Bài 2 trang 72 SGK Ngữ văn 10 tập 2

Xuất bản: 14/02/2020 - Cập nhật: 18/07/2022 - Tác giả:

Trả lời câu hỏi bài 2 trang 72 SGK Ngữ văn lớp 10 tập 2 phần hướng dẫn soạn bài Tóm tắt văn bản thuyết minh ngữ văn 10.

Tài liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 trang 72 sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập Hai phần soạn bài Tóm tắt văn bản thuyết minh chi tiết và đầy đủ nhất.

Đề bàiĐọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

ĐỀN NGỌC SƠN VÀ HỒN THƠ HÀ NỘI

Đền Ngọc Sơn ẩn dưới màu xanh cây lá, nằm ở phía đông bắc Hồ Gươm là một cụm di tích đặc sắc vừa thể hiện rất rõ tính chất hoà đồng, dung hợp giữa văn học ngoại nhập với văn hoá bản địa, giữa các yếu tố Nho – Phật – Đạo mà người Việt tiếp nhận từ bên ngoài lại vừa đẹp như một bài thơ trữ tình...

Huyền thoại kể rằng: Xưa kia, vẻ đẹp quyến rũ nơi đây đã khiến các tiên nữ thường giáng trần tắm mát, dạo chơi, ngắm cảnh trên hồ và người trần đã dựng đền thờ các nàng trên mảnh đất này.

Đến cuối đời Lê, chùa Ngọc Sơn được xây dựng làm nơi thờ Phật; từ thời Nguyễn, nơi đây mới chuyển thành đền thờ Thánh như hiện nay.

Năm 1864, Nguyễn Văn Siêu (Thần Siêu) – nhà nho, nhà văn hoá lớn của Hà Nội đã đứng ra sửa sang lại toàn bộ cảnh quan khu vực đền Ngọc Sơn và để lại nhiều di bút bất hủ nơi đây.

Kiến trúc của đền Ngọc Sơn là một hệ thống liên hoàn ẩn chứa dấu ấn cả ba hệ tư tưởng – tôn giáo: Nho, Phật, Đạo hoà quyện với nhau thật tự nhiên và thể hiện dưới những hình tượng kiến trúc vừa chân thật vừa huyền ảo.

Đến thăm đền Ngọc Sơn, hình tượng kiến trúc đầu tiên gây ấn tượng là Tháp Bút, Đài Nghiên – một biểu tượng của trí tuệ văn hoá. Tháp Bút dựng trên núi Ngọc Bội, đỉnh tháp có ngọn bút trỏ lên trời xanh cao vút, trên mình tháp là ba chữ son "tả thanh thiên" (viết lên trời xanh) đầy kiêu hãnh, hai bên lối đi có đắp nổi hình cá hóa rồng và hổ vươn mình – hình ảnh “Cửa Rồng”, “Bảng Hổ” – tượng trưng cho việc thi cử, đỗ đạt của Nho học ngày xưa; đồng thời đây cũng là môtíp quen thuộc của Đạo Giáo. Đạo Giáo tôn Lão Tử làm Giáo chủ bởi ông là một con người đạo cao, đức trọng khiến rồng và hổ cũng phải quy phục. Với những hình tượng trên, lối đi này dẫn tới cổng Đài Nghiên...

Gọi là “Đài Nghiên” bởi cổng này là hình tượng “cái đài” đỡ nghiên mực” hình trái đào tạc bằng đá đặt trên đầu ba chú ếch với thâm ý sâu xa “ao nghiên ruộng chữ” – cái tầm mắt chật hẹp của người ta như “ếch ngồi đáy giếng” sẽ được mở mang, hiểu nhiều, biết rộng nhờ sự học hành... Phía sau Đài Nghiên là cầu Thê Húc (nơi đọng ánh sáng ban mai) đỏ thắm cong cong nối sang Đảo Ngọc, tới cửa vòm thứ ba có cái tên gọi rất thơ, rất gợi cảm “Đắc Nguyệt Lâu” (lầu được trăng), đó cũng chính là cổng đền. Hai bên, phía dưới lầu này là hình Long Mã và Rùa Thần đắp nổi. Sau cổng tam quan với “Đắc Nguyệt Lâu” là một vùng cây lá tươi xanh. Đó chính là Đảo Ngọc – nơi toạ lạc ngôi đền thiêng giữa rì rào sóng nước...

Nhìn từ ngoài vào, Tháp Bút – Đài Nghiên thể hiện tinh thần của Đạo Nho; trong điện chính lại thờ các vị thần của Đạo Giáo, song các vị này đều liên quan đến việc học hành, khoa cử, đỗ đạt; ba vị thờ nơi hậu điện (Quan Đế tức Quan Vân Trường, Táo Quân, Đức Thánh Trần) không chỉ thể hiện tinh thần của Đạo Giáo mà còn là sự đề cao những con người trung nghĩa, không phân biệt dân tộc, đẳng cấp và lồng vào đó là cả lòng tự hào dân tộc với sự tôn vinh Đức Thánh Trần. Sau nữa phải kể đến Phật A Di Đà được phối thờ ở hậu cung theo mô hình tiền Thánh hậu Phật thường gặp trong nhiều ngôi đền ở Việt Nam. Đó chính là một tổng thể kiến trúc vừa mang dấu ấn tâm linh vừa hiển hiện một tâm hồn yêu cái đẹp và cái thiện...

Với cầu Thê Húc, với Đắc Nguyệt Lâu, nơi đây ngưng tụ cả ánh sáng của Đất - Trời, của Âm - Dương hoà hợp... Ẩn mình dưới những vòm cây lá tươi xanh, soi bóng trên mặt nước hồ lung linh huyền ảo, đền Ngọc Sơn đẹp như một bức tranh thuỷ mặc, một bài thơ trữ tình, gợi nguồn cảm hứng thi ca không bao giờ cạn của những tâm hồn thơ Hà Nội.

(Theo Lương Quỳnh Khuê, Tạp chí Truyền hình Hà Nội, tháng 11-2005)

a) Xác định văn bản thuyết minh vấn đề gì? So với các văn bản thuyết minh ở phần trên, đối tượng và nội dung thuyết minh của Lương Quỳnh Khuê có gì khác?

b) Viết tóm tắt đoạn giới thiệu cảnh Tháp Bút, Đài Nghiên.

Trả lời bài 2 trang 72 SGK văn 10 tập 2

Cách trả lời 1:

a) Văn bản thuyết minh về đền Ngọc Sơn - thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội.

So với các văn bản thuyết minh ở phần trên, đối tượng và nội dung thuyết minh của Lương Quỳnh Khuê có điểm khác:

- Các văn bản trước đều là thuyết minh văn học còn văn bản này thuyết minh về một thắng cảnh.

- Về nội dung, bên cạnh việc giới thiệu những nét cơ bản của đền Ngọc Sơn, còn có sự bày tỏ tình yêu, niềm tự hào về một di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

b) Tóm tắt đoạn giới thiệu cảnh Tháp Bút, Đài Nghiên:

Đến thăm đền Ngọc Sơn, hình tượng kiến trúc đầu tiên gây ấn tượng là Tháp Bút, Đài Nghiên. Tháp Bút dựng trên núi Ngọc Bội, đỉnh tháp hình ngọn bút trỏ lên trời, thân tháp có ba chữ “tả thiên thanh” (viết lên trời xanh). Cạnh Tháp Bút là Đài Nghiên mang hình tượng cái đài để đỡ nghiên mực. Đài Nghiên hình trái đào bằng đá đặt trên đầu ba chú ếch ngụ ý ao nghiên, ruộng chữ. Sau Đài Nghiên là cầu Thê Húc dẫn sang Đảo Ngọc – nơi tọa lạc của ngôi đền thiêng giữa rì rào sóng nước. Tháp Bút, Đài Nghiên thể hiện tinh thần Đạo Nho, không những thế mang dấu ấn tâm linh vừa thể hiện một tâm hồn yêu cái đẹp và cái thiện của nhân dân ta.

Cách trả lời 2:

a) Văn bản “Đền Ngọc Sơn và hồn thơ Hà Nội” thuyết minh về một thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội: đền Ngọc Sơn.

So với các văn bản thuyết minh ở phần trên, văn bản này vừa khác về đối tượng (một thắng cảnh), vừa khác ở nội dung (tập trung vào những đặc điểm kiến trúc và ngợi ca vẻ đẹp nên thơ của đền Ngọc Sơn đồng thời bày tỏ tình yêu, niềm tự hào đối với di sản văn hoá của dân tộc).

b) Viết tóm tắt đoạn giới thiệu cảnh Tháp Bút, Đài Nghiên.

Tháp Bút, Đài Nghiên (hình tượng kiến trúc đầu tiên gây ấn tượng khi đến thăm đền Ngọc Sơn) là biểu tượng của trí tuệ văn hoá. Tháp Bút dựng trên núi Ngọc Bội, đỉnh tháp có ngọn bút trỏ lên trời xanh, trên mình tháp có ba chữ “tả thanh thiên” (viết lên trời xanh) đầy kiêu hãnh. Cạnh Tháp Bút là cổng dẫn tới Đài Nghiên. Gọi là “Đài - Nghiên” bởi cổng mang hình tượng “cái đài” đỡ “nghiên mực” hình trái đào rạc bằng đá, đặt trên đầu ba chú ếch với thâm ý sâu xa “ao nghiên, ruộng chữ". Phía sau Đài Nghiên là cầu Thê Húc nối sang đảo Ngọc, nơi tọa lạc ngôi đền thiêng liêng giữa rì rào sóng nước.

-/-

Trên đây là gợi ý trả lời câu hỏi bài 2 trang 72 SGK ngữ văn 10 tập 2 được Học Tốt biên soạn chi tiết giúp các em soạn bài Tóm tắt văn bản thuyết minh trong chương trình soạn văn 10 tốt hơn trước khi đến lớp.

Chúc các em học tốt !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM