Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 trang 122 sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 phần soạn bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm chi tiết nhất.
Đề bài: Cảm nhận của nhà thơ về đất nước trong phần đầu đoạn trích dựa trên những phương diện nào? Cảm nhận đó có gì khác so với các bài thơ cùng viết về đề tài này?
Trả lời bài 2 trang 122 SGK văn 12 tập 1
Cách trả lời 1:
Cảm nhận về đất nước trong phần đầu của đoạn trích:
- Những khám phá của Nguyễn Khoa Điềm về cội nguồn đất nước: Truy tìm ngọn nguồn của đất nước: Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể, bắt đầu với miếng trầu bà ăn, khi dân mình biết trồng tre đánh giặc, có trong tập tục tóc mẹ bới sau đầu, có trong tình nghĩa mẹ cha, có trong sinh hoạt thường ngày của nhân dân lao động: cái kèo, cột, hạt gạo,...
→ Đất nước bình dị, gần gũi mà thiêng liêng, khám phá mới mẻ, gần gũi của Nguyễn Khoa Điềm cho thấy đất nước trong bình thường mà cao cả, có cái hàng ngày mà vĩnh hằng.
- Những khám phá của Nguyễn Khoa Điềm về khái niệm đất nước:
+ Đất nước gắn liền với không gian của tình yêu đôi lứa.
+ Đất nước gắn liền với không gian sinh tồn của nhân dân: nơi dân mình đoàn tụ, là nơi chim về, là nơi rồng ở.
+ Đất nước gắn liền với thời gian lịch sử: nhà thơ chắt lọc những hình tượng tiêu biểu từ truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ gợi ra một đất nước bình dị, dễ mến và lấp lánh sắc màu huyền thoại.
- Trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước
+ Trong thời hiện tại: Khẳng định trong anh và em, trong mỗi người nói chung đều tồn tại một phần đất nước, đất nước hóa thân vào huyết mạch mỗi người.
+ Mơ về tương lai: “Mai này con ta lớn lên... ngày tháng mơ mộng”
=> Tác giả đã thể hiện cái nhìn lạc quan về đất nước, nêu trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước.
Cách trả lời 2:
Tác giả cảm nhận về đất nước trên những phương diện:
Cảm nhận của tác giả đa dạng, phong phú từ nhiều bình diện
- Chiều dài lịch sử (quá khứ - hiện tại - tương lai):
+ Từ huyền thoại Long Quân, Âu Cơ
+ Nhà thơ nhấn mạnh vào những kiếp người giản dị, bình tâm nhưng lại làm nên đất nước
+ Họ là những người bảo vệ đất nước
+ Họ góp phần to lớn vào thế giới tinh thần và vật chất của đất nước
- Chiều rộng của không gian - địa lí
+ Đất nước không chỉ bó hẹp gia đình mà trải dài theo chiều dài đất nước
+ Đất nước là nguồn cội, không gian gần gũi, gắn bó với đời sống mỗi người
+ Nhập hai từ “đất” và “nước” phù hợp với diễn tả tình ý trong mỗi câu thơ
+ Là nơi sinh tồn bao thế hệ
- Bề dày truyền thống - phong tục, văn hóa, tâm hồn
+ Giữ phong tục, ăn trầu (nét đẹp trong đời sống tinh thần, tình cảm son sắc của người Việt)
+ Truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm
+ Đất nước gắn với truyền thống đạo lí
=> Các phương diện thống nhất, bổ sung lẫn nhau
Cách trả lời 3:
Đất nước được tác giả cảm nhận trên rất nhiều các phương diện:
- Không gian đất nước:
+ Tác giả tách hai yếu tố đất và nước để cảm nhận một cách độc đáo
+ Đất nước là không gian gắn với cuộc sống của mỗi người, của anh và của em, là nơi hẹn hò của anh, em, của chúng ta: nơi ta hẹn hò, nơi anh đến trường, nơi em tắm
+ Không gian mênh mông với rừng vàng biển bạc
+ Là nơi sinh tồn và phát triển của cả cộng đồng dân tộc
- Thời gian lịch sử của đất nước: được nhìn xuyên suốt mạch thời gian từ quá khứ đến hiện tại và đến tương lai
- Văn hóa:
+ Phong tục tập quán: ăn trầu, búi tóc sau đầu,...
+ Truyền thống: đấu tranh dựng nước và giữ nước
+ Những câu chuyện kể từ ngàn đời
=> Một cách cảm nhận đất nước hoàn toàn mới mẻ, trên tất cả các phương diện, có chiều rộng của không gian, chiều dài của thời gian và chiều sâu của văn hóa.
Cách trả lời 4:
- Tác giả bắt đầu bày biện những khía cạnh cảm nhận từ những câu chuyện xưa cũ chân thành, giản dị, từ những nét đẹp truyền thống như dấu mốc về văn hóa, chủ quyền: Câu chuyện mẹ thường hay kể, miếng trầu bây giờ bà ăn, dân mình đánh giặc, mái tóc mẹ, hạt gạo....
Từ câu hò Bình Trị (nét đẹp văn hóa – tinh thần): “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”, “con cá ngư ông móng nước biển khơi”...
- Về phương diện địa lí: hòn núi bạc, nước biển khơi
- Về phương diện lịch sử: nơi chim về, nơi rồng ở, câu chuyện về Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đối với các nhà thơ cùng viết về đề tài này: ví dụ Nguyễn Đình Thi, là sự cảm nhận đơn thuần, đầy chất trữ tình về bóng dáng những người ra đi, những con người hi sinh, cống hiến cho lí tưởng của đất nước, đất nước trong Nguyễn Đình Thi là những vẻ đẹp hết mực trữ tình - như một bức họa:
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”
Tuy nhiên đối với Nguyễn Khoa Điềm, đất nước trong cảm nhận của ông lại thuần những nét đẹp truyền thống, gần gụi, đầy sâu sắc, để khi đọc lên, ta chợt nhận ra ngay đó là Việt Nam thân thuộc, ngay trong những điều thường nhật.
>>> Đọc thêm: Phân tích bài Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm
Trên đây hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 trang 122 SGK ngữ văn 12 tập 1 được Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn giúp các em tham khảo để soạn bài Đất nước tốt hơn trước khi đến lớp.
Chúc các em học tốt !