Bài 2 trang 176 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Xuất bản: 05/06/2020

Trả lời câu hỏi bài 2 trang 176 SGK Ngữ văn lớp 12 tập 1 phần hướng dẫn soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận

Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 trang 176 sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 phần soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận chi tiết nhất.

Đề bài:

Viết một văn bản nghị luận ngắn, trong đó vận dụng kết hợp ít nhất ba thao tác lập luận khác nhau để trình bày quan điểm, ý kiến của anh (chị) về:

– Nét đặc sắc mà anh (chị) đã phát hiện từ một bài thơ (một thiên truyện, một kịch bản văn học);

– Một tác phẩm văn học mới ra đời và đang được nhiều người quan tâm bàn luận;

– Một nội dung kiến thức ngữ văn cần được tìm hiểu sâu hơn, kĩ hơn.

Trả lời bài 2 trang 176 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Để soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận lớp 12 kì 1 tối ưu nhất, Đọc Tài Liệu tổng hợp nhiều cách trả lời khác nhau cho nội dung câu hỏi bài 2 trang 176 trong phần nội dung Soạn văn 12 như sau:

Cách trả lời 1

Đây là gợi ý tổng quan cho cả 3 chủ đề mà đề bài đã yêu cầu, các em học sinh có thể tham khảo để từ đó lựa chọn cho mình 1 chủ đề phù hợp rồi xây dựng thành một văn bản hoàn thiện.

* Nét đặc sắc mà anh (chị) đã phát hiện từ một bài thơ (một thiên truyện, một kịch bản văn học).

a. Mở bài

- Khái quát về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.

- Khái quát về nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm đó.

b. Thân bài

- Nét đặc đó nằm ở phương diện nội dung hay nghệ thuật? Đó là nét đặc sắc gì?

- Đặc điểm đó đặc sắc ở điểm nào? (Gợi ra một sự liên tưởng mới, sâu sắc / mang một ý nghĩa mới, sâu sắc hơn / tạo hiệu quả nghệ thuật độc đáo,…Cần lưu ý đặt đặc điểm đó trong mối quan hệ với những kiến thức phổ biến về tác phẩm để làm rõ nét đặc sắc, độc đáo).

- Giá trị của nét đặc sắc mà bản thân mới phát hiện (gợi những hướng khai thác mới về tác phẩm / góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm sâu sắc hơn,…).

c. Kết bài

- Khẳng định lại ý nghĩa của nét đặc sắc mà em mới phát hiện.

* Một tác phẩm văn học mới ra đời và đang được nhiều người quan tâm bàn luận.

a. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm văn học mới ra đời và đang được nhiều người quan tâm bàn luận.

b. Thân bài

- Khái quát những vấn đề về nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm đã được dư luận tiếp nhận; những ý kiến đánh giá của dư luận về tác phẩm.

- Những suy nghĩ, đánh giá của bản thân về tác phẩm:

+ Phân tích, cảm nhận,…về một nét hay của tác phẩm (về nội dung tư tưởng hoặc nghệ thuật).

+ Trao đổi về một ý kiến (đánh giá sai) về tác phẩm.

+ Trao đổi về một vấn đề về nội dung, tư tưởng mà mà tác phẩm đề cập đến nhưng bản thân còn thấy chưa thỏa đáng.

c. Kết bài

- Nêu cảm nghĩ của bản thân về tác phẩm văn học mới ra đời đó.

* Một nội dung kiến thức ngữ văn cần được tìm hiểu sâu hơn, kĩ hơn.

a. Mở bài

- Giới thiệu về nội dung kiến thức ngữ văn cần được tìm hiểu sâu hơn, kĩ hơn.

b. Thân bài

- Khái quát về nội dung của nội dung kiến thức đó, những vấn đề còn tồn tại là gì? (Có chỗ nào chưa rõ? Chưa sâu? Còn gợi nhiều thắc mắc?,…).

- Vai trò của việc làm rõ, tìm hiểu sâu nội dung ấy.

- Ý kiến đề xuất của bản thân là gì?

- Đặt câu hỏi để người nghe góp ý giải quyết.

- Nêu ý kiến mang tính giải pháp của bản thân về vấn đề.

c. Kết bài

- Khẳng định lại tầm quan trọng của việc tìm hiểu sâu hơn, kĩ hơn nội dung kiến thức đó.

Cách trả lời 2

Đây là phần gợi ý cụ thể cho chủ đề: viết bài văn nghị luận ngắn một tác phẩm văn học mới ra đời và đáng được nhiều người quan tâm bàn luận.

Các ý chính:

-   Giới thiệu tác phẩm mới ra đời đang được công chúng quan tâm (muốn biết tác phẩm nào đang được quan tâm, nên theo dõi báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ...)

-  Tóm tắt nội dung tác phẩm đó (Tác phẩm viết về đề tài nào? Chủ đề? Đặc sắc nghệ thuật?)

-   Dư luận đang quan tâm đến vấn đề gì trong tác phẩm? Các ý kiến khác nhau?

Ví dụ: Với tác phẩm Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa, có rất nhiều ý kiến trái ngược. Có người không đồng tình với Trần Đăng Khoa. Cho rằng tác giả đã làm thay đổi một cách không đúng những giá trị đã ổn định trong đời sống văn học. Cũng có người ủng hộ tác giả vì cho rằng, cần thay đổi cách nhìn, cách nghĩ đã quá sáo mòn trong phê bình văn học.

-  Nêu ý kiến của anh/ chị (Đồng tình hay phản đốì? Vì sao?)

-   Kết luận: Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề, hoặc phủ định những sai lầm trong quan niệm cần bác bỏ.

Cách trả lời 3

Đây là gợi ý cho cách viết bài văn nghị luận về nét đặc sắc phát hiện từ thiên truyện, kịch bản văn học, từ đó các em học sinh sẽ làm thành văn bản nghị luận hoàn thiện cho chủ đề này.

– Giới thiệu được tác phẩm mới đang được công chúng quan tâm

– Tóm tắt được nội dung tác phẩm đó ( nội dung, chủ đề, đặc sắc nghệ thuật)

– Người đọc quan tâm tới vấn đề nào trong tác phẩm

– Nêu quan điểm cá nhân: đồng tình hoặc phản đối

Kết luận: Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề, phủ định sai lầm cần bác bỏ

Cách trả lời 4

Dưới đây là một văn bản hoàn thiện chủ đề: Nét đặc sắc của bài thơ Tiếng gà trưa - Xuân Quỳnh

Xuân Quỳnh được biết đến là một hồn thơ dịu dàng, nữ tính. Chị không chỉ mang đến cho thi đàn những vần thơ nồng nàn, cháy bỏng của trái tim đang thổn thức trong tình yêu mà chị còn mang cả thế giới trẻ thơ, thế giới cổ tích, thế giới của bà với cháu vào trong thơ mình. Trái ngược với cái dữ dội, ác liệt của cuộc chiến chống đế quốc Mĩ, đọc thơ Xuân Quỳnh, người ta vẫn thấy một khung cảnh thật êm đềm, một tâm hồn thật tinh tế với những kỉ niệm, cảm xúc mãnh liệt. Chỉ từ một âm thanh quen thuộc là tiếng gà trưa của xóm nhỏ trên đường hành quân, chị đã nhớ tới người bà thân thương của mình để rồi, kết lại bài thơ là những câu nói như thủ thỉ, tâm tình nhưng lại đầy quyết tâm:

"Cháu chiến đấu hôm nay

Vì tình yêu tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ"

Những người lính trên đường hành quân khi nghe thấy tiếng gà bỗng nhớ tới quê hương và những người thân thuộc của mình. Họ chiến đấu chống lại kẻ thù là vì tình yêu tổ quốc, yêu quê hương. Họ chiến đấu vì để bảo vệ xóm làng thân thuộc - nơi họ đã sinh ra và lớn lên. Nhưng quan trọng hơn nữa, cuộc chiến đấu ấy là vì người bà của mình vì tiếng gà cục tác - Ổ trứng hồng tuổi thơ. Mọi kí ức về bà đều gắn liền với tiếng gà cục tác, với ổ trứng của con gà mái mơ. Đó có lẽ là khoảng thời gian đẹp nhất, hạnh phúc nhất trong tâm trí của đứa cháu. Chẳng có ai muốn rời xa nơi bình yên và hạnh phúc mà lao vào cuộc chiến sinh tử với một kẻ thù quá mạnh. Chẳng có ai đủ dũng cảm để lìa xa người mình yêu thương nhất mà ra đi không biết ngày nào mới trở về. Chỉ có tình yêu mới đủ sức mạnh để thôi thúc con người ta hi sinh cá nhân để bảo vệ những điều lớn lao hơn thế. Và dĩ nhiên, với những đứa con, đứa cháu, sự hi sinh ấy rốt cuộc cũng chỉ vì người thân yêu. Có ai đó đã từng nói, lòng yêu nước bắt nguồn từ việc yêu những thứ bé nhỏ nhất. Và với những người dân Việt Nam lúc bấy giờ, yêu bà, yêu mẹ, yêu gia đình, yêu xóm làng chính là yêu nước. Yêu nên mới sẵn sàng hi sinh. Yêu nên mới quyết tâm chiến đấu để bảo về. Và cũng vì yêu nên hình ảnh của người bà chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí để rồi chỉ cần nghe thấy âm thanh quen thuộc ấy thôi, đứa cháu cũng bồi hồi nhớ về bà.

Cũng viết về tình cảm bà cháu, nhưng hình ảnh người bà của Bằng Việt lại hiện về trong tâm trí của đứa cháu gắn liền với hình ảnh của bếp lửa chờn vờn. Nếu bếp lửa là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và ước mơ mà người bà dành cho cháu thì ổ trứng gà là nơi ấp ủ, nâng niu hạnh phúc đời thường của người bà. Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh và Bếp lửa của Bằng Việt tuy khác nhau về cội nguồn khơi gợi song lại gặp nhau ở tình cảm thiêng liêng cao cả của tình bà cháu. Tình cảm ấy chính là sợi dây để gắn kết những người con trên cùng một mảnh đất hướng về quê hương, Tổ quốc của mình.

Dù là tiếng gà hay bếp lửa, hình ảnh người bà cũng hiện lên với vẻ tảo tần, vất vả, với tình yêu bao la mà bà dành cho cháu.

Sau khi đọc đoạn văn trên có thể thấy:

- Thao tác lập luận chính là: Phân tích

- Ngoài ra còn sử dụng thao tác là: bác bỏ (đoạn in đậm, chữ nghiêng), so sánh (đoạn chữ nghiêng)

***

Bài 2 trang 176 SGK Ngữ văn 12 tập 1 được hướng dẫn trả lời và trình bày theo các cách khác nhau. Hãy vận dụng kết hợp với kiến thức của bản thân em để có những lựa chọn trình bày tối ưu nhất, dễ hiểu nhất khi soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận nhé.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM