Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 5 trang 104 sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 2 phần soạn bài Một thời đại trong thi ca - Hoài Thanh chi tiết nhất cho các em tham khảo.
Đề bài:
Một thời đại trong thi ca là một tiểu luận phức tạp, phong phú nhưng vì sao người đọc vẫn thấy dễ hiểu và hấp dẫn? (Chú ý cách đặt vấn đề, dẫn dắt vấn đề, lời văn giàu hình ảnh và chất thơ,…)
Trả lời bài 5 trang 104 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Để soạn bài Một thời đại trong thi ca tối ưu nhất, Đọc Tài Liệu tổng hợp nhiều cách trả lời khác nhau cho nội dung câu hỏi bài 5 trang 104 SGK Ngữ văn lớp 11 tập 2 như sau:
Cách trả lời 1
Nghệ thuật của bài tiểu luận thể hiện qua đoạn trích.
- Đặt vấn đề rõ, gọn.
- Dẫn dắt vấn đề khoa học, khéo léo và dễ hiểu, đảm bảo liền mạch trong hệ thống luận điểm.
- Câu văn nghị luận giàu chất thơ, có sức gợi cảm xúc, gây hứng thú cho người đọc.
- Nghệ thuật lí luận chặt chẽ, thấy đáo khoa học.
Khi phân tích đặc điểm thơ mới, tác giả luôn phân tích “cái tôi” trong nhiều quan hệ với “cái ta” để tìm ra điểm giống và khác nhau.
+ Khi tìm cái mới của thơ mới tác giả nhìn vẫn đề trong mối quan hệ với thời đại, với tâm lí người thi nhân đương thời thấu đáo, sâu sắc.
+ Lí luận gắn bó chặt chẽ giữa những nhận định, luận điểm có tính khái quát những ví dụ cụ thể, đa dạng, giàu sức thuyết phục.
+ Có cái nhìn thấu đáo về “cái tôi”, “cái ta” có sự so sánh giữa các câu thơ và nhà thơ cũ, mới trong diễn biến lịch sử.
Cách trả lời 2
Một thời đại trong thi ca là một tiểu luận phức tạp, phong phú nhưng vì sao người đọc vẫn thấy dễ hiểu và hấp dẫn vì:
- Cách đặt vấn đề rất ngắn gọn, trực tiếp, không vòng vo khiến người đọc nhận định rõ ràng ngay từ đầu về nội dung của bài tiểu luận
- Cách dẫn dắt vấn đề của tác giả rất tự nhiên: đi từ yêu cầu của thời đại và thực tế đời sống, đem cái tôi - cái ta trong thơ mới và thơ cũ ra để so sánh khiến người đọc nhìn nhận rõ ràng
- Ngôn ngữ được sử dụng trong bài tiểu luận rất dễ hiểu, quen thuộc, giàu sức gợi và chất thơ
- Luận điểm khoa học, chính xác, mới mẻ; kết cấu và triển khai hệ thống luận điểm, nghệ thuật lập luận rất chặt chẽ, logic.
Cách trả lời 3
a) Một thời đại trong thi ca là một tiểu luận phức tạp, phong phú nhưng chúng ta vẫn thấy dễ hiểu và hấp dẫn bởi: Khi đặt vấn đề tìm đặc sắc của thơ mới, tác giả nói ngay cái khó của vấn đề. Cái khó là cái mới và cái cũ lại thường gặp ở ngay trong các nhà thơ cũ và mới. Nhà thơ xưa vẫn có thể có những cái mới, ngược lại nhà thơ nay cũng có thể còn giữ những cái xa xưa. Cái cũ và cái mới cũng lại thường vẫn liên tiếp nhau qua các thời đại. Cách nhìn như vậy là khách quan, biện chứng và có tính khoa học.
Từ cách nhìn đó, tác giả nêu cách giải quyết bài toán một cách thuyết phục là không nên so sánh từng bài một mà phải so sánh trên đại thể. Khi phân tích đặc điểm của thơ mới, tác giả cũng luôn phân tích “cái tôi” trong nhiều quan hệ để làm nổi rõ bản chất của “cái tôi”:
– Đặt “cái tôi” trong quan hệ với “cái ta” để tìm xem những chỗ giống nhau và khác nhau.
– Đặc biệt là khi tìm cái mới của thơ mới và của các nhà thơ mới, tác giả nhìn vấn đề trong mối quan hệ với thời đại, với tâm lí con người thanh niên đương thời để phân tích sâu sắc cái “đáng thương, đáng tội nghiệp”, cái “bi kịch” ở họ. Đây là một điểm đáng chú ý về phương pháp luận khoa học của tác giả và nét đặc sắc vể tính khoa học của bài tiểu luận.
b) Những lập luận của bài viết luôn có sức thuyết phục cao vì nó gắn bó chặt chẽ giữa những nhận định, những luận điểm có tính khái quát với những ví dụ có tính minh chứng cụ thể, đa dạng, giàu sức thuyết phục.
Bài viết có một tầm nhìn bao quát về “cái tôi”, “cái ta”, có sự so sánh giữa các câu thơ và nhà thơ cũ, mới trong diễn biến lịch sử chứ không nhìn nhận vấn đề một cách tĩnh tại, đơn giản một chiều.
Bài viết có nhiều đoạn có tính khái quát cao như đoạn: “Đời chúng tự nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng thấy lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vần bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”. Đoạn văn khái quát vể sự bế tắc của “cái tôi” và bản sắc phong cách riêng của từng tác giả thơ mới. Mỗi nhà thơ chỉ được khái quát trong mấy từ nhưng cách viết rất giàu hình ảnh, rất mềm mại, uyển chuyển vì thế mà nó có sức khêu gợi cảm xúc cũng như hứng thú ở người đọc.
-/-
Bài 5 trang 104 SGK Ngữ văn 11 tập 2 được hướng dẫn trả lời và trình bày theo các cách khác nhau. Hãy vận dụng kết hợp với kiến thức của bản thân em để có những lựa chọn trình bày tối ưu nhất, dễ hiểu nhất khi soạn bài Một thời đại trong thi ca - Hoài Thanh trong khi làm bài soạn văn 11 trước khi lên lớp.