Tài liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 5 trang 54 sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập Hai phần soạn bài Câu phủ định chi tiết nhất.
Đề bài: Đọc đoạn trích sau (chú ý các từ in đậm) và cho biết: Có thể thay quên bằng không, chưa bằng chẳng được không? Vì sao?
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng.
(Trần Quốc Tuấn, Hịch tướng sĩ)
Trả lời bài 5 trang 54 SGK văn 8 tập 2
Cách trả lời 1:
- Trong đoạn văn này, không thể thay "quên" bằng "không", "chưa" bằng "chẳng" được. Vì:
+ "Quên" là trạng thái diễn ra trong một thời gian nhất định trước và sau thời gian đó trạng thái ấy có thể không có.
+ "Không" là ý phủ định đối với điều nhất định mà không có hàm ý trước đó và về sau có thể có.
+ "Chưa" là ý phủ định đối với điều mà cho đến một thời điểm nào đó không có, nhưng sau một thời điểm đó có thể có.
+ "Chẳng" biểu thị ý phủ định đối với điều nhất định và không có hàm ý về sau có thể có.
- Trần Quốc Tuấn bày tỏ chí căm thù giặc Nguyên Mông và khát vọng diệt giặc một cách mạnh mẽ thông qua thủ pháp cường điệu. Nếu viết "Ta thường tới bữa không ăn" thì không thực tế và khó thuyết phục được. Mặt khác, từ "chưa" hàm ý điều phủ định không có ấy sẽ có thể có sau một thời điểm nhất định cho nên câu văn của Trần Quốc Tuấn không chỉ thể hiện sự căm thù giặc mà còn bộc lộ một niềm tin vào khát vọng được diệt giặc. Từ "chẳng" không thể hiện được điều đó.
Tham khảo thêm: Soạn bài Hành động nói ngắn gọn
Cách trả lời 2:
Không thể thay quên bằng không, chưa vì:
- Quên: biểu thị ý nghĩa không quan tâm, không lưu tâm hoặc để ý đến. Đây không phải là từ phủ định.
- Không, chưa: biểu thị ý nghĩa phủ định.
Nếu thay chẳng thì ý nghĩa của câu cũng sẽ thay đổi, không thể hiện rõ được lòng căm thù giặc sâu sắc, tột cùng của Trần Quốc Tuấn.
Cách trả lời 3:
- Không thể thay "quên" bằng "không" được vì quên có nghĩa là “không nghĩ đến, không để tâm đến”. Trần Quốc Tuấn lo nghĩ việc nước, căm thù giặc, tìm cách trả thù mà không để tâm đến việc ăn uống; còn không là từ phủ định, có thể tác giả vẫn nhớ đến việc “ăn” nhưng không ăn. Như vậy, thay "không" thì ý nghĩa của câu sẽ thay đổi.
- Không thể thay "chưa" bằng "chẳng" được vì chưa có nghĩa là sẽ có lúc "xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù”, còn chẳng thì không bao giờ làm được việc này. Nếu thay "chẳng" thì ý nghĩa của câu cũng sẽ thay đổi.
-/-
Các em vừa tham khảo một số cách trả lời bài 5 trang 54 SGK ngữ văn 8 tập 2 được tổng hợp và biên soạn giúp em chuẩn bị bài và soạn bài Câu phủ định tốt hơn trước khi đến lớp.
Chúc các em học tốt !