Bệnh quai bị biến chứng nguy hiểm như thế nào

Xuất bản: 09/09/2018

Bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm vì có thể gây vô sinh. Bệnh quai bị lây qua đường hô hấp hay ăn uống và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi trong đó phổ biến nhất ở trẻ em. Nếu không được chữa trị đúng cách kịp thời, bệnh quai bị biến chứng khá nguy hiểm.

1.Biểu hiện bệnh quai bị

- Biểu hiện chủ yếu của bệnh là sốt và sưng, đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt. Thường gặp ở tuyến nước bọt mang tai, đôi khi có thể viêm ở tuyến nước bọt dưới lưỡi hoặc tuyến dưới hàm.


- Hơn 80% bệnh xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi, thường gặp nhất là trẻ từ 6-10 tuổi. Người lớn cũng có thể bị mắc bệnh nếu không tiêm ngừa phòng bệnh trước đó.
- Dịch bệnh thường xuất hiện ở những nơi tập trung đông đúc như trường học, ký túc xá v.v…
 

2. Bệnh quai bị lây như thế nào?

- Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt, hoặc các chất tiết mũi họng của người bệnh được văng ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
- Người bị bệnh quai bị có thể lây lan cho người khác 1 tuần trước khi sưng tuyến mang tai và kéo dài 2 tuần sau khi sưng tuyến mang tai.
- Thời gian lây mạnh nhất vào khoảng 2 ngày trước khi viêm tuyến mang tai.

benh-quai-bi-bien-chung-nguy-hiem-nhu-the-nao

 

3.Biến chứng bệnh quai bị

Khi không được điều trị đúng cách kịp thời, bệnh quai bị có thể gây biến chứng.

Viêm tuyến nước bọt:

Đặc điểm của sưng tuyến nước bọt là sưng 2 bên thường không đối xứng. Một số người bệnh do tuyến nước bọt sưng lên rất to làm cằm, cổ bạnh ra gây biến dạng cả bộ mặt. Da vùng tuyến nước bọt sưng, căng, bóng, không đỏ, nhưng khi sờ vào vùng da đó thấy nóng và bệnh nhân kêu đau.

Có 3 vị trí đau điển hình của bệnh quai bị trong dấu hiệu viêm tuyến nước bọt là góc thái dương - hàm, điểm mỏm xương chũm và góc xương hàm dưới. Nhiều bệnh nhân vì đau nên khó nhai, khó nuốt. Sốt thường kéo dài trong vòng 10 ngày, sau khi hết sốt thì hiện tượng sưng tuyến nước bọt cũng giảm dần.
Đặc điểm nổi bật của viêm tuyến nước bọt do virus quai bị là không bị hóa mủ (trừ khi có bội nhiễm thêm vi khuẩn khác, một đặc điểm rất cần được lưu tâm trong chẩn đoán bệnh quai bị.



Viêm tinh hoàn

Viêm tinh hoàn do virus quai bị thường hay gặp nhất ở lứa tuổi đang dậy thì và cả lứa tuổi trưởng thành. Có khoảng từ 10 - 30% bệnh nhân kèm theo viêm tinh hoàn. Đặc điểm nổi bật của viêm tinh hoàn là thường xảy ra một bên, tỷ lệ viêm tinh hoàn 2 bên gặp ít hơn. Sau khi viêm tuyến nước bọt từ 5 - 7 ngày thì xuất hiện viêm tinh hoàn.

Bệnh nhân thấy xuất hiện sốt trở lại, đôi khi thân nhiệt còn tăng hơn lúc ban đầu của viêm tuyến nước bọt. Tinh hoàn sưng to, đau. Khi sờ vào tinh hoàn thấy mật độ chắc và nhìn thấy da bìu bị phù nề rõ rệt, căng, bóng, đỏ. Ngoài ra, có thể xuất hiện kèm theo viêm mào tinh hoàn, viêm thừng tinh hoàn, thậm chí xuất hiện tràn dịch màng tinh hoàn trong những trường hợp bệnh nặng.


Bệnh viêm tinh hoàn kéo dài từ 3 - 5 ngày thì hết sốt. Tinh hoàn cũng giảm dần độ sưng nề và giảm đau cho đến 3 - 4 tuần lễ sau đó mới hết sưng, đau hẳn.

Viêm tinh hoàn gây hậu quả teo tinh hoàn

Muốn biết có bị teo tinh hoàn hay không phải theo dõi khoảng vài tháng mới có thể chắc chắn. Cũng không nên lo lắng quá về bệnh của mình bởi vì tỷ lệ teo tinh hoàn do virus quai bị gây ra rất thấp, cũng chỉ khoảng 0,5% mà thôi.

Nếu teo tinh hoàn một bên thì mọi chức năng của tinh hoàn còn lại vẫn hoạt động bình thường, nhưng khi đã bị teo cả 2 bên tinh hoàn thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sinh dục và sinh sản.

Viêm buồng trứng



Ngoài biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới thì ở nữ giới khi bị quai bị cũng có thể bị viêm buồng trứng; tuy rằng chiếm tỷ lệ thấp hơn.

Viêm tụy, viêm não, viêm màng não cũng có thể gặp trong bệnh quai bị nhưng không nhiều. Mặc dù những bệnh này gặp trong viêm quai bị là thấp nhưng rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh nên cần hết sức cảnh giác.
Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy