Soạn bài Nước Đại Việt ta

Xuất bản: 11/02/2020 - Cập nhật: 28/03/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Nước Đại Việt ta giúp em nắm vững kiến thức, trả lời câu hỏi đọc hiểu và luyện tập trang 66 SGK Ngữ văn lớp 8 tập 2

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Nước Đại Việt ta giúp em tìm hiểu tác phẩm và thấy được ý thức dân tộc đã phát triển tới trình độ cao, phần nào hiểu được một vài nét đặc sắc nghệ thuật của áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo.

Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm này.

      Cùng tham khảo...

Soạn bài Nước Đại Việt ta

Tìm hiểu tác giả, tác phẩm

Tìm hiểu về tác giả, tác phẩm giúp các em biết về hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa và nội dung mà tác giả muốn truyền đạt thông qua tác phẩm. Qua đó, giúp các em hoàn thành Soạn bài Nước Đại Việt ta dễ dàng hơn.

1. Tác giả

- Nguyễn Trãi (1380 - 1442), hiệu là Ức Trai, quê ở huyện Chí Linh, Hải Dương, sau dời đến làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.

- Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử lỗi lạc: nhà yêu nước vĩ đại, người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước nhưng kết cục cuộc đời vô cùng oan khốc, thảm thương.

- Nguyễn Trãi có vai trò to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh đến toàn thắng:

+ Ông dâng Bình Ngô sách (sách lược dẹp giặc Minh) với chiến lược công tâm nghĩa là tác động vào lòng người.

+ Là người thừa lệnh Lê Lợi soạn thảo công văn, giấy tờ, thư từ giao thiệp với quân Minh, cùng Lê Lợi và các tướng lĩnh bàn bạc quân mưu.

+ Kháng chiến thắng lợi, Nguyễn Trãi đã thừa lệnh Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo, khúc khải hoàn ca, tuyên ngôn độc lập của dân tộc.

2. Tác phẩm

- Cáo là thể văn nghị luận cổ, thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương hay công bố kết quả một sự nghiệp để mọi người cùng biết. Các phần nhiều được viết bằng văn biền ngẫu (không có vần hoặc có vần, thường có đối, câu dài ngắn không gò bó, mỗi cặp hai vế đối nhau). Cũng như hịch, cáo là thể văn có tính chất hùng biện, do đó lời lẽ phải đanh thép, lí luận phải sắc bén, kết cấu phải chặt chẽ, mạch lạc.

- Bình Ngô đại cáo do Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Thái Tổ (Lê Lợi) soạn thảo là bài cáo có ý nghĩa trọng đại của một bản tuyên ngôn độc lập, được công bố ngày 17 tháng Chạp năm Đinh Mùi (tức đầu năm 1428), sau khi quân ta đại thắng, diệt và làm tan rã 15 vạn viện binh của quân Minh xâm lược, buộc Vương Thông phải giảng hòa, chấp nhận rút quân về nước.

- Bài đại cáo này được viết theo lối văn biền ngẫu, có vận dụng thể tứ lục (từng cặp câu, mỗi câu mười chữ ngắt theo nhịp 4/6), kết cấu cũng gồm bốn phần như thể cáo nói chung.

- Bố cục bài cáo được chia làm 3 phần:

+ Phần 1 (2 câu đầu): khẳng định nguyên lí nhân nghĩa

+ Phần 2 (8 câu tiếp): khẳng định chân lí độc lập

+ Phần 3 (còn lại): Thực tiễn lịch sử.

Soạn bài Nước Đại Việt ta chi tiết

    Hướng dẫn trả lời câu hỏi soạn văn 8 bài Nước Đại Việt ta trang 69 và 70 sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 tập 2 chi tiết dưới đây:

Đọc - hiểu văn bản

1 - Trang 69 SGK

Đoạn trích là phần mở đầu Bình Ngô đại cáo. Đoạn này có ý nghĩa nêu tiền đề cho toàn bài, tất cả nội dung được phát triển về sau đều xoay quanh tiền đề đó. Theo em, khi nêu tiền đề, tác giả đã khẳng định những chân lí nào?

Trả lời

Tiền đề của bài, tác giả khẳng định những chân lý:

- Sự tồn tại độc lập về lãnh thổ, chủ quyền.

- Có phong tục, tập quán.

- Có nền văn hiến lâu đời.

- Có lịch sử độc lập với nhiều triều đại.

→ Khẳng định sự tồn tại độc lập của quốc gia bằng lòng tự tôn, niềm tự hào dân tộc.

Văn mẫu tham khảo: Phân tích Nước Đại Việt ta của Nguyễn Trãi

2 - Trang 69 SGK

Qua hai câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, có thể hiểu cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là gì? Người dân mà tác giả nói tới là ai? Kẻ bạo ngược mà tác giả nói tới là kẻ nào?

Trả lời

- Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi được thể hiện qua hai câu:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

- Nhân nghĩa theo quan điểm của Nguyễn Trãi có nghĩa là: yên dân, trừ bạo.

+ Nhân nghĩa là khoan dung, an dân, vì dân.

+ Nhân nghĩa là lý tưởng xây dựng lý tưởng đất nước.

+ "yên dân" là thương dân, lo cho dân

+ "trừ bạo" lo diệt trừ giặc ngoại xâm, làm đất nước độc lập (diệt giặc Minh).

→ Tư tưởng "nhân nghĩa" theo Nguyễn Trãi có nghĩa là phải yên dân, yêu thương bảo vệ nhân dân. Tư tưởng này mang tính triết lý, bao trùm toàn bộ cuộc đời và các sáng tác của ông.

3 - Trang 69 SGK

Để khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc, tác giả đã dựa vào những yếu tố nào?

Nhiều ý kiến cho rằng ý thức dân tộc ở đoạn trích Nước Đại Việt ta là sự tiếp nối và phát triển ý thức dân tộc ở bài thơ Sông núi nước Nam vì sao? Để trả lời câu hỏi này, hãy tìm hiểu xem những yếu tố nào đã được nói tới trong Sông núi nước Nam và những yếu tố nào mới được bổ sung trong Nước Đại Việt ta.

>> Xem lại nội dung soạn bài Sông núi nước Nam đã được học trong chương trình Ngữ văn 7 để trả lời câu hỏi

Trả lời

Để khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc, tác giả dựa vào những yếu tố:

▪ Nền văn hiến từ lâu đời: nền văn hiến đã lâu

▪ Phong tục tập quán

▪ Lịch sử hình thành và phát triển riêng

▪ Chế độ nhà nước riêng, bình đẳng, ngang tầm với các triều đại Trung Quốc

- Bài thơ Sông núi nước Nam của tác giả Lý Thường Kiệt đề cập tới sự độc lập lãnh thổ và chủ quyền nước Nam - vua Nam ở.

- Tới Bình Ngô Đại cáo, Nguyễn Trãi vẫn khẳng định về lãnh thổ, chủ quyền, có mở rộng khẳng định nền văn hiến lâu đời, phong tục, lịch sử triều đại.

▪ Thể loại văn biền ngẫu giúp cho việc diễn giải ý thơ được chi tiết và kỹ càng hơn.

4 - Trang 69 SGK

Hãy chỉ ra những nét đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích và phân tích tác dụng của chúng.

Trả lời

Nghệ thuật của đoạn trích được thể hiện qua:

- Cách sử dụng từ ngữ: khẳng định được sự tồn tại lâu đời, hiển nhiên về nhiều phương diện.

- Thể cáo được viết bằng lối văn biền ngẫu, có đối, các câu dài ngắn không bị gò bó, các cặp có hai vế đối nhau.

- Lời lẽ có tính hùng biện, lập luận đanh thép, lí luận sắc bén.

- Kết cấu chặt chẽ, mạch lạc.

5 - Trang 69 SGK

Sức thuyết phục của văn chính luận Nguyễn Trãi là ở chỗ kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn. Qua đoạn trích trên, hãy chứng minh.

Trả lời

Sức thuyết phục của văn chính luận Nguyễn Trãi trong đoạn này thể hiện rõ ở cách lập luận của tác giả:

- Quan điểm, tư tưởng "nhân nghĩa" xuyên suốt các tác phẩm .

- Khẳng định lẽ phải thuộc về ta, địch là kẻ bạo ngược, ắt sẽ bị tiêu diệt.

- Việc tiêu diệt kẻ thù là việc tất yếu bởi đất nước ta độc lập.

- Minh chứng cho sự độc lập: lãnh thổ, văn hiến, phong tục, triều đại.

Lý lẽ, dẫn chứng của tác giả:

- Dẫn ra sự thất bại thảm hại của những kẻ bạo ngược, làm điều trái nhân nghĩa: Lưu Cung, Triệu Tiết, Ô Mã, Toa Đô.

- Lấy chứng cớ từ sử sách - điều không thể chối cãi.

- Lời lẽ đanh thép, hùng hồn, minh chứng cho sức mạnh chính nghĩa.

- Thể hiện niềm tự hào dân tộc

Văn mẫu và nội dung các em cần lưu ý: Sức thuyết phục của văn chính luận Nguyễn Trãi

6 - Trang 69 SGK

Thử khái quát trình tự lập luận của đoạn trích Nước Đại Việt ta bằng một sơ đồ.

Trả lời

Sơ đồ khái quát trình tự lập luận của đoạn trích Nước Đại Việt ta mà các em có thể tham khảo như sau:

Sơ đồ khái quát trình tự lập luận của đoạn trích Nước Đại Việt ta

Đọc thêm văn mẫuCảm nhận về bài Nước Đại Việt ta - Nguyễn Trãi

Soạn Nước Đại Việt ta phần Luyện tập

Trên cơ sở so sánh với bài thơ Sông núi nước Nam, hãy chỉ ra sự tiếp nối và phát triển của ý thức dân tộc trong đoạn trích Nước Đại Việt ta.

Trả lời

* Mở bài: Dẫn dắt, vấn đề cần nghị luận.

* Thân bài:

- Hai văn bản đều thể hiện chung khát vọng tự do, độc lập. Những lời khẳng định chắc chắn, dõng dạc về chủ quyền của dân tộc, vì thế mà hai văn bản được coi là bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc.

- Văn bản Nam Quốc sơn hà ra đời trong thế kỷ XI trong cuộc kháng chiến chống Tống. Bài thơ khẳng định chủ quyền thông qua hai yếu tố: lãnh thổ và chủ quyền.

Nước Đại Việt ta ngoài hai yếu tố trên còn bổ sung thêm các yếu tố về văn hiến, phong tục tập quán, lịch sử, anh hùng hào kiệt.

→ Thể hiện sự kế thừa và phát triển về ý thức dân tộc Đại Việt từ thế kỉ XI đến thế kỉ XV.

* Kết bài:

- Khẳng định tư tưởng về dân tộc đã có sự tiếp nối, phát triển.

- Liên hệ với sự tiếp nối ý thức dân tộc thời hiện nay.

Soạn bài Nước Đại Việt ta ngắn nhất

Câu 1

- Khi nêu tiền đề, tác giả đã khẳng định những chân lí sau:

+ Nước ta có nền văn hiến lâu đời

+ Nước ta có chủ quyền lãnh thổ rõ ràng.

+ Phong tục, tập quán, văn hóa mang bản sắc riêng

+ Triều đại độc lập, hào kiệt nổi danh.

Câu 2

- Cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là: “yên dân”, “trừ bạo”

Nguyễn Trãi coi trọng nhân dân, và coi việc yên dân là nhiệm vụ hàng đầu, chính là nhân nghĩa. Muốn “yên dân”, nhân dân hưởng thái bình, thịnh trị thì trước hết phải “lo trừ bạo”, dẹp giặc để bảo vệ cuộc sống của họ, để nhân dân an tâm sinh sống, làm ăn. Trong hoàn cảnh nước Đại Việt bị giặc Minh xâm lược, tư tưởng này càng hợp lí. Nhân nghĩa không những trong quan hệ giữa người với người mà còn trong quan hệ giữa dân tộc với dân tộc. Đây là nội dung mới, là sự phát triển của tư tưởng nhân nghĩa ở Nguyễn Trãi so với Nho giáo.

- Người dân: Nhân dân Đại Việt.

- Kẻ bạo ngược: Giặc Minh

Câu 3

- Để khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc, tác giả dựa vào những yếu tố:

+ Nền văn hiến từ lâu đời

+ Chủ quyền lãnh thổ phân chia rõ ràng.

+ Phong tục tập quán giàu bản sắc

+ Lịch sử hình thành và phát triển riêng

+ Có triều đại riêng, chế độ nhà nước riêng, bình đẳng, ngang tầm với các triều đại Trung Quốc

- Ý thức dân tộc ở đoạn trích Nước Đại Việt ta là sự tiếp nối và phát triển ý thức dân tộc ở bài Nam Quốc Sơn Hà:

+ Trong bài Nam quốc sơn hà, tác giả đã thể hiện một ý thức dân tộc, niềm tự hào dân tộc sâu sắc qua từ “đế”. Ở Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi tiếp tục phát huy niềm tự hào dân tộc sâu sắc, mạnh mẽ đó: “mỗi bên xưng đế một phương”. Nếu “đế” là vua thiên tử, duy nhất, toàn quyền thì "vương" là vua chư hầu, có nhiều và phụ thuộc vào đế. Việc xưng “đế” khẳng định quyền cai trị đất nước của Đại Việt.

+ Nam quốc sơn hà được xác định chủ yếu trên hai yếu tố: lãnh thổ và chủ quyền, còn đến Bình Ngô đại cáo, ba yếu tố nữa được bổ sung: văn hiến, phong tục tập quán, lịch sử. Ý thức dân tộc đã được tiếp nối và phát triển, văn hiến và lịch sử là cốt lõi, cội nguồn để khẳng định sự tồn tại và phát triển của một dân tộc.

Câu 4

Nghệ thuật của đoạn trích được thể hiện qua:

- Cách sử dụng từ ngữ: khẳng định được sự tồn tại lâu đời, hiển nhiên về nhiều phương diện “từ trước, vốn xưng, đã lâu, đã chia, cũng khác,...”

- Cách sử dụng câu văn biền ngẫu: Cân xứng, nhịp nhàng tạo cho lập luận trong lời nói vừa chặt chẽ vừa có sức thuyết phục cao.

- Biện pháp so sánh kết hợp liệt kê: So sánh đất nước ta với Trung Hoa trên nhiều phương diện, cho thấy được lịch sử lâu đời và truyền thống văn hóa của dân tộc sánh ngang với Trung Hoa “Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập.../ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”...

Câu 5

Sức thuyết phục của văn chính luận Nguyễn Trãi là ở chỗ kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn:

- Lý lẽ:

+ Đưa ra tư tưởng nhân nghĩa “yên dân”, “trừ bạo”.

+ Khẳng định nước ta là đất nước có nền văn hiến lâu đời, có chủ quyền, lãnh thổ riêng, lịch sử riêng.

-  Để minh chứng cho chân lí ấy, tác giả đã đưa ra những lí lẽ thuyết phục:

+ Viện dẫn sử sách bao triều đại Đinh, Lý, Trần sánh với Hán, Đường, Tống, Nguyên

+ Dẫn ra sự thất bại thảm hại của những kẻ bạo ngược, làm điều trái nhân nghĩa: Lưu Cung, Triệu Tiết, Ô Mã, Toa Đô.

+ Lấy chứng cớ từ sử sách - điều không thể chối cãi.

Ghi nhớ:

Với cách lập luận chặt chẽ và chứng cứ hùng hồn, đoạn trích Nước Đại Việt ta có ý nghĩa như bản tuyên ngôn độc lập: Nước ta là đất nước có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, phong tục riêng, có chủ quyền, có truyền thống lịch sử kẻ xâm lược là phản nhân nghĩa, nhất định thất bại.

Bài thơ Nước Đại Việt ta (Trích Bình Ngô đại cáo)

Từng nghe:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau

Song hào kiệt thời nào cũng có.

Vậy nên:

Lưu Cung tham công nên thất bại;

Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong;

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã

Việc xưa xem xét,

Chứng cứ còn ghi.

Trên đây là nội dung chi tiết hướng dẫn soạn văn 8 bài Nước Đại Việt ta được biên soạn với mục đích giúp các em học sinh tham khảo và chuẩn bị bài tốt hơn trước khi đến lớp. Để hiểu sâu và nhớ lâu hơn, các em nên kết hợp tự soạn bài theo những kiến thức của bản thân. Chúc các em luôn đạt kết quả cao trong học tập.

Xem thêm các bài soạn khác:

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Nước Đại Việt ta một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

    Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
    Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
    Hủy

    TẢI VỀ

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM