Bài 2 trang 49 SGK Ngữ văn 7 tập 1

Xuất bản: 17/06/2020 - Cập nhật: 11/07/2022 - Tác giả: Giangdh

Trả lời câu hỏi bài 2 trang 49 SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1 phần hướng dẫn soạn bài Những câu hát than thân

Tài liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 trang 49 SGK Ngữ văn 7 tập một phần trả lời câu hỏi đọc - hiểu, soạn bài Những câu hát than thân chi tiết và đầy đủ nhất.

Đề bài

Ở bài 1, cuộc đời lận đận, vất vả của cò được diễn tả như thế nào? Ngoài nội dung than thân, bài ca dao này còn có nội dung nào khác?

Nước non lận đận một mình

Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay

Ai làm cho bể kia đầy

Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?

Trả lời bài 2 trang 49 SGK Ngữ văn 7 tập 1

Câu trả lời tham khảo

Trả lời chi tiết

- Về nội dung: Bài ca dao đã vẽ nên hình ảnh con cò khó nhọc, vất vả vì cuộc sống của cò gặp quá nhiều ngang trái, trắc trở; thân cò nhọc nhằn kiếm sống. Cò phải “lận đận”, “lên thác xuống ghềnh” một mình.

- Về nghệ thuật: Bài ca dao đã để lại ấn tượng khá sâu sắc đối với người đọc, dấy lên lòng thương cảm đối với người nông dân trong xã hội cũ. Đế đạt được điều đó, bài ca dao đã có những thành công trên các phương diện nghệ thuật:

  • Tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật đối lập giữa các hình ảnh: nước non và một mình, thân cò và thác ghềnh, lên thác và xuống ghềnh, bế đầy và ao cạn. Từ đó, giúp người đọc nhận ra cuộc sống vô cùng bấp bênh, khốn khó của thân cò.
  • Sử dụng từ láy: “lận đận” gợi lên sự vất vả vì cò phải gặp quá nhiều khó khăn, trắc trở.
  • Trong bài còn sử dụng nhiều hình ảnh, từ ngữ miêu tả hình dáng và số phận của con cò: một mình, thân cò, con cò gợi lên sự tội nghiệp, thấp hèn, cô đơn.
  • Hình thức nêu câu hỏi cuối bài giúp cho giọng điệu của câu ca dao thêm da diết, dấy lên trong lòng người đọc nỗi xót thương và thấm thìa nỗi niềm của người dân lao động trong xã hội phong kiến.
  • Những hình ảnh đối lập, những nơi nguy hiểm, những ao, thác, ghềnh, biển cho thấy con cò đã phải trải nhiều nơi chốn, nhiều cảnh huống, chỉ một mình nó thui thủi, vất vả đến mức gầy mòn. Cuộc đời lận đận được diễn tả khá sinh động, ấn tượng.

- Ngoài nội dung than thân, bài ca còn có nội dung tố cáo xã hội phong kiến bất công. Xã hội đó đã làm nên chuyện bể đầy, ao cạn làm cho thân cò thêm lận đận, thêm gầy mòn. Câu hỏi tu từ đã gián tiếp tố cáo xã hội phong kiến bất công đó.

Trả lời ngắn gọn

- Cách diễn tả cuộc đời lận đận, vất vả của con cò :

  • Từ láy “lận đận” và thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” tăng sức biểu cảm.
  • Đối lập : nước non › ‹ một mình, thân cò › ‹ thác ghềnh, lên › ‹ xuống, bể kia đầy › ‹ ao kia cạn. Chúng tô đậm nỗi vất vả, đơn độc thân cò.
  • Câu hỏi tu từ: Cho ao kia cạn, cho gầy cò con? - lời than, câu hỏi không lời đáp.

- Ngoài nội dung than thân, bài ca này còn là lời tố cáo xã hội phong kiến bất công, là nỗi bất bình phản kháng của kẻ bị áp bức.

Tham khảo thêm cách trình bày khác

1. Cách diễn tả: Dùng phương pháp ẩn dụ, dùng hỉnh ảnh con cò để nói về cuộc đời con người và sử dụng rất nhiều biện pháp nghệ thuật khác.

- Từ láy "lận đận" và thành ngữ "lên thác xuống ghềnh" làm cho nỗi cơ cực và vất vả của cuộc đời cò tăng lên gấp bội lần.

- Biện pháp đối lập: Đây là đặc trưng nổi bật của bài ca dao này, xuất hiện ở cả 4 dòng thơ.

  • Nước non › ‹ một mình đối lập giữa cái mênh mông rộng lớn và cái nhỏ bé cô đơn, lẻ loi của thân cò.
  • Thân cò › ‹ thác ghềnh; lên › ‹ xuống đối lập giữa cái nhỏ bé yếu ớt của thân cò và sự dữ dội khốc liệt của thiên nhiên.
  • Bể kia đầy › ‹ ao kia cạn thái cực của tạo hóa đầy – vơi. Bể kia đã rộng lại còn đầy, còn chiếc ao kia nơi cò kiếm ăn hằng ngày đã bé lại còn cạn. Bởi vậy dù cho cò tần tảo, nhặt nhảnh, bươn chải, thân cò vẫn cứ gầy guộc mong manh

- Câu hỏi tu từ (hai câu cuối) là lời than thở của thân cò – lời than, lời hỏi không có lời giải đáp.

2. Nội dung than thân phản kháng:

- Than thân: Người nông đã dùng hình ảnh thân cò để nói lên sự đắng cay, cơ cực, vất vả, gian truân của cuộc đời mình. Cho nên đây không chỉ là tâm sự của cuộc đời cò mà còn là tâm sự của cuộc đời, của thân phận con người "Mỗi dòng thơ là một tiếng than, tiếng thở dài chua xót".

- Phản kháng: Câu hỏi tu từ ở cuối bài ca dao còn thể hiện thái độ bất bình phản kháng đối với kẻ đã làm cho người nông dân phải lận đận, lên thác, xuống ghềnh. Ai ở đây chính là giai cấp phong kiến, thống trị lúc bấy giờ.

Ghi nhớ

Những câu hát than thân có số lượng lớn và rất tiêu biểu trong kho tàng ca dao, dân ca Việt Nam. Những câu hát đó thường dùng các sự vật gần gũi, nhỏ bé, đáng thương làm hình ảnh biểu tượng, ẩn dụ, so sánh để diễn tả tâm trạng, thân phận của con người.

Ý nghĩa than thân không chỉ là đồng cảm với cuộc sống đắng cay, khổ cực của người lao động mà nó còn thể hiện ý nghĩa phản kháng tố cáo xã hội phong kiến.

-------------

Đọc tài liệu vừa hướng dẫn các em trả lời câu hỏi bài 2 trang 49 SGK ngữ văn 7 tập 1 với mong muốn giúp các em hiểu bài kỹ hơn, qua đó chuẩn bị soạn bài Những câu hát than thân trong chương trình soạn văn 7 được tốt nhất trước khi tới lớp

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM