Cái hay cái đẹp trong bài Thơ duyên của Xuân Diệu

Xuất bản: 28/07/2023 - Tác giả:

Cái hay cái đẹp trong bài Thơ duyên của Xuân Diệu với tuyển chọn những bài văn mẫu giúp học sinh cảm nhận rõ hơn về cái hay, cái đẹp trong bài Thơ duyên

Thơ duyên là một trường hợp rất tiêu biểu cho cái đặc sắc của tâm hồn và lối xúc cảm của Xuân Diệu. Dưới đây là những bài văn mẫu phân tích cái hay, cái đẹp trong bài Thơ duyên để cảm nhận được đặc sắc của tâm hồn thơ Xuân Diệu.

Cái hay cái đẹp trong bài Thơ duyên của Xuân Diệu - Mẫu 1

Xuân Diệu là nhà thi sĩ của tình yêu và tuổi trẻ chính vì thế những sáng tác của ông đã khiến cho biết bao con tim của những người trẻ tuổi chung một nhịp đập một khát vọng tới bùng cháy. Và một trong những nỗi khát khao đó phải nói tới tình yêu đôi lứa. Thành công ở đề tài này, Xuân Diệu đã có bài thơ Duyên vô cùng đặc sắc với những nét chấm phá. Bằng cái hay cái đẹp của bài thơ “ Duyên” tác giả mang tới cho người đọc người nghe những cung bậc của buổi mới quan nhau.

Trước hết cái hay cái đẹp của bài thơ Duyên được thể hiện qua hình ảnh của một buổi chiều thu vô cùng ướt át và lãng mạn

“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên.

Cây me ríu rít cặp chim chuyền

Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,

Thu đến nơi nơi động tiếng huyền.”

Chính cái duyên cái tình yêu một thời của tuổi trẻ ấy đã khiến cho những con người bắt gặp tình yêu đã vội quyến luyến. dưới con mắt của một người đang yêu thì những thứ họ nhìn thấy được đều vô cùng đẹp và đầy cảm xúc biết bao nhiêu.

Chính cái duyên mà tình yêu mang lại đã khiến cho thiên nhiên và cảnh vật đều nhuốm một màu yêu thương và đẹp đẽ, mọi thứ đều tràn trề sức sống. chúng ta có thể thấy như hình ảnh cây me thì ríu rít những cặp chim chuyền cành, màu trời kia như ai đổ lên những màu xanh ngọc qua muôn lá.

Mỗi mùa mang một thức một dáng dấp riêng. Nếu như người ta yêu mùa xuân với những vẻ non tơ thì người ta lại tới với mùa thu với sự lãng mạn và da diết có chút đượm buồn. hay nghĩ tới mùa hè thì chính là nghĩ tới hình ảnh rộn rã tiếng ve và những màu sắc tươi mới.

Và âm thanh được tác giả sử dụng chính là tiếng huyền. mùa thu xuất hiện với tiếng huyền. một tiếng huyền khiến cho tâm hồn con người như nhẹ bỗng với mọi thứ, tâm hồn như lâng lâng khó tả và cảm xúc thì bộn bề

Cái duyên trong lòng người hay chính là cái duyên của đất trời đã tạo ra cái duyên cho tình yêu đôi lữa. mọi thứ rất dịu ngọt âm thanh bay bổng và có lúc lại ngân dài theo những tiếng động và bước chuyển của thời gian.

Tiếp nối những câu thơ của tác giả chúng ta lại bắt gặp những hình ảnh tinh tế tiếp theo như:

“Con đường nho nhỏ, gió xiêu xiêu,

Lả lả cành hoang nắng trở chiều.

Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn.

Lần đầu rung động nỗi thương yêu”

Bằng những tính từ láy tác giả như diễn tả từng cung bậc cảm xúc một cách nhẹ nhàng và cũng hết sức tinh tế. đó chính là con đường nhỏ gió hiu hiu thổi và hoa và nắng như quyện vào nhau tạo nên một khung cảnh thật say đắm lòng người. Con đường đó, ngọn gió đó hoa đó nắng đó hay chính là cái cớ để bày tỏ nỗi lòng thương yêu dấu kín bấy lâu. Cho dù như thế nào thì con người cũng có cái gì đó để làm cho cảm xúc bản thân thăng hoa, và khi nói tới cái yêu thương bộc phát ở trong lòng làm sao người ta không bị tác động bởi ngoại cảnh lãng mạn ấy chứ?

Một tình yêu bắt đầu được nung nấu và ấp ủ bởi ả “anh và em:

“Em bước điềm nhiên không vướng chân,

Anh đi lững thững chẳng theo gần,

Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu,

Anh với em như một cặp vần.”

Trước sự dịu dàng của thiên nhiên mọi thứ thật tinh tế và đẹp đẽ biết bao nhiêu, những thứ mà chúng ta thấy thực chất là tâm lí của những con người đang yêu. Em bước trước anh lững thững theo sau, cố làm ra vẻ vô tâm nhưng thực chất lại là muốn người kia chú ý tới, và câu thơ cuối bài như giải thích rõ” anh em với cặp vần” một hình ảnh đối rất chỉnh rất đẹp

Bài thơ duyên của Xuân Diệu với những chất liệu tạo dựng từ cuộc sống đã khiến cho người đọc đặc biệt những đôi lứa đang yêu bắt gặp hình ảnh và cảm xúc của mình trong đó. Bởi vậy mà người ta mới cho rằng Xuân Diệu là ông hoàng của tình yêu và tuổi trẻ. Thơ của ông thấm đẫm chữ duyên mà người đời ban tặng.

Với Phân tích bài Thơ duyên các em sẽ hiểu được giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm, qua đó các em cảm nhận được cái hay cái đẹp của bài thơ tốt hơn

Cái hay cái đẹp trong bài Thơ duyên của Xuân Diệu - Mẫu 2

Một vũ trụ bao la, vài làn gió liêu xiêu với những cành cây lả lả trong sự đổi thay của trời bỗng làm cho tâm hồn thi nhân rung động, bỗng bừng lên niềm giao cảm trước cái mênh mông vô tận của thiên nhiên, của cuộc đời; để lời thơ lại tràn vào đầu ngòi bút. Có lẽ bạn sẽ cười: đề tài đó không còn mới lạ nữa, nó đã quen thuộc và gần gũi lắm rồi. Nhưng cái hay của bài thơ là ở hồn thơ, cái hồn ẩn kín sâu kì diệu lắm. Vì vậy, trong cái quen thuộc bình thường kia còn có vẻ đẹp tiềm ẩn của thiên nhiên, vẻ đẹp tiềm ẩn của hồn người giao hòa gắn bó. Thơ duyên của Xuân Diệu là một bài thơ như thế.

Bài thơ đã mang đến cho người đọc một cảm giác dễ chịu, khoan khoái, nó mở ra một không gian thoáng đãng qua hình ảnh "Chiều mộng hòa thơ" và "nhánh duyên". Trong các chiều mộng mơ, có lẽ thi nhân đã say sưa, đã chếnh choáng trước cảnh nên thơ của đất trời, cho nên cảm xúc cứ theo đà ấy mà trào dâng, chiều mộng mơ ấy. Chính nó hòa thơ trong một buổi chiều để từ cảnh mà sinh tình, cái tình bao la lại tràn lên cảnh trong cái duyên gắn bó với hồn người, với cây cỏ mây trời. Thiên nhiên trời đất được mở ra không nhanh, không vội vàng mà lan tỏa từ từ nhẹ nhàng, nó đến với người đọc từ cái say của thi sĩ...không say sao lại có cái chiều mộng hòa thơ.

Đoạn đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên hài hòa có màu sắc, có âm thanh, có cảnh có tình: Đất trời mùa thu! Đó là màu xanh ngọc lấp ló sau những vòm me xanh ngắt, là tiếng líu ríu lách tách của một sức sống đang vươn lên phơi phới của một cặp chim chuyền. Và mùa thu là tiếng đàn bay bổng lâng lâng trong không gian mua thu êm dịu. Trong cái bát ngát của màu xanh, có một tiếng chim lao xao trong tiếng đàn ngân nga trải dài. Quả là hình ảnh vô cùng lãng mạn, nó đẹp trong cái êm ả, bình yên bởi cảm động trong nhưng âm thanh dìu dịu.

Người ta bảo mùa thu buồn lắm, nhưng cảnh trong bài lại không quạnh quẽ chút nào bởi nó có những âm thanh huyền dịu, đan xen nhẹ nhàng và giao hòa trong mây gió, bay qua những vòm me xanh, thổi tan vào bầu trời xanh như ngọc. Chính cách miêu tả chân thực cụ thể sinh động này mà ta mới hiểu được cái chiều mộng ở trên kia, mới thấy được làm sao lại có một bài thơ hòa trong chiều mơ, làm sao lại có một nhánh duyên yêu kiều bí ẩn đến như vậy.

Thơ viết về thiên nhiên, về vũ trụ đất trời không phải là hiếm. Vì thế để nó sống và tồn tại không phải là điều dễ dàng. Và có lẽ chất sống của bài thơ này không phải là cảnh vật cụ thể, sinh động của chiều thu như ở trên mà còn là cái say của lòng thi sĩ với đất trời cởi mở giao hòa, sự hòa quyện giữa linh hồn và cảnh vật. Nếu ở đoạn một cảnh được miêu tả ở chiều sâu, ở sự cụ thể chính xác, thì ở các đoạn tiếp theo cảnh được mở ra theo chiều rộng, cảnh vật bay lên lâng lâng tạo cho người đọc một cảm giác bất ngờ, sau chuyển sang cảm giác thoải mái, dễ chịu trước không gian bao la vô tận, vô cùng. Nhà thơ đã đem đến cho người đọc một sự tiếp nhận thanh thoát không gò bó chút nào. Từ bầu trời xanh ngọc, từ vòm lá me bay với tiếng đàn êm dịu, ý thơ vút lên bay cao bay xa, nơi đó là:

Con đường nho nhỏ gió liêu xiêu

Lả lả cành hoang nắng trở chiều

Cảnh vật ở đây rõ ràng không còn cụ thể mà dưới con mắt nhìn say sưa của nhà thơ, tất cả lâng lâng đều như nhớ lại, có cái gì vừa vời vợi xa xôi, lại vừa quen thuộc gần gũi. Dường như thu vào tầm mắt cả vũ trụ bao la, dường như con người cũng lung lay xiêu xiêu theo làn gió, dường như tất cả lá cây đều bay theo cảnh hoang vắng trong các buổi nắng trở chiều.

Xiêu xiêu là gì? Lả lả là gì? Không ai hay, chỉ biết nó gợi hình gợi âm sắc lắm. Người ta nghe thấy gì, thoang thoảng lao xao trong gió, người ta thấy cái la đà, phất phơ chếnh choáng trong những cảnh hoang. Tất cả đều là những cảnh đầy nhưng sao mà trong mà êm, nhẹ đến nỗi cảnh như muốn bay lên trong không trung, như muốn tan ra loãng vào mây và gió. Như thế mới thấy được cái đẹp của tiết trời sang thu: dịu dàng và thanh thoát. Cái đẹp đã cuốn hút hồn thi nhân, đã làm say lòng người để cho mọi vật dưới con mắt nhà thơ trở nên lung linh, cảnh đấy như tan ra trở thành vô hình, như thế mới thấy thế nào là: "lần đầu rung động nỗi thương yêu", lâu nay ta cứ thấy có "anh" có "em" là nghĩ ngay đến tình yêu trai gái. Trong bài này, Xuân Diệu cũng nhắc đến nhiều lần: "Em bước điềm nhiên không vướng chân - Anh đi lững đững chẳng theo gần"; "Anh với em như một cặp vần" hay là "lòng anh thôi đã cưới lòng em". Nhưng xin những người thẩm thơ hãy thoáng hơn, cởi mở hơn để cho cảnh cho tình với vẻ đẹp tự nhiên của nó. Cảnh đẹp thế thì làm sao mà nhà thơ không thể gọi bằng em? Chính cái "Em bước điềm nhiên không vướng chân - anh đi lững đững chẳng theo gần" càng khẳng định cái say của thi nhân là có thực, càng làm cho cảnh đẹp hơn lên. Em là em, là cả đất trời, là vũ trụ bao la muôn màu muôn vẻ với chiều thu! Anh là anh, là kẻ đang khao khát, đang đi tìm kiếm nhựa sống ở đời. Vô tâm thôi, nhưng cái huyền dịu của em đã níu kéo hồn anh, đã đến trong con mắt của anh tự nhiên, bình thản, tâm hồn thi sĩ đã đến đúng cái nơi con tim khao khát kiếm tìm. Vì thế mà "Anh với em như một cặp vần", vì thế mà giữa người với cảnh không còn giới hạn khoảng cách mà đã hòa vào nhau như một, tình và cảnh giao hòa tha thiết. Cái hay, cái tinh tế của bài thơ là Xuân Diệu đã phát hiện được cái hơi thở của sự chuyển mùa: thu đến, nhà thơ được nghe hơi thở muôn loài. Bài thơ diễn tả được niềm giao cảm đầy tinh tế và hứng khởi của nhà thơ với cuộc đời, với thiên nhiên vũ trụ, đất trời. Sao nhà thơ lại nhìn thấy ở đám mây cái dáng bay gấp gấp, sao nhìn thấy ở con cò có một đôi cánh phân vân? Rõ ràng cái "gấp gấp" và "phân vân" kia là tâm trạng ở bên trong của sự vật, cái ở bên trong bí ẩn tiềm tàng mà nhà thơ vẫn cảm nhận và nói lên. Quả là bài thơ tuyệt diệu lắm.

Ta bắt gặp một cách tả mới, một cách nhìn mới: Nhà thơ không chỉ ta bút pháp cụ thể chân thật, sinh động, không chỉ tả theo chiều rộng của không gian bao la thoáng đãng mà nhà thơ còn miêu tả cái hồn của đất trời, của cây cỏ hoa lá. Nhà thơ đi sâu vào bên trong tâm tình của sự vật, cái đẹp của đất trời, cái hứng khởi say sưa của thi nhân khiên cho dưới con mắt của nhà thơ, tất cả đều tràn đầy sức sống. Tất cả đang cựa quậy, chuyển hóa, tất cả đều mang trong mình cái cảm giác lâng lâng của chiều thu.

Mây trắng về đâu bay gấp gấp

Con cò trên ruộng cánh phân vân

Chim nghe trời rộng giang thêm cánh

Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.

Vì thế mà có một áng mây bay vội đi, có một con cò giang cánh phân vân; vì thế mà trời rộng thêm ra bởi đôi cánh vẫy vùng của một con chim tự do trong trời đất và một bông hoa thấm lan chiều sương.

Cảnh đẹp như thế sao ta chẳng gọi là em?

Cảnh đến người, nhà thơ tìm đến cảnh bằng sự tự nguyện, chân thành và say sưa với một đôi mắt khách quan cho nên nào phải "băng nhân gạ tỏ niềm" mà "lòng anh thôi đã cưới lòng em". "Cưới" ở đây là sự gặp gỡ, hòa quyện giữa cảnh và tình với vũ trụ bao la. "Anh cưới em" bởi trái tim yêu đời của anh đã tìm thấy em. Ở đây tình yêu đất trời, cuộc đời cỏ cây hoa lá của nhà thơ cũng giống như tình yêu trai gái: Nó cũng thiết tha, mặn nồng cũng say đắm và ngưỡng mộ. Thế mới thấy cái duyên của mùa thu như thế nào, thế mới thấy được cái duyên của tác giả, sâu sắc hơn những cái duyên yêu kiều đã làm nên một bài Thơ duyên tuyệt diệu.

Ta bảo ta chán thơ thiên nhiên đất trời bởi nó không còn là đề tài mới lạ, nó trở thành quen thuộc và muôn thuở của mỗi nhà văn nhưng nếu ta biết tìm từ cái quen thuộc ấy, cái sâu xa của hồn thơ, cái gửi gắm của hồn thi sĩ thì sẽ thấy thú vị và chẳng chán chút nào. Thơ duyên là bức tranh, vẻ đẹp lâng lâng bay bổng. Bài thơ viết về mối quan hệ, mối giao cảm của nhà thơ với đất trời, với cuộc đời thông qua việc miêu tả thiên nhiên. Những cảnh thiên nhiên được miêu tả cụ thể, tỉ mỉ, sinh động. Cảnh được miêu tả theo chiều sâu mở rộng không gian mang hơi thu lãng đãng và cảnh được phát hiện và lột tả bên trong linh hồn. Chính điều đó đã gợi sự tiếp nhận thoải mái, thanh thoát ở người đọc, đã làm nên cái duyên của bài thơ. Xuân Diệu một hôm nào đó đã thốt lên rằng:

Hôm nay trời nhẹ lên cao

Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn

Thì hôm nay đã hòa mình vào cuộc sống, không thể đối lập cái tôi của mình với cuộc sống, với người đời và thế giới. Hôm nay nhà thơ đã khẳng định mình: khao khát giao cảm với đời, yêu cuộc sống với vũ trụ bao la, với "con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu - lả lả cành hoang nắng trở chiều" để đến bây giờ "Lòng anh thôi đã cưới lòng em".

(Nguyễn Thu Hằng, Lớp 11V, Trường PTTH Lam Sơn, Thanh Hóa)

Tài liệu tham khảo thêm: Cảm nhận về bài Thơ duyên

Cái hay cái đẹp trong bài Thơ duyên của Xuân Diệu - Mẫu 3

Ở đây, ta không bắt gặp giọng thơ sôi nổi, điệu thơ gấp gáp; cũng không gặp lời thơ vội vàng, giục giã đầy mê say, hăm hở... thường thấy trong thơ ông. Nhưng đọc kĩ, Thơ duyên lại là bài thơ Xuân Diệu nhất. Vậy, điều gì đã tạo nên sức hút diệu kì ấy?..

Gói gọn trong năm khổ thơ nhỏ xinh, bài thơ êm dịu như một bản tình ca – một bản tình ca nồng và trẻ. Nó đi vào lòng người bằng lời thơ dịu dàng, tình thơ nhẹ nhàng và bằng vẻ xa vắng, mông lung, mơ hồ của tứ thơ. Và phải chăng, chính vẻ ngoài ít chất Xuân Diệu ấy lại làm nên cái duyên riêng của Thơ duyên.

Bài thơ mở đầu bằng một buổi chiều thu êm dịu, mát trong:

Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên

Cây me ríu rít cặp chim chuyền

Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,

Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền..

Lòng thi sĩ như cộng hưởng, hòa nhịp với thiên nhiên mộng và mơ. Tất cả đều hữu tình, hữu duyên. Vậy chúng ta nên hiểu chữ duyên như thế nào cho đúng? Từ chữ dùng của đạo Phật - thuật ngữ chỉ duyên cớ, căn nguyên, xuất phát điểm, nguồn gốc của mọi sự (như tiền duyên, duyên nghiệp, căn duyên...), chữ duyên đã được Xuân Diệu dùng theo nghĩa chuyển, mang một màu sắc mới: Duyên ở đây là duyên của đất trời và duyên của lòng người, là sự ràng buộc, giằng níu, giao hòa, gắn kết, cảm thông tuyệt đối. Bởi phương tiện thắt buộc không gì khác chính là sợi dây tơ mỏng manh nhưng bền chắc, dẻo dai: TƠ TRỜI hòa điệu với TƠ LÒNG. Trong không gian như có dây tơ ấy, thanh âm, sắc màu, vạn vật giăng mắc một cách hài hòa. Vì thế, đọc thơ thu lại thấy ấm nóng tình xuân, sức xuân... Thơ mùa thu mà không lạnh lẽo, cô đơn. Đẩy xa sự lụi tàn của lá vàng bay, ngô đồng rụng hay cái đơn côi, lẻ loi, mệt mỏi trong cánh chim chiều... Xuân Diệu mang vào Thơ duyên một cảnh thu đẹp dịu dàng với nhánh
duyên hòa trong chiều mộng, với hàng me ngập tràn, rộn rã tiếng ca; ấm vui của ánh trời chiều rót qua muôn lá... Chỉ bằng từ đổ, nhà thơ cho ta cảm nhận trời thu như một viên ngọc bích khổng lồ, hòa sắc cả không gian – ngập tràn sắc xanh: xanh trời, xanh lá, xanh cây... xanh cả hồn thơ. Bầu trời xanh hóa châu báu đổ ập xuống khiến tâm hồn thi sĩ trải qua những giây phút đầy ắp ngọt ngào, choáng ngợp, mê say đến ngỡ ngàng... Lời thơ, hình ảnh thơ giao hòa quấn quýt. Cỏ cây, hoa lá như mềm mại, sẽ sàng hơn qua các từ lấp láy, qua cách phối âm? Thơ duyên mở đầu bằng cuộc hòa thơ trên nhánh duyên. Dường như vạn vật như chứa sẵn trong mình thứ năng lượng – âm nhạc để cùng ngân lên bao giai điệu khi bàn tay thu huyền diệu khẽ chạm vào. Đọc đoạn thơ, ta có cảm giác như ngậm nhạc trong miệng. Đó là khúc nhạc của thiên nhiên dạo lên đón thu về hay cũng chính là nhạc lòng của một trái tim son trẻ, một tâm hồn xanh thắm – Xuân Diệu?

Duyên ấy còn là mộng với những biến thái sắc, hình khó có thể gọi tên:

Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu

Lả lả cành hoang, nắng trở chiều...

Những câu thơ như thế ta chỉ có thể cảm mà khó có thể lí giải. Dường như mỗi sự vật đều phát ra những luồng sóng từ trường lan tỏa, giao thoa với cảnh vật xung quanh, cho nên gió mới xiêu xiêu cùng con đường nhỏ nhỏ, nắng trở chiều cùng sự lả lả của cành hoang... Cảnh như muốn theo lời thơ mà tan ra. Nó chỉ mất một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng (Hoài Thanh). Qua lăng kính của tình yêu, qua cặp mắt xanh non, ngỡ ngàng, nhà thơ nhìn thấy vạn vật như đến bên nhau, vương vấn, quấn quýt, kết thành cặp thủ thỉ, tâm tình. Đến đây, chúng ta đã phần nào thấy được cách nhìn của nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới này (Hoài Thanh). Tơ trời đã làm nên một vũ trụ song đôi. Và chính con người trong vũ trụ song đôi ấy cũng khao khát được sánh đôi:

Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn

Lần đầu rung động nỗi yêu thương

Như thế, cái duyên của thiên nhiên đã tạo nên cái duyên của hồn người. Sợi tơ lòng đã rung lên trong ảnh hưởng của nhạc, trong không khí thơ mộng của đất trời, cỏ hoa:

Em bước điềm nhiên không vướng chân

Anh đi lững đững chẳng theo gần

Anh và em xuất hiện dửng dưng như đôi người xa lạ. Em bước điềm nhiên, anh đi lững đững - cả hai không ai có ý định rút ngắn khoảng cách ấy. Nhưng giữa bước thu êm, tơ trời đã gắn kết với tơ lòng để kết thành mối dây huyền diệu của ái tình: anh với em như một cặp vần. Nếu cặp chim chuyền là hình ảnh sống động của buổi chiều thu, thì anh và em là một cặp vần tuyệt đẹp giữa bài thơ dịu của đất trời. Thơ duyên được treo mắc giữa bối cảnh chiều thu thơ mộng, đầy hương sắc, thanh âm. Ở đấy, tơ trời vũ trụ xui khiến lòng người nảy những mối tơ lòng vấn vương. Để từ vô tâm, chàng trai thấy lòng mình giăng tơ với tâm hồn cô gái. Cảnh vật liên thông, đồng cảm xui khiến lòng người giao hòa, đồng điệu. Đây là phát hiện tinh tế của nhà thơ về tình yêu – một tình yêu lung linh, tuyệt đẹp. Nó đến ngẫu nhiên nhưng là tất yếu, trở thành quy luật. Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết. Nó nảy sinh bất ngờ nên khó ai có thể sơ đồ hóa thứ tình cảm muôn thưở này (Sóng bắt đầu từ gió. Gió bắt đầu từ đâu? Em cũng không biết nữa. Khi nào ta yêu nhau – Xuân Quỳnh). Qua khổ thơ, Xuân Diệu đã diễn tả một cách tinh tế, đã nói hộ những rung động, xúc cảm đẹp đẽ của tâm hồn con người trong cái thưở ban đầu lưu luyến ấy...

Cảnh đã có mối cảm thông, khi có tình người lại càng thêm thông cảm:

Mây biếc về đâu bay gấp gáp

Con cò trên ruộng cánh phân vân

Chim nghe trời rộng giang thêm cánh

Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần

Câu thơ tả cảnh mà lại gọi được cả thời gian – tâm trạng. Thi sĩ cảm nhận được chiều muộn trong hình ảnh mây biếc về đâu bay gấp gấp, trong sự phân vân, lưỡng lự, ngập ngừng của cánh cò trước khi cất mình vào mây biếc.... Cảnh đấy mà đã xôn xao bao ý tình của con người. Ở đây, sự bồng bột của Xuân Diệu có lẽ đã phát biểu ra một cách đầy đủ hơn cả trong những rung động tinh vi.Vì thế, cánh cò Xuân Diệu đọng lại với lòng người không phải ở sự vận động hữu hình trong dáng vẻ lặng lẽ bay với ráng chiều (Lạc hạ dự cô lộ tề phi – Vương Bột) mà ở chính sự vận động vô hình trong gân cốt của nó...

Khổ thơ cuối cùng phải chăng là sự cắt nghĩa, lí giải về tình yêu?

Ai hay tuy lặng bước thu êm

Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm

Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy

Lòng anh thôi đã cưới lòng em

Xuân Diệu đã làm mới, lạ hóa một cách nói truyền thống (Đi lên cũng gặp chị, đi xuống cũng gặp chị, người ta đồn mộng đồn mị tôi với chị là vợ chồng). Lời thơ Xuân Diệu hay điệu hồn Việt Nam? Không có người mai mối, cũng chẳng cần đợi lời mối mai (Tuy chẳng băng nhân gạ
tỏ niềm) nhưng tự cảnh đã xui lòng người, đã kết họ thành đôi lứa. Hoa duyên hứa hẹn kết trái duyên tình. Bài thơ dịu dần tan bởi chiều thu đã tàn và sương lạnh đã xuống (Chim nghe trời rộng dang thêm cánh. Hoa lạnh chiều thu sương xuống dần) - thời điểm ngân lên tiếng reo vui, ngỡ như hạnh phúc đến tột đỉnh: Lòng anh thôi đã cưới lòng em... Vậy là khi khúc nhạc thiên nhiên đã ngừng im cũng là lúc nhân vật trữ tình nghe lòng mình lên tiếng, để cất lên lời của trái tim. Đây la cách thể hiện vừa kín đáo, tế nhị vừa có sự mạnh mẽ, táo bạo trong lời tỏ tình xưa. Rượu cũ mà bình mới - nội dung ấy được lạ hóa bằng cách diễn đạt rất hiện đại.

Như vậy, Xuân Diệu không hề đối lập cái tôi của mình với cuộc sống, với người đời...Ở bài thơ này, ông đã tìm thấy một nguồn sống dồi dào ẩn náu trong những hình thức nhỏ nhặt, mơ hồ.. Sự sôi trào, dào dạt của nhà thơ đã được phát biểu một cách đủ đầy qua những rung động trước những biến thái tinh vi của cảnh sắc thiên nhiên và lòng người. Có chút mơ hồ trong tứ thơ nhưng chính sự mơ hồ ấy lại làm nên chất thơ, nét duyên riêng của bài thơ này. Có thể coi, đây là một định nghĩa đích thực về tình yêu mà thi sĩ đã bao lần băn khoăn, lí giải nhưng không sao cắt nghĩa nổi. Ta hiểu vì sao Thơ duyên lại là bài thơ duy nhất của Xuân Diệu được in trong tuyển tập Thơ tình thế giới...

(Vũ Thị Hương Giang)

-/-

Hy vọng với những mẫu "Cái hay cái đẹp trong bài Thơ duyên của Xuân Diệu" mà Đọc tài liệu tổng hợp giúp các em có thêm tài liệu tham khảo. Cùng với trọn bộ văn mẫu lớp 10 là những tài liệu hữu ích giúp các em học tốt Ngữ Văn 10!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM