Cảm nghĩ về nhân vật nàng Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội

Xuất bản: 24/05/2023 - Tác giả:

Cảm nghĩ về nhân vật nàng Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội. Gồm dàn ý và bài văn mẫu hay cảm nhận về hình ảnh người phụ nữ trong sử thi Ấn Độ - nàng Xi-ta trong Ra-ma buộc tội

Dàn ý Cảm nghĩ về nhân vật nàng Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội

I. Mở bài

- Giới thiệu khái quát đoạn trích Ra-ma buộc tội

- Dẫn dắt vào vấn đề: nhân vật Xi-ta

II. Thân bài

1. Khái quát chung

* Sử thi Ra-ma-ya-na

- Theo truyền thuyết câu chuyện về hoàng tử Ra ma được lưư truyền trong dân gian từ xưa về sau được tu sĩ Bàla môn tên là Vamiki – người có nguồn cảm hứng đặc biệt và trí nhớ kì lạ ghi lại bằng văn vần bằng tiếng Xăngcrít vào khoảng thế kỉ III trước công nguyên.

- Tác phẩm bao gồm 24000 câu thơ đôi kể về những kì tích của hoàng tử Ra-ma

* Đoạn trích Ra-ma buộc tội

- Vị trí: thuộc khúc ca thứ 6, chương 79

- Nội dung: đoạn trích thể hiện quan niệm của người Ấn Độ cổ đại về phẩm chất đạo đức của người anh hùng – đấng quân vương mẫu mực và người phụ nữ lí tưởng, bài học vô giá và sức sống tinh thần bền vững đến ngày nay

* Nội dung cần làm rõ:

- Cảm thấy hạnh phúc khi được Ra-ma cứu khỏi vòng tay của quỷ vương và niềm hạnh phúc bình dị mà sâu sắc vô cùng bởi bất cứ người vợ đoan trang, chung thủy nào trong hoàn cảnh của Xi-ta cũng mong ngóng được đoàn tụ với chồng

- Trước lời buộc tội của Ra-ma, Xi-ta ngạc nhiên đến sừng sờ và dùng những lời lẽ thiết tha, dịu dàng, thấu tình đạt lí để thanh minh cho tấm lòng chung thủy của mình.

+ Sự khác biệt giữa tư cách, đức hạnh của nàng và phụ nữ tầm thường, thấp kém

+ Phân biệt giữa tùy thuộc vào số mệnh và nàng (“cái thân thiếp đây” và “trái tim thiếp đây”)

- Không chỉ dùng hành động để thanh minh cho sự trong sạch, Xi-ta kiên quyết hơn với danh dự, tình cảm của mình dành cho Ra-ma với hành động lập dàn hỏa thêu và bước lên dàn hỏa thêu, dùng cái chết để chứng minh cho sự chung thủy, trọng sạch của nàng

- Thần lửa A-Nhi không xâm phạm đến nàng mà trong ngọn lửa, thân hình nàng lại càng rực rỡ hơn như đóa sen nở xòe, khoe nhị vàng tỏa hương thơm ngát à phẩm chất, nhân cách trong sạch đáng trân quý của Xi-ta

⇒ Nhận xét: Một người phụ nữ chung thủy, kiên trinh, khéo léo và thông minh (cách nàng trần tình và thanh minh sự trong sạch của mình bằng những lời nói dịu dàng, hợp tình hợp lí…)
Một người phụ nữ bản lĩnh, đáng khâm phục (qua những diễn biến tâm lí trước lời buộc tội của Ra-ma và sự lựa chọn dùng cái chết để chứng minh sự trong sạch của bản thân)

III. Kết bài

- Nêu cảm nhận chung, đánh giá về nhân vật Xi-ta

- Mở rộng vấn đề bằng suy nghĩ và liên tưởng của cá nhân

5 bài văn mẫu Cảm nghĩ về nhân vật nàng Xi-ta

Thông qua đoạn trích Ra-ma buộc tội và Phân tích nhân vật nàng Xi-ta chúng ta đã hiểu được phần nào về những người phụ nữ Ấn Độ. Hãy cùng nêu lên cảm nghĩ của em về nhân vật này, dưới đây là một số bài văn mẫu để các em tham khảo.

Cảm nghĩ về nhân vật nàng Xi-ta trong Ra-ma buộc tội - Mẫu 1

"Ra-ma buộc tội" được trích trong bộ sử thi nổi tiếng của Ấn Độ - Ra-ma-na-ya. Đoạn trích nói về sự nghi ngờ của Ra-ma dành cho sự trung trinh của Xi-ta (vợ của Ra-ma).

Xi-ta, một người phụ nữ đặc biệt, được miêu tả với những phẩm chất tuyệt vời, như một tia sáng chiếu sáng vào những góc tối của lòng Ra-ma. Trước cái ánh mắt đầy nghi ngờ và cơn ghen tuông phi lí từ Ra-ma, Xi-ta phải đấu tranh để bảo vệ tình yêu chân chính và danh dự của mình. Sự biến đổi tâm trạng của nàng từ kinh ngạc và mắt đẫm lệ đến sự suy sụp nặng nề, mặt mày biến đổi và thân thể trở nên yếu đuối. Tuy nhiên, Xi-ta không gục ngã, mà cố gắng kiềm chế và từ tốn minh oan cho mình. Bằng cách trực tiếp chỉ trích những lời lẽ xúc phạm và thái độ không đáng tin cậy của Ra-ma, Xi-ta đưa ra những bằng chứng kiên quyết để chứng minh lòng trung thành của mình. Trong đó, nàng nhấn mạnh tình yêu chân thật trong trái tim mình - sức mạnh đã bảo vệ nàng khi nàng rơi vào tay của quỷ vương Ra-va-na.

Cuối cùng, để làm cho Ra-ma tin tưởng, Xi-ta đã dũng cảm bước vào ngọn lửa, cầu nguyện đến Thần Lửa A-nhi. Thần Lửa A-nhi, vị thần tràn đầy quang minh và chính đại, có tác động lớn trong đời sống Ấn Độ, đã không để nàng bị thiêu đốt. Thân hình của Xi-ta rực rỡ như đóa sen nở, lan tỏa hương thơm.Tác giả đã thành công trong việc khắc họa một Xi-ta trong sáng, chân thực và toàn diện, đại diện cho hình ảnh của người phụ nữ Ấn Độ trọn vẹn, tuyệt đẹp và đáng ngưỡng mộ.

Cảm nghĩ về nhân vật nàng Xi-ta trong Ra-ma buộc tội - Mẫu 2

Ra-ma-ya-na là bộ sử thi, niềm tự hào của người Ấn Độ. Người dân Ấn Độ tin rằng "chừng nào sông chưa cạn, đá chưa mòn thì Ra-ma-ya-na còn mãi làm say lòng người và cứu họ ra khỏi vòng tội lỗi". Một nhà nghiên cứu phương Tây từng miêu tả về Ra-ma-ya-na: "Đó là tác phẩm chan chứa những âm điệu du dương, toát ra một bầu không khí yên lành và một tình yêu thương vô bờ bến trong hoàn cảnh xã hội đầy sự mâu thuẫn và xung đột" (Michelet).

Một trong những hiện thân của vẻ đẹp làm say lòng người ấy là nhân vật Xi-ta. Nàng không chỉ là hình ảnh bổ sung cho sự kì vĩ của người anh hùng Ra-ma mà còn là minh chứng cho vẻ đẹp chân thực, toàn mĩ của người phụ nữ Ấn, từ hình dáng bên ngoài đến những phẩm chất tâm hồn bên trong.

Vẻ đẹp của nàng luôn được miêu tả gắn liền với cụm từ "gương mặt bông sen" - đó là chi tiết ngoại hình luôn được láy đi láy lại trong tác phẩm. Hoa sen hay bông sen là biểu tượng của vẻ đẹp chuẩn mực, vẻ đẹp của cả hình dáng bề ngoài và chiều sâu nội tâm trong quan niệm thẩm mĩ của người Ấn Độ. Khuôn mặt bông sen, đôi mắt hình hoa sen... là những hình ảnh miêu tả quen thuộc về người phụ nữ trong văn học Ấn Độ. Miêu tả nàng bằng chi tiết ấy, dường như ngay từ đầu, người kể đã khẳng định vẻ đẹp toàn mĩ ở nàng.

Và vẻ đẹp toàn mĩ ấy cũng đã được thử thách trong suốt chiều dài các sự kiện của câu chuyện. Song lần thử thách cuối cùng nghiệt ngã nhất nhưng đồng thời cũng vinh quang nhất là sự kiện Ra-ma buộc tội nàng và nàng bước lên giàn lửa. Chương 78 kể lại những diễn biến đầy kịch tính của sự kiện này.

Đọc chương truyện cùng với những cảm thương trước nỗi oan uổng của nàng, ta còn có thể sẻ chia cùng nàng cái cảm giác bị ruồng bỏ, dù rằng đằng sau sự ruồng bỏ ấy là tình yêu. Và có lẽ, đó chính là dấu ấn bi kịch trong bộ sử thi tràn ngập cảm xúc ngợi ca này.

Ta có thể hiểu tâm trạng của Ra-ma trong những lời buộc tội Xi-ta: ban đầu vì sợ tai tiếng, về sau là cảm giác nghi ngờ, ghen tuông. Trong lời nói có đầy đủ sự giận dữ, sự ghẻ lạnh, sự xúc phạm và lăng nhục của chàng vẫn có tình yêu. Nhưng chính tình yêu lại càng làm cho những lời nói của chàng trở nên độc ác. Chàng đã không chỉ buộc tội nàng, chàng đã xúc phạm và hơn thế, lăng nhục nàng bằng những lời lẽ nặng nề nhất. Và Xi-ta đã nghe, đã cảm nhận được tất cả những trạng thái tình cảm ấy ở chồng mình. Còn gì đau đớn hơn khi người thân yêu nhất của mình lại xúc phạm mình nặng nề đến thế?

Trước lời buộc tội của chồng, nàng Xi-ta trái tim tan nát, đau đớn đến nghẹn thở, xấu hổ cho số kiếp..., nghĩa là nàng phải trải qua một loạt những cảm xúc của nỗi đau, nỗi tủi nhục, nàng phải tự minh oan cho mình. Và nàng quả thật thông minh khi lần lượt chứng minh những ngờ vực của Ra-ma là không căn cứ. Nàng lấy danh dự, rồi nguồn gốc xuất thân, lòng trung thành, tình yêu của mình để làm minh chứng. Nhưng, tất cả dường như đều không đủ, đều vô nghĩa trước cơn giận dữ của Ra-ma. Chàng ngồi đó, "trông khủng thiếp như thần chết vậy". Tình huống sử thi, tính cách nhân vật sử thi hay tâm lí con người bình thường đã chi phối diễn biến của chuyện, chi phối tâm trạng của Ra-ma? Chàng Ra-ma cao quý khi ấy có khác gì những con người bình thường, tầm thường nhất?

Thái độ của Ra-ma đã tạo nên hoàn cảnh bi thảm của Xi-ta buộc nàng phải chứng minh bằng hành động thuyết phục cuối cùng: bước lên giàn lửa. Thần lửa A-nhi sẽ là minh chứng cuối cùng, đủ sức thuyết phục nỗi nghi ngờ khổng lồ trong tâm hồn của chồng nàng. Lúc này, cho dù lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, ở nàng vẫn ngời lên một tình yêu thủy chung, trong sáng.

Có lẽ, chính tình yêu ấy làm nên lòng dũng cảm của nàng. Nàng bước vào ngọn lửa trong sự kêu khóc vang trời của muôn loài, trong nỗi thương xót cực độ của những người chứng kiến.

Thần lửa A-nhi đã khẳng định sự trong trắng của nàng: "Hỡi Ra-ma, Gia- na-ki của người đây. Nàng trong trắng. Nàng không phạm bất cứ tội lỗi nào, bằng lời nói, việc làm, hay ý nghĩ" (Dẫn theo SGK Ngữ văn 10, tập 1)

Sự trong trắng của nàng là sự trong trắng tuyệt đích. Cho dù bị xúc phạm, bị lăng nhục nhưng tình cảm của nàng, sự thủy chung của nàng vẫn không hề thay đổi. vẻ đẹp của nàng là vẻ đẹp của một tấm gương mà bất cứ một người phụ nữ nào trên trái đất này đều có thể soi và tự hoàn thiện mình. Nàng trở về trong vòng tay của Ra-ma sau sự chứng minh khốc liệt nhất. Đó là sự khẳng định cao nhất phẩm chất của nàng của sử thi.

Sức hấp dẫn của sử thi Ấn Độ một phần là bởi trong vẻ đẹp cùa huyền thoại vẫn lấp lánh những tính cách rất con người. Nhưng với Xi-ta, vẻ đẹp huyền thoại và vẻ đẹp con người dường như hoàn toàn thống nhất. Đó phải chăng là lời ngợi ca đẹp nhất về nàng.

Tuy thế, cảnh tượng bi tráng về nàng, nỗi đau của nàng vẫn còn để lại những dấu ấn không phai trong lòng người đọc. Nàng là biểu tượng của vẻ đẹp nhưng cũng là nỗi đau xót mà một người phụ nữ có thể gặp trong cuộc đời mình. Nhưng hơn hết, tình yêu vẫn luôn là phép màu kì diệu làm cho thế giới mãi mãi tốt đẹp hơn. Xi-ta là biểu tượng của sự hoàn thiện, hoàn mĩ về cả hình thức, tâm hồn và tình yêu cao cả. Nhưng bi kịch của nàng cũng tiêu biểu cho những gì mà người phụ nữ có thể gặp phải trong thế giới này.

Không khí trong lành và tình yêu thương vô bờ bến toát ra từ những trang sử thi Ra-ma-ya-na chính bởi vẻ đẹp thẳm sâu của nữ nhân vật: nàng Xi-ta.

Tham khảo thêm: Tóm tắt Ra-ma buộc tội

Cảm nghĩ về nhân vật nàng Xi-ta trong Ra-ma buộc tội - Mẫu 3

Ra-ma-ya-na là một bộ sử thiđược đánh giá như một kiệt tác thi ca bất hủ của người dân Ấn Độ. Bởi nó thể hiện chân thực xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ đầy trái ngang và mâu thuẫn đặc biệt đối với phụ nữ. Nhưng cũng thông qua đó, tác giả lại làm nổi bật được giá trị tốt đẹp về đạo đức, lòng chung thủy của con người trong đó. Điều này được làm sáng rõ hơn trong đoạn trích "Ra-ma buộc tội".

Sau khi đánh thắng Ra-va-na, Ra-ma trì hoãn việc gặp vợ sau đó chàng cho người mời Xi-ta đến chốn đông người để gặp. Ngỡ tưởng Ra-ma và Xi-ta sẽ có màn tái hợp trong hạnh phúc thế nhưng nơi họ gặp nhau không phải là không gian riêng tư mà là không gian công cộng trước biết bao con người. Ra-ma nếu lý do buộc tội và nguyên nhân đem quân cứu Xi-ta vì danh dự của chàng đã bị xúc phạm. Ra-ma không chỉ đứng trên cương vị một người chồng, mà chàng còn đứng trên cương vị đức vua, người đứng đầu một nước với quyền lực tối cao.

Tuy nhiên, có thật sự chỉ vì danh dự mà Ra-ma mới cứu vợ mình? Xét trong bối cảnh lịch sử, vai trò của người đàn ông trở nên quan trọng và quyết định mọi thứ nhất là một người vua đứng đầu một nước. Chúng ta có thể cảm nhận được nỗi tức giận, căm phẫn, nghi ngờ xen lẫn ghen tuông của Ra-ma. Lòng tự trọng, danh dự của một người đàn ông đặt lên trên hết thảy nhưng ẩn giấu trong đó là tình yêu, càng yêu lại càng hận. Do vậy, Ra-ma dù còn yêu vợ mình, nhưng chàng buộc phải thốt ra những lời tàn nhẫn biết bao khiến Xi-ta phải tổn thương. Chàng có thể vì yêu mà dẫn tới ghen tuông, nghi ngờ. Chàng vì cương vị một nhà vua, một người anh hùng mà phải khôi phục danh dự. Nhưng cũng rất có thể chàng đang muốn bảo vệ Xi-ta trước những sự bàn tán cay nghiệt của kẻ khác, vì vậy chàng muốn mọi thứ được minh bạch và rõ ràng.

Ra-ma buộc tội Xi-ta thiếu lòng chung thủy. Sau lời buộc tội ấy, Ra-ma còn ruồng bỏ vợ và xua đuổi nàng. Xi-ta tưởng được hạnh phúc khi gặp lại chồng thì trớ trêu lại bị chồng buộc tội và ruồng bỏ. Nàng hết sức bất ngờ nhưng cũng từ bất ngờ đi đến đau đớn, khi bị chính người chồng mà mình hết lòng yêu thương nghi ngờ sự trong sạch và lòng chung thủy của mình. Nàng đau đến mức nghẹn thở như một cây dây leo bị vòi voi quật nát, nước mắt nàng tuôn ra như suối chảy, nỗi đau khiến nàng muốn chôn vùi hình hài thân xác của mình.

Mặc dù vô cùng đau đớn, khổ sở nhưng Xi-ta là người thông minh, giàu lòng tự trọng và ý thức về nhân phẩm cao. Nàng nhanh chóng lấy lại tự chủ, bình tĩnh sau những giây phút xúc động dữ dội và đau đớn tột cùng. Nàng cất lời thanh minh với phong thái dịu dàng nhưng lại đầy vẻ mạnh mẽ. Mỗi lời nàng nói đều thấu tình đạt lý, nàng đã dùng lý lẽ của mình để chứng minh những lời buộc tội của Ra-ma là vô căn cứ, chàng thậm chí không xứng làm một quân vương khi hồ đồ vu oan cho nàng như vậy.

Xi-ta đã dùng danh dự của mình để thể hiện sự trong sạch. Nàng còn dũng cảm chất vấn Ra-ma nếu không yêu nàng nữa thì nhắn với nàng để nàng kết liễu cuộc đời để không phải chịu những oan ức, ngang trái nữa. Nàng là Gia-na-ki là con của đất mẹ là hiện thân của thần, nàng sẽ không bao giờ làm những chuyện có lỗi với người mình yêu.

Tuy vậy, tất cả lý lẽ của nàng đều không thuyết phục được Ra-ma. Ra - ma ngồi đó cúi mặt trông khủng khiếp như thần chết vậy. Bất lực trước sự hồ đồ của Ra-ma, Xi - ta dứt khoát bước lên giàn hỏa thiêu, nhờ thần A-Nhi chứng giám cho sự trong sạch và tấm lòng thủy chung, son sắt của mình. Càng yêu chồng bao nhiêu, Xi-ta càng dũng cảm bấy nhiêu để đi đến lựa chọn lấy cái chết chứng minh cho bản thân. Chỉ đến khi thần lửa A-Nhi lên tiếng: "Hỡi Ra-ma, Gia-na-ki của người đây. Nàng trong trắng, nàng không phạm bất cứ tội lỗi nào, bằng lời nói, việc làm, hay ý nghĩ". Hành động dứt khoát và dũng cảm ấy đã mang nàng về với Ra-ma.

Như vậy, trong đoạn trích "Ra-ma buộc tội", vẻ đẹp của nhân vật Xi-ta được bộc lộ rõ hơn, nếu như trước đó chúng ta biết nàng có khuôn mặt đẹp như hoa sen, vẻ đẹp thanh tao, thoát tục thì ở đoạn trích này, chúng ta cảm nhận được Xi - ta là một con người không chỉ giàu lòng yêu thương, thủy chung với chồng mà nàng còn rất kiên chinh, dũng cảm, giàu lòng tự trọng và ý thức nhân phẩm, sẵn sàng dùng cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Hình ảnh Xi - ta được xây dựng mang màu sắc sử thi nhưng lại rất đời thường khi nàng chính là biểu tượng của của những người phụ nữ Ấn Độ thời bấy giờ với những chuẩn mực về đức hạnh, sự hi sinh và tâm hồn cao thượng.

Cảm nghĩ về nhân vật nàng Xi-ta trong Ra-ma buộc tội - Mẫu 4

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, từ thời mông muội xa xưa cho tới nay, văn học đã xuất hiện và gắn bó với con người như một sự trợ giúp linh hồn, gửi gắm những ước mơ khát vọng.

Sử thi, loại hình văn học hình thành ngay trong buổi đầu của đời sống cộng đồng cũng không nằm ngoài vai trò này. Nhân vật trung tâm là những con người mang tầm vóc lớn lao, phi thương mà cũng rất gần gũi, thân quen. Khi đối mặt với kẻ thù, họ anh dũng vô song nhưng khi đối mặt với người yêu dấu cũng lại có những say mê, giận hờn, nghi hoặc… Đoạn trích Ra-ma buộc tội trong sử thi Ra-ma-ya-na là một minh chứng. Nội dung đoạn trích tập trung vào sự ghen tuông và ngờ vực của Ra-ma song thành công hơn cả là khắc hoạ được những đợt sóng lòng, tâm trạng nàng Xi-ta trước cơn bão tố của người chồng.

Như bao người phụ nữ cao quí trên đời, Xi-ta yêu chồng và hết mực thuỷ chung. Tài sắc tuyệt thế giai nhân, lớn lên trong vương giả. Song vì chồng mà không ngại gian nan, mười bốn năm lưu đày vẫn được xem là hạnh phúc bên người chồng dấu yêu. Khó khăn sắp qua đi thì sóng gió lại ập đến. Dường như thần linh còn muốn thử thách người con gái của mình. Bị quỷ vương Ra-va-na bắt đi, nàng vẫn một lòng son sắt, không để linh hồn và thân xác mình bị vấy bẩn bởi kẻ thù.

Những hành động đó đủ để chứng minh một con người luôn luôn hướng tới sự thủy chung son sắt, sự ra đi của người con gái này cũng để lại cho người dân nhiều nhức nhối bởi tâm hồn cao cả, luôn hướng tới những điều tốt nhất mong muốn dành cho Ra Ma, xây dựng tâm hồn của mình vươn lên để đạt tới được ngưỡng cao của việc giải quyết mâu thuẫn và những lời buộc tội của Ra Ma về mình, tấm lòng đó đã được thể hiện và nó dường như là một kết thúc đậm chất triết lý và cũng vô cùng sâu sắc của tác giả.

Ra Ma buộc tội là một đoạn trích hay nó để lại cho người đọc nhiều cảm xúc, khi tình huống trong câu chuyện vô cùng hấp dẫn và nó thu hút người đọc bởi tính cách và dòng diễn biến tâm lý của nhân vật Xi-ta.

Vừa rồi, là một phần nội dung tài liệu giúp các em ôn tập bài học Ra-ma buộc tội với đề tài Cảm nhận về nhân vật Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội. Mong rằng, với những tài liệu này, các em sẽ hiểu hơn về nhân vật Xi-ta, thêm phần yêu mến và cảm phục tâm hồn, tính cách của xi-ta. Chúc các em có thêm tài liệu hay và bổ ích.

Hơn nữa, các em có thể tham khảo thêm những gợi ý soạn bài Ra-ma buộc tội và nội dung bài giảng Ra-ma buộc tội củng cố, ôn tập và nắm khái quát hơn những vấn đề trọng tâm của bài học. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu phân tích đoạn trích Ra-ma buộc tội để cảm nhận sâu sắc hơn về người anh hùng lí tưởng và người phụ nữ lí tưởng trong quan niệm của người Ấn Độ cổ đại.

Tham khảo thêm: Phân tích đoạn trích Ra-ma buộc tội để hiểu rõ hơn về các nhân vật, các chi tiết từ đó có những cảm nhận sâu sắc hơn về nhân vật Xi-ta

Cảm nghĩ về nhân vật nàng Xi-ta trong Ra-ma buộc tội - Mẫu 5

Ra-ma buộc tội được trích trong bộ sử thi Ra-ma-na-ya của Ấn Độ. Đoạn trích nói về mẫu người anh hùng cổ đại, thể hiện những tâm trạng giằng xé, giữa tình yêu giữa Xi-ta và Ra-ma, đây đều là những nhân vật, bao quanh và tạo nên những mẫu thuẫn đỉnh điểm trong câu chuyện, Xi-ta là một nhân vật có thể thấy là đáng chú ý nhất, trong hoàn cảnh đó.

Chính mối quan hệ giữa hai nhân vật Xi-ta và Ra-ma đã tạo nên nhiều tình tiết hấp dẫn, và những chi tiết đó đã để lại cho người đọc có nhiều cơ hội để có thể hiểu được tình tiết và nhân vật Xi-ta, trước những lời buộc tội của Ra-ma, Xi-ta đã đau đớn và trái tim như đang bị rằng xé bởi những lời trói buộc đó, đôi mắt đẫm nước mắt, những dòng tâm trạng của cô đã mang lại cho người đọc một tình cảm sâu sắc nhất, khi hình ảnh đó đã tác động sâu sắc đến tâm hồn và trái tim của tác giả. Mặc dù đau đớn và không kiềm chế được cảm xúc nhưng cô vẫn bình tĩnh để có thể thanh minh về những điều mà mình làm. Khi cô nghe được những lời trói buộc của Ra-ma chính cô còn có những thái độ ngạc nhiên đến cùng quẫn, và nó không chỉ để cho cô những cúc động và đau đớn đến nghẹn ngào, cô đang choáng ngợp trước những lời buộc tội đó. Nước mắt cô chảy ra, trái tim đau đớn đến tột cùng, khi người mà mình yêu thương, không tin tưởng vào chính mình.

Khi bị chồng cho là không trong sạch, nàng đã quyết tâm khẳng định phẩm chất trong sạch của mình bằng cách quyết định nhảy vào lửa cùng lời nguyện cầu chân thành, khẩn thiết đối với Thần Lửa A-nhi: "Nếu con một lòng một dạ với Ra-ma thì cúi xin thần hãy bảo vệ con. Ra-ma đã coi một phụ nữ trinh tiết như một kẻ gian dối, nhưng nếu con trinh trắng thì xin thần A-nhi hãy phù hộ cho con". Khi Xi-ta bước vào lửa, công chúng đã vô cùng xúc động: "Ai náy, già cũng như trẻ, đau lòng đứt ruột xem nàng Gia-na-ki đứng trong giàn hỏa", "các phụ nữ bật ra tiếng kêu khóc thảm thương. Cả loài Rắc-xa-ta lẫn loài Va-na-ra cùng kêu khóc vang trời trước cảnh tượng đó". Hành động dứt khoát, quyết liệt của Xi-ta một lần nữa khẳng định sự tự ý thức về nhân cách cao quý của Xi-ta cũng như sự kiên quyết bả vệ phẩm hạnh của chính mình. Nàng đã làm một điều cao cả, vĩ đại xứng đáng với người mẹ nữ thần Đất cao quý thiêng liêng.

Từ những tình huống trong câu truyện mà tác giả thể hiện thêm những dòng tâm trạng lớn đối với chính những tình tiết đang diễn ra, để thể hiện được sự thủy chung của mình, tác giả đã xây dựng tình huống để cho nhân vật của mình đối diện giữa sự sống và cái chết, cái chết đã nảy ra những cách giải quyết đầy tính sáng tạo, khi người con gái này có thể giải cho mình những nỗi oan ức, giữ được phẩm chất trong sáng và tấm lòng son sắt, một mình luôn phải cố gắng để có thể bình tĩnh và chứng minh cho Ra-ma biết về chính con người cũng như đạo đức của chính mình.

Những hành động đó đủ để chứng minh một con người luôn luôn hướng tới sự thủy chung son sắt, sự ra đi của người con gái này cũng để lại cho người dân nhiều nhức nhối bởi tâm hồn cao cả, luôn hướng tới những điều tốt nhất mong muốn dành cho Ra-ma, xây dựng tâm hồn của mình vươn lên để đạt tới được ngưỡng cao của việc giải quyết mâu thuẫn và những lời buộc tội của Ra-ma về mình, tấm lòng đó đã được thể hiện và nó dường như là một kết thúc đậm chất triết lý và cũng vô cùng sâu sắc của tác giả.

Mặc dù, kết thúc truyện là cái kết hạnh phúc, nhưng cảnh tượng bi tráng về nàng, nỗi đau của nàng vẫn còn để lại những dấu ấn không phai trong lòng người đọc. Nàng là biểu tượng của vẻ đẹp nhưng cũng là nỗi đau xót mà một người phụ nữ có thể gặp trong cuộc đời mình. Nhưng hơn hết, tình yêu vẫn luôn là phép màu kì diệu làm cho thế giới mãi mãi tốt đẹp hơn. Xi-ta là biểu tượng của sự hoàn thiện, hoàn mĩ về cả hình thức, tâm hồn và tình yêu cao cả. Nhưng bi kịch của nàng cũng tiêu biểu cho những gì mà người phụ nữ có thể gặp phải trong thế giới này. Không khí trong lành và tình yêu thương vô bờ bến toát ra từ những trang sử thi Ra-ma-ya-na chính bởi vẻ đẹp thẳm sâu của nữ nhân vật: nàng Xi-ta.

-/-

Trên đây là những bài văn mẫu của đề bài "Cảm nghĩ về nhân vật nàng Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội" mà Đọc tài liệu tổng hợp giúp các em nắm được nội dung chính của tác phẩm. Cùng với trọn bộ văn mẫu lớp 10 là những tài liệu hữu ích giúp các em học tốt Ngữ Văn 10!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM