Đề bài: Cảm nhận về hai khổ thơ cuối bài Từ ấy của Tố Hữu.
Đề bài nêu cảm nhận 2 khổ thơ cuối của bài Từ ấy được Đọc tài liệu tổng hợp đầy đủ các bài văn mẫu trong tuyển tập Văn mẫu 11 của nhiều bạn học sinh khác nhau trên mọi miền Tổ quốc để các em học sinh đa dạng tài liệu tham khảo.
Lập dàn ýcảm nhận 2 khổ thơ cuối bài Từ ấy
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Tố Hữu
- Tố Hữu là một trong những nhà thơ nổi tiếng, lá cờ đầu của nền văn học nước nhà, thơ của Tố Hữu mang hơi hướng trữ tình, chính trị.
- Nêu vấn đề cần nghị luận “Từ ấy” là bài thơ thể hiện tình yêu của tác giả với quê hương, đất nước, thấm khổ nỗi vất vả của từng số phận con người.
II. Thân bài
1. Phân tích cảm nhận về khổ 2: Biểu hiện những nhận thức về lẽ sống
- Hai dòng đầu: nhà thơ khẳng định quan niệm mới mẻ về lẽ sống là sự gắn bó hài hòa giữa “cái tôi” cá nhân với “cái ta” chung của mọi người.
- Động từ “buộc” là một ngoa dụ để thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm sắt đá của Tố Hữu để vượt qua “ranh giới” của “cái tôi” để chan hòa mọi người “Tôi buộc lòng tôi với mọi người”.
- Từ đó, tâm hồn nhà thơ vươn đến “trăm nơi” (hoán dụ) và “trang trải” sẻ chia bằng những đồng cảm sâu sắc, chân thành và tự nguyện đến với những con người cụ thể.
- Hai dòng thơ sau bộc lộ tình yêu thương con người bằng tình yêu giai cấp rõ ràng. Nhà thơ đặc biệt quan tâm đến quần chúng lao khổ: “Để hồn tôi với bao hồn khổ” và từ đó như một biện chứng mang cái tất yếu là sức mạnh tổng hợp “Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”. Ta cũng gặp điều đó trong thơ Nguyễn Khoa Điềm - nhà thơ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ xâm lược: “Khi chúng ta cầm tay mọi người - Đất nước vẹn tròn, to lớn”.
⇒ Tóm lại, Tố Hữu đã khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và đời sống, mà chủ yếu là cuộc sống của quần chúng nhân dân.
Xem thêm: Một số mẫu bài hay phân tích khổ 2 bài Từ ấy của Tố Hữu
2. Phân tích cảm nhận về khổ 3: Khẳng định sự hòa hợp giữa con người với con người
- Hai câu thơ đầu: Tôi đã là con của vạn nhà, Là em của vạn kiếp phôi pha
- Tác giả đã khẳng định sự hòa hợp giữa con người với con người
- Lí tưởng của Đảng đã khai sáng tâm hồn con người
- Tâm hồn được khai sáng, được nuôi dưỡng bởi lí tưởng
- Hai câu thơ sau: “Là anh của vạn đầu em nhỏ, Không áo cơm, cù bất cù bơ”
- Tác giả là những người mòn mỏi, gian khổ
- Say mê hoạt động cách mạng
- Tha thiết cống hiến đời mình
- Muốn giúp nước giải phóng dân dân tộc, giải phóng đất nước
Xem thêm: Phân tích khổ thơ thứ 3 bài Từ ấy của Tố Hữu
III. Kết bài
- Hồn thơ Tố Hữu chứa chan tình yêu giai cấp và yêu quê hương chân thành.
- Thơ Tố Hữu rõ ràng là thơ trữ tình - chính luận, hướng người đọc đến chân trời tươi sáng.
- Tiếng nói trong thơ là tiếng nói của một nhà thơ vô sản chân chính.
- Giọng thơ chân thành, sôi nổi, nồng nàn.
- Hình ảnh thơ tươi sáng, ngôn ngữ giàu tính dân tộc
>>>Tham khảo thêm: Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy
Sau khi tham khảo dàn ý nêu cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài Từ ấy, các em học sinh đã có thể hình dung được những nội dung cần triển khai trong bài viết của mình.
Ngoài ra, Đọc Tài Liệu tổng hợp thêm một số bài văn mẫu hay cho đề bài cảm nhận 2 khổ thơ cuối trong bài Từ ấy của Tố Hữu cho các em học sinh tham khảo về cách vào bài hay kết thúc vấn đề, cũng như cách sử dụng từ ngữ, ý tứ phù hợp cho bài viết.
Tôi buộc hồn tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Một số bài văn mẫu hay cảm nhận hai khổ thơ cuối bài Từ ấy - Tố Hữu
Bài mẫu 1
"Từ Ấy" là bài thơ rất hay, đặc biệt bởi đây là bài thơ đánh dấu cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà thơ. Tháng 7 năm 1938, Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương. Ghi nhận kỉ niệm đáng nhớ ấy với cảm xúc, suy tư sâu sắc Tố Hữu viết nên "Từ Ấy". Bài thơ nằm trong phần "Máu Lửa" của tập "Từ Ấy". Bài thơ là lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cộng sản. Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được thể hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng, các biện pháp tu từ và ngôn ngữ giàu nhạc điệu đặc biệt là trong 2 khổ thơ cuối bài.
Lí tưởng đến với nhà thơ, nhà thơ thắp sáng mình trong lí tưởng tạo nên những chuyển biến về tư tưởng tình cảm mở đầu cho những hoạt động đầy ý nghĩa: Tôi buộc lòng tôi với mọi người /Để tình trang trải với trăm nơi /Để hồn tôi với bao hồn khổ /Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời...
Bước chuyển biến đầu tiên của nhà thơ là hòa mình vào quần chúng lao khổ, thông cảm và chia sẻ với những nỗi khổ đau của họ. Nhà thơ đến với họ không phải từ lòng trắc ẩn mà với tình cảm chan chứa yêu thương. Tình cảm được diễn đạt bằng từ ngữ cô đọng hàm súc. Từ buộc diễn đạt một cách sinh động sự gắn bó khăng khít của nhà thơ quần chúng. Từ trang trải gợi lên tình cảm thương mến bao la. Từ khối cho ta hình dung về sức mạnh đoàn kết. Những từ này vừa có tính hình tượng vừa có giá trị biểu cảm. Lí tưởng dẫn dắt nhà thơ về với cuộc đời, tìm thấy vị trí chỗ đứng trong đời đứng trên lập trường của nhân dân.
Nhịp điệu câu thơ tạo âm hưởng vang vọng, góp phần biểu đạt trạng thái tâm hồn nhà thơ. Lúc này lí tưởng đã mở đôi cánh của tâm hồn. Tâm hồn anh đang lộng gió bốn phương, hướng về trăm ngả. Tâm hồn ấy đang cố gắng vượt ra khỏi cái tôi tầm thường nhỏ bé để thực hiện tâm nguyện cao đẹp nơi cuộc đời rộng lớn:
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ.
Không áo cơm, cù bất cù bơ...
Điệp từ là cái gạch nối bền chặt, một bên là cái tôi, bên kia là cuộc đời vạn kiếp thương đau. Cán cân bị lệch nên cái tôi nghiêng về chan hòa với cái ta rộng lớn. Lời thơ trang trọng như lời khẳng định tự nguyện đến với quần chúng lao khổ. Khổ thơ đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong tư tưởng tình cảm của nhà thơ. Gắn bó với quần chúng, nhà thơ nguyện làm một thành viên trong đại gia đình của những người ở bậc thang cuối cùng trong xã hội cũ để thức tỉnh họ cùng đấu tranh và tranh đấu vì họ. Nếu khổ thứ hai chủ yếu hướng nội với cái tôi xuất xứ, thì ở khổ thơ này, cái tôi chủ yếu hướng ngoại nhưng cái lắng sâu trong tâm hồn người chiến sĩ là tình thương vô hạn đối với thân phận lạc loài, bé nhỏ, bơ vơ: Hai đứa bé, Đi đi em, Một tiếng rao đêm...Hai khổ thơ sau biểu hiện nhân sinh quan cách mạng, tinh thần nhân đạo cộng sản cao đẹp của nhà thơ.
Nếu tập thơ Từ ấy là chặng đường thơ của tâm hồn người thanh niên tư sản được giác ngộ và trở thành người chiến sĩ cách mạng thì bài thơ Từ ấy tóm tắt quá trình chuyến biến ấy. Quá trình chuyển biến tình cảm nhận thức diễn tả cô đọng hàm súc trong một bài thơ ngắn gọn đầy hình ảnh và giàu cảm xúc. Nhà thơ vui sướng ngất ngây khi bắt gặp ánh sáng diệu kì, ánh sáng chân lí của Đảng và nhà thơ nguyện sẽ là chiến sĩ cách mạng đấu tranh cho quyền lợi của quần chúng công nông. Bài thơ có ý nghĩa như một tuyên ngôn về quan điểm nhân sinh với những nhận thức, tình cảm mới của nhà thơ, trên cơ sở đó là quan điểm nghệ thuật của nhà thơ: Văn chương phục vụ sự nghiệp cách mạng. Thanh niên phải biết lựa chọn và xây dựng lí tưởng sống cao đẹp thì mới có cuộc sống giàu ý nghĩa.
Bài mẫu 2
"Từ Ấy" là bài thơ rất hay, đặc biệt bởi đây là bài thơ đánh dấu cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà thơ. Tháng 7 năm 1938, Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương. Ghi nhận kỉ niệm đáng nhớ ấy với cảm xúc, suy tư sâu sắc Tố Hữu viết nên "Từ Ấy". Bài thơ nằm trong phần "Máu Lửa" của tập "Từ Ấy". Bài thơ là lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cộng sản. Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được thể hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng cho tới chân thực trong 2 khổ thơ cuối bài.
"Tôi buộc hồn tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời".
Khổ thơ thứ hai thể hiện rõ nhất cái tôi trữ tình. Là cái tôi mang giai cấp thời đại, đại diện cho dân tộc. "Tôi buộc hồn tôi với mọi người" chính là sự hài hòa giữa cái tôi và cái ta, giữa cá nhân và tập thể để từ đó mở lòng mình, đồng cảm với mọi người xung quanh. Từ đó tạo nên tính đoàn kết, sức mạnh tập thể. Đặc biệt là quần chúng nhân dân lao động cùng nắm tay đoàn kết lại thành một khối để vượt qua mọi khó khăn gian khổ.
"Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ..."
Đoạn cuối cùng hiện lên như khẳng định, nhấn mạnh một tình cảm gia đình đầm ấm, thắm thiết. Đó chính là một đại gia đình lớn của quần chúng nhân dân lao động. Mà trong đó tác giả là con, là em, là anh của đại gia đình đó. Tấm lòng của tác giả đã hòa vào tấm lòng đại gia đình dân tộc. Thấu hiểu và chia sẻ tấm lòng đó biểu hiện thật xúc động và chân thành. Từ đấy, ta thấy được tấm lòng căm phẫn của nhà thơ trước cuộc đời ngang trái. Tác giả xót thương cho những số phận của "vạn kiếp phôi pha", của những em nhỏ không có áo cơm, "cù bất cù bơ...". Ông mở lòng đón nhận những kiếp người đau khổ, nhân dân cần lao như đón nhận một cách chân thành những người thân ruột thịt. Câu "Không áo cơm cù bất cù bơ..." để lại ba dấu chấm lửng như tấm lòng của tác giả trải rộng ra, mở lòng mình với bao hồn khổ. Bài thơ rất đặc biệt không chỉ về ý thơ mà còn cả về tứ thơ. Tác giả dùng thể thơ truyền thống, sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu làm nổi bật tâm trạng của nhà thơ.
Là lời tâm nguyện của chàng thanh niên yêu nước được giác ngộ lí tưởng cách mạng của Đảng và Bác Hồ. Đồng thời đó cũng là tâm nguyện gắn bó với nhân dân lao khổ. Và bài thơ cũng chính là mốc thời điểm mở đầu cho cuộc đời hoạt động cách mạng của Tố Hữu. Bằng lời thơ giàu cảm xúc, suy tư theo lí tưởng cách mạng. Đó chính là chất lãng mạn của thi ca Việt Nam.
Xem thêm: Sơ đồ tư duy Từ ấy
-----
Với đề bài Nêu cảm nhận 2 khổ thơ cuối trong bài Từ ấy - Tố Hữu bao gồm đầy đủ cả lập dàn ý, nội dung và các bài văn mẫu, các em học sinh cần tìm hiểu kĩ càng để từ đó có thể xây dựng cho mình một bài văn cảm nhận chân thực và giàu ý nghĩa.