Bài thơ Huế tháng tám - Tố Hữu

Xuất bản: 12/06/2020 - Tác giả:

Bài thơ Huế tháng tám của Tố Hữu chính là bức tranh khởi nghĩa chân thực nhất, ghi chép lại lịch sử đấu tranh của dân tộc bằng thơ.

    Huế tháng tám được in trên tạp chí Ánh Sáng (cơ quan tuyên truyền cổ động của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Huế, tức là của Đảng bộ Đảng cộng sản Đông Dương Huế) xuất bản ở Huế, số kép 12-13 ra ngày 19-8-1946, số đặc biệt của tạp chí này kỷ niệm một năm ngày Cách mạng tháng Tám.

Bài thơ Huế tháng tám - Tố Hữu

Bấy giờ bài thơ không phải có tựa là Huế tháng tám mà được ghi nhan đề: 23-8-1945, nội dung như sau:

23-8-1945

Huế trầm mặc hôm nay sao khác khác,

Những mắt huyền ngơ ngác hỏi thầm nhau

Chân nôn nao như khách đợi mong tàu

Bước dò bước, không biết sau hay trước.

Tim hồi hộp, vì sao? Ai hẹn ước

Ai đang về? Dáng đó thấp hay cao?

Mắt đỏ lòe, như lửa hay như sao?

Người hay bóng? Ngoài vào hay trong tới?

Giáng từ trên hay là vươn từ dưới?

Huế ngây thơ, lo lắng, những tâm linh

Khát khao hoài. Trinh nữ ấy đang rình

Sau cửa hé, người yêu chưa biết mặt…

Trên Hương giang, hoang mang đò lạnh ngắt

Tiếng đàn im, ca kỹ nép phương nào?

Trăng thì thầm chi với sóng xôn xao?

Đức Kim Thượng đêm nay trong ngọc điện

Ngự lên lầu, trông lên cao: xao xuyến

Muôn vì sao… lạnh lẽo thấm hoàng bào

Người rùng mình tưởng đứng đỉnh cù lao

Nỗi cô độc giữa gió triều biển động.

Đôi gốc đại nghiêng nghiêng tàn lay bóng

Sầu thâm cung vờ vật dưới sân chầu

Người đứng đây, trăm họ đang về đâu?

Đỉnh thần đó, rầu rầu thân đá trắng

Quá khứ nặng đè xuống đầu cúi lặng…

Cánh tay nào cất nổi gánh giang sơn?

Lòng muôn dân rần rật lửa căm hờn

Máu giải phóng đã lôi lòng nhân loại!

Nên Kim thượng đêm nay vui… chiến bại

Để toàn dân chiến thắng giữ ngôi son

Người phải lui cho Dân tiến, Nước còn

Thôi thôi vậy. Tiên vương ôi, nghiệp đế!

Người đã quyết "không làm vua nô lệ"

Xuống làm dân nước độc lập hoàn toàn…

Và rạng ngày, chiếu xuống khắp dân gian:

"Trẫm hy sinh cả ngai vàng, bệ ngọc".

Chừ đây Huế, Huế ơi! Ha ha! cười mà khóc

Ta say rồi, ha ha, khóc mà cười!

Nước mắt ta trào húp mí, tràn môi

Cổ ta ré trăm trận cười, rợn óc.

Ta ôm nhau, đấm nhau quay lăn lóc

Hả hê chưa! Ai dám bịt mồm ta?

Ta hét huyên thiên, ta chạy khắp nhà

Ai dám cấm ta điên, điên thần thánh?

Ngực lép bốn ngàn năm, trưa nay cơn gió mạnh

Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời

Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi

Ha! Nó hót cái gì vui nghe ngộ quá!

Thôi cơm làm chi, cho ta chum nước lã,

Khát khát ghê, uống nứt cả buồng gan.

Nóng chết người! da thịt ta khô ran

Xé toạc áo, đánh trần phi giữa phố.

Gió gió ơi! hãy làm giông làm tố

Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi!

Vàng vàng bay đẹp quá, sao sao ơi!

Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác.

Ôi thiên đường! Tai mê man lắng nhạc

Từ muôn phương nghe gót nện rầm rầm

Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!

Tố Hữu

Câu hỏi đọc hiểu Huế tháng tám (Tố Hữu) có thể ra:

1. Thể thơ của bài thơ là?

Trả lời: Thể thơ: Tự do

2. Xác định biện pháp tu từ được sử dung trong:

"Ngực lép bốn ngàn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời"

Trả lời: Nói quá.

Tác dụng: phóng đại mức độ, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.

3. Nội dung chính của từng đoạn thơ:

Đoạn mở đầu: "Huế trầm mặc hôm nay sao khác khác, ... Sau cửa hé, người yêu chưa biết mặt…" chính là cảm nhận về cái không khí đợi chờ thời cơ khởi nghĩa ở Huế.

Đoạn tiếp theo:

"Trên Hương giang, hoang mang đò lạnh ngắt ... "Trẫm hy sinh cả ngai vàng, bệ ngọc"" chính là cảm nhận và tâm trạng của Tố Hữu nói riêng cũng như người con xứ Huế nói chung trước thời điểm Khởi nghĩa.

Đoạn cuối:  "Niềm vui vỡ òa qua từng câu thơ là biểu hiện tột đỉnh của khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc; niềm vui của một dân tộc được cởi trói ách nô lệ gần 100 năm. Chàng thanh niên Tố Hữu ngày ấy vừa tròn 25 tuổi chứng kiến quá nhiều nỗi thống khổ của đồng bào, của xã hội “đầy rẫy những bất công và buồn thảm” đã dâng tất cả nhịp đập của con tim “rào rạt máu” cho cách mạng và cho ngòi bút trong thời khắc lịch sử vĩ đại của dân tộc." (Nguyễn Thị Thúy Hồng).

Trên đây là một số nội dung mà Đọc tài liệu muốn gửi tới các em về bài thơ Huế tháng Tám của Tố Hữu, đừng quên còn rất nhiều tài liệu ôn luyện môn Ngữ văn lớp 12 đang đợi các em khám phá nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM