ngôi nhà như đang bồng bềnh trôi giữa biển khơi, mỗi một địa danh có vẻ đẹp riêng. Bức tranh Tây Bắc huyền ảo, nữa thực nửa mộng. Con người và thiên nhiên gắn bó chan hoà với nhau.
Kết thúc đoạn thơ là kỉ niệm đẹp của tình quân dân gắn bó, để rồi khi chia xa Tây Bắc nhà thơ không thể nào quên:
"Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"
"Cơm lên khói - thơm nếp xôi" là những hình ảnh gần gũi, quen thuộc gợi lên cảnh gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Cuộc sống bình dị góp thêm một vẻ đẹp nữa cho mảnh đất nhiều kỉ niệm. Đó còn là hình ảnh một mùa vui biểu hiện sự gắn bó bền chặt của tình quân dân. Tình cảm đáng quý ấy trở thành sức mạnh tinh thần, một nguồn động viên cổ vũ lớn lao cho người lính xa nhà.
Tây Bắc khắc nghiệt, dữ dội đã gieo bao khó khăn, thử thách cho con người. Nhưng các chàng trai đất Hà Thành hiện lên trong thơ Quang Dũng rất hồn nhiên, tinh nghịch. Trên những chặn đường ẩn hiện trong mây, người lính như đang bước đi trên những cồn mây với cảm giác súng mang trên vai như chạm tới đỉnh trời.
"Heo hút cồn mây súng ngửi trời"
Hình ảnh nhân hoá có phần cường điệu "súng ngửi trời" là cách nói đùa vui tinh nghịch cho thấy dù vất vả, gian khổ đến đâu cũng không làm mất đi tính cách lạc quan, yêu đời của người lính trẻ.
Nhớ về vùng đất nơi đoàn binh Tây Tiến đã từng chiến đấu cũng là nỗi nhớ của nhà thơ về đồng đội:
"Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời"
Quang Dũng đã dùng cách nói giảm qua hình ảnh "bỏ quên đời" để nói về một trường hợp hi sinh: người lính đã ngã xuống vì kiệt sức trên đường hành quân. Nghệ thuật nói giảm đã bình thường hoá cái chết, làm giảm đi sự đau đớn khi nói về cái mất mát, sự hi sinh. Ý thơ buồn mà không bi luỵ bởi con người vượt lên trên hoàn cảnh để chiến thắng gian lao. Bức chân dung kiêu hùng của người lính Tây Tiến phù hợp với không khí của thời đại, của đất nước khi đang bước vào cuộc chiến khốc liệt.
Đoạn thơ đầu bài thơ Tây Tiến đã thể hiện tài hoa và tâm hồn lãng mạn phóng khoáng của nhà thơ Quang Dũng. Đoạn thơ có ngôn ngữ giàu chất tạo hình, giàu nhạc điệu, gây ấn tượng táo bạo, dựng lên bức tranh sinh động, có chiều sâu về cảnh hành quân của đoàn quân Tây Tiến trên cái nền thiên nhiên rừng núi hùng vĩ thơ mộng miền Tây. Qua đó, ta cảm nhận được sự gắn bó sâu sắc, nỗi nhớ tha thiết của nhà thơ Quang Dũng về những ngày tháng chiến đấu trong đoàn quân Tây Tiến – một thời mãi mãi để nhớ và tự hào.
Có thể bạn quan tâm: Giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Tây Tiến của Quang Dũng
Bài văn mẫu 3
Bài văn cảm nhận bức tranh thiên nhiên miền Tây Bắc trong 14 câu đầu bài Tây Tiến
Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài làm thơ, vẽ tranh, viết văn, soạn nhạc nhưng thành công nhất là thơ. Ông là nhà thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp với một hồn thơ lãng mạn, tài hoa, thơ giàu chất nhạc, chất họa, được mệnh danh là nhà thơ của "Xứ Đoài mây trắng" với những tác phẩm nổi tiếng như: "Mây đầu ô", "Thơ văn Quang Dũng"... Trong đó tiêu biểu là bài thơ "Tây Tiến". Bài thơ không chỉ là nỗi nhớ của Quang Dũng về đoàn quân Tây Tiến mà còn khắc họa rõ nét cuộc hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến và khung cảnh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, hoang sơ, dữ dội qua đoạn thơ:
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
.............
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"
Bài thơ "Tây Tiến" ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt - Lào, đồng thời đánh tiêu hao lực lượng địch. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên, học sinh, trí thức Hà Nội, chiến đấu trong những hoàn cảnh gian khổ nhưng họ sống rất lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm. Quang Dũng là đại đội trưởng ở đơn vị Tây Tiến, cuối năm 1948 khi rời đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh, Quang Dũng viết bài thơ Nhớ Tây Tiến. Khi in lại, tác giả đổi tên bài thơ là "Tây Tiến".
Mở đầu bài thơ bằng những dòng thơ chan chứa nỗi nhớ, lời thơ như chợt thốt lên đầy nhớ nhung và tiếc nuối:
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi"
Dòng sông Mã như là điểm gợi để nhà thơ nhớ về đoàn quân Tây Tiến, với lời gọi tha thiết ngọt ngào. Nhà thơ đã rất tài tình khi sử dụng từ láy "chơi vơi" kết hợp với hiệp vần "ơi" mở ra một không gian vời vợi của nỗi nhớ đồng thời diễn tả tinh tế một cảm xúc mơ hồ, khó định hình, cứ lâng lâng khó tả trong lòng người ra đi nhưng cảm xúc rất chân thực của một người đồng đội đã rời xa đơn vị để rồi nỗi nhớ như choán đầy cả không gian "Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi". Câu thơ có bảy từ thì có hai từ "nhớ". Điệp từ "nhớ" như tô đậm cảm xúc toàn bài thơ, không phải ngẫu nhiên mà nhan đề ban đầu của bài thơ tác giả đặt là "Nhớ Tây Tiến". Để rồi nỗi nhớ ấy cứ trở đi trở lại trong toàn bài thơ tạo nên giọng thơ hoài niệm sâu lắng, bồi hồi. Nỗi nhớ tha thiết, niềm thương da diết mà nhà thơ dành cho miền Tây, cho đồng đội cũ của mình, tất cả trở thành kỉ niệm không thể nào quên.
Không phải khi đến với "Tây Tiến" người đọc mới cảm nhận được nỗi nhớ mà ngay ở trong thơ ca Việt Nam khi nói về nỗi nhớ cũng đã từng diễn tả:
"Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than"
Vậy nhưng đến với Quang Dũng nỗi nhớ sáng tạo hơn cả với nỗi nhớ "chơi vơi" là trạng thái trơ trọi giữa khoảng không, không thể bấu víu vào đâu, một mình với hoài niệm cứ lửng lơ, sâu lắng, bâng khuâng, tha thiết vọng vào lòng người đọc không thể nào quên. Nỗi nhớ bao trùm cả khoảng không gian và thời gian ấy Quang Dũng đã đưa người đọc đến với thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng thật êm đềm thơ mộng. Đó là những địa danh mà đoàn quân Tây Tiến đã đi qua, "Sài Khao", "Mường Lát", "Pha Luông", "Mường Hịch", "Mai Châu". Những địa danh khi đi vào thơ Quang Dũng nó không còn mang màu sắc trung tính, vô hồn trên bản đồ nữa mà gợi lên trong lòng người đọc không khí núi rừng xa xôi, lạ lẫm, hoang sơ và bí ẩn. Không chỉ vậy những con đường hành cũng đầy những hiểm nguy:
"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi"
Những con đường hành quân gian nan vất vả, trên đỉnh Sài Khao sương dày "lấp" cả đoàn quân, Quang Dũng dùng chữ "mỏi" như tái hiện hình ảnh đoàn quân mệt rã rời tuy vậy họ vẫn đi trong "sương lấp" thật hùng vĩ và tráng lệ. Đâu chỉ có thế, Mường Lát đêm về sương tỏa khắp không gian. Tác giả không nói "hoa nở" mà "hoa về" không nói sương mà là "đêm hơi" như càng nhấn mạnh vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, hào hoa của những người lính Hà Thành.
Con đường hành quân ấy còn vô cùng gập ghềnh, hiểm trở, đầy sự hiểm nguy giữa một bên là núi cao với một bên là vực sâu thăm thẳm:
"Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống"
Không gian được mở ra ở nhiều chiều: chiều cao đến chiều sâu hút của những dốc núi, chiều sâu của vực thẳm, bề rộng của những thung lũng trải ra sau màn sương. Các từ láy giàu sức tạo hình khiến người đọc hình dung những con đường quanh co, dốc rồi lại dốc, những đỉnh đèo hoang vắng khuất vào mây trời. Cách ngắt nhịp 4/3 của câu thơ "Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống" tạo thành một đường gấp khúc của dáng núi. Như vậy ba dòng thơ liên tiếp trong đoạn thơ đã sử dụng nhiều thanh trắc gợi sự vất vả nhọc nhằn của những người lính Tây Tiến trên con đường hành quân.
Nếu như ba câu thơ trên gợi lên một cảm giác gập ghềnh hiểm trở thì đến câu thơ tiếp theo như một phút lắng lòng của những người lính Tây Tiến bên những ngôi nhà nơi xóm núi như cánh buồm thấp thoáng trên mặt biển trong không gian bình yên và êm ả của mưa giăng đầy thung lũng thành "xa khơi". Đọc câu thơ người đọc thấy bình yên đến kì lạ, phải chăng những phút giây hiếm hoi ấy như tiếp thêm sức mạnh cho người lính chiến đấu tiếp với kẻ thù cũng như thiên nhiên khắc nghiệt nơi đây:
"Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người"
Quang Dũng nhớ đến âm thanh "gầm thét" của thác dữ, tiếng gầm gào của loài hổ dữ rình rập như muốn nuốt chửng người lính mỗi khi chiều đến, đêm về. Thời gian buổi chiều, về đêm lại càng nhấn mạnh thêm cảm giác hoang sơ của chốn "sơn lâm bóng cả cây già". Những từ ngữ và hình ảnh nhân hóa, từ láy được nhà thơ sử dụng để tô đậm ấn tượng về một vùng núi hoang vu dữ dội nơi thiên nhiên hoang dã đang ngự trị và chiếm vai trò chúa tể.
Chỉ bằng mấy dòng thơ đầu Quang Dũng đã tái hiện đầy đủ bức tranh của núi rừng miền Tây được vẽ bằng bút pháp vừa hiện thực, vừa lãng mạn, vừa giàu chất họa lại giàu chất nhạc. Nét vẽ vừa gân guốc, mạnh mẽ, dữ dội nhưng lại cũng rất mềm mại tạo nên vẻ đẹp hài hòa cho bức tranh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ mà đoàn quân Tây Tiến đi qua.
Đoạn thơ không chỉ là nỗi nhớ về thiên nhiên miền Tây mà trung tâm của nỗi nhớ ấy còn là những người lính, những đồng đội cũ được Quang Dũng thể hiện bằng vẻ đẹp bi tráng trên chặng đường hành quân đầy chông gai, nguy hiểm.
Ấn tượng trong lòng người đọc về người lính Tây Tiến có lẽ bởi vẻ đẹp lạc quan trong chặng đường hành quân gian khổ qua câu thơ đầy chất lính:
"Heo hút cồn mây súng ngửi trời"
Đó là hình ảnh tếu táo, lạc quan trong gian khổ với vẻ đẹp hồn nhiên qua cách nói hóm hỉnh "súng ngửi trời". Nếu viết "súng chạm trời", nhà thơ sẽ chỉ tả được độ cao của đỉnh dốc mà khi đứng trên đó, mũi súng của người lính Tây Tiến như chạm cả vào nền trời. Còn ở đây, Quang Dũng đã gợi được "chất lính" trẻ trung, vẻ tươi mới, sức sống dạt dào trong tâm hồn của người lính Tây Tiến vốn xuất thân từ những thanh niên trí thức trẻ Hà Nội. Đồng thời còn mang đến người đọc sự mới lạ, hóm hỉnh đầy chất lính, mũi súng của người lính được nhân hóa thành hình ảnh "súng ngửi trời" tinh nghịch, đầy chất thơ, mang cảm hứng lãng mạn đồng thời khẳng định chí khí quyết tâm của người chiến sĩ chiếm lĩnh mọi tầm cao gợi cho người đọc đến với câu thơ của Tố Hữu:
"Rất đẹp hình anh lúc ráng chiều
............
Lá ngụy trang leo với gió đèo"
Và trên chặng đường hành quân ấy dù với cái nhìn lãng mạn, tinh nghịch thì người lính Tây Tiến không thể tránh được sự thật đã có những người đồng đội:
"Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời"
Khi nói về cuộc chiến tranh khốc liệt ấy. Tác giả đã không né tránh hiện thực của những mất mát đau thương trong cuộc chiến. Trong cuộc hành quân gian khổ đã có những người ngã xuống vì kiệt sức. Vì mũi súng của kẻ thù. Nhưng Quang Dũng đã thể hiện cách nói giảm, nói tránh về cái chết vừa xót xa, vừa ngạo nghễ "không bước nữa" để rồi "bỏ quên đời" như một sự bình tĩnh, thản nhiên đón nhận cái chết, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Nhớ những người đồng đội đã ngã xuống nhưng không gợi cảm giác bi lụy. Hơn thế nỗi mất mát, niềm cảm thương được nói bằng giọng thơ ngang tàng, kiêu hãnh "Gục lên súng mũ bỏ quên đời". Đó là một tư thế chết trong chiến đấu, trong sự hiên ngang, bất khuất.
Sau chặng đường hành quân đầy gian khổ, có những lúc đồng đội hi sinh, đoàn quân Tây Tiến đã có dịp dừng lại một bản làng - Mai Châu:
"Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"
"Nhớ ôi" là một từ cảm thán mang tình cảm dạt dào, tiếng lòng của những người lính Tây Tiến. Câu thơ đậm đà tình quân dân, sự gắn kết tình nghĩa thủy chung giữa những người lính Tây Tiến và đồng bào Tây Bắc. Họ dừng chân nơi xóm núi sau chặng đường dài vất vả, họ quây quần trong niềm vui ấm áp, niềm hạnh phúc bên những nồi cơm còn thơm làn gạo mới. Nhớ mùi thơm "nếp xôi" hương vị của núi rừng Tây Bắc, của tình người thân yêu da diết, đằm thắm, sự gắn kết tình nghĩa thủy chung, giữa những con người miền Tây Bắc của Tổ quốc với bộ đội kháng chiến. Tình cảm ấy mãi mãi không thể phai mờ trong lòng những người lính Tây Tiến. Như Chế Lan Viên từng viết về tình quân dân ấy trong bài thơ "Tiếng hát con tàu":
"Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
............
Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương"
Qua đoạn thơ trên Quang Dũng không chỉ thể hiện thành công nỗi nhớ về thiên nhiên và miền Tây hùng vĩ mà còn thành công với các biện pháp nghệ thuật như cảm hứng lãng mạn, bi tráng. Sử dụng ngôn từ đặc sắc về địa danh, từ tượng hình, từ Hán Việt, kết hợp hài hòa chất nhạc và họa thơ.
Đoạn thơ mở đầu trong bài thơ "Tây Tiến" dù chỉ mới là khúc dạo đầu của một bản tình ca về nỗi nhớ, song cũng đã kịp ghi lại những vẻ đẹp rất riêng của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc trên nền của bức tranh thiên nhiên dữ dội ấy, những người lính Tây Tiến hiện lên thật đẹp. Đồng thời thể hiện sự gắn bó của nhà thơ với thiên nhiên và con người nơi ấy là biểu hiện của một tấm lòng gắn bó với quê hương, đất nước. Đồng thời là tấm lòng trĩu nặng yêu thương với những người đồng đội, đồng chí của mình.
Xem thêm: Phân tích đoạn 1 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
--------
Trên đây là top 3 bài văn mẫu hay nhất cảm nhận về bức tranh thiên nhiên miền Tây Bắc qua khổ đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng mà Đọc tài liệu đã biên soạn. Còn rất nhiều những bài văn hay khác liên quan đến tác phẩm Tây Tiến mà chúng tôi muốn gửi đến các bạn, chỉ cần truy cập vào trang doctailieu.com là bạn sẽ thấy ngay nhé. Chúc các em học tập và ôn luyện tốt môn Văn !