Trang chủ

Viết đoạn văn giới thiệu về một lễ hội văn hóa khác mà em biết

Xuất bản: 29/03/2023 - Tác giả:

Viết đoạn văn giới thiệu về một lễ hội văn hóa khác mà em biết. Giúp học sinh biết cách giới thiệu về một lễ hội văn hóa và hiểu thêm các lễ hội văn hóa khác.

Dưới đây là những đoạn văn hay giới thiệu về một số lễ hội văn hóa mà Đọc tài liệu đã tổng hợp để gửi tới các em. Mời các em cùng tham khảo:

Viết đoạn văn giới thiệu về một lễ hội văn hóa khác mà em biết - Mẫu 1

Để mừng Đảng, mừng xuân và tôn vinh tinh thần thượng võ của nhân dân, huyện Đan Phượng thường tổ chức hội vật vào ngày mùng 4 đến ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm. Trong dịp tết vừa rồi, em đã được tham quan lễ hội cùng với bố mẹ. Hội vật diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nhiệt. Trước khi bắt đầu trận đấu, hai đô vật khỏe mạnh, lực lưỡng bước vào sân để cúi chào khán giả. Khi trọng tài thổi còi và phất cờ bắt đầu trận đấu, hai đô vật đôi tay chắc khỏe ra múa khỏi động. Đôi chân không ngừng giậm nhảy để tìm cách tiến lại gần đối thủ.  Một hồi, một đô vật đã chiến thắng bằng cách vật đối thủ ngã xuống đất. Khán giả vỗ tay, vẫy cờ và reo hò không ngừng để cổ vũ cho trận đấu, làm cho không khí trở nên tưng bừng hơn. Hình ảnh hai đô vật dũng mãnh, đầy sức mạnh và gương mặt nhễ nhại dưới ánh nắng làm tôi cảm thấy rất thú vị. Cuối cùng, hai đô vật vừa vật xong lau vội mồ hôi trên khuôn mặt và giơ tay chào kết thúc trận đấu. Hội vật thực sự là một nét đẹp văn hóa trong dịp đầu năm của người dân Đan Phượng.

Viết đoạn văn giới thiệu về một lễ hội văn hóa khác mà em biết - Mẫu 2

Lễ hội Đền Hùng diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm được coi là một điểm tựa tinh thần văn hóa. Lễ hội được tổ chức để ghi nhớ công ơn dựng nước của các vị vua Hùng. Vào những năm chẵn (được tính theo 5 năm một lần) lễ Giỗ Tổ được tổ chức theo nghi lễ quốc gia, còn những năm lẻ do tỉnh Phú Thọ tổ chức. Dù tổ chức theo nghi lễ quốc gia hay do tỉnh tổ chức thì lễ hội Đền Hùng hàng năm đều được tổ chức rất chặt chẽ. Lễ hội bao gồm hai phần chính: lễ và hội. Lễ hội Rước Kiệu được duy trì trang nghiêm trong các đền, chùa trên núi Hùng. Nghi thức dâng hương hoa của các đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ, các địa phương trong toàn quốc,… được tổ chức long trọng tại đền Thượng. Lễ Dâng Hương sẽ được diễn ra tưng bừng, náo nhiệt xung quanh các đền, chùa và dưới chân núi Hùng. Lễ hội ngày nay có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá hơn xưa. Các hình thức văn hoá truyền thống và hiện đại được đan xen nhau. Hội ngày nay chính là nơi để thi tuyển và giao lưu văn hoá giữa các vùng. Các nghệ nhân người Mường mang đến lễ hội thanh âm của tiếng trống đồng một thời dóng trên đỉnh núi Hùng, gọi mặt trời làm mưa, làm nắng thuận hoà, cho mùa màng tốt tươi, muôn dân hạnh phúc. Những làn điệu Xoan – Ghẹo với lời ca tinh tế, mượt mà đã đem tới cho lễ hội đền Hùng một nét đặc trưng, thấm đượm văn hoá vùng Trung du Đất Tổ. Một điểm quan trọng nằm ở giữa trung tâm lễ hội là nhà bảo tàng Hùng Vương, ở đây lưu giữ vô số những cổ vật đích thực của thời đại các Vua Hùng. Thời đại của chúng ta ngày nay đang ngày càng góp sức tô điểm và phát huy sự cao đẹp của lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương. Hàng năm, ý nghĩa tâm linh của cuộc trẩy hội về Đền Hùng đã trở thành nếp nghĩ, nếp sinh hoạt truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần tín ngưỡng không thể thiếu của người Việt Nam.

Viết đoạn văn giới thiệu về một lễ hội văn hóa khác mà em biết - Mẫu 3

Hội Lim là một trong những lễ hội nổi tiếng không chỉ ở Bắc Ninh mà còn ở các tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ và trên cả đất nước Việt Nam. Lễ hội diễn ra vào ngày 12 và 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm, với rất nhiều hoạt động khác nhau bao gồm phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, người dân sẽ tổ chức các nghi thức truyền thống như cúng và tế. Trong phần hội, có nhiều trò chơi được tổ chức, đặc biệt là các liền anh, liền chị ở trên thuyền rồng hát quan họ, một điệu dân ca nổi tiếng của Bắc Ninh. Các liền anh, liền chị hát rất hay và thu hút sự chú ý của khách tham quan. Ngoài ra, còn có các trò chơi dân gian như chọi gà, đánh đu, đấu vật, thả diều, ... diễn ra rất sôi nổi. Tôi rất tự hào vì mình là người con Bắc Ninh, nơi có làn điệu dân ca quan họ, một di sản văn hóa thế giới.

Viết đoạn văn giới thiệu về một lễ hội văn hóa khác mà em biết - Mẫu 4

Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải phòng là một lễ hội lớn, nổi tiếng trên khắp các vùng miền đất nước. Đây là một lễ hội với lễ nghi trang trọng, rước kiệu thần, có lọng che, phường bát âm. Nhân dân ta có câu:

Dù ai buôn đâu bán đâu

Mùng chín tháng tám thì về chọi trâu

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hoá nông nghiệp đồng bằng với văn hoá cư dân ven biển; mang sắc thái riêng, gắn liền việc thờ cúng thủy thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu; thể hiện bản sắc văn hóa, tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển hàng ngày đối diện với biển khơi và bão tố để mưu sinh. Lễ hội chọi trâu có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen. Từ ngày mùng một đầu tháng, các vị cao niên các làng có trâu chọi làm lễ tế thần Điểm Tước ở đình Tổng. Sau đó là lễ rước nước, gắn với tục tế Thủy Thần.Sáng ngày chính hội, 9/8 âm lịch, các chủ trâu làm lễ rước trâu ra tham gia hội. Đi bên cạnh mỗi ông trâu có hai chàng trai tay cầm cờ đuôi nheo để múa. Tiếp theo đó là lễ múa cờ khai hội, sau đó, trâu được dẫn vào xơi, khi cách nhau 20m người dắt sẽ rút "sẹo" và nhanh chóng ra ngoài xới để trâu tự do đấu nhau. Kết thúc lễ hội, trâu thắng cuộc được làm lễ rước trở về. Lễ hội chọi trâu hằng năm đều thu hút được sự tham gia của đông đảo du khách trên khắp cả nước. Đây là một phong tục tập quán lâu đời, thể hiện đặc sắc văn hóa của người dân vùng biển.

Viết đoạn văn giới thiệu về một lễ hội văn hóa khác mà em biết - Mẫu 5

Quê hương em là nơi được gọi với cái tên đầy thơ mộng - thành phố hoa phượng đỏ, đó chính là Hải Phòng. Em sinh ra và lớn lên ở đây đã 8 năm rồi, và bắt đầu từ 5 tuổi em đã được đi xem ngày hội đua thuyền. Lễ hội đua thuyền ở quê hương em đã có lịch sử rất lâu đời. Hàng năm, cứ vào tháng giêng, là các huyện bắt đầu mùa lễ hội đua thuyền trên sông. Lễ hội đua truyền rồng trên sông vừa gợi nhớ đến những chiến công oanh liệt lừng lẫy của cha ông ta ngày xưa, vừa mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Vào ngày hội đua thuyền, mọi người tập trung rất đông ở hai bên bờ sông, mang theo rất nhiều loa kèn, chai, trống đi để reo hò cổ vũ. Tâm điểm của lễ hội chính là những đội thuyền trên sông toàn là trai tráng khỏe mạnh lực lưỡng và chèo thuyền giỏi. Mỗi đội thuyền gồm 9-11 người làm nhiệm vụ chèo thuyền, còn có thêm người cầm cờ, trống và hò những câu như “Dô ta này, cố lấy giải này, dô ta nào!”. Khi tiếng còi khai cuộc vang lên, những chiếc thuyền phóng như bay trên mặt nước, không khí trên sông đầy kịch tích và hai bên sông vô cùng náo nhiệt. Ban đầu họ xuất phát cùng nhau nhưng dần dần có đội về đích trước, có đội về sau, dù thắng hay thua họ đều ôm nhau cười nói rất vui vẻ. Lễ hội đua thuyền đã trở thành một hoạt động văn hóa, thể thao vô cùng ý nghĩa với dân làng. Nhờ có những lễ hội như vậy mới có thể gìn giữ và phát huy được những nét đẹp văn hóa cho thế hệ sau.

Viết đoạn văn giới thiệu về một lễ hội văn hóa khác mà em biết - Mẫu 6

Em được cùng bố mẹ tham gia rất nhiều lễ hội văn hóa của các vùng miền khác nhau trên đất nước. Nhưng lễ hội để lại trong em ấn tượng sâu sắc và khiển em cảm thấy thích thú nhất chính là lễ hội Cầu ngư.

Lễ hội Cầu ngư được chuẩn bị hết sức cầu kì và cẩn thận, thể hiện sự thành kính và quan tâm của người dân nơi đây. Vào ngày tổ chức lễ hội, có rất đông người dân và khách du lịch đến xem và tham gia. Lễ hội Cầu ngư bắt đầu diễn ra từ lúc sáng sớm, với nghi thức Nghinh Ông. Hoạt động chính của nghi thức này, chính là việc rước kiệu Ông Nam Hải ra biển để lên thuyền rồng ra khơi. Những người được chọn để khiêng kiệu được tuyển chọn kĩ lưỡng, đều phải là thanh niên khỏe mạnh. Dọc đường kiệu di chuyển, người dân đứng thành hàng, dâng lễ vật và hương khói nghi ngút. Ra đến bờ biển, sẽ có sẵn mười lăm chiếc ghe xếp thành hình chữ V hướng ra biển, đầu mỗi ghe chuẩn bị lễ vật tươm tất. Đoàn ghe sẽ đi về phía Lăng Ông, trước cửa lăng có đoàn múa lân rất rộn ràng để đón chào.

Ngoài ra, lễ hội Cầu Ngư còn có hoạt động được rất nhiều người thích thú, đó chính là lễ sắc phong. Lễ gồm có hai đám rước, một đám đi từ phía Bắc, một đám đi từ phía Nam, cùng di chuyển về phía Lăng Ông. Dẫn đầu đoàn là đội múa lân, sư, rồng với âm thanh rộn ràng, điệu nhảy đẹp mắt. Phía sau, là những mô hình thuyền lớn, được trang trí bắt mắt, cầu kì. Thuyền có chở vài người ngư dân làm động tác mô phỏng cách chèo thuyền. Đặc biệt, mô hình chiếc thuyền đấy, được di chuyển nhờ khoảng hơn hai mươi thanh niên trai tráng vác ở phía dưới. Thật là tuyệt vời.

Đến với lễ hội Cầu ngư, em được chiêm ngưỡng những hoạt động ý nghĩa, được tham gia vào dòng người nô nức xem hội. Em mong rằng, những ngày hội như thế này sẽ được bảo tồn và duy trì mãi về sau.

Viết đoạn văn giới thiệu về một lễ hội văn hóa khác mà em biết - Mẫu 7

Theo thường lệ hàng năm, làng tôi sẽ tổ chức lễ hội ngày xuân vào ngày cuối tuần đầu tiên của năm theo lịch cổ truyền. Đó là ngày hội cho tất cả mọi người trong làng cùng tham gia. Mọi người đến đều mặc các bộ trang phục truyền thống của dân tộc hoặc những bộ trang phục gọn gàng, lịch sự và đẹp nhất trong tủ. Nơi diễn ra lễ hội là đình làng và sân trống cạnh đó. Sau khi mọi người lần lượt vào dâng hương, khấn vái, phần hội mới chính thức diễn ra. Những trò chơi tại đây đều là các trò chơi dân gian nhưng vẫn hết sức vui nhộn, bao gồm kéo co, đu dây, ô ăn quan, nhảy lò cò,... Mọi người đều tham gia hết mình vào các trò chơi này. Trò chơi cặp đôi nhảy sạp là trò chơi vui nhất, khi một đôi cầm tay nhau vào nhảy, mọi người lại trầm trồ reo lên. Ngày hội xuân của làng tôi mộc mạc và giản dị, nhưng tôi yêu nó vô cùng, bởi nó chứa đựng những tình cảm đáng quý của bà con nơi đây.

-/-

Hy vọng với những bài văn mẫu "Viết đoạn văn giới thiệu về một lễ hội văn hóa khác mà em biết" mà Đọc tài liệu tổng hợp, gửi tới các em trên đây cùng trọn bộ văn mẫu lớp 6 sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt Ngữ Văn 6!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM