Các đề văn về hồn Trương Ba da hàng thịt (Lưu Quang Vũ)

Xuất bản: 27/05/2019 - Cập nhật: 15/09/2020 - Tác giả:

Tuyển tập các dạng đề trọng tâm xoay quanh tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ thường gặp trong đề thi và kiểm tra.

Tuyển tập các đề văn về Hồn Trương Ba da hàng thịt do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn. Các đề văn dưới đây đều là những nội dung được chọn lọc nhằm hỗ trợ học sinh trong việc phân tích tác phẩm kịch mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc này.

Tổng hợp các đề văn về hồn Trương Ba da hàng thịt

Câu 1

Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, có một lời thoại quan trọng “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Anh/chị hãy phân tích tình huống éo le của nhân vật Hồn Trương Ba trong xác anh hàng thịt để làm sáng tỏ lời thoại trên.

Gợi ý làm bài: 

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả (con người và phong cách)
- Giới thiệu tác phẩm (giá trị của tác phẩm)
- Tác phẩm có rất nhiều lời thoại mang tính triết lý, trong đó lời nói của Trương Ba “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi trọn vẹn” đã gợi lên tình huống éo le của nhân vật.

2. Thân bài

a. Giới thiệu chung

- Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những truyện hay trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Lưu Quang Vũ đã dựa vào cốt truyện này để viết thành vở kịch nói cùng tên vào năm 1981 và được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1984.

- Vở kịch đặt ra vấn đề, đó là bi kịch sống nhờ của Hồn Trương Ba trong xác anh hàng thịt.

- Lời thoại trên là lời của Hồn Trương Ba nói với Đế Thích, có ý nghĩa triết lý về sự thống nhất, hài hòa giữa hồn và xác trong một con người.

b. Phân tích tình huống éo le của nhân vật Hồn Trương Ba trong xác anh hàng thịt

+ Tình huống éo le, bi đát

- Nguyên nhân dẫn đến tình huống éo le : việc gạch tên chết người vô trách nhiệm của quan nhà trời và “thiện ý sửa sai” của Đế Thích.

- Nỗi khổ của Hồn Trương Ba khi phải sống nhờ vào xác anh hàng thịt : vợ con nghi ngờ, xa lánh ; do sự xui khiến của thân xác hàng thịt, Hồn Trương Ba có những hành vi, cử chỉ thô lỗ, vụng về.

- Hồn Trương Ba cương quyết không sống trong xác anh hàng thịt. Khát vọng giải thoát khỏi thân xác người khác khiến Hồn Trương Ba gọi Đế Thích lên để nói rõ bi kịch sống nhờ, sống không đúng mình.

+ Ý nghĩa của lời thoại

- Lời thoại này thể hiện rõ quan niệm về hạnh phúc của nhà viết kịch. Hồn Trương Ba đã có một thân xác để tồn tại, để tiếp tục sống, ngỡ đó là hạnh phúc. Nhưng hóa ra hạnh phúc ở đời không phải là được sống mà sống như thế nào.

- Bức thông điệp mà Lưu Quang Vũ muốn nhắn gửi qua bi kịch của Trương Ba: con người phải được sống như chính mình, sống hòa hợp giữa hồn và xác – tâm hồn trong sạch như thân xác được khỏe mạnh. “Tôi muốn là tôi toàn vẹn”, đấy mới là hạnh phúc.

c. Đánh giá

- Tình huống éo le của vở kịch là nét đặc sắc tạo nên sự khác biệt giữa truyện dân gian và vở kịch.

- Thông qua lời thoại của nhân vật, Lưu Quang Vũ đã thể hiện quan niệm sống giàu giá trị nhân văn.

- Nhà văn đã dựng lên được những kịch tính thông qua cử chỉ, hành động, đặc biệt là lời thoại của nhân vật sinh động có tầm khái quát cao.

3. Kết luận

- Lời thoại của Trương Ba “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi trọn vẹn” là một câu nói giàu tính triết lý, cũng lại là bi kịch cho số phận của một con người.

- Khẳng định tài năng của Lưu Quang Vũ và sức sống của tác phẩm.

>> Tham khảo bài văn mẫu dưới đây để làm rõ tình huống éo le của nhân vật Hồn Trương Ba trong xác anh hàng thịt Phân tích màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Đế Thích

Câu 2

Ý nghĩa thời đại của tác phẩm "hồn Trương Ba, da hàng thịt" Lưu Quang Vũ đã đặt ra như thế nào trong đoạn trích ?

Gợi ý làm bài: 

Cũng giống như tài năng của nhà soạn kịch nổi tiếng LQV, vở kịch của thời hiện đại, nhìn nhận lại và phát triển theo trình độ nhận thức của thời đại cũng mang một ý nghĩa thời đại. Không chỉ có ý nghĩa triết lí về nhân sinh, về hạnh phúc con người, trong vở kịch nói chung và đoạn kết nói riêng, Lưu Quang Vũ muốn góp phần phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ:

Thứ nhất, con người đang có nguy cơ chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hưởng thụ đến nỗi trở nên phàm phu, thô thiển.

Thứ hai, lấy cớ tâm hồn là quý, đời sống tinh thần là đáng trọng mà chẳng chăm lo thích đáng đến sinh hoạt vật chất, không phấn đấu vì hạnh phúc toàn vẹn.

Cả hai quan niệm, cách sống trên đều cực đoan, đáng phê phán.

Ngoài ra, vở kịch còn đề cập đến một vấn đề cũng không kém phần bức xúc, đó là tình trạng con người phải sống giả, không dám và cũng không được sống là bản thân mình. Đấy là nguy cơ đẩy con người đến chỗ bị tha hóa do danh và lợi.

Với tất cả những ý nghĩa đó, đoạn trích rất tiêu biểu cho phong cách viết kịch của Lưu Quang Vũ.

Câu 3

Hãy phân tích nội dung chính vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt của nhà văn Lưu Quang Vũ.

Gợi ý làm bài: 

Tham khảo một số bài mẫu sau để hoàn thành đề bài này:

Phân tích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Phân tích và nêu cảm nghĩ về đoạn trích hồn Trương Ba, da hàng thịt

Câu 4

Qua các cuộc đối thoại trong đoạn trích " Hồn Trương Ba , da hàng thịt " , Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm những quan niệm về lẽ sống chết như thế nào ? Ý nghĩa triết lí về đoạn trích vở kịch đó ?

Gợi ý làm bài: 

Qua cuộc đối thoại trong đoạn trích "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm đến người đọc về quan niệm lẽ sống và cái chết rằng:

- Ranh giới giữa sự sống và cái chết tưởng chừng như rất dài, nhưng thật ra nó ngắn lắm.

- Trong cuộc sống, không ai muốn mình là kẻ sống không ra sống, bị người khác khinh bỉ, chê cười, ai cũng muốn có một tâm hồn trong sạch, sống đẹp và ý nghĩa ( như Trương Ba mong muốn). Nhưng cũng như ranh giới của sống và chết, những điều cao đẹp và những toan tính, hiểm độc cũng có khoảng cách rất ngắn, nhiều khi không ai muốn thế cả, nhưng bắt buộc, cùng đường phải trở nên như thế.

- Tâm hồn và thể xác là một thể thống nhất và không tách rời được. Và không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thể xác phàm tục.

- Sống phải cho ra sống, sống trong thân xác người khác thì chẳng khác nào đày đọa tâm hồn mình. Sống cho ra người quả không đơn giản.

* Ý nghĩa triết lý:

Trong cuộc sống, đôi lúc con người ta không thể làm theo tất cả những gì mình muốn, bắt buộc phải sống theo một khuôn phép, một chuẩn mực của xã hội. Nhưng dù cuộc sống có thế nào đi chăng nữa, dù đứng giữa ranh giới giữa sống và chết, dù đang rơi vào vòng xoáy sinh tồn thì cũng đừng bao giờ đánh mất đi chính mình, đừng bán rẻ tâm hồn mình.

Cũng bởi thế mà chúng ta có thể hiểu tâm trạng giằng xé đớn đau của nhà thơ Việt Phương khi ông viết: “Ta giãy giụa trong vòng xoáy sinh tồn. Chỉ mong một môi trường không ô uế"

>> Tham khảo: Tóm tắt vở kịch hồn Trương Ba, da hàng thịt 

Câu 5​​​​​​​

Phân tích mối tương quan đối lập giữa Hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Chỉ ra những điểm khác nhau cơ bản của hai nhân vật này.

Gợi ý làm bài: 

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả (con người và phong cách)

- Giới thiệu tác phẩm (giá trị của tác phẩm)

- Giới thiệu về mối tương quan đối lập và sơ lược về Hồn Trương Ba và da hàng thịt.

2. Thân bài

a. Giới thiệu chung

- Hoàn cảnh ra đời, xuất xứ

- Hồn Trương Ba da hàng thịt là vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ. Dựa vào tích xưa, Lưu Quang Vũ đã bộc lộ khả năng sáng tạo của mình khi xây dựng hai nhân vật Hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt.

- Đây là hai nhân vật chính của tác phẩm, tư tưởng triết lý nhân sinh của vở kịch bật lên mối tương quan đối lập giữa hai nhân vật này.

b. Phân tích mối tương quan đối lập giữa hai nhân vật Hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt

- Cuộc gặp gỡ giữa Hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt

+ Sự sai lầm của thượng giới dẫn đến cuộc đối đầu đầy bi kịch.

+ Hồn Trương Ba đau khổ trong xác anh hàng thịt (dc)

- Những mâu thuẫn không thể giải quyết giữa Hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt

+ Hồn Trương Ba không thể sống chung trong cái xác vay mượn, tách ra khỏi để tranh luận.

+ Cuộc tranh luận diễn ra căng thẳng quyết liệt, không có sự thỏa hiệp.

c. Những điểm khác nhau cơ bản giữa Hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt

- Ông Trương Ba chất phác, hiền lành, nho nhã – Anh hàng thịt thân xác vạm vỡ, kềnh càng, thô lỗ.

- Hồn Trương Ba thanh cao, sống theo những chuẩn mực đạo đức – Xác anh hàng thịt hưởng thụ, sống thiên về bản năng, dễ dàng chạy theo những ham muốn trần tục.

d. Đánh giá

- Hồn và xác là hai phần đối lập, nhưng luôn tồn tại trong một con người, không thể tách rời nhau.

- Đưa ra sự đối lập này, nhà văn muốn nhấn mạnh rằng : con người không chỉ sống bằng thân xác mà cũng không chỉ sống bằng tinh thần.

- Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật kịch thông qua những lời thoại.

3. Kết luận

- Khẳng định sự đối lập giữa hai nhân vật Hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt.

- Khẳng định giá trị của tác phẩm, tài năng của Lưu Quang Vũ.

>> Tham khảo bài mẫu sau để hoàn thành đề bài này: Bàn về quan điểm sống của Trương Ba và Đế Thích

Câu 6​​​​​​​

Phân tích nhân vật Hồn Trương Ba, nhân vật bi kịch trong đoạn trích “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.

Gợi ý làm bài: 

1. Mở bài

- Lưu Quang Vũ là một trong những cây bút tài hoa để lại những dấu ấn trong nhiều thể loại : thơ, văn xuôi và đặc biệt là kịch. Ông là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại.

- Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất, đánh dấu sự vượt trội trong sáng tác của Lưu Quang Vũ.

- Nhân vật Trương Ba – một nhân vật bi kịch

2. Thân bài

a. Giới thiệu chung

- Hoàn cảnh ra đời, xuất xứ

- Đây là một vở kịch mà Lưu Quang Vũ đã dựa vào cốt truyện dân gian, tuy nhiên chiều sâu của vở kịch chính là phần phát triển sau của tuyện dân gian.

b. Phân tích

- Hoàn cảnh éo le, bi đát của ông Trương Ba

+ Trương Ba là người làm vườn yêu cây cỏ, yêu thương mọi người, sống nhân hậu, chân thực, chưa tới số chết, nhưng vì sự tắc trách của quan nhà trời mà Trương Ba phải chết.

+ Hồn Trương Ba phải trú nhơ vào xác anh hàng thịt, một người thô lỗ,… Tính cách Trương Ba ngày càng thay đổi.

Bi kịch của sự oan trái

- Cuộc đối thoại giữa hồn và xác

+ Hồn là biểu tượng cho sự thanh nhã, cao khiết, trong sạch, đạo đức nhưng tất cả hoàn toàn trái ngược qua phần đối thoại với xác. Hồn Trương Ba để lại trong mắt xác hàng thịt là một kẻ phàm ăn, tục uống ; mê rượu và háo sắc ; cư xử thô bạo với mọi người,…

+ Những biểu hiện ngay trong đối thoại khi Hồn Trương Ba không còn là chính mình : cư chỉ, điệu bộ lúng túng, khổ sở; giọng điệu có khi yếu ớt, lời thoại ngắn ; khi đuối lý lại dùng lời lẽ thô bạo để trấn áp “Ta… Ta… đã bảo mày im đi”

Bi kịch của sự tồn tại riêng rẽ : con người không thể chỉ sống bằng thân xác mà cũng không thể sống bằng tinh thần.

- Nỗi đau khổ của Hồn Trương Ba khi tìm về những người thân trong gia đình

+ Người vợ vừa hờn ghen vừa dằn dỗi chồng, có cảm giác ông là người sống xa lạ với mọi người.

+ Đứa con trai cả quyết định bán khu vườn để đầu tư vào sạp thịt.

+ Cái Gái, đứa cháu nội mà ông yêu quý nhất, không thừa nhận ông là ông nội, thậm chí nó còn cự tuyệt đến quyết liệt “Nếu ông nội tôi hiện về được, hồn ông nội tôi sẽ bóp cổ ông”. Trong mắt nó, Hồn Trương Ba chỉ là một tên đồ tể, tay chân vụng về, luôn phá hoại.

+ Con dâu tỏ ra thông cảm, hiểu và đau cho nỗi đau sống nhờ và sự thay đổi của Hồn Trương Ba.

Bi kịch bị người thân xa rời, khước từ cuộc sống.

- Khát vọng giải thoát khỏi thân xác người khác.

+ Trương Ba tự ý thức bi kịch của mình : “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.

Bi kịch sống nhờ vào thân xác người khác

- Trương Ba trước cái chết của cu Tị

+ Trước đề nghị đổi thân xác của Đế Thích, tính cách TB từ chỗ lưỡng lự, suy nghĩ rồi quyết định dứt khoát.

+ Trương Ba muốn chết thật là để cho mình được sống mãi hoài nhớ của mọi người.

Giải thoát bi kịch của một sự giả tạo trong con người Hồn Trương Ba.

c. Đánh giá

- Hồn Trương Ba là một nhân vật quá chú trọng đời sống tinh thần mà coi nhẹ thân xác.

- Bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba là bi kịch về nỗi đau của sự vênh lệch giữa thể xác và tâm hồn trong một con người.

- Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật, nghệ thuật tạo tình huống và diễn tiến kịch kích độc đáo.

3. Kết luận

- Đánh giá chung về nhân vật.

- Khẳng định tài năng viết kịch của Lưu Quang Vũ và sức sống của tác phẩm.

>> Xem thêm:

Cảm nhận về đoạn trích hồn Trương Ba, da hàng thịt

Sơ đồ tư duy Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Trên đây là các đề văn về hồn Trương Ba da hàng thịt có thể xuất hiện trong các đề kiểm tra, đề thi nên các em hãy chú ý ôn tập để có thể làm bài thật tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM