Bài 18: Tấm gương tự học trang 94 lớp 5 Tập 1 Kết nối tri thức

Xuất bản: 13/09/2024 - Tác giả:

Bài 18: Tấm gương tự học trang 94 lớp 5 Tập 1 Kết nối tri thức đầy đủ câu hỏi giúp học sinh dễ dàng giải bài tập SGK Tiếng Việt lớp 5 Tập 1 trước khi tới lớp

Nội dung chính Tấm gương tự học: Tạ Quang Bửu là một tấm gương sáng về sự say mê, lòng ham học. Bản thân mỗi người học sinh cần rèn luyện, học tập những thế hệ đi trước và phấn đấu.

* Khởi động

Câu hỏi trang 94 : Lời nhận xét dưới đây cho em hiểu điều gì về giáo sư Tạ Quang Bửu?

Trả lời:

Lời nhận xét dưới cho em hiểu về giáo sư Tạ Quang Bửu: Ông là người có nhân cách và tài năng mà không được người đời công nhận, tôn vinh từ khi ông còn sống và cống hiến.

Văn bản: Tấm gương tự học

Tạ Quang Bửu sinh ra trong một gia đình nhà nho ở Nghệ An. Ông là nhà khoa học và nhà giáo dục đa tài, uyên bác hiếm có.

Con đường đến với thành công của Tạ Quang Bửu rất giản dị: tự học, học suốt đời và học say mê. Ông có thói quen đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi, đọc rất nhanh và nhớ rất lâu. Có lần, ngồi trên lưng ngựa, mải đọc sách, ông ngã tòm xuống suối. Tất cả những ai ở bên ông đều khâm phục khả năng tự học của ông. Ông học từ lúc còn trẻ đến lúc cuối đời, ngay cả khi đau ốm.

Tạ Quang Bửu còn là tấm gương của việc học toàn diện. Ông xuất sắc ở nhiều lĩnh vực: toán, lí, hoá, sinh, triết học,... đặc biệt là ngoại ngữ. Ông sử dụng thành thạo tiếng Anh, Pháp, Đức, Ba Lan; có thể đọc hiểu tiếng Nga, Trung, Hy Lạp cổ và La-tinh. Chỉ tự học tiếng Nga trong ba tháng mà ông đã có thể dịch trôi chảy các tài liệu quân sự tiếng Nga. Ông giúp Bác Hồ soạn thảo những bức công hàm bằng tiếng Anh, nhiều lần cùng Bác tiếp các chính khách nước ngoài. Ông được nhận xét là nói tiếng Anh “hoàn hảo đến mức người Anh phải kinh ngạc”. Ngoài ra, ông còn có hiểu biết sâu rộng về âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc, thể thao,... Ông luôn tranh thủ thời gian tự học, để thoả mãn niềm đam mê của mình. Nhiều người coi ông là “Lê Quý Đôn thời nay”.

Tên của Tạ Quang Bửu được đặt cho các con phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng,... Ở Việt Nam, có một giải thưởng dành cho các nhà khoa học xuất sắc mang tên ông – Giải thưởng Tạ Quang Bửu.

(Phan Sơn tổng hợp)

* Trả lời câu hỏi

Câu 1 trang 95 : Đoạn văn thứ nhất giới thiệu điều gì về Tạ Quang Bửu?

Trả lời:

Đoạn văn thứ nhất giới thiệu về gia cảnh, xuất thân và thân thế sự nghiệp chung của Tạ Quang Bửu.

Câu 2 trang 95 : Những chi tiết nào cho thấy Tạ Quang Bửu là tấm gương tự học, học suốt đời và học say mê?

Trả lời:

Những chi tiết cho thấy Tạ Quang Bửu là tấm gương tự học, học suốt đời và học say mê: Ông có thói quen đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi, đọc rất nhanh và nhớ rất lâu. Có lần, ngồi trên lưng ngựa, mải đọc sách, ông ngã tòm xuống suối. Tất cả những ai ở bên ông đều khâm phục khả năng tự học của ông. Ông học từ lúc còn trẻ đến lúc cuối đời, ngay cả khi đau ốm.

Câu 3 trang 95 : Theo em, vì sao Tạ Quang Bửu nhiều lần được cùng Bác Hồ tiếp các chính khách nước ngoài?

Trả lời:

Tạ Quang Bửu nhiều lần được cùng Bác Hồ tiếp các chính khách nước ngoài vì ông có khả năng dùng, đọc hiểu, dịch trôi chảy các tài liệu quân sự, thành thạo nhiều thứ tiếng nước ngoài; soạn thảo những bức công hàm bằng tiếng Anh giúp Bác Hồ.

Câu 4 trang 95 : Sự đa tài, uyên bác của Tạ Quang Bửu được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

Sự đa tài, uyên bác của Tạ Quang Bửu được thể hiện qua việc: Ông sử dụng thành thạo tiếng Anh, Pháp, Đức, Ba Lan; có thể đọc hiểu tiếng Nga, Trung, Hy Lạp cổ và La-tinh. Ngoài ra, ông còn có hiểu biết sâu rộng về âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc, thể thao,...

Câu 5 trang 95 : Tài năng, công lao của Tạ Quang Bửu được ghi nhận thế nào?

Trả lời:

Tài năng, công lao của Tạ Quang Bửu được ghi nhận ở Việt Nam ta: Nhiều người coi ông là “Lê Quý Đôn thời nay”; Tên của Tạ Quang Bửu được đặt cho các con phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng,... Ở Việt Nam, có một giải thưởng dành cho các nhà khoa học xuất sắc mang tên ông – Giải thưởng Tạ Quang Bửu.

* Luyện tập theo văn bản đọc

Câu 1 trang 95 : Dựa vào gợi ý, tìm nghĩa cho mỗi từ dưới đây:

chính khách

chính phủ

chính khoá

a. Chương trình học tập chính thức, bắt buộc.

b. Người chuyên hoạt động chính trị, khá nổi tiếng.

c. Cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.

Trả lời:

Dựa vào gợi ý, em tìm được nghĩa cho mỗi từ dưới là:

– chính khách: Người chuyên hoạt động chính trị, khá nổi tiếng.

– chính phủ: Cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.

– chính khoá: Chương trình học tập chính thức, bắt buộc.

Câu 2 trang 95 : Chọn các từ ở bài tập 1 để hoàn thiện các câu dưới đây:

a. Nhiều   quốc tế đã có mặt tại hội nghị này.

b.   các nước phải đảm bảo mọi quyền lợi cho trẻ em.

c. Một số hoạt động trải nghiệm sẽ được tổ chức ngoài giờ học   .

Trả lời:

a. Nhiều chính khách quốc tế đã có mặt tại hội nghị này.

b. Chính phủ các nước phải đảm bảo mọi quyền lợi cho trẻ em.

c. Một số hoạt động trải nghiệm sẽ được tổ chức ngoài giờ học chính khoá.

Viết: Tìm ý cho đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách trang 96

Đề bài: Viết đoạn văn giới thiệu một nhân vật trong cuốn sách em đã đọc.

Câu 1 trang 96 : Chuẩn bị

– Em chọn nhân vật trong cuốn sách nào để giới thiệu? Tác giả cuốn sách đó là ai?

– Nhân vật đó có tên là gì?

– Em muốn giới thiệu điều gì về nhân vật?

Trả lời:

– Em chọn nhân vật trong cuốn sách Cây khế, là truyện dân gian của Việt Nam.

– Nhân vật trong truyện gồm có hai anh em mồ côi cha mẹ sớm.

– Em muốn giới thiệu tính cách của hai anh em: người anh bản tính tham lam ích kỉ, người em hiền lành, chất phác, biết nhường nhịn và bài học để lại từ tính cách của họ.

Câu 2 trang 96 : Tìm ý.

Trả lời:

Mở đầu:

+ Giới thiệu tên cuốn sách: Cây khế, là truyện dân gian Việt Nam, truyện nói về hai anh em cùng sống trong một nhà có tính cách trái ngược nhau hoàn toàn.

+ Câu truyện cho em bài học đáng quý về cách sống và yêu thương những người xung quanh mình.

Triển khai:

+ Đặc điểm nhân vật người em: hiền lành, chất phác, luôn biết nhường nhịn; Tài sản người em thừa kế được chỉ có một túp lều lụp xụp, trước nhà có một cây khế ngọt mà không hề ca thán; Hai vợ chồng bị chim lạ đến ăn khế, nghe chim dặn mang túi ba gang đựng vàng kì lạ nhưng cũng làm theo, chỉ lấy đủ số vàng như chim nói và sống cuộc đời sung túc, thương dân nghèo.

+ Đặc điểm nhân vật người anh: tham lam, ích kỉ; Người anh chia tài sản bố mẹ đều lấy hết tất cả nhà cửa ruộng vườn; Nghe tin người em giàu có nhờ cây khế, người anh gạ đổi tới sống và giả nghèo khổ lừa chim thần; Người anh may túi 12 gang, nhét nhiều vàng, vì nặng quá chim nghiêng mình để rơi người anh và vàng xuống biển.

Kết thúc:

+ Câu chuyện là bài học độc đáo, thú vị và ý nghĩa về hình ảnh người em. Dặn người đọc phải biết yêu thương đùm bọc anh em trong nhà, chăm chỉ lao động, không nên quá tham lam và phải biết ơn người đã giúp mình.

Câu 3 trang 96 : Góp ý và chỉnh sửa.

Nêu thông tin chính xác về cuốn sách.

Giới thiệu đúng đặc điểm nhân vật.

Đưa dẫn chứng cụ thể về hành động, lời nói, suy nghĩ,… của nhân vật.

Trả lời:

Em đọc các ý đã chuẩn bị cho bạn nghe và góp ý, chỉnh sửa.

Đọc mở rộng trang 97

Câu 1 trang 97 : Đọc câu chuyện về nhà trường, thầy cô, học sinh.

Trả lời:

Em đọc các câu chuyện về nhà trường, thầy cô, học sinh như trong gợi ý của sách giáo khoa hoặc tìm đọc thêm:

Bài học đầu tiên

Đã 10 năm rồi em không gặp lại Thầy, cũng chừng ấy thời gian em vẫn hằng mơ một ngày em được trở lại thời thơ bé với bao kỷ niệm lưu luyến với thầy cô và bè bạn. Chiều nay em đi qua khúc sông gặp bạt ngàn hoa lau trắng, những bông lau trắng bời bời như nỗi nhớ của em về Thầy...

Bài học đầu tiên em học ở Thầy là bài giảng về lịch sử về Đinh Tiên Hoàng - vị vua tài giỏi đã dẹp loạn 12 sứ quân, đặt nền móng xây dựng độc lập tự chủ của đất nước.Thầy đã kể rất sinh động việc thời nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh cùng các bạn chăn trâu lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau với trẻ con thôn khác, đánh đâu thắng đó, tất cả đều hàng phục tôn làm "chủ tướng", chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như vua.Hình ảnh những cành lau trắng đã được Thầy minh họa rất xúc động và trở thành dấu ấn không bao giờ phai nhạt trong em và nhiều lứa học trò chúng em ngày ấy. Thầy đã giảng cho chúng em biết bao bài học về lịch sử, về tình yêu đất nước và tinh thần kiên cường bất khuất của dân tộc... nhưng có một điều, Thầy chưa bao giờ kể về mình, về cuộc đời quân ngũ của Thầy. Thầy là thương binh, Thầy trở về từ chiến trường và đã để lại nơi ấy một cánh tay. Em nhớ những dòng chữ bằng phấn trắng Thầy viết lên bảng bằng tay trái xiên xiên, chợt thấy cay cay sống mũi...

Hồi đó, món quà mà em và các bạn trong nhóm học sinh giỏi Văn đã tặng Thầy nhân ngày 20-11 là một bó hoa lau trắng. Thầy đã xúc động đến lặng người. Thầy cẩn thận cắm "bó hoa đặc biệt" ấy của chúng em vào một bình hoa được làm bằng gốc tre ngà ở phòng làm việc của Thầy. Rồi Thầy quay lại nói với chúng em giọng xúc động: hoa lau trắng nhắc Thầy nhớ mẹ, nhớ những người đồng đội cũ. Thầy kể, chữ đầu tiên hồi đó Thầy học là chữ 0.

Để thầy dễ nhớ, mẹ Thầy nói nếu khi con nhìn thấy nắng xuyên qua mái nhà của mình, thấy những chấm tròn, đó là chữ 0. Nhà Thầy hồi đó lợp bằng tranh mây. Những gánh tranh mây mà cha Thầy đã lặn lội mang về từ trong rừng sâu, kiên nhẫn gánh đến mấy tháng trời mới đủ làm mái nhà. Người thầy đầu tiên trong cuộc đời Thầy chính là mẹ Thầy. Những con số đầu tiên Thầy biết cũng từ mẹ. Học đếm từ số 1 đến số 10, rồi cả phép cộng, trừ, nhân, chia cũng bằng những củ khoai, những phần quà của mẹ mỗi buổi chợ chiều cho chị và mấy đứa em.Bài học làm người mẹ cũng dạy Thầy bằng những câu ca dao "Lá lành đùm lá rách", "Ăn xem nồi ngồi xem hướng", "Học ăn học nói học gói học mở",... Chỉ đơn giản là những lời dạy thường ngày, không có cuốn giáo án nào ngoài cuốn giáo án trái tim, tấm lòng yêu thương con hết mực... Câu chuyện kể của Thầy cũng là một bài học Thầy muốn dạy lại cho em, về tình yêu và lòng nhân ái. Có lẽ em nhớ và kính trọng Thầy hơn bởi những điều thật giản dị như thế.

Trong giấc mơ ngập trắng hoa lau, em thấy tuổi thơ mình trở về bình yên, trong trẻo. Em nhớ Thầy nói là mỗi loài hoa đều có một hồn cốt riêng, đều có những giá trị mà chưa có ai viết hết, nói hết. Giờ đây đứng trước triền sông bạt ngàn hoa lau trắng - loài hoa giản dị đã trở thành ký ức thiêng liêng trong em khi nhớ về Thầy, về bài học đầu tiên của Thầy. Trong trái tim em, hình ảnh của Thầy giống như một ngọn núi với những tán cây đủ chở che cho em suốt mùa nắng gắt, cũng là nơi bình yên em muốn trở về mỗi khi lòng mệt nhoài nơi đất khách.

Mùa đông đã về hun hút gió. Ngoài triền sông hoa lau trắng lại bời bời trong gió. "Cây lau có một sức sống bền bỉ và diệu kỳ, dù gió mưa có quất bao nhiêu thì hoa vẫn nở đúng mùa và vẫn trắng đến chênh chao. Con người cần phải kiên trì hơn loài hoa lau ấy...". Thầy đã dạy em như thế, đến bây giờ em vẫn luôn mang theo bên mình hình ảnh của một màu hoa trắng tinh khiết như những tình cảm mến thương của những cô cậu học trò dành tặng thầy cô giáo...Thầy dạy rằng trái tim không biết thứ tha là một trái tim đã chết, con người không biết tha thứ vẫn chỉ là gỗ đá mà thôi.

(Sưu tầm)

Câu 2 trang 97 : Viết phiếu đọc sách theo mẫu.

Trả lời:

Dựa vào các câu chuyện gợi ý em đã đọc, em viết thông tin phù hợp vào phiếu đọc sách theo mẫu.

Câu 3 trang 97 : Dựa vào những ghi chép trong phiếu đọc sách, trao đổi với bạn về nội dung và ý nghĩa của câu chuyện đã đọc.

Trả lời:

Em trao đổi với bạn về nội dung và ý nghĩa câu chuyện đã đọc như trong phiếu đọc sách đã hoàn thành.

* Vận dụng

Câu hỏi trang 97 : Giới thiệu với bạn hoặc người thân về một người mà em khâm phục, ngưỡng mộ (có thể là một nhân vật trong cuốn sách em đã đọc).

Trả lời:

Em giới thiệu với bạn hoặc người thân về một người mà em khâm phục, ngưỡng mộ: Em khâm phục và ngưỡng mộ Bác Hồ Chí Minh. Bác là người tiên phong đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước và trở về lãnh đạo dân tộc đánh thắng giặc ngoại xâm. Bác sinh ra trong một gia đình ở Nghệ An có lòng yêu nước nồng nàn. Từ một con người bình thường, với sự dũng cảm, thông minh và quyết tâm, Bác đã trở thành lãnh tụ của cả dân tộc, lập nên Việt Nam như ngày nay. Bác được tôn vinh và sống mãi cùng dân tộc Việt: Lăng viếng Bác, hình ảnh Bác trên các tờ tiền giấy, ảnh Bác tại các phòng họp, cạnh lá quốc kì; 5 điều Bác dạy tại các lớp học;… Em thật sự ngưỡng mộ Bác của chúng ta.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM