Hướng dẫn chi tiết trả lời bài tập trang 24 SGK Ngữ văn lớp 8 tập 1 phần trả lời câu hỏi Bố cục của văn bản, sắp xếp nội dung trong phần thân bài, soạn bài Bố cục của văn bản ngắn gọn nhất giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức trước khi tới lớp.
Đề bài
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi.
NGƯỜI THẦY ĐẠO CAO ĐỨC TRỌNG
Ông Chu Văn An đời Trần nổi tiếng là một thầy giáo giỏi, tính tình cứng cỏi, không màng danh lợi.
Học trò theo ông rất đông. Nhiều người đỗ cao và sau này giữ những trọng trách trong triều đình như các ông Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát, vì thế vua Trần Minh Tông vời ông ra dạy thái tử học. Đến đời Dụ Tông, vua thích vui chơi, không coi sóc tới việc triều đình, lại tin dùng bọn nịnh thần. Ông nhiều lần can ngăn nhưng vua không nghe. Cuối cùng ông trả lại mũ áo cho triều đình, từ quan về làng.
Học trò của ông, từ người làm quan to tới những người bình thường, khi có dịp thăm thầy cũ, ai cũng giữ lễ. Nếu họ có điều gì không phải, ông trách mắng ngay, có khi không cho vào thăm.
Khi ông mất, mọi người đều thương tiếc. Ông được thờ tại Văn Miếu ở kinh đô Thăng Long.
(Theo Phan Huy Chú)
1. Văn bản trên có thể chia làm mấy phần? Chỉ ra các phần đó.
2. Hãy cho biết nhiệm vụ của từng phần trong văn bản trên.
3.
Phân tích mối quan hệ giữa các phần trong văn bản trên.4. Từ việc phân tích trên, hãy cho biết một cách khái quát: Bố cục của văn bản gồm mấy phần? Nhiệm vụ của từng phần là gì? Các phần của văn bản quan hệ với nhau như thế nào?
Trả lời bài 1 trang 24 SGK Ngữ văn 8 tập 1
1. Văn bản trên chia làm 3 phần:
a) Mở bài: Từ Ông Chu Văn An... đến không màng danh lợi.
b) Thân bài: Từ Học trò theo ông... đến cho vào thăm.
c) Kết bài: Từ Kìn ông mất... đến thương tiếc.
2. Nhiệm vụ của từng phần
a) Mở bài: Giới thiệu Chu Văn An, người thầy đạo cao đức trọng
b) Thân bài: Triển khai vấn đề đã giới thiệu: Hai ý kiến đánh giá
- Chu Văn An là người tài cao.
- Chu Văn An là người đức trọng được học trò kính trọng
c) Kết bài: Kết thúc vấn đề: Đánh giá chung: ông mất ai cũng thương tiếc.
3. Mối quan hệ giữa các phần trong văn bản
- Phần mở bài: Giới thiệu vấn đề.
- Phần thân bài: Triển khai làm rõ vấn đề đã giới thiệu.
- Phần kết bài: Kết thúc vấn đề: Đánh giá chung.
=> Cả ba phần có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, các phần được sắp xếp theo trình tự hợp lý để thể hiện chủ đề của văn bản.
4. - Bố cục của văn bản là sự tổ chức các đoạn văn thể hiện chủ đề.
- Bố cục văn bản gồm 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài.
- Nhiệm vụ của từng phần:
- Phần mở bài: nêu chủ đề văn bản
- Phần thân bài: Trình bày các khía cạnh của chủ đề
- Phần kết bài: tổng kết chủ đề của văn bản.
• Bố cục của văn bản là sự tổ chức các đoạn văn để thể hiện chủ đề. Văn bản thường có bố cục ba phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.
• Phần Mở bài có nhiệm vụ nêu ra chủ đề của văn bản. Phần Thân bài thường có một số đoạn nhỏ trình bày các khía cạnh của chủ đề. Phần Kết bài tổng kết chủ đề của văn bản.
• Nội dung phần Thân bài thường được trình bày theo trình tự tùy thuộc vào kiểu văn bản, chủ đề, ý đồ giao tiếp của người viết. Nhìn chung, nội dung ấy thường được sắp xếp theo trình tự thời gian và không gian, theo sự phát triển của sự việc hay theo mạch suy luận, sao cho phù hợp với sự triển khai chủ đề và sự tiếp nhận của người đọc.
------------
Trên đây là nội dung trả lời câu hỏi bài 1 trang 24 SGK Ngữ văn 8 tập 1 do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn giúp các em tham khảo để soạn bài Bố cục của văn bản trong chương trình soạn văn 8 được tốt hơn trước khi đến lớp.