Bàn luận một vấn đề xã hội mà em thấy có ý nghĩa

Xuất bản: 11/07/2024 - Tác giả:

Viết bài văn bàn luận một vấn đề xã hội mà em thấy có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm đã học trong Ngữ văn 11, tập một.

Văn học giống như tấm gương phản chiếu cuộc sống và luôn đặt ra những vấn đề xã hội sâu sắc, ý nghĩa về đạo đức, nhân cách và trách nhiệm của con người. Bài viết này sẽ hướng dẫn em viết một bài văn bàn luận về một vấn đề xã hội có ý nghĩa gợi ra từ những tác phẩm văn xuôi, truyện thơ Nôm đã học trong Ngữ văn 11, tập một, giúp em hiểu rõ hơn ý nghĩa của nó và thể hiện suy nghĩ, quan điểm riêng của mình.

Gợi ý một số vấn đề xã hội được đặt ra trong các tác phẩm đã học trong Ngữ văn 11 tập một

Tác phẩm Sóng

- Vấn đề thân phận và khát vọng khi yêu của người phụ nữ

- Quan niệm về tình yêu và hôn nhân

- Vòng tuần hoàn của cuộc sống

- Vấn đề về sự tự do cá nhân

Tác phẩm Lời tiễn dặn

- Hôn nhân sắp đặt và bất bình đẳng giới: Tác phẩm phản ánh thực trạng hôn nhân sắp đặt trong xã hội cũ, nơi cha mẹ quyết định chuyện hôn nhân của con cái mà không quan tâm đến tình cảm của họ. Người con gái thường bị coi là "của hồi môn", không có quyền tự quyết định hạnh phúc của mình.

- Thân phận người phụ nữ: Trong xã hội cũ, người phụ nữ không có quyền tự quyết định hạnh phúc của mình, họ phải chấp nhận sự sắp đặt của gia đình, xã hội. Điều này thể hiện rõ qua hình ảnh cô gái trong bài ca dao, dù yêu chàng trai nhưng vẫn phải lấy người khác.

- Quan niệm trọng nam khinh nữ: Xã hội cũ coi trọng nam giới hơn nữ giới, dẫn đến việc các cô gái thường bị gả bán sớm để lấy tiền của hồi môn cho anh em trai. Điều này thể hiện sự bất công và thiếu tôn trọng đối với phụ nữ.

- Mâu thuẫn giữa tình yêu và bổn phận: Chàng trai và cô gái trong bài ca dao đều yêu thương nhau sâu đậm, nhưng họ không thể đến được với nhau vì bổn phận với gia đình, xã hội. Điều này thể hiện sự mâu thuẫn giữa tình cảm cá nhân và những quy định, ràng buộc của xã hội.

Tác phẩm Trao duyên

- Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến: Người phụ nữ trong xã hội phong kiến không có quyền tự quyết định hạnh phúc của mình, bị ràng buộc bởi những lễ giáo khắc nghiệt, phải hy sinh tình yêu và hạnh phúc cá nhân vì chữ hiếu.

- Mâu thuẫn giữa tình yêu và bổn phận: Thúy Kiều bị giằng xé giữa tình yêu với Kim Trọng và bổn phận với gia đình. Cuối cùng, nàng chọn chữ hiếu, hy sinh tình yêu để cứu cha và em. Điều này cho thấy sự mâu thuẫn giữa tình cảm cá nhân và trách nhiệm gia đình trong xã hội phong kiến.

Tác phẩm Đọc Tiểu Thanh kí

- Vấn đề bất công xã hội và số phận người phụ nữ: Tiểu Thanh là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn nhưng lại chịu số phận bất hạnh, bị chà đạp và vùi dập. Điều này phản ánh thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, bị coi thường, không có tiếng nói và phải chịu đựng nhiều bất công.

- Số phận của những con người tài hoa bạc mệnh: Tiểu Thanh là một tài năng văn chương nhưng lại bị vùi dập và lãng quên, thậm chí còn bị hãm hại.

- Sự ghen ghét, đố kị trong xã hội: Nàng Tiểu Thanh bị người đời ghen ghét, đố kị vì tài năng và sắc đẹp của mình.

Tác phẩm Anh hùng tiếng đã gọi rằng

- Ý thức về trách nhiệm xã hội: Từ Hải là một người anh hùng có ý thức sâu sắc về trách nhiệm xã hội. Chàng không thể làm ngơ trước những bất công, đau khổ của người khác, đặc biệt là những người phụ nữ yếu đuối như Thúy Kiều.

Tác phẩm Chí Phèo

- Nạn rượu chè và tệ nạn xã hội: Rượu chè là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa của Chí Phèo. Nó làm mờ đi lý trí, khiến anh ta trở nên hung hăng, tàn bạo.

- Sự tha hóa của người nông dân lương thiện: Chí Phèo, một người nông dân lương thiện, hiền lành, bị xã hội vùi dập, đẩy vào con đường lưu manh, trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Điều này phản ánh sự tha hóa về nhân cách của người nông dân dưới ách áp bức, bóc lột của địa chủ và thực dân phong kiến.

- Sự tha hóa của quyền lực: Bá Kiến là đại diện cho tầng lớp thống trị, sử dụng quyền lực để áp bức, bóc lột người dân. Hắn không chỉ đẩy Chí Phèo vào tù oan mà còn lợi dụng, thao túng cuộc đời Chí. Điều này cho thấy sự tha hóa của quyền lực đã làm băng hoại đạo đức xã hội.

- Bất công xã hội và sự phân hóa giàu nghèo: Xã hội trong tác phẩm được chia thành hai tầng lớp rõ rệt: tầng lớp thống trị giàu có, tàn ác và tầng lớp bị trị nghèo khổ, bị áp bức. Sự bất công này đã tạo ra những mâu thuẫn gay gắt, đẩy những người như Chí Phèo vào con đường tội lỗi.

- Sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người: Tình yêu thương của Thị Nở dành cho Chí Phèo qua chi tiết bát cháo hành đạm bạc.

Tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

- Mối quan hệ giữa cái “đẹp” và cái “thiện”: Sức mạnh của cái đẹp và cái thiện có thể vượt qua mọi rào cản, làm lay động lòng người, đánh thức lương tâm, cái đẹp luôn phải gắn kết với cái thiện, không thể tách rời. Chữ viết của Huấn Cao đã làm thay đổi suy nghĩ và hành động của viên quản ngục, giúp ông ta nhận ra giá trị của tâm hồn con người.

Tác phẩm Tấm lòng người mẹ

- Sự nghèo đói và bất công xã hội: Nhân vật Phăng-tin là đại diện cho những người lao động nghèo khổ, bị bóc lột và chà đạp, phải chịu đựng cuộc sống cơ cực, bị đuổi việc, bị lừa gạt và cuối cùng phải bán tóc, răng và thậm chí cả thân xác để có tiền nuôi con.

- Sức mạnh của tình mẫu tử: Phăng-tin là một người mẹ yêu thương con vô bờ bến. Cô sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả mạng sống của mình, để con gái được sống hạnh phúc. Tình mẫu tử của Phăng-tin là một điểm sáng trong bức tranh xã hội đen tối, khắc nghiệt.

- Sự tha hóa của con người: Thằng Thénardier và vợ là những kẻ tham lam, độc ác, sẵn sàng lợi dụng và bóc lột người khác để làm giàu. Chúng là hiện thân của sự tha hóa đạo đức trong xã hội, nơi mà đồng tiền đã làm mờ mắt con người.

Tác phẩm Kép Tư Bền

- Sự phân biệt cái giàu và cái nghèo trong xã hội, sự bóc lột vô cùng khủng khiếp của tầng lớp tư sản đối với dân nghèo: Xã hội trong tác phẩm được chia thành hai tầng lớp rõ rệt: tầng lớp giàu có, quyền lực và tầng lớp nghèo khổ, bị áp bức.

- Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống:

- Bi kịch sau ánh hào quang của những người nghệ sĩ: Đằng sau những tiếng cười, những tràng pháo tay của khán giả là nỗi đau đớn, tủi nhục của người nghệ sĩ.

Dàn ý bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn học

Mở bài

- Dẫn dắt vào đề

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề xã hội mà tác phẩm đặt ra.

Thân bài

- Phân tích vắn tắt văn bản để đúc rút ý nghĩa vấn đề cần nghị luận.

- Phân tích, giới thiệu và nêu vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm Văn học.

- Bàn luận chi tiết về vấn đề xã hội ấy: giải thích vấn đề, phân tích - chứng minh, bình luận, đánh giá, suy luận mở rộng,...

- Rút ra bài học về nhận thức và hành động cho bản thân

Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề xã hội được gợi ra từ tác phẩm văn học.

- Đánh giá ý nghĩa của vấn đề xã hội được gợi ra trong tác phẩm.

Mẫu bài văn bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm đã học

Mẫu số 1

Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao từ xưa và nay vẫn được xem là một truyện ngắn tiêu biểu, xuất sắc của văn học sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phê phán, thể hiện tài năng nghệ thuật của Nam Cao. Cũng từ sáng tác này, chúng ta còn được chứng kiến một điều kì diệu trong cuộc sống, sức mạnh của tình yêu giữa con người với con người.

Đọc những đoạn đầu tiên của tác phẩm, người đọc khó có thể hình dung được sẽ có kế nhân vật chính của truyện – một con người bao nhiêu năm đắm mình trong men rượu, một con quỷ dữ của làng Vũ Đại lại có thể thức tỉnh cả phần và linh hồn nhờ vào tình yêu chớm nở. Khó hình dung hơn nữa khi Chí lại được đánh thức bởi mụ đàn bà xấu ma chê quỷ hờn, một người ba mươi tuổi mà chưa trót đời. Và không thể tin nổi khi chính người đàn bà xấu xí ấy lại mang trong mình lòng tốt bình thường mà cả làng Vũ Đại không ai khác có được. Bát cháo hành nóng hổi với những cử chỉ của thị Nở đã đánh thức trong Chí phần “người” lương thiện bị vùi lấp lâu nay. Con người ấy mới hôm qua còn đi uống rượu say, chửi cả làng, chửi cả đứa sinh ra, rạch mặt ăn vạ, la làng khắp xóm mà lại có thể tỉnh táo nhận ra được những điều đơn giản, nhịp sống thường ngày, có thể khóc, có thể sống dậy những cảm xúc tê dại bấy lâu nay, có thể yêu và khao khát, mong muốn được trở lại cuộc sống lương thiện, mơ về một gia đình hạnh phúc. Điều đáng nói hơn, đánh thức Chí không phải là sức mạnh của quyền lực từ bá Kiến, cũng không phải là sức mạnh được mang đến từ những người dân làng Vũ Đại mà là lòng yêu thương ngây thơ, thuần phác trong con người thị Nở.

Từ câu chuyện thức tỉnh của Chí Phèo, có thể thấy tình yêu thương giữa người với người là sức mạnh có khả năng cảm hoá, giáo dục con người một cách nhanh chóng, mạnh mẽ. Trong thực tế cuộc sống, nhiều lần chúng ta đã bắt gặp sức mạnh đó, ở người thầy hết lòng yêu thương học trò, dù đó là đứa học trò ngỗ ngược, ở người cảnh sát trại giam luôn cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ các phạm nhân cải tạo. Tình cảm yêu thương chân thành đã lay động và kêu gọi thức tỉnh phần lương tri bị vùi khuất phía sau bao tội lỗi, cứu vớt bao con người khỏi sa xuống vực thẳm đau thương. Tình yêu thương đưa thế giới này thoát khỏi bao thảm họa diệt chủng, ươm lại trong con người niềm tin vào tương lai tươi sáng. . . .

Có nhiều cách để giành lại hạnh phúc, công bằng cho con người nhưng nếu yêu thương có thể hàn gắn mọi đau thương, xóa mờ mọi tội lỗi thì tại sao chúng ta không nhân nó lên trong mọi trái tim, không phát huy sức mạnh của nó? Cũng như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết rằng:

Có gì đẹp trên đời hơn thế?

Người yêu người, sống để yêu nhau

Tồn tại và ngày càng phát triển – đó là quy luật của sự sống. Để phát triển, trong cuộc chiến giữa chính và tà, những thế lực phi nghĩa sẽ phải đầu hàng trước sức mạnh chính nghĩa. Nhấn con người chìm đắm trong khổ đau là bóng tối, cái ác. Vậy thì kéo con người lên khỏi bờ vực, đưa con người ra ánh sáng, lương thiện phải là tình yêu thương. Như vậy, sự tồn tại của tình yêu thương, sức mạnh của tình yêu giữa con người với con người là tất yếu, là vô địch. Chúng ta có quyền tin vào sự trường tồn mãi mãi của sức mạnh này.

Có thể thấy tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao không lý tưởng hóa tình yêu bằng sự lãng mạn, thơ mộng và thi vị mà ông tập trung ngòi bút vào miêu tả tình yêu rất đỗi chân thực. Cũng chính nhờ ngòi bút ấy, mà ta thấy được sức mạnh của tình yêu được thể hiện theo một cách khác, một tình yêu lên một bậc cao mới ý nghĩa hơn, cao thượng hơn và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Tình yêu ấy không những làm cho Chí Phèo – Thị Nở bừng tỉnh giữa cuộc đời đầy mê muội mà còn làm cho người đọc có cái nhìn mới tình yêu. Rằng tình yêu rất cao đẹp nhưng luôn đi liền với thực tế hiện tại. Tình yêu và cuộc sống phải hài hòa với nhau mới có thể tạo thành một tình yêu viên mãn và trọn vẹn.

Mẫu số 2

Nguyễn Công Hoan là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc với nhiều tác phẩm, trong đó có Kép Tư Bền” là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Chỉ với vài nét, nhà văn đã khắc họa một tranh sống động giữa sự phân biệt cái giàu và cái nghèo trong một xã hội mà đồng tiền được đặt lên đầu quả tim. Kép Tư Bền là một diễn viên hài kịch nổi tiếng. Các buổi kịch có anh biểu diễn rất đông khách. Nhưng hơn tháng rồi, anh không đi diễn do cha bị bệnh nặng. Ông chủ rạp kịch đến đòi tiền đã cho anh vay và dồn kép Tư Bền vào thế buộc phải nhận vai diễn mới. Trong khi đó, bệnh của cha anh ngày càng nặng hơn. Sự đối lập giữa một bên là Kép Tư Bền đang ra sức pha trò trên sân khấu với ở nhà người cha đang lạnh dần từng phần cơ thể. Đặc biệt nhất phải kể đến cảnh cuối kết thúc, anh tưởng được về phen này quyết hết nợ, quyết được về cạnh giường của cha, nhưng khán giả lại bắt diễn lại. Anh lại phải giấu bộ mặt rầu rầu để vui vẻ diễn lại cảnh cuối lần nữa. Với tác phẩm này, Nguyễn Công Hoan đều đã thành công lột tả những góc khuất, những oái oăm của cái nghề mua vui cho người khác.

Mẫu số 3

Nguyễn Tuân là một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông khám phá thiên nhiên trên phương diện thẩm mĩ, khám phá con người trên phương diện tài hoa nghệ sĩ. Vận dụng điều đó, nhà văn đã viết tác phẩm “Chữ người tử tù”, văn bản đã gợi cho người đọc những suy nghĩ về cái “đẹp” và cái “thiện” trong cuộc sống.

Con người và những vẻ đẹp Người bao giờ cũng là trung tâm cảm hứng của văn học lãng mạn, chữ của Huấn Cao thực chất là sự lí giải một góc tâm hồn Huấn Cao, là lời ca tụng cái đẹp Con Người trong hoàn cảnh tưởng chừng chỉ tồn tại những điều xấu xa. Xem Huấn Cao là nhân vật đại diện cho cái Tài – cái Đẹp – cái Thiên Lương theo quan niệm Nguyễn Tuân cũng cần phải xét đến vai trò của viên quản ngục và thầy thơ lại. Bởi, cái đẹp chỉ thật sự có ý nghĩa khi có người biết thưởng thức. Đó cũng là một khía cạnh chủ đề của tác phẩm mà nhà văn muốn thông qua những nhân vật của mình phát biểu. Sẽ không ai biết đến Huấn Cao vào những thời khắc khốc liệt nhất của đời ông nếu như không có những người như quản ngục, thơ lại. Hai nhân vật này cùng Huấn Cao làm nên “ba đốm sáng đặc biệt” trên nền hiện thực tăm tối. Từ đó, gợi cho người đọc suy nghĩ về mối quan hệ giữa cái “đẹp” và cái “thiện” trong cuộc sống.

Cái đẹp là biểu trưng cho một giá trị, đáp ứng nhu cầu khát vọng sống của con người, đem lại cho con người cảm xúc tích cực và thôi thúc con người sáng tạo. Cái đẹp là một phạm trù mỹ học, trong đó phản ánh và đánh giá những hiện tượng của hiện thực và những tác phẩm nghệ thuật đem lại cho con người một cảm giác khoái lạc về mặt thẩm mỹ biểu hiện dưới hình thức cảm tính đồng thời xác định giá trị thẩm mỹ của đối tượng theo quan điểm về sự hoàn thiện xem chúng là những hiện tượng có giá trị thẩm mỹ cao nhất. Cái đẹp hiện ra thiên hình vạn trạng với tính chất khác nhau. Nghệ thuật là nơi tập trung cao nhất mối quan hệ của con người đối với hiện thực. Nếu con người bao giờ cũng sáng tạo theo qui luật của cái đẹp thì nghệ thuật chính là nơi tập trung cao nhất của qui luật này. Mặt khác, cái gì đẹp thì luôn luôn gắn liền với cái tốt, cái thiện (do đó mà chúng ta thường gắn liền thành hai chữ ‘tốt đẹp’).

Theo nghĩa triết học, Thiện là “điều tốt về phạm vi đạo đức, là lý tưởng thỏa mãn ý chí con người, cũng như chân thỏa mãn lý trí và mỹ, thỏa mãn tình cảm”. Mạnh tử thì cho rằng “Ai cũng có lòng thương người… Nếu thình lình thấy một đứa nhỏ sắp ngã xuống giếng, ai cũng có lòng bồn chồn thương xót”. Đó là minh chứng cho một trong tứ đoan (mầm thiện) gồm: lòng trắc ẩn, lòng tu ố, lòng từ nhượng, lòng thị phi.

Cuộc sống luôn gắn liền buộc chặt cái đẹp và cái thiện. Nếu thiếu đi một trong hai cuộc sống sẽ dần trở nên vô nghĩa. Mỗi người cần phải khám phá cuộc sống bằng con mắt thẩm mĩ và trái tim rung cảm với đời. Trong văn học, cái đẹp và cái thiện cũng luôn đi liền với nhau. Một trong những nhiệm vụ của nhà văn, nhà thơ là tái hiện lại cuộc sống vào trang sách, phát hiện cái đẹp và thâm nhập những mảnh đời. Bởi“văn học luôn gắn liền với cái đẹp và cái thiện”. Nhờ đó ta tìm ra chân lý, cho ta lòng yêu cuộc sống và biết đồng cảm, yêu thương. Nói như Gamzatov thì nhà thơ, nhà văn đã góp phần nuôi dưỡng cái đẹp trong mỗi chúng ta, làm nên diện mạo đẹp đẽ của thế giới. “Tuy nhiên, nhiều tác phẩm văn học lại miêu tả cái xấu, cái ác”.

Tóm lại, chúng ta không thể tách rời cái đẹp và cái thiện. Bởi “suy cho cùng cái đẹp là đứa con ruột của đời sống. Hư vô tuyệt đối không có gạch đá và vôi vữa, không có hạnh phúc lẫn bi ai, thì lấy gì để mà làm chất liệu tạo hình nên cái gọi là “Cái đẹp”?” (Miên Di).

-/-

Trên đây là những gợi ý của Đọc tài liệu về cách làm bài văn bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm đã học kèm theo một số mẫu đoạn văn hay dành cho các em tham khảo. Ngoài ra, để cải thiện và nâng cao kĩ năng viết văn các em có thể tìm đọc thêm các bài Văn mẫu lớp 11 khác do Đọc tài liệu biên soạn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM