Bài 1 trang 138 SGK Ngữ văn 7 tập 1

Xuất bản: 13/07/2020 - Cập nhật: 11/07/2022 - Tác giả: Giangdh

Trả lời câu hỏi bài 1 trang 138 SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1 phần hướng dẫn soạn bài Các yếu tố tự sự, miêu tả trong văn bản biểu cảm

Hướng dẫn chi tiết trả lời bài 1 trang 138 SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1 phần trả lời câu hỏi luyện tập, soạn bài Các yếu tố tự sự, miêu tả trong văn bản biểu cảm ngắn gọn nhất giúp các em ôn tập tốt kiến thức trước khi tới lớp.

Đề bài

Kể lại nội dung bài Bài ca nhà tranh bị gió thu phá của Đỗ Phủ bằng bài văn xuôi biểu cảm

Trả lời bài 1 trang 138 SGK Ngữ văn 7 tập 1

Bài văn tham khảo:

Bài số 1

Tháng tám giữa mùa thu, thường vẫn có gió lốc dữ dằn cuốn phăng mất ba nẹp tranh trên mái nhà của Đỗ Phủ. Gió thổi chúng sang tận bên kia bờ sông. Bọn trẻ xóm Nam ấy ngang ngược đã tranh nhau cướp ba nẹp tranh ngay trước mắt ông lão - nhà thơ tuổi cao sức yếu này. Ông mệt lả đành chịu mất của quay về chống gậy than thở.

Một chốc sau gió lặng, mây đen bất chợt kéo đến. Trời tốì đen lại. Mưa xuống. Trời lạnh buốt. Nhà Đỗ Phủ chỉ có duy nhất một cái chăn đơn đã cũ nát, con đạp rách, nên lạnh như dao cứa. Khổ nỗi cái giường lại nằm ngay chỗ mái dột, ướt sũng cả. Từ ngày loạn lạc, do lo lắng, nhà thơ vốn đã bị mất ngủ, giờ lại thêm mưa dột ướt, làm sao ông chợp mắt cho được. Nằm thao thức, nghĩ mông lung, nhà thơ mong ước có được một ngôi nhà đồ sộ ngàn vạn gian, nhưng không phải cho mình, lại càng không phải cho riêng một mình mình, mà là cho tất cả mọi hàn sĩ trên cõi đời này, mọi nhà thơ nghèo, khổ trên thế gian này.

Càng cao cả hơn nữa, còn ở chỗ nhà thơ ước ao được đánh đổi sự tan nát của chính căn nhà mình, thậm chí cả cái chết của bản thân mình để lấy ngôi nhà đồ sộ ngàn vạn gian kia cho mọi người thì ông cũng vui lòng...

Bài số 2

Vào độ tháng tám, mùa thu năm ấy trời lạnh, gió thổi dữ dội liên hồi. Căn nhà tranh của ta mới dựng được vài tháng bị gió cuốn tung cả ba lớp. Cái thì bay sang sông rải khắp bờ. Cái thì bị cuốn thốc treo lên ngọn cây ở cánh rừng xa. Cái thì bị cuốn xuống vào rãnh mương đầy nước.

Lũ trẻ ở thôn Nam thấy ta già yếu không có sức nên thi nhau chạy ra cướp giật ngay trước mắt mà ta chẳng làm gì được. Chỉ một loáng, tất cả những mảnh tranh bị gió cuốn đã bị chúng lấy sạch, chạy tuốt vào lũy tre phía trong. Mặc cho ta chạy theo gào thét khản cả cổ, đành phải chống gậy quay về với bao nỗi buồn bực, ấm ức.

Đến lúc gió không thổi nữa thì mây đen ngùn ngụt kéo tới, trời tối đen như mực. Mưa ào ào trút xuống, trong nhà không có chỗ nào là không bị dột, chiếc mền vải cũ mỏng tanh không đủ ấm, lại còn bị con trẻ đạp cho rách nát. Ngoài trời mưa cứ tiếp tục rơi, rơi hoài, rơi mãi chẳng dứt. Ta từ lúc cơn loạn xảy ra đến giờ vốn đã chẳng ngủ được lại thêm bây giờ trời lạnh, mưa ướt lại càng khó ngủ hơn.

Ta chỉ mong sao có một ngôi nhà rộng muôn ngàn gian, để cho tất cả những kẻ sĩ nghèo, những dân chúng lầm than trong thiên hạ đều có chỗ nương thân, đều hân hoan, sung sướng. Than ôi! Nhưng đến bao giờ căn nhà vững như bàn thạch, gió mưa không lay chuyển được ấy mới sừng sững hiện ra trước mắt. Có được như vậy thì riêng một nhà ta, một mình ta chịu chết rét ta cũng thấy vui.

Bài số 3

Tháng 8, gió bão lốc ập tới, trời đổ mưa, cùng với những âm thanh rùng mình của tiếng sấm chớp. Mái nhà tranh không chịu được sức gió chỉ trong chốc lát đã bật tung mái bay tứ tung. Mảnh bay sang sông, rải khắp bờ, mảnh thì bay vào rừng xa, mảnh thì ngoài mương… Ông cảm thấy đau xót bởi khó khăn lắm căn nhà được sự giúp đỡ của mọi người ông mới có một mái nhà trú mưa, trú nắng. Hoàn cảnh thật đáng thương và bi thiết. Ấy thế mà, lũ trẻ tranh nhau tới cướp những mảnh tranh còn sót lại rồi bỏ chạy khuất sau lũy tre. Sức tàn lực kiệt ông chỉ biết đứng nhìn theo lũ trẻ. Những câu thơ này, chúng ta tưởng tượng ra hình ảnh đáng thương của một ông cụ tay chống gậy, bất lực nhìn bọn trẻ cướp giật, bỏ chạy. Hình ảnh này gợi lên những ngang trái, bất công đầy rẫy trong xã hội đương thời. Đồng thời, ta cũng thêm thấu hiểu tấm lòng của tác giả đối với những kẻ làm điều xấu bởi ông hiểu sự nghèo khổ, bần cùng là nạn nhân của xã hội thối nát.

Ghi nhớ

- Muốn phát biểu suy nghĩ, cảm xúc đối với đời sống xung quanh, hãy dùng phương thức tự sự và miêu tả để gợi ra đối tượng biểu cảm và gửi gắm cảm xúc.

- Tự sự và miêu tả ở đây nhằm khêu gợi cảm xúc, do cảm xúc chi phối chứ không nhằm mục đích kể chuyện, miêu tả đầy đủ sự việc, phong cảnh.

------------

Trên đây là nội dung trả lời câu hỏi bài 1 trang 138 SGK Ngữ văn 7 tập 1 do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn giúp các em tham khảo để soạn bài Các yếu tố tự sự, miêu tả trong văn bản biểu cảm trong chương trình soạn văn 7 được tốt hơn trước khi đến lớp.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM