Bài 2 trang 161 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Xuất bản: 22/09/2020 - Tác giả: Giangdh

Trả lời câu hỏi bài 2 trang 161 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 1 phần hướng dẫn soạn bài Soạn bài luyện tập viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận

Tài liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 trang 161 SGK Ngữ văn 9 tập 1 phần trả lời câu hỏi Thực hành viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận, soạn bài Luyện tập viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận chi tiết và đầy đủ nhất.

Đề bài

Viết đoạn văn kể về những việc làm hoặc những lời dạy bảo giải dị mà sâu sắc của người bà kính yêu đã làm cho em cảm động [...]

Trả lời bài 2 trang 161 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Đoạn văn mẫu 1

Tôi ở với bà nội từ nhỏ. Những bước đi đầu tiên của mỗi người thường có dáng dấp của sự e sợ, rụt rè. Nhưng khi bắt đầu những bước đi đầu tiên ấy tôi lại rất tự tin. Bởi tôi biết rằng đằng sau tôi luôn có một bàn tay đang dang rộng để nâng đỡ và làm điểm tựa cho tôi. Đó không phải là một bàn tay nào khác mà chính là bàn tay của bà - bàn tay thô sơ, dan dát vị nắng mưa, sương gió cuộc đời. Và những bài học làm người đầu tiên của tôi không đến từ bài giảng của cô giáo mà đến những câu chuyện cổ tích bà thường kể cho tôi nghe trước khi ngủ. Những lời kể của bà gieo vào lòng tôi biết bao ước mơ, niềm tin và cũng khiến tôi suy nghĩ nhiều. Suy nghĩ về những lời dạy dỗ được bà gửi vào câu chuyện. Tôi còn nhớ khi bà kể câu chuyện "Cô chủ nhỏ", bà đã nói: "Không nên sống dung dung, hờ hững mà phải biết trân trọng những vẻ đẹp và giá trị thân thuộc, bình dị của cuộc sống, nhất là tình cảm. Đừng nên xem nhẹ mối tình bạn, tình thân ngày hôm nay, bởi ngày hôm sau khi nhìn lại nó là cả một kho báu quý giá". Nghe bà nói, có ai biết được rằng bà chưa một lần được đi học, được biết chữ. Nhưng có lẽ đi học hay không đi học, biết chữ hay không biết chữ đã không còn quan trọng nữa mà cải chính là ở tâm của mỗi con người. Tâm sáng khiến con người ta có được cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, khiến con người ta đẹp đẽ lạ thường giống như bà của tôi vậy. Ngày hôm nay, khi đã không còn sống bên bà nữa nhưng mỗi bước chân của tôi trên con đường đời vẫn văng vẳng tiếng bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa...

Đoạn văn mẫu 2

Bà tôi, người bà hiền hậu thương yêu luôn hiển hiện trong tâm trí tôi. Những lúc rảnh rỗi bà thường dạy tôi học bài. Có một lần đang dạy tôi làm phép chia, bà nói: “Trong bốn phép tính, phép chia là khó nhất. Có những người lớn lên, thành đạt mà vẫn không làm nổi phép tính chia thông thường”. Tôi luôn suy nghĩ mãi về câu nói đó... Mỗi khi có đồ ăn, bà thường chia cho nhà tôi và những người hàng xóm. Có người bảo bà dại nhưng bà hay nói với tôi: “Biết chia sẻ với mọi người cũng là một cách cộng lấy niềm vui, nhân lên hạnh phúc cho mình và trừ đi những lo lắng trong lòng. Cháu thấy không, tính chia thật kì diệu”. Phép tính chia của bà chỉ thế thôi nhưng khiến cho hàng xóm chúng tôi mọi người xích lại gần nhau hơn. Phép tính chia của bà, chia khổ đau bất hạnh, chia hạnh phúc, chia cả sự cảm thông với mọi người chung quanh đã cho tôi hiểu ý nghĩa của cuộc sống nghĩa tình. Có phải vì vậy mà mỗi lần được ở bên bà, tôi lại cảm thấy bình yên? Thì ra phép chia còn khiến con người ta trở nên cao đẹp! Bài học đó tôi luôn mang theo bên mình, coi như hành trang bước vào cuộc sống. Bà là một người tuyệt vời trong tôi.

Đoạn văn mẫu 3

Tôi lớn lên trong tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc của bà. Từ nhỏ, tôi đã ở với bà để bố mẹ tôi đi làm kinh tế, vì thế bà thay cha mẹ dạy dỗ, nuôi nấng tôi từng ngày. Ở với bà, tôi được bà chăm lo miếng ăn, giấc ngủ, bà thường dậy sớm đi chợ và trở về nhà khi tối muộn. Có nhiều lần, bà dẫn tôi đi cùng. Những món hàng bà bán thường chỉ là những thức quà vặt mà trẻ con và người lớn đều thích như xôi, các loại bánh nếp… Bà rất khéo tay nên mỗi lần bà làm bánh, nấu xôi, bà đều chỉ cho tôi cách làm. Bà dạy tôi rằng “chỉ có lao động mới mang lại niềm hạnh phúc và sống cuộc đời có ý nghĩa”. Chính điều đó nuôi dưỡng ý thức của tôi về tình yêu với lao động , với cuộc sống. Giờ đây bà đã đi xa nhưng tôi luôn biết ơn bà đã hi sinh vì con cháu, để tôi biết cố gắng hơn mỗi ngày.

Đoạn văn mẫu 4

Bà tôi đã già lắm rồi. Nghe bố tôi kể chuyện, ngày xưa gia đình tôi nghèo lắm, thiếu thốn đủ thứ. Tuy vậy, bà vẫn tần tảo một sương hai nắng để chắt chiu, dành dụm, nuôi nấng con cái nên người. Bây giờ, gia đình tôi đã khá giả hơn nhưng bà vẫn giữ thói quen vô cùng tiết kiệm. Bà thường dặn con cháu trong nhà phải biết trân trọng tất cả mọi đồ vật, vì đó là mồ hôi, nước mắt của bao người vất vả mới làm ra được. Bà bảo tôi: “Tiết kiệm là một thói quen tốt, nó không chỉ giúp chúng ta trong cuộc sống mà còn có ích đối với những người khác nữa. Chỉ đơn giản như việc khóa vòi nước sau khi dùng thôi. Chúng ta vừa tránh lãng phí nước, vừa không phải trả tiền nước hàng tháng quá nhiều mà còn giúp biết bao người ở các nơi khác có đủ nước sạch dùng trong sinh hoạt. Tiết kiệm chính là nét đẹp của con người cháu ạ. Nhưng cháu đừng nhầm lẫn giữa tiết kiệm và hà tiện nhé. Tiết kiệm là sử dụng mọi thứ hợp lí, còn hà tiện là bủn xỉn, là không dám sử dụng, chi dùng ở mức độ tối thiểu, như vậy sẽ làm khổ chính mình. Cũng như việc dùng nước sinh hoạt thôi. Nếu cần phải rửa rau dưới vòi nước cho sạch mà để tiết kiệm nước, chúng ta chỉ rửa một lần thì sẽ không đảm bảo vệ sinh, gây thêm bệnh tật và tốn kém nhiều hơn nữa cháu ạ...”. Những lời dạy của bà chẳng biết từ bao giờ đã trở thành cẩm nang trong cuộc sống của chúng tôi.

---------------

Các em vừa tham khảo cách trả lời bài 2 trang 161 SGK ngữ văn 9 tập 1 được Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn giúp em ôn tập và soạn bài Luyện tập viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận tốt hơn trước khi đến lớp.

Còn rất nhiều những bài tập khác thuộc chương trình soạn văn 9 đã được chúng tôi biên soạn. Hãy thường xuyên truy cập vào trang để cập nhật nhé.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM