Các đề văn về nhân vật Tràng trong Vợ nhặt của Kim Lân

Xuất bản: 27/05/2019 - Cập nhật: 01/06/2020 - Tác giả:

Tuyển tập và chọn lọc các đề văn về nhân vật Tràng trong Vợ nhặt của Kim Lân hay nhất theo hướng mới năm 2019, tài liệu học tập và ôn thi hữu ích cho các em học sinh.

Tham khảo các đề văn về nhân vật Tràng trong Vợ nhặt của Kim Lân hay nhất do Đọc Tài Liệu sưu tầm, chọn lọc và tổng hợp nhằm giúp em biết thêm nhiều dạng bài có thể sẽ gặp trong các đề kiểm tra, đề thi học kỳ hay đề thi THPTQG sắp tới.

Các đề văn về nhân vật Tràng trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân

Đề 1

Trong truyện Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân tả nhân vật Tràng với hai lần gặp nhân vật “thị”:

Lần đầu, Tràng kéo xe thóc liên đoàn lên tỉnh, Tràng chỉ hát mấy câu vu vơ: “Muốn ăn cơm trắng mới giò/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì”. Lần thứ hai, “hắn cũng chưa nhận ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Sau đó, chỉ mất “bốn bát bánh đúc” và một câu nói đùa “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”, Tràng đã dẫn thị về nhà.

Phân tích hình ảnh nhân vật Tràng trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự tấm lòng của nhà văn dành cho người nông dân.

Hướng dẫn làm bài

Tấm lòng của Kim Lân dành cho người nông dân

a) Mở bài: 

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

+ Kim Lân là nhà văn của người nông dân, là cây bút của đồng ruộng.

+ Truyện ngắn Vợ nhặt của ông thể hiện sự am hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí những người ở thôn quê: dù cuộc sống có tăm tối đến đâu họ vẫn khao khát sống, yêu thương đùm bọc nhau, vẫn hi vọng vào tương lai.

- Nêu vấn đề cần nghị luận: Hai lần nhà văn miêu tả nhân vật Tràng gặp nhân vật thị trên tỉnh đã thể hiện tấm lòng nhân đạo mà ông đã dành cho người nông dân Việt Nam.

b) Thân bài:

* Khái quát về truyện ngắn, nhân vật Tràng: 

- Vợ nhặt được coi là kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân, cũng là một truyện ngắn xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Tiền thân của truyện ngắn Vợ nhặt là một chương trong tiểu thuyết Xóm ngụ cư viết ngay sau 1945. Tới 1954, Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết Vợ nhặt. Do đó, tác phẩm không chỉ là kết quả một quá trình suy ngẫm, gọt giũa về cả nội dung và nghệ thuật mà còn mang âm hưởng lạc quan của thời đại mới trong thời điểm đất nước được giải phóng sau năm 1954.

- Truyện kể về nhân vật Tràng nhặt được vợ trong tình huống éo le, bất ngờ và cảm động.

- Hai lần nhà văn miêu tả nhân vật Tràng gặp nhân vật thị trên tỉnh thuộc phần đầu của truyện.

* Phân tích hình ảnh nhân vật Tràng trong hai lần miêu tả:

- Về nội dung:

+ Sơ lược về cảnh ngộ của Tràng: Tràng là một người nông dân nghèo khổ, đơn độc, có số phận và gia cảnh vô cùng đáng thương. Trong nạn đói năm 1945, Tràng và mẹ già cũng bị cái đói dồn đuổi, bởi vậy anh hầu như không có khả năng để có thể lấy vợ.

+ Nhân vật Tràng ở lần gặp gỡ thứ 1:

  • Hoàn cảnh xuất hiện: Tràng kéo xe bò thuê lên tỉnh để kiếm sống. Vì mệt quá, nên anh cất lên câu hò. Không ngờ, đó là câu hò khiến cho nhân vật thị chú ý. Sau câu hò vu vơ của Tràng, Tràng đã được một người đàn bà ton ton chạy ra đẩy xe và tít mắt cười tình.
  • Ý nghĩa: Câu hò trở thành nhịp cầu nối, mở đầu cuộc gặp gỡ của hai con người cùng khổ trong nạn đói 1945. Hành động chạy ra đẩy xe và tít mắt cười tình của người vợ nhặt tác động rất mạnh đến tâm lý của một người đàn ông trưởng thành vốn phải sống đơn độc. Hành động đó của thị đã đem đến cho Tràng cảm giác và cảm xúc hoàn toàn mới mẻ, khác hẳn với câu bông đùa hàng ngày cùng lũ trẻ con. Nó khơi dậy cho Tràng một khát khao chân chính, mãnh liệt mà người trưởng thành nào cũng có, đó là khát khao được chia sẻ yêu thương cùng một người khác giới.

+ Nhân vật Tràng ở lần gặp gỡ thứ 2:

  • Hoàn cảnh xuất hiện: Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ thì người vợ nhặt xuất hiện với giọng nói sưng sỉa: -Điêu! Người như thế mà điêu! Rồi Tràng nhận ra sự thay đổi đến đáng thương trước ngoại hình của người vợ nhặt.
  • Ý nghĩa: Điều tác động mạnh nhất đến Tràng chính là sự biến đổi bất ngờ đến không hề nhận ra của cô vợ nhặt. Chỉ sau một thời gian ngắn ngủi, với sự tàn phá khủng khiếp của cái đói, cô vợ nhặt gần như biến đổi hoàn toàn về nhân hình, nhân dạng. Từ một người khỏe mạnh, thị đã biến thành kẻ đói rách, khổ sở: “quần áo tả tơi như tổ đỉa, thị gầy rọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Vốn là người nông dân hiền lành, lương thiện, sự thay đổi, biến dạng của người vợ nhặt không thể không tác động vào lòng trắc ẩn nơi Tràng. Bởi vậy, Tràng đã rất nhanh chóng đi đến quyết định cho thị ăn một bữa no rồi dẫn về nhà làm vợ. Thực chất đó chính là hành động đầy tình người, dám đưa đôi bàn tay của mình để cưu mang những người cùng cảnh ngộ. Bốn bát bánh đúc và câu nói đùa “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về” của Tràng đã trở thành sự thật vì sau đó người vợ nhặt theo Tràng về thật.

* Nhận xét về tấm lòng của nhà văn dành cho người nông dân:

- Qua hai lần gặp gỡ của nhân vật Tràng, Kim Lân thể hiện niềm cảm thông sâu sắc trước hoàn cảnh bi đát của người nông dân Việt Nam trong nạn đói khủng khiếp năm 1945;

- Nhà văn ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của của họ. Đó là khát vọng sống, đề cao tình thương, tình nghĩa con người trong tận cùng khổ đau khi đối diện với đói, cái chết đang rình rập.

- Tác giả gửi gắm niềm tin vào người nông dân. Chính khát vọng hạnh phúc gia đình sẽ làm nên sức mạnh để con người hướng về tương lai.

* Đặc sắc nghệ thuật:

- Tạo tình huống “nhặt” vợ rất éo le, bất ngờ và cảm động; Tràng nhặt được vợ phù hợp với tâm lý và tình cảm của nhân vật, không có sự khiên cưỡng, chắp nối; ngôn ngữ đậm chất nông dân và có sự gia công sáng tạo của nhà văn.

c) Kết bài: 

- Khẳng định lại giá trị, ý nghĩa từ hai lần gặp gỡ của nhân vật Tràng.

- Bài học cuộc sống được rút ra: lòng yêu thương, khát vọng sống hạnh phúc, xây dựng tổ ấm gia đình…

>> Tham khảoPhân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt

Đề 2

Về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Đó là một người đàn ông có tâm hồn đơn giản, hời hợt. Ý kiến khác lại khẳng định: Đó là một người đàn ông tâm hồn vẫn có những nét sâu sắc, tinh tế.

Từ cảm nhận của mình về hình tượng nhân vật Tràng, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.

Hướng dẫn làm bài

Cảm nhận về nhân vật Tràng

1. Vài nét về tác giả, tác phẩm

- Kim Lân là một trong những nhà truyện ngắn có nhiều trang viết cảm động về đề tài nông thôn và người nông dân. Văn phong của ông giản dị mà thấm thía.

- Tiền thân của truyện ngắn Vợ nhặt là tiểu thuyết Xóm ngụ cư, viết sau khi Cách mạng tháng Tám thành công nhưng còn dang dở, sau đó bị lạc mất bản thảo. Sau hòa bình lập lại 1954, Kim Lân dựa trên một phần cốt truyện cũ để viết truyện Vợ nhặt.

2. Giải thích các ý kiến 

- Ý kiến thứ nhất: cho rằng nhân vật Tràng là một người đàn ông có tâm hồn đơn giản, hời hợt. Ý kiến trên có lẽ đã nhìn nhân vật ở những biểu hiện bên ngoài dễ thấy nhất (đưa người đàn bà về chỉ sau hai lần gặp, sau vài câu nói đùa...).

- Ý kiến thứ hai: khẳng định nhân vật Tràng là một người đàn ông vẫn có những nét sâu sắc, tinh tế trong tâm hồn. Có lẽ người bảo vệ ý kiến này đã nhìn nhân vật ở chiều sâu bên trong các thái độ, hành động, ứng xử của nhân vật.

3. Cảm nhận về hình tượng nhân vật Tràng 

Thí sinh có thể có những cảm nhận khác nhau nhưng vẫn cần nhận ra những đặc điểm cơ bản gắn với cảnh ngộ và phẩm chất của nhân vật - được Kim Lân khắc họa đầy chân thực và cảm động:

- Tràng là một người đàn ông có tâm hồn đơn giản, hời hợt:

+ Quyết định của Tràng trong việc lập gia đình (vội vàng; không phù hợp hoàn cảnh;...).

+ Cách biểu hiện niềm vui và nỗi buồn chán (bộc lộ hoàn toàn ra dáng vẻ bên ngoài).

- Tràng là một người đàn ông vẫn có những nét sâu sắc, tinh tế trong tâm hồn:

+ Cách đối xử với người đàn bà không tên trong hai lần gặp (cảm thông, giàu tình người).

+ Thái độ sẵn sàng đón nhận người đàn bà vào cuộc đời của mình (trân trọng, hoan hỉ).

+ Ý thức về trách nhiệm, bổn phận của người chồng (lo toan, chăm chút cho hạnh phúc).

+ Tinh thần lạc quan, niềm tin vào ngày mai (vượt qua sự ảm đạm của nạn đói để nghĩ về sự đổi đời trong tương lai).

4. Bình luận về các ý kiến

- Cả hai ý kiến đều có cơ sở dù cách đánh giá về nhân vật có vẻ như trái ngược nhau (thực chất là bổ sung cho nhau).

- Ý kiến thứ nhất thiên về hiện tượng, về biểu hiện bên ngoài của nhân vật. Ý kiến thứ hai có cơ sở từ chiều sâu bên trong các thái độ, hành động, ứng xử của nhân vật.

>> Tham khảo thêmPhân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng trong truyện Vợ Nhặt

Đề 3

    Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không? 

1. Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính?

2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì ?

3. Xác định thành ngữ dân gian được sử dụng trong đoạn văn và nêu hiệu quả nghệ thuật của các thành ngữ đó ?

4. Dấu ba chấm (...) trong câu văn Còn mình thì... có ý nghĩa gì?

5. Từ văn bản, viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về tình mẫu tử.

Hướng dẫn làm bài

1: Đoạn văn được viết theo phương thức biểu cảm là chính.

2: Đoạn văn diễn tả tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ khi biết con trai (nhân vật Tràng) dẫn người đàn bà xa lạ về nhà.

3: Thành ngữ dân gian được sử dụng trong đoạn văn : dựng vợ gả chồng, ăn nên làm nổi, sinh con đẻ cái. Hiệu quả nghệ thuật của các thành ngữ: chứng tỏ nhà văn có tài năng vận dụng sáng tạo ngôn ngữ dân gian, dòng tâm tư người kể hoà với dòng suy nghĩ của nhân vật bà cụ Tứ. Tác giả hiểu được nỗi lòng, tâm trạng của người mẹ thương con.

4: Dấu ba chấm (...) trong câu văn Còn mình thì... có ý nghĩa: gợi lời độc thoại nội tâm của nhân vật bà cụ Tứ bị đứt đoạn, khi bà so sánh giữa "người ta" với "còn mình". Qua đó, người đọc thấy được tấm lòng của người mẹ già này. Bà thương con nhưng thấy mình chưa làm tròn bổn phận, trách nhiệm của một người mẹ, nhất là trong ngày hạnh phúc của con. Tấm lòng của bà cụ Tứ thật cao cả và thiêng liêng.

5: Đoạn văn cần đảm bảo các ý:

- Dẫn ý bằng chính dòng độc thoại nội tâm xúc động của bà cụ Tứ.

- Tình mẫu tử gì? Biểu hiện của tình mẫu tử?

- Ý nghĩa của tình mẫu tử?

- Phê phán những đứa con bất hiếu với mẹ và nêu hậu quả.

- Bài học nhận thức và hành động?

>>> Xem thêm bài liên quan: Phân tích vẻ đẹp tình người qua nhân vật cụ Tứ trong Vợ Nhặt

Đề 4

    Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.

    Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay xè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mây cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đêu được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mây chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.

    Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đôi với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thây hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đây. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phân chân đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.

    Bà cụ Tứ chợt thấy con giai đã dậy, bà lão nhẹ nhàng bảo nàng dâu:

    - Anh ấy dậy rồi đây. Con đi dọn cơm ăn chẳng muộn.

    - Vâng.

    Người đàn bà lẳng lặng đi vào bếp […]

    […] Ngoài đình bỗng dội lên một hồi trông, dồn dập, vội vã. Đàn quạ trên những cây gạo cao chót vót ngoài bãi chợ hốt hoảng bay vù lên, lượn thành từng đám bay vần trên nên trời như những đám mây đen.

    Người con dâu khẽ thở dài, thị nói lí nhí trong miệng:

    - Trống gì đay, u nhỉ?

    - Trống thúc thuế đây. Đằng thì nó bắt gióng đấy, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ… - Bà lão ngoảnh vội ra ngoài. Bà lão không dám để con dâu nhìn thây bà khóc.

    Người con dâu có vẻ lạ lắm, thị lầm bầm:

    - Ở đây vẫn phải đóng thuế cơ à?

    Im lặng một lúc thị lại tiếp:

    - Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đây.

    Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi. Cái mặt to lớn bặm lại, khó đăm đăm. Miếng cám ngậm trong miệng hắn đã bã ra chát xít… Hắn đang nghĩ đến những người phá kho thóc Nhật.

    Tràng hỏi vội trong miếng ăn:

    - Việt Minh phải không?

    - Ừ, sao nhà biết?

    Tràng không trả lời. Trong ý nghĩ của hắn vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm.

    Hôm ấy hắn láng máng nghe người ta nói họ là Việt Minh đây. Họ đi cướp thóc đây. Tràng không hiểu gì sợ quá, kéo vội xe thóc của Liên đoàn tắt cánh động đi lối khác.

    À ra họ đi phá kho thóc chia cho người đói. Tự dưng hắn thây ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu.

    Ngoài đình tiếng trông thúc thuế vẫn dồn dập. Mẹ và vợ Tràng đã buông đũa đứng dậy.

    Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…

    Anh/chị hãy phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Tràng trong đoạn trích trên. Liên hệ cách kết thúc đoạn trích này (cũng là cách kết thúc truyện ngắn Vợ nhặt) với cách kết thúc truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao (Sách Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, trang 154 - 155) để bình luận cách nhìn của hai nhà văn về người nông dân trong xã hội cũ.

Hướng dẫn làm bài

Bình luận cách nhìn của Kim Lân và Nam Cao về người nông dân trong xã hội cũ

* Giới thiệu: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Kim Lân, truyện ngắn Vợ nhặt và nhân vật Tràng (sau khi lấy vợ)

* Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Tràng

- Tóm tắt tình huống lấy vợ của Tràng

- Tâm trạng của Tràng trong buổi sáng ngày đầu có vợ:

+ Vẫn còn ngỡ ngàng

+ Cảm động, hạnh phúc khi nhìn thấy cảnh cửa nhà thay đổi và cảnh mẹ cùng vợ quét tước sân vườn - một cảnh gia đình ấm áp trong ngày đói.

+ Dự tính về cuộc sống tương lai, ý thức về trách nhiệm của mình với gia đình.

+ Kết thúc là sự nhận hiểu về Việt Minh, về đoàn người đói đi phá kho thóc.

- Qua nhân vật Tràng, Kim Lân khẳng định bản chất tốt đẹp, sức sống mạnh mẽ của con người Việt Nam : tình người cao đẹp, khát vọng sống và niềm hi vọng vào cuộc sống, vào tương lai.

- Nghệ thuật miêu tả, khắc họa nhân vật:

+ Đặt nhân vật trong tình huống lạ, độc đáo.

+ Miêu tả nội tâm sâu sắc, tinh tế.

* Liên hệ kết thúc của truyện ngắn Chí Phèo và bình luận.

- Liên hệ nhân vật Chí Phèo

+ Sau khi gặp thị Nở, Chí Phèo khát khao được hoàn lương, được chung sống với thị Nở; nhưng thị Nở từ chối chung sống do bà cô ngăn cản.

+ Chí Phèo đau khổ, tuyệt vọng, giết chết bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình.

+ Nghe tin Chí Phèo chết, thị Nở nhìn nhanh xuống bụng và thấy thoáng hiện một cái lò gạch cũ.

- Bình luận:

+ Qua nhân vật Chí Phèo, Nam Cao phản ánh tình trạng bế tắc, tuyệt vọng của người nông dân bị áp bức bởi bọn thống trị, họ bị cướp đoạt vĩnh viễn cuộc sống. Và đó cũng là cái nhìn bi quan của Nam Cao về số phận của người nông dân trong xã hội cũ.

+ Qua nhân vật Tràng, Kim Lân thể hiện cái nhìn lạc quan, hướng tới tương lai tươi sáng cho những người lao động nghèo khổ.

+ Sự khác biệt về kết thúc của hai tác phẩm xuất phát từ hoàn cảnh xã hội khi hai tác phẩm ra đời.

+ Tuy nhiên, cả hai tác phẩm đều thể hiện tinh thần nhân đạo của hai nhà văn.

>>> Tham khảo các bài liên hệ nhân vật Tràng với Chí Phèo để có thêm gợi ý làm bài:

-/-

    Với các đề văn về nhân vật Tràng trong Vợ nhặt kèm đáp án, Đọc Tài Liệu hi vọng đã có thể đem đến cho các em một nguồn tài liệu hữu ích qua đó giúp em rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức Ngữ văn. Chúc các em luôn học tốt nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM