Cảm hứng nhân đạo trong bài thơ Thương vợ

Xuất bản: 22/05/2019 - Cập nhật: 15/09/2020 - Tác giả:

Những bài văn phân tích hay về cảm hứng nhân đạo có trong bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương (Tú Xương).

    Cảm hứng nhân đạo trong bài thơ Thương vợ là một trong những đề văn mẫu 11 hay và thường gặp hiện nay khi làm đề thi về bài Thương vợ. Đọc tài liệu chia sẻ gợi ý cách làm và tổng hợp những bài văn mẫu 

hay phân tích cảm hứng nhân đạo của bài thơ Thương vợ giúp các em học sinh tham khảo trước khi làm bài.

Hướng dẫn làm bài phân tích cảm hứng nhân đạo trong bài Thương vợ

1. Phân tích đề

- Yêu cầu: phân tích cảm hứng nhân đạo trong bài thơ Thương vợ.

- Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : các từ ngữ, chi tiết tiêu biểu trong bài thơ Thương vợ của Tú Xương.

- Phương pháp lập luận chính: phân tích.

2. Hệ thống luận điểm

- Luận điểm 1: Niềm cảm thương chân thành trước nỗi vất vả của bà Tú

- Luận điểm 2: Ca ngợi, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của bà Tú

- Luận điểm 3: Sự tự trách mình, lên án thói đời, bộc lộ tình yêu thương vợ da diết

3. Dàn ý tham khảo

a) Mở bài

- Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm

+ Trần Tế Xương

+ Bài thơ Thương vợ

- Dẫn dắt vấn đề: cảm hứng nhân đạo trong bài Thương vợ.

b) Thân bài

* Khái quát

- Hoàn cảnh sáng tác:

- Giải thích khái niệm về cảm hứng nhân đạo:

+ Nhân đạo là đạo lí hướng tới con người, vì con người, là tình thương giữa người với người.

+ Nhân đạo là một trong hai cảm hứng lớn của văn học tạo nên giá trị của một tác phẩm văn chương chân chính.

+ Biểu hiện:

  • Cảm thông với những số phận bất hạnh.
  • Trân trọng và ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người.
  • Phê phán, tố cáo những thế lực chà đạp lên quyền sống của con người.
  • Đồng tình với những ước mơ, khát vọng chính đáng của con người

* Cảm hứng nhân đạo trong bài Thương vợ

- Niềm cảm thương chân thành trước nỗi vất vả của bà Tú

+ Thời gian và không gian làm việc của bà Tú

  • Bà phải làm việc vất vả “quanh năm”, suốt bốn mùa không ngơi nghỉ, cứ hết ngày này sang ngày khác, hết năm này qua năm khác, không kể nắng mưa.
  • Bà làm việc ở “mom sông”, nơi có mỏm đất nhô ra ven bờ sông chênh vênh, nguy hiểm.
  • Bà phải cật lực buôn bán ở một nơi nguy hiểm như thế để đảm bảo kinh tế gia đình, “nuôi đủ” chồng và con.

+ Bà phải “lặn lội” sớm hôm, chạy vạy ngược xuôi “khi quãng vắng”.

+ Hình ảnh “con cò” thành “thân cò” để chỉ bà Tú vừa cho thấy sự lam lũ, vất vả, cực nhọc đến tội nghiệp, đáng thương của bà Tú, vừa cho thấy tình thương mà ông Tú dành cho bà.

+ Bà còn phải chịu những khó khăn chồng chất trong công việc buôn bán, những điều tiếng kêu ca, phàn nàn “eo sèo” của khách hàng

=> Qua việc khắc họa những vất vả, khổ cực của bà Tú như vậy, ta thấy được sự thấu hiểu, tình yêu thương của ông Tú với người vợ tảo tần.

- Ca ngợi, trân trọng phẩm chất tốt đẹp của bà Tú

+ Gánh nặng gia đình trên vai bà Tú: “năm con với một chồng”

+ Ông Tú tự đặt mình lên bàn cân và thấy một mình ông “nặng” bằng năm đứa con

-> Cách nói tự mỉa mai chính mình của ông Tú: hóa ra, mình cũng chỉ là một thứ con cần phải nuôi.

=> Việc nhận ra mình là một gánh nặng, một thứ "nợ" trên vai vợ cho thấy ông Tú hết sức biết ơn người vợ tần tảo của mình.

+ Một mình bà Tú phải chịu "hai nợ", hai gánh nặng là chồng và năm đứa con nhưng không hề kêu ca, phàn nàn

+ Dù phải “năm nắng mười mưa”, đi trưa về tối thì bà vẫn “dám quản công”, bà không kể công lao, không quản ngại gian khó.

-> Lòng yêu thương chồng con và đức hi sinh cao cả, không nghĩ gì cho riêng bản thân.

=> Ở bà Tú hiện lên vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: đảm đang, chịu thương, chịu khó và đức hi sinh âm thầm vì chồng con.

=> Ông Tú cảm thấy mình vô dụng, phải để vợ một mình gồng gánh việc gia đình chứng tỏ ông có một tấm lòng yêu thương vợ rất mực.

- Tự trách mình, lên án thói đời, bộc lộ tình yêu thương vợ da diết

+ Tác giả sử dụng khẩu ngữ “cha mẹ” để chửi “thói đời” làm bà Tú khổ

+ "Thói đời" trong xã hội cũ : chồng là nhà nho thì chỉ biết ăn, học, lều chõng thi cử, còn vợ lại một mình lo kinh tế gia đình, chèo chống giang sơn nhà chồng.

+ Ông quay sang chửi chính mình là “chồng hờ hững”, là ông chồng vô tích sự, “ăn bám” vợ -> tự nhận ra thiếu sót của mình mà tự lên án mình gay gắt.

=> Ông rất kính trọng người vợ của mình, xót xa vì làm chồng mà để vợ phải nuôi, trở thành gánh nặng cho vợ

=> Ông Tú không chỉ thương vợ mà còn ơn vợ, không chỉ lên án thói đời mà còn tự trách mình.

c) Kết bài

- Cảm nhận của em về giá trị nhân đạo của bài thơ.

>>> Đọc thêm: Cảm nhận về bài thơ Thương vợ (Tú Xương)

Trên đây là những gợi ý của Đọc tài liệu cho cách làm bài văn phân tích cảm hứng nhân đạo trong bài thơ Thương vợ của Tú Xương. Tham khảo ngay 2 bài văn mẫu dưới để nắm rõ cách triển khai ý và mở rộng vốn từ ngữ trước khi làm bài.

Top 2 bài văn hay phân tích cảm hứng nhân đạo trong bài thơ Thương vợ

Cảm hứng nhân đạo trong Thương vợ - Mẫu số 1

"Thân em như của ấu gai.

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen,

Ai ơi nếm thử mà xem.

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi,”

(Ca dao)

Hình ảnh của người phụ nữ luôn là đề tài muôn thuở cho nền văn chương kim cổ Việt Nam. Tuy nhiên, thơ văn viết về người vợ bằng tình cảm của một người chồng đã ít nay lại viết về người vợ đang sống lại còn hiếm hoi hơn. Và Trần Tế Xương là một trong những bậc thức giả hiếm hoi của nền thơ ca trung đại Việt Nam đã đưa hình ảnh người vợ tần tảo của mình ngay khi bà vẫn còn là một đóa hoa tươi tắn trên đường đời vào những dòng thơ trữ tình nhưng cũng không kém phần trào phúng làm bật lên được đức hi sinh đảm đang, tấm lòng tháo vát chịu thương chịu khó của người bạn đời, bà Tú, qua đó cũng thể hiện tấm lòng tri ân đến người vợ của mình :

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
...

Có chồng hờ hững cũng như không.”

Trần Tế Xương, thường gọi là Tú Xương, sống trong buổi giao thời đầy nghèo khổ nửa thực dân Pháp – nửa phong kiến. Ông là người thông minh, ham học, hào hoa, phóng túng, có tài làm thơ hay nhưng lại lận đận trên con đường thi sử và nổi tiếng chủ yếu ở hai mảng thơ: trào phúng và trữ tình có pha chút giọng cười châm biếm sắc xảo bắt nguồn từ tâm huyết với dân, với nước, với đời. Ông từng được mệnh danh là nhà thơ trào phúng xuất sắc của văn học Việt Nam giai đoạn cuối thể kỉ XIX.

Kho tàng thơ văn của Tú Xương tuy không nhiều chỉ với 100 bài, chủ yếu là thơ Nôm, gồm nhiều thể thơ như thất ngôn bát cú đường luật, lục bát,… và một số bài văn tế, phú, câu đối… nhưng có nhiều bài rất đặc sắc, đạt đến trình độ tuyệt mĩ về cả nội dung và nghệ thuật và được xem như những bài thơ bất tử. Minh chứng rõ ràng nhất đó là thi phẩm “Thương vợ” được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Bài thơ đề cập đến nhiều khía cạnh trong xã hội, đồng thời cũng là tiếng lòng tha thiết, sự tri ân đầy xót xa của Tú Xương – nạn nhân của xã hội lố lăng, đảo điên biến con người trở thành vô tích sự với chính mình và gia đình, đối với bà Tú, qua đó, người đọc cũng phần nào thấy được những đức hi sinh to lớn của những người phụ nữ lúc bấy giờ hay của bà Tú đối với người chồng của mình.

Mở đầu tác phẩm, Tú Xương giới thiệu về hoàn cảnh và công việc mưu sinh của bà Tú, qua đó bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với người vợ tảo tần sớm mai của mình:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.”

Mạch cảm xúc của thi phẩm dần dần mở ra với bức tranh toàn cảnh đầy nỗi khó nhọc, lo toan của bà Tú – tên thật là Phạm Thị Mẫn. Tác giả đã sử dụng “Quanh năm” – cụm từ chỉ một khoảng thời gian trường kì lặp đi lặp lại như một vòng tuần hoàn khép kín của tự nhiên để cực tả nỗi vất vả triền miên của bà Tú trải dài hết ngày tháng này sang ngày tháng khác, năm này qua năm nọ mặc cho nắng gắt hay mưa rào vẫn không bỏ sót giây phút nào cả. Chỉ có thế thôi cũng đủ để lại trong lòng độc giả một ấn tượng khó phai về hình ảnh người vợ đầu tắt mặt tối chu toàn mọi sự trong gia đình như bà Tú.

Chưa dừng lại ở đó, cách cân đo, đong đếm như thế của thời gian còn góp phần làm bật lên cái không gian, địa điểm bán buôn của bà Tú thông qua hình ảnh “mom sông”. Địa thế “mom sông” rất trắc trở, đầy rẫy những hiểm nguy khôn lường bởi lẽ đó chỉ là một dải đất nhô ra phía lòng sông nơi người làng chài thường tụ tập buôn bán nên những khi tiết trời khắc nghiệt, địa thế chênh vênh mỏng manh kia sẽ dễ sạt lở gây nhiều khó khăn cho bà Tú. Khó khăn là thế, gian nan là vậy nhưng bà Tú vẫn mạnh mẽ vượt qua, luôn luôn cố gắng để cho gia đình được ấm no:

“Nuôi đủ năm con với một chồng.”

Với giọng thơ hóm hỉnh cùng tài năng trong nghệ thuật thơ trào phúng, câu thơ thứ hai như lời lên án gay gắt xã hội phong kiến xưa đã biến những người đàn ông vốn là những trụ cột vững chắc trong gia đình thành những kẻ vô tích sự chỉ biết sống dựa vào vợ, mà đặc biệt là “ăn lương vợ:

“Trống hầu chưa dứt bố lên thang,

Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ.”

(Quan tại gia – Trần Tế Xương)

Đôi vai của bà Tú đã nặng nay còn nhân lên bội phần khi bà “bất đắc dĩ” trở thành trụ cột chính trong gia đình. Hai chữ “nuôi đủ” là vừa đủ, vừa đủ nuôi, không thiếu mà cũng không thừa vang lên tạo cho câu thơ một âm điệu trang trọng nhưng cũng không kém phần tự hào gợi tả sự đảm đang tột cùng nơi bà Tú khi chỉ với công việc buôn bán “quanh năm” ở nơi “mom sông” chênh vênh, nguy hiểm mà bà vẫn có thể đảm bảo cuộc sống vật chất và tinh thần đầy đủ cho “năm” đứa con và người chồng của mình.

Bên cạnh đó, cách đặt hai danh từ số đếm “năm” và “một” song song với nhau tưởng chừng như khập khiễng nhưng lại rất độc đáo và mới lạ. Tú Xương tự chế giễu mình khi so sánh bản thân ngang hàng với “năm đứa con thơ” vì ông là một “đứa con đặc biệt” ngầm nâng cao vị thế người vợ tảo tần của mình lên một thứ bậc thiêng liêng khác như một người “mẹ hiền” để có thể đề cao công lao của bà Tú một cách chí lí và chuẩn xác nhất. Hơn thế nữa, cấu trúc “năm” – “một” cùng liên từ “với” chất chứa bao nỗi hổ thẹn, buồn bã đã khắc họa nên chiếc đòn gánh mà ở giữa là đôi vai gầy guộc, nhỏ bé của người phụ nữ chịu thương chịu khó còn hai bên đều trĩu nặng với “năm con” và “một chồng” nhưng dường như sự khó khăn lại nghiêng lệch về phía người chồng vô tích sự nhiều hơn vì chế độ “trọng nam khinh nữ” rẻ rúng trong xã hội cũ.

Có thể nói, bà Tú “nuôi đủ” cho Tế Xương không chỉ chu toàn cho ông “chăn ấm, nệm êm” mà còn lo cho ông đủ thứ cao sang tốn kém khác để khiến ông phải nở mài nở mặt vì suy cho cùng, Tế Xương vẫn là một tú tài, là người có chí thi cử công danh:

“Biết thuốc lá, biết chè tàu,

Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi.”

(Hỏi ông trời – Trần Tế Xương)

Hay:

“Hôm qua anh đến chơi đây,

Giày “giôn” anh dận, “ô Tây” anh cầm.”

(Đi hát mất ô – Trần Tế Xương)

Hai câu đề mở đầu thi phẩm tuy chỉ gói gọn trong mười bốn chữ nhưng đã thể hiện được tất cả những đức tính cao đẹp nơi bà Tú với sự chịu thương chịu khó, tần tảo không quản nắng mưa để chu toàn mọi việc trong gia đình. Qua đó, Tú Xương cũng khéo léo thể hiện sự biết ơn của mình đối với bà Tú, đồng thời cũng phần nào miêu tả sự hổ thẹn của tác giả khi là một đấng nam nhi mà lại không thể làm gì giúp đỡ vợ đến nỗi phải đặt mình trong mối tương quan với “năm đứa con thơ”. Thật xót xa !

Tham khảo thêmCảm nhận nỗi lòng của ông Tú qua bài Thương vợ

Thấu hiểu được những nỗi lo toan, vất vả của người vợ vĩ đại của mình, Tú Xương liên tưởng đến hình ảnh “con cò” năm xưa trong ca dao:

“Con cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.”

(Ca dao)

để cực tả nỗi khổ tâm mà bà Tú đang trải qua trong hai câu thực:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”

Tú Xương sử dụng “thân cò” chứ không phải “con cò” như trong ca dao xưa vừa thể hiện được cá tính riêng, sự sáng tạo mang tính chất thời đại trong phong cách thơ ca của thi sĩ, vừa đồng nhất thân phận của bà Tú nói riêng và người phụ nữ nói chung với hình ảnh gầy guộc của “con cò” để nói lên sự cơ cực trong cuộc sống của một người phụ nữ trụ cột. Tiếp đó, chữ “thân” tuy đơn giản nhưng nghe sao cay đắng quá, nó luôn gợi cho mọi người về một thứ gì đó nhỏ bé tội nghiệp đến vô cùng. Và khi xưa, nhà thơ Hồ Xuân Hương cũng đã từng ngậm ngùi trên trang giấy khi nói đến chữ “thân” bạc mệnh:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

Bảy nổi ba chìm với nước non.”

(Bánh trôi nước)

“Khi quãng vắng” là một cụm từ rất đặc biệt vì nó không chỉ gợi lên cái không gian rợn ngợp cảm giác đơn lẻ đầy nguy hiểm rình rập nơi bờ sông heo hút, giá lạnh lúc bấy giờ mà còn diễn tả sâu sắc nỗi khắc khoải về thời gian của sự tảo tần và một khi được song hành cùng với biện pháp nghệ thuật đảo ngữ của từ láy “lặn lội”, hình ảnh giản dị, chất phác của người phụ nữ gầy guộc chân trần mưu sinh nơi rừng sông núi bãi vào ban đêm – thời gian mà những người phụ nữ khác đang hạnh phúc bên chồng con, đang tận hưởng những giấc ngủ say, hằng mong có thể kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống càng trở nên nổi bật và chói lọi hơn trong khung cảnh hiu quạnh đến ghê sợ nơi doi đất chênh vênh.

Nếu như câu thơ thứ ba gợi nỗi cực nhọc đơn chiếc thì câu thơ thứ tư lại là sự vật lộn đầy cam go của bà Tú giữa thời buổi mua bán đông đúc:

“Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”

Một lần nữa, biện pháp nghệ thuật đảo ngữ lại được sử dụng trong lời thơ của Tú Xương nhưng với từ láy tượng thanh “eo sèo” gợi sự tấp nập, ồn ào để nhấn mạnh tính chất thường tình nơi chợ búa và sự lam lũ của người phụ nữ “năm con với một chồng”. Mặt khác, hình ảnh “buổi đò đông” cũng góp phần mạnh mẽ trong việc xây dựng hình tượng một bà Tú cần mẫn, tất bật và sự đông đúc, xô bồ đó đã từng được ca dao xưa nhắc đến:

“Con ơi nhớ lấy câu này,

Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua.”

Mặc dù văng vẳng bên tai là lời dạy chân tình của cha ông ta: “Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua” nhưng bà Tú vẫn cứ khăng khăng dấn thân vào cuộc chiến tranh âm thầm và dai dẳng của những lần đôi co “eo sèo”, chen chúc, tranh giành khách, phân bua với các gian hàng khác, bất chấp người qua kẻ lại đếm nhiều không xuể khi “đò đông” để bươn chải miếng cơm, manh áo cho chồng, con vì chỉ khi tấp nập như thế, cơ hội kiếm thêm thu nhập sẽ tăng vọt hơn “khi quãng vắng” cho dù phải chịu cảnh đau nhức khi “đầu đội trời, chân đạp đất”, tổn thương về thể xác khi bị dòng người xô ngã. Ôi ! Quả là một người phụ nữ chan hòa tình yêu thương, bà đã đánh đổi cả bản thân mình mà chen lấn bán đi từng món hàng của mình để kiếm từng đồng tiền ít ỏi lo cho cuộc sống gia đình mình, thật đáng khâm phục !

Bằng cách đảo những từ láy hô ứng vừa giàu tính tạo hình vừa giàu tính biểu cảm “lặn lội”, “eo sèo” lên ngay vị trí đầu câu thơ kết hợp với hai hình ảnh đối nhau rất chỉnh “khi quãng vắng” – “buổi đò đông” trong hai câu thực, hình tượng người vợ tháo vát vã mồ hôi chỗ đông đúc vì phải giành giật, trào nước mắt nơi quạnh hiu khi tìm được khách hàng hiện lên với tất cả niềm tự hào của nhà thơ cả về thể chất mạnh mẽ lẫn tinh thần thép của bà Tú dù trong mọi hoàn cảnh khắc khổ nhất.

Đến với những câu thơ tiếp theo, Tú Xương như nhập vai vào chủ thể trữ tình nhằm mượn lời tâm sự của vợ để ngầm ca ngợi những công lao âm thầm vì chồng vì con mà bà Tú đang gồng gánh trên vai:

“Một duyên hai nợ âu đành phận,

Năm nắng mười mưa dám quản công.”

Theo quan niệm phong kiến xưa, “duyên” và “nợ” là hai định nghĩa hết sức thiêng liêng về mối quan hệ vợ chồng do trời định sẵn, xuất phát từ số phận, từ sợi chỉ hồng của ông Tơ bà Nguyệt:

“Kiếp người sao mãi long đong,

Ông tơ bà Nguyệt chỉ hồng se duyên”

Thế nhưng khi đi vào lời thơ của một bậc thức giả dè dặn kinh nghiệm như Tú Xương, định nghĩa đó dường như đã đánh mất đi tính chất quyền quý của mình mà trở nên nặng nề vô cùng như một lời than thở khi “duyên” thì chỉ có một mà “nợ” lại hai:

“Chồng gì anh, vợ gì tôi,

Chẳng qua là cái nợ đời chi đây”

(Ca dao)

Bên cạnh đó, cách sử dụng hai thành ngữ xưa song song với nhau “Một duyên hai nợ” – “năm nắng mười mưa” vừa đối nhau về từ: “một” – “hai”, “năm” – “mười”, vừa đối nhau về ý đã không những khiến cho nhạc thơ bỗng trầm lắng trước nỗi khổ tâm chồng chất ngày một dâng lên theo cấp số nhân của bà Tú mà còn thể hiện rất rõ tài năng văn chương điêu luyện của thi sĩ khi biết vận dụng triệt để giá trị của các thành ngữ cùng các con số mộc mạc để thiêng liêng hóa hình ảnh bà Tú.

Có thể nói, dẫu có khó khăn muôn trùng, chông gai trước mắt, “nợ” nghiêng về mình nhưng bà Tú chưa một lần chùn bước mà chỉ gật đầu nhẫn nhục cho qua và ba tiếng đối ứng thượng, hạ: “âu đành phận”, “dám quản công” đã thể hiện được điều đó. Nguyên nhân dẫn đến sự cần cù, âm thầm đầy cam chịu của bà Tú tuy giản đơn nhưng cũng rất cao quý: đó là vì mối nhân duyên thiên định và vì tương lai của đàn con nhỏ. Quả là một người mẹ, người vợ giàu đức hi sinh !

Từ việc pha trộn lời thơ đan xen những thành ngữ đã đạt đến độ hoàn hảo về nội dung với các phép đảo ngữ cực tinh tế cùng các cấp số nhân rất thực và chuẩn xác, nhà thơ Tú Xương đã khắc họa thành công tấm chân dung một người vợ kết tinh đầy đủ đức hi sinh, sự nhẫn nại, sự tần tảo chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam truyền thống trong hai câu luận. Qua đó, ông còn ngầm ý bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến người vợ thân thương của mình khi bà đã quên đi cái tôi mà gánh vác hết mọi trách nhiệm của một trụ cột trong gia đình. Thật vậy:

“Có con phải khổ vì con,

Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.”

(Kho tàng lục bát dân gian)

Vì quá thương vợ, quá thương cho phận đời nữ nhi mà lại sắm vai trụ cột, Tú Xương tự trách bản thân mình và thông qua đó cũng nói lên tiếng chửi vừa đắng cay vừa phẫn nộ cho định kiến khắt khe “trọng nam khinh nữ” đã biến ông thành một kẻ vô tích sự:

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không.”

Mạch cảm xúc của thi phẩm dường như có sự chuyển biến đột ngột khi giờ đây, Tú Xương không còn “ẩn mình” sau những vần thơ để tán dương vợ nữa mà ông đã chịu xuất hiện để nói thay cho sự oán trách chồng, trách phận của bà Tú. “Cha mẹ thói đời” thật là một cách nói có phần thô cứng, xù xì nhưng lại rất phù hợp với phong cách thơ ca trào phùng của thi sĩ. Đó là sự giận đời, hận đời vì cái xã hội “Tây tàu lố lăng” lúc bấy giờ không cho phép ông san sẻ gánh nặng gia đình cùng vợ.

Thêm vào đó, ít ai biết được rằng đằng sau tiếng chửi đầy dứt khoát ấy lại là một bi kịch của một con người chất chứa bao niềm phẫn uất, đau xót và tê tái:

“Có chồng hờ hững cũng như không.”

Tú Xương chửi “đời” nhưng cũng “tự chửi” mình, “tự chửi” cái thói sĩ diện của một đấng nam nhi đang trên đường công danh, thói gia trưởng chỉ biết ngồi than vãn sự đời, mà không biết được mọi người xung quanh đang khổ cực vì mình. Tú Xương coi mình như kẻ vô tâm, “ăn ở bạc” với vợ con, luôn luôn “hờ hững” trong trách nhiệm và vai trò của một kẻ làm cha, làm chồng. Thật là “có chồng hờ hững cũng như không” ! Thế nhưng nếu nhìn nhận lại sự việc một cách lạc quan thì Tú Xương không hề đáng trách mà lại rất đáng thương bởi suy cho cùng, chính xã hội lem luốc kia đã đẩy ông, một tài năng xuất chúng vào bước đường cùng khiến cho người vợ vốn thuộc dòng dõi cao quý phải chịu khổ. Thật đau đớn !

“Con gái nhà dòng lấy chồng kẻ chợ

Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ”

(Văn tế sống vợ Trần Tế Xương)

Hai câu thơ khép lại tác phẩm là lời tự rủa mát mình của Tú Xương nhưng lại mang đậm ý nghĩa lên án xã hội sâu sắc góp phần khẳng định tình cảm của ông đối với bà Tú là vô bờ bến. Người chồng ấy tuy “ăn lương vợ” nhưng không hề “ở bạc”, “hờ hững” mà rất chu đáo, luôn dõi theo từng bước đi của bà trên đường đời và đặc biệt là luôn bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với vợ. Thi phẩm kết thúc thật bất ngờ: vừa thấm đượm cái bi, cái bất hạnh trong niềm riêng của tác giả, lại vừa dí dỏm, hài hước.

Nói tóm lại, bài thơ “Thương vợ” là một thi phẩm mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Với chất thơ bình dị mà trữ tình pha chút trào phúng, Tú Xương đã không những khắc họa nên một bức chân dung tuyệt đẹp về người vợ tảo tần, chịu thương chịu khó của mình mà còn thể hiện vẻ đẹp trong nhân cách của bản thân và hình ảnh bà Tú cần mẫn, đầy lo toan đó chính là hình ảnh đẹp đẽ nhất của người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ: vừa mộc mạc, chất phát, vừa cứng rắn, mạnh mẽ.

Có thể bạn quan tâm:

Cảm hứng nhân đạo trong bài thơ Thương vợ

Cảm hứng nhân đạo trong Thương vợ - Mẫu số 2:

Trần Tế Xương là một nhà thơ Nam Định, sinh ra trong khoảng thời gian đầy biến động khi triều nhà Nguyễn bị mục ruỗng trầm trọng, đất nước bị khóa trong vòng lệ thuộc và nhân dân khổ cực bao điều, những điều tai nghe mắt thấy đã hình thành nên con người Trần Tế Xương đầy thẳng thắn dám đánh thẳng vào cái khía cạnh tối của xã hội đương thời qua những tác phẩm thơ theo dòng trào phúng mà trữ tình đã trở thành bất hủ, với giọng cười khinh bạc mỉa mai chua chát lẫn vào đấy là nỗi đau xót qua từng giọt nước mắt. Và bài thơ “Thương vợ” với thể thơ thất ngôn bát cú đường luật là điển hình cho các sáng tác trữ tình giàu tình cảm của ông được viết nên từ tất cả những xót xa thương yêu mà ông dành cho người vợ.

Cuộc đời nhà thơ đối mặt bao lần thất bại trên con đường công danh, phải ở nhà và nhìn người vợ thương yêu ngày ngày tần tảo làm lụng nuôi chồng con, tuy đau và tủi hổ lắm chứ nhưng đành bất lực và nhà thơ bây giờ chỉ biết gửi gắm tâm sự qua những vần thơ hiện hữu hình ảnh người vợ trong đấy:

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Bằng những lần quan sát, nhà thơ thấy được những khó nhọc mà bà Tú phải chịu đựng. Mang danh phận là bà Tú nhưng mỗi ngày lại phải buôn bán ở không gian chật hẹp “mom sông” quanh năm suốt tháng, nỗi cơ cực oằn trên vai người vợ. Hình ảnh người phụ nữ tần tảo đi buôn đi bán cũng vì chồng vì con, tấm lòng hi sinh ấy cao cả và đáng quí biết bao cũng vì tình yêu gia đình rất đỗi thiêng liêng hiện hữu trong tim bà Tú. Tuy mệt nhọc và gian truân là thế nhưng trách nhiệm vẫn làm tròn là khi “nuôi đủ” năm đứa con và chồng. Gánh nặng ấy quả là quá lớn. Hiểu và khâm phục tấm lòng bà Tú, ông Tú tự nhìn mình mà mỉa mai khi đặt chồng ngang hàng như đứa con thứ 6 của bà Tú, một sự khinh thường chính bản thân vì suốt ngày là kẻ dựa dẫm. Xấu hổ và day dứt là những trạng thái xuất hiện làm ông Tú rối bời khi không thể đỡ đần được những lo toan vất vả cực nhọc ấy cho vợ. Thế nên không biết tự lúc nào bà Tú hóa thành thân cò trong thơ ông Tú, là một hình ảnh dân gian khá quen thuộc để tăng thêm nỗi vất vả đeo bám dai dẳng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ gợi nỗi đau thân phận mà thân cò phải chịu theo thời gian cũng giống như bà Tú đang nếm trải vị đắng của nỗi khó nhọc, chôn danh phận nơi “quãng vắng” có lúc nỗi cô đơn hẩm hiu bủa vây đến tủi lòng. “lặn lội” từ láy sử dụng gói gọn trong đấy là những gì gian truân nhất, khó nhọc nhất khiến bà Tú phải gồng mình bươn chải qua ngày tháng. “Quãng vắng” đối lập “đò đông” gợi tả không gian xung quanh bà Tú theo dòng thời gian nhanh thoăn thoắt, lúc như hành hạ trong nỗi cô đơn tủi hờn, có lúc tất bật bởi bao lời ăn tiếng nói bán buôn khi đò đông lên thì phải lẹ làng mặc cả buôn bán kiếm cái ăn đâu chỉ cho riêng mình cũng giống như:

“Con cò lặn lội bờ ao

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”

Còn bà Tú dẫu mệt mỏi bởi việc kiếm nuôi gia đình nhưng có bao giờ buông lời than thở trách cứ, không một lời than phiền giống tiếng khóc nỉ non của cò đâu, dường như nỗi u buồn nén chặt bởi sự hi sinh đức độ là trái tim đầy yêu thương, điều đó càng làm cho sự cảm thông và ái ngại dâng đầy trong suy nghĩ nhà thơ. Số phận bà Tú bây giờ xoáy theo vòng đời xuôi ngược bon chen tìm những gì có thể nuôi sống gia đình trong đó có người chồng bất tài. Câu thơ này nhà thơ khéo léo mượn hình ảnh dân gian cùng biện pháp đảo ngữ tạo giọng thơ man mác buồn hay day dứt mãi... Những hình ảnh đó của bà Tú làm dấy lên trong lòng nỗi niềm xót thương vô hạn, bên cạnh đó là lòng biết ơn tri ân đến bà Tú.

Tiếp theo những câu thơ giàu hình ảnh đó nhà thơ theo dòng suy nghĩ:

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công

Thành ngữ “một duyên hai nợ” được dùng để nhà thơ ví von cho cuộc hôn nhân của ông và bà Tú. Được lấy nhau đó là điều hạnh phúc nhưng duyên chỉ một mà nợ đến hai, khi lấy ông Tú thì bà Tú phải chịu nhiều khó nhọc, hạnh phúc đến từ chồng thì quá ít. Dẫu thế nhưng “đành phận” vì đó là bổn phận là trách nhiệm, cái đẹp ở tấm lòng bà Tú còn là biết chịu thương chịu khó nhẫn nhịn và chịu đựng. Thành ngữ “năm nắng mười mưa” thì lại đan xen vào sự chịu khó và vất vả, làm việc quanh năm chịu nhiều nắng mưa dãi dầu, có những lúc muốn khô héo theo cái nắng gắt trưa hè, có lúc buốt giá quá đỗi dưới con mưa đầu mùa không dứt nhưng có khi nào bà Tú nản lòng và than vãn. Bởi những khó khăn thử thách không đủ để làm mờ đi tình thương yêu gia đình chồng con trong bà Tú. Mệt nhọc đủ điều vậy mà người chồng đáng lẽ là nơi nương tựa lại trở thành cái bóng âm thầm dõi theo những khó khăn của vợ mà thôi, ông Tú như vô tình gửi nhờ gánh nặng lên vai người vợ còn mình thì suốt ngày hưởng lạc và mải vui chơi:

“Biết thuốc lá, biết chè tàu

Cao lâu biết vị hồng lâu biết mùi”

Trước mắt người đọc cũng phản ánh được một sự bất công trong gia đình giữa chế độ xã hội phong kiến ấy, hình ảnh bà Tú là ví dụ cho hầu hết như người mẹ người vợ đảm đang cần mẫn làm việc, vắt kiệt sức mình ra mà gồng gánh trách nhiệm, đôi vai bé nhỏ của họ hàng ngày phải chống chọi nắng sương, gian lao mà chồng thì như ông chủ chỉ chờ được chăm lo tươm tất rồi bước ra đường vui chơi, mấy ai thấy và hiểu được những gì mà người vợ đang cố hết sức xây dựng lấy, họ luôn mong mỏi gia đình sẽ là nơi nương tựa và họ yêu thương gia đình hết mực chính vì lí do giản đơn đó mà qua bao dãi dầu họ vẫn không rũ bỏ trách nhiệm. Ông Tú tuy là một trong số những người chồng như thế nhưng ở đây tư tưởng tiến bộ hơn, ông thấy được và biết được thế nào là khó khăn mệt nhọc, và thấy được tấm lòng hy sinh cao cả của người vợ và đưa thẳng những gì tai nghe mắt thấy vào thơ của mình với thái độ hết sức trân trọng. Thấy thế và nhìn lại những gì mình làm được, bất giác ông Tú tự trách mình:

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không

Buông lời chửi chính mình sao quá bất tài và nhu nhược chẳng khác gì một kẻ yếu đuối là gánh nặng trên vai người vợ, Tú Xương chửi chính mình vô dụng tiếp đó là chửi thẳng vào cuộc đời mang đến cho bà Tú nhiều nỗi đắng cay quá, chua xót quá. Mắt nhìn thấy những gì oằn trên vai vợ nhưng không làm được gì để gánh hộ, nỗi hối hận và nhục nhã chan chứa trong hai câu thơ. Không chỉ thế thái độ phản ứng mạnh mẽ đó của Tú Xương cũng chĩa vào cái xã hội phong kiến đang đè nén hạnh phúc, bóc lột sức lao động, trói chặt những người phụ nữ trong những qui định lễ giáo khắt khe lỗi thời. Lời trách rất đỗi chân thành xuất phát từ trái tim để rồi đi đến chế giễu cái vô tích sự của mình làm giọng thơ như trào phúng, cười đó rồi khóc đó. Độc đáo trong bài thơ này đó chính là hình tượng người phụ nữ hóa thân thành thân cò gợi nhiều nỗi thương cảm. Bài thơ thành công trong việc xây dựng được hình tượng mới mẻ bất ngờ, đưa người phụ nữ vào thơ ca là nét tiến bộ trong tư tưởng của Tú Xương. Cách sử dụng tiếng Việt tự nhiên, giàu sức biểu cảm vận dụng được những cách nói dân gian.

Giọng thơ trong bài “Thương vợ” dâng trào một niềm cảm thương sâu sắc tha thiết đối với vợ. Hình ảnh bà Tú chiếm trọn tình cảm của bao người đọc thơ Tú Xương. Với tất cả niềm thương yêu trân trọng ông khéo léo đưa người vợ vào thơ của mình âu đó cũng là niềm vui bù đắp cho bao tháng ngày vất vả. Tâm sự với những đắn đo trăn trở cho thận phận nhiều long đong trong thi cử dàn trải các câu thơ, qua đó nét hay nét đẹp được cảm nhận thấm dần vào suy nghĩ người đọc.

Có thể bạn quan tâmHình ảnh người phụ nữ xưa qua bài Tự tình và Thương vợ

-----

Với đề bài cảm hứng nhân đạo trong bài thơ Thương vợ, Đọc tài liệu đã chắt lọc bài văn mẫu hay nhất nói lên giá trị nhân đạo trong bài Thương vợ của Tế Xương cho các em tham khảo, học hỏi, các em học sinh cần tìm hiểu kĩ càng để từ đó có thể xây dựng cho mình một bài văn cảm nhận chi tiết, độc đáo và ấn tượng.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM