Soạn bài Chiếc lá cuối cùng

Xuất bản: 02/10/2020

Soạn bài Chiếc lá cuối cùng ngắn nhất với hướng dẫn trả lời các câu hỏi trang 90 SGK Ngữ Văn lớp 8 tập 1 cả chi tiết và ngắn gọn dành cho các em tham khảo

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Chiếc lá cuối cùng của tác giả Ô Hen-ri được Đọc Tài Liệu biên soạn nhằm giúp học sinh nắm chắc kiến thức trong bài và hướng dẫn trả lời câu hỏi trang 90 SGK Ngữ Văn lớp 8.

soạn bài Chiếc lá cuối cùng

I.Hướng dẫn soạn bài Chiếc lá cuối cùng chi tiết

Cùng Đọc tài liệu tìm hiểu nội dung soạn bài Chiếc lá cuối cùng chi tiết dưới đây:

Đọc - hiểu văn bản

1 - Trang 90 SGK

Những chi tiết nào trong văn bản nói lên tấm lòng thương yêu và hành động cao cả của cụ Bơ-men đối với Giôn-xi? Tại sao nhà văn bỏ qua đoạn văn cụ đã vẽ chiếc lá trong đêm mưa tuyết? Vì sao có thể nói chiếc lá cuối cùng là một kiệt tác?

Trả lời

- Trong bài, ở phần đầu chỉ có vài chi tiết liên quan đến cụ Bơ-men. Đáng lưu ý nhất là mấy câu ngắn : "Tại đây, họ (nghĩa là cả Xiu và cụ Bơ-men) sợ sệt ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau một lát chẳng nói năng gì". Thái độ "sợ sệt" của cụ khi nhìn thấy những chiếc lá theo nhau rụng (lúc này có lẽ trên cây chỉ còn một hai chiếc) nói lên tấm lòng của cụ thương yêu, lo lắng cho số mệnh của Giôn-x. Cụ Bơ-men và Xiu "nhìn nhau chẳng nói năng gì", nhưng có lẽ trong thâm tâm cụ đang nghĩ đến cách vẽ chiếc lá cuối cùng để cứu sống Giôn-xi, điều này ta được biết ở cuối truyện của lời kể của Xiu.

- Cụ thật cao thượng, quên mình vì người khác, lai cứ lẳng lặng mà làm, không hé răng cho ngay cả Xiu biết ý định của mình.

- Tác giả bỏ qua không nói đến việc cụ sẽ vẽ chiếc lá trong đêm mưa gió ra sao mà đợi đến những dòng cuối cùng của truyện mới cho bạn đọc biết qua lời kể lại của Xiu : Có thể mới tạo được bất ngờ cho Giôn-xi và gây hứng thú bất ngờ cho cả bạn đọc chúng ta.

- Chiếc lá cụ vẽ đúng là một kiệt tác. Trước hết vì lá vẽ rất giống (cuống lá, rìa lá răng cưa màu sắc ra sao), khiến Giôn-xi tưởng đấy là chiếc lá thật. Tuy nhiên, ngày nay người ta không quan niệm cứ vẽ thật giống, như chụp ảnh, là được một bức tranh kiệt tác. Chiếc lá cụ Bơ-men vẽ trên tường trong đêm mưa gió thật sự là một kiệt tác vì nó đem lại sự sống cho Giôn-xi. Chiếc lá không phải chỉ được vẽ bằng bút lông, bột màu mà bằng cả tình thương bao la và lòng hi sinh cao thượng của cụ Bơ-men.

2 - Trang 90 SGK

Tìm những bằng chứng để khẳng định Xiu không hề được cụ Bơ-men cho biết ý định vẽ một chiếc lá thay cho chiếc lá cuối cùng rụng xuống. Nếu Xiu được biết thì truyện có kém hấp dẫn không? Vì sao?

Trả lời

- Xiu không hề được cụ Bơ-men cho biết ý định của cụ sẽ bất chấp nguy hiểm vẽ chiếc lá vào đúng chỗ chiếc lá cuối cùng rụng nốt trong đêm. Bằng chứng là khi Giôn-xi bảo kéo mành lên, cô "làm theo một cách chán nản", sau đó còn "cúi khuôn mặt hốc hác" xuống người bệnh và nói lời não ruột.

- Có thể nói chính Xiu cũng ngạc nhiên không ngờ chiếc lá cuối cùng còn dai dẳng bám trên cành như thế sau cả một đêm mưa gió phũ phàng, không biết đấy chỉ là chiếc lá vẽ và tâm trạng nặng nề đeo đẳng Xiu cho tới khi cô biết sự thật. Câu "Nhưng, ô kìa ! Sau trận mưa vùi dập ..." không chỉ diễn tả nỗi ngạc nhiên của Giôn-xi, mà của cả Xiu.

- Nếu Xiu được biết trước ý định của cụ Bơ-men, thì truyện sẽ kém hay đi vì Xiu không bị bất ngờ và chúng ta không được thưởng thức cả đoạn văn nói lên tâm trạng lo lắng thấm đượm tình người của cô.

3 - Trang 90 SGK

Thử hình dung tâm trạng căng thẳng của Giôn-xi, của Xiu và bạn đọc khi hai lần Giôn-xi ra lệnh kéo mành lên. Nguyên nhân sâu xa nào quyết định tâm trạng hồi hộp của Giôn-xi? Tại sao nhà văn kết thúc truyện bằng lời kể của Xiu mà không để Giôn-xi phản ứng gì thêm?

Trả lời

- Nhân vật Giôn-xi yếu đuối, tuyệt vọng:

▪ Đợi chiếc lá cuối cùng rụng xuống là kết thúc cuộc sống của mình

▪ Giôn-xi thờ ơ, bỏ mặc bản thân mặc dù Xiu hết lòng thương yêu, chăm sóc.

- Phản ứng trước hai lần kéo mành:

▪ Lần 1: Giôn-xi sợ chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng, Xiu lo lắng.

▪ Lần 2: Cả Giôn-xi và Xiu đều sững sờ, ngạc nhiên vì chiếc lá vẫn còn trên cây.

- Nguyên nhân sự hồi sinh của Giôn-xi:

▪ Do cô thấy hình ảnh chiếc lá thường xuân giàu sức sống sau đêm mưa bão

▪ Giôn-xi không muốn phụ tấm lòng của Xiu, cụ Bơ-men

- Kết thúc truyện nhà văn không để Giôn-xi lên tiếng hay có trạng thái tâm lý nào khác:

▪ Kết mở để mọi người tự hình dung ra phản ứng của Giôn-xi

▪ Dư vị của tình người, của niềm tin, của sự hi sinh… vẫn còn mãi.

4 - Trang 90 SGK

Chứng minh truyện Chiếc lá cuối cùng của O Hen-ri, qua đoạn trích này được kết thúc trên cơ sở hai sự kiện bất ngờ, đối lập nhau tạo nên hiện tượng đảo ngược tình huống hai lần, gây hứng thú cho người đọc.

Trả lời

- Từ đầu văn bản này nói riêng cũng như từ đầu truyện Chiếc lá cuối cùng nói chung, Giôn-xi cứ như ngày càng tiến dần đến cái chết, khiến độc giả thương cảm, lo lắng. Nhưng tình huống bỗng đảo ngược vào lúc truyện gần kết thúc, Giôn-xi trở lại với lòng yêu đời, bệnh tình thoát cơn nguy hiểm và độc giả thở phào, trút được gánh nặng lo âu. Đó là một lần đảo ngược tình huống, chẳng những làm cho các nhân vật trong truyện bất ngờ mà độc giả cũng bất ngờ.

- Cụ Bơ-men đang khỏe mạnh như vây, chẳng ai ngờ đến cái chết của cụ được thông báo cũng vào lúc truyện gần kết thúc. Đó là lại thêm một lần đảo ngược tình huống, khiến nhân vật trong truyện bất ngờ và độc giả cũng bất ngờ.

- Hai lần đảo ngược tình huống trái chiều nhau (tưởng không tránh khỏi cái chết lại sống; đang khỏe mạnh lại chết) và đều liên quan đến bệnh sưng phổi và chiếc lá cuối cùng (Giôn-xi bị bệnh sưng phổi và gắn cuộc sống của cô với chiếc lá cuosoic ùng; cụ Bơ-men vẽ chiếc lá cuối cùng trong đêm mưa gió, do đó chết vì bệnh sưng phổi). Nghệ thuật đảo ngược tình huống hai lần gây hứng thúc cho chúng ta khi đọc truyện này.

II.Soạn bài Chiếc lá cuối cùng ngắn nhất

Bài 1 trang 90 SGK Ngữ văn 8 tập 1

- Những chi tiết trong văn bản nói lên tấm lòng yêu thương của cụ Bơ-men với Giôn-xi là:

▪ Lo lắng cho Giôn-xi: sợ sệt khi nhìn thấy những chiếc lá thường xuyên đua nhau rụng xuống

▪ Suy nghĩ cách cứu Giôn-xi

▪ Âm thầm vẽ chiếc lá trong đêm mưa gió để cứu Giôn-xi

- Nhà văn bỏ qua không kể sự việc cụ đã vẽ chiếc trên tường trong đêm mưa tuyết vì muốn tạo ra sự bất ngờ ở cuối câu chuyện.

- Có thể nói chiếc lá cụ vẽ là một kiệt tác vì:

▪ Nó giống y như thật

▪ Thể hiện tấm lòng hy sinh của cụ Bơ-men

▪ Cứu sống Giôn-xi

Bài 2 trang 90 SGK Ngữ văn 8 tập 1

- Bằng chứng chứng minh Xiu không hề được cụ Bơ-men cho biết ý định vẽ một chiếc lá thay cho chiếc lá cuối cùng rụng xuống là:

▪ Khi Giôn-xi đòi kéo mành lên, Xiu làm theo một cách chán nản

▪ Xiu cũng ngạc nhiên như chính Giôn- xi ngạc nhiên khi thấy chiếc lá cuối cùng vẫn còn sau đêm mưa gió

▪ Chỉ khi bác sĩ nói Xiu mới biết cụ Bơ-men ốm

- Nếu Xiu được biết thì truyện sẽ kém sức hấp dẫn, vì người đọc sẽ không thể thấy hết được tấm lòng, sự chăm sóc, yêu thương của Xiu dành cho Giôn-xi.

Bài 3 trang 90 SGK Ngữ văn 8 tập 1

- Phản ứng trước hai lần kéo mành:

▪ Lần 1: Giôn-xi sợ chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng, Xiu lo lắng.

▪ Lần 2: Cả Giôn-xi và Xiu đều sững sờ, ngạc nhiên vì chiếc lá vẫn còn trên cây.

- Nguyên nhân sự hồi sinh của Giôn-xi:

▪ Do cô thấy hình ảnh chiếc lá thường xuân giàu sức sống sau đêm mưa bão

▪ Giôn-xi không muốn phụ tấm lòng của Xiu, cụ Bơ-men

- Kết thúc truyện nhà văn không để Giôn-xi lên tiếng hay có trạng thái tâm lý nào khác:

▪ Kết mở để mọi người tự hình dung ra phản ứng của Giôn-xi

▪ Tạo dư âm cho truyện

Bài 4 trang 90 SGK Ngữ văn 8 tập 1

- Hai sự kiện bất ngờ, đối lập:

▪ Giôn-xi bị bệnh, tiến đến cái chết nhưng không chết

▪ Cụ Bơ-men khỏe mạnh nhưng lại chết

- Tác dụng:

▪ Tạo nên sự hấp dẫn, bất ngờ cho thiên truyện

▪ Khẳng định nghệ thuật chân chính thực sự mang lại sự hồi sinh, sự sống cho con người.

III.Kiến thức cần ghi nhớ

I. Giới thiệu tác giả

- O Hen-ri (1862 – 1910) là nhà văn Mĩ chuyên viết truyện ngắn.

- Nhiều truyện của ông đã để lại cho bạn đọc những ấn tượng sâu sắc như Căn gác xép, Tên cảnh sát và gã lang thang. Quà tặng của các đạo sĩ,...

- Các truyện của O Hen-ri thường nhẹ nhàng nhưng toát lên tinh thần nhân đạo cao cả, tình thương yêu người nghèo khổ, rất cảm động.

II. Giới thiệu tác phẩm

1. Hoàn cảnh sáng tác

Chiếc lá cuối cùng là một trong số 600 truyện ngắn của nhà văn Ô Hen-ri. Đoạn trích này nằm ở phần cuối truyện.

2. Bố cục

▪ Phần 1 (từ đầu… Hà Lan): Giôn-xi mắc bệnh, cô tuyệt vọng chờ chết

▪ Phần 2 (tiếp…chăm nom - thế thôi): Giôn-xi chiến thắng căn bệnh.

▪ Phần 3 (còn lại): sự thật về kiệt tác chiếc lá cuối cùng.

3. Giá trị nội dung

Truyện ngắn chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, câu chuyện nói về tình bạn, tình yêu thương giữa những con người với nhau. Qua đó nhà văn mang tới một bức thông điệp: Hãy luôn thắp sáng ngọn lửa của khát khao hi vọng hãy luôn yêu thương, mang nghệ thuật phục vụ con người, nghệ thuật chân chính lâu bền nhất là nghệ thuật hướng tới con người và vì con người.

4. Giá trị nghệ thuật

Truyện với nhiều tình huống hấp dẫn, cách sắp xếp chặt chẽ, đặc biệt là đảo ngược tình huống lần lần tạo sự hứng thú cho người đọc.

* Ghi nhớ:

Mấy trang kết thúc truyện Chiếc lá cuối cùng trên đây của O Hen-ri đủ chứng tỏ truyện được xây dựng theo kiểu có nhiều tình tiết hấp dẫn, sắp xếp chặt chẽ khéo léo, kết cấu đảo ngược tình huống hai lần, gây hứng thú và làm cho chúng ta rung cảm trước tình yêu thương cao cả giữa những con người nghèo khổ.

-/-

Trên đây là nội dung tài liệu hướng dẫn soạn bài Chiếc lá cuối cùng nằm trong chương trình học môn Ngữ Văn lớp 8 đã được doctailieu.com biên soạn với mục đích giúp các em học sinh tham khảo. Để học tốt hơn, các em nên tự soạn bài theo những kiến thức của bản thân. Chúc các em luôn đạt kết quả cao trong học tập.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM