Bài 3 trang 48 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Xuất bản: 05/06/2020 - Cập nhật: 11/06/2020 - Tác giả: Giangdh

Trả lời câu hỏi bài 3 trang 48 SGK Ngữ văn lớp 8 tập 1 phần hướng dẫn soạn bài Lão Hạc

Tài liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 3 trang 48 SGK Ngữ văn 8 tập một phần trả lời câu hỏi đọc - hiểu, soạn bài Lão Hạc chi tiết và đầy đủ nhất.

Đề bài

Em thấy thái độ, tình cảm của nhân vật "tôi" đối với lão Hạc như thế nào ?

Trả lời bài 3 trang 48 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Câu trả lời tham khảo

Trả lời chi tiết

Thái độ và tình cảm của nhân vật “tôi” là một sự phát triển, càng ngày càng trân trọng cảm thông sâu sắc, theo sự việc xảy ra:

+ Ban đầu: Nghe chuyện của lão với thái độ thờ ơ, dửng dưng so sánh với việc lão quý con chó, không thể nào bằng mình quý những quyển sách được. Đó cũng là sự hiển nhiên.

+ Sau đó: Khi nghe câu chuyện của lão, ông giáo đã thốt lên: “Lão Hạc ơi! Bây giờ thì tôi hiểu tại sao lão không muốn bán con chó Vàng của lão. Lão chỉ còn một mình nó để làm khuây”.

+ Khi thấy lão Hạc khóc: “Tôi muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc. Bây giờ thì tôi không xót xa năm quyển sách của tôi quá như trước”. Nhân vật “tôi” đã động viên an ủi chia sẻ với lão những buồn đau, ngấm ngầm giúp đỡ lão những ngày túng thiếu.

+ Khi chứng kiến cái chết dữ dội của lão Hạc: Nhân vật “tôi” đã vô cùng cảm động, hứa trước vong linh lão làm tròn những điều mà lão gửi gắm để lão yên tâm nhắm mắt ra đi.

➨ Ông giáo là người giàu lòng trắc ẩn, yêu thương.

Trả lời ngắn gọn

- Khi nghe chuyện lão Hạc muốn bán chó thì dửng dưng, thờ ơ

- Khi lão Hạc khóc vì bán chó thì cảm thông, chia sẻ "muốn ôm choàng lấy lão mà khóc", muốn giúp đỡ

- Khi nghe Binh Tư kể lão Hạc xin bả chó: nghi ngờ, thoáng buồn

- Khi chứng kiến cái chết của lão Hạc thì kính trọng nhân cách, tấm lòng của con người bình dị

⟹ "Ông giáo" trở thành người bạn tâm giao của lão Hạc, ông hiểu sâu sắc và đồng cảm, kính trọng lão Hạc

Tham khảo thêm cách trình bày khác

1. Có thể thấy thái độ và tình cảm của nhân vật "tôi" với Lão Hạc là:

- Người kể chuyện (cũng chính là tác giả tuy không nên đồng nhất hoàn toàn nhân vật với nguyên mẫu) đã phát biểu suy nghĩ về cách nhìn người: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm và hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi, toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thương”.

- Trong Lão Hạc, nhà văn cho rằng, đối với người nông dân lao động, phải “cố tìm mà hiểu họ” thì mới thấy rằng chính những con người bề ngoài lắm khi “gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi” ấy chính là “những người đáng thương” và có “bản tỉnh tốt”, có điều “cái bản tính tốt” ấy của họ thường bị những nỗi khổ cực, những lo lắng trong cuộc sống “che lấp mất”. Tức là, nhà văn đặt ra vấn đề phải có tình thương, có sự cảm thông và phải có cách nhìn có chiều sâu, không hời hợt, phiến diện chỉ thấy cái bề ngoài, nhất là không thành kiến, tàn nhẫn.

- Suy nghĩ của nhân vật “tôi” trên đây chính là một quan điểm quan trọng trong “đôi mắt”, ý thức sáng tạo của nhà văn Nam Cao.

2. Thái độ và tình cảm của nhân vật "tôi" với Lão Hạc có sự thay đổi, ban đầu nhân vật "tôi" vẫn thờ ơ, dửng dưng nghe lão kể chuyện bán chó. Sau đó thấu hiểu và an ủi lão. Khi chứng kiến cái chết của Lão Hạc, nhân vật "tôi" rất thương cảm và kính trọng nhân cách, tấm lòng nhân hậu của lão.

=> Ông giáo là một người giàu lòng trắc ẩn, luôn hiểu và đồng cảm với hoàn cảnh của những con người nghèo khó.

------------

Trên đây là gợi ý trả lời câu hỏi bài 3 trang 48 SGK ngữ văn 8 tập 1 được Đọc tài liệu biên soạn chi tiết giúp các em soạn bài Lão Hạc trong chương trình soạn văn 8 tốt hơn trước khi đến lớp.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM