Yêu cầu:
- Giới thiệu ngắn gọn về hai tác phẩm thơ, nêu được những cơ sở lựa chọn hai tác phẩm để so sánh, đánh giá.
- Làm sáng tỏ những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai bài thơ được chọn để so sánh; có bằng chứng cụ thể, đa dạng từ hai tác phẩm.
- Đưa ra những nhận xét, đánh giá thuyết phục về ý nghĩa và những đóng góp riêng, đặc sắc của mỗi tác phẩm thơ dựa trên các nội dung được so sánh.
- Nêu khái quát kết quả và ý nghĩa của việc so sánh đánh giá.
Phân tích bài viết tham khảo:
Văn bản: Cảm hứng mùa thu trong Thu vịnh và Đây mùa thu tới
1. Giới thiệu hai bài thơ và định hướng so sánh
- Giới thiệu hai bài thơ: Thu vịnh (Nguyễn Khuyến) và Đây mùa thu tới (Xuân Diệu).
- Định hướng so sánh: So sánh bức tranh thiên nhiên mùa thu, so sánh tâm trạng của hai nhà thơ.
2. Phân tích điểm tương đồng của hai bài thơ.
Nguyễn Khuyến và Xuân Diệu đều có nét gặp gỡ là viết về cảnh thu, tình thu đẹp nhưng buồn.
3. Giới thiệu nét riêng và chỉ ra yếu tố tạo nên sự khác biệt của đối tượng so sánh
Nét riêng biệt là do hai nhà thơ sống ở hai thời đại khác nhau với những quan niệm thẩm mĩ khác nhau.
4. Phân tích nét riêng trong cảnh và tình của bài Thu vịnh.
Cảnh thu vừa thực và ảo và ngưng đọng trong một nỗi hoài niệm bàng bạc cả không gian và thời gian. Tình thu man mác, đượm buồn vương vấn đầy day dứt trong nỗi niềm thi nhân.
5. Phân tích nét riêng của bài Đây mùa thu tới trong sự đối sánh với bài Thu vịnh.
Nỗi buồn trong thơ Xuân Diệu là nỗi buồn đầy trực cảm, cảnh buồn nhưng vẫn khiến lòng thi nhân náo nức. Mùa thu đến và đi gợi cho Xuân Diệu nỗi lắng lo về sự chảy trôi của thời gian chứ không ngưng đọng cảnh như Nguyễn Khuyến.
6. Khẳng định vị trí, giá trị và sức hấp dẫn của hai bài thơ.
Trong thơ của Nguyễn Khuyến mang đậm màu sắc cổ điển với phong vị ẩn dật, còn Xuân Diệu là một nhà thơ lãng mạn, một nhà thơ hiện đại với thế giới quan mới mẻ.
7. Nêu ý kiến khẳng định về kết quả và ý nghĩa của việc so sánh.
Cả hai tâm hồn lớn đều yêu tha thiết mùa thu xứ Bắc và đều muốn hướng về tình yêu quê hương xứ sở nồng nàn, sâu sắc.
Trả lời câu hỏi
Câu 1: Bài viết cho thấy tác giả đã dựa trên những cơ sở nào khi chọn hai bài thơ để so sánh, đánh giá?
Trả lời
- Cơ sở so sánh:
+ Đều là những bài thơ viết về mùa thu tiêu biểu.
+ Cùng chủ đề miêu tả cảnh sắc và tâm trạng trước mùa thu.
+ Có sự tương đồng, đối lập trong cách thể hiện cảnh thu, tình thu.
Câu 2: Bài viết triển khai các nội dung so sánh, đánh giá như thế nào? Bạn có nhận xét gì về hiệu quả của cách triển khai đó?
Trả lời
- Bài viết triển khai các nội dung so sánh, đánh giá:
+ Phân tích điểm tương đồng 2 bài thơ.
+ Giới thiệu nét riêng và chỉ ra yếu tố tạo nên sự khác biệt của đối tượng so sánh.
+ Phân tích nét riêng trong cảnh và tình Thu vịnh.
+ Phân tích nét riêng trong Đây mùa thu tới.
+ Khẳng định vị trí, giá trị và sức hấp dẫn của 2 bài thơ.
+ Nêu ý kiến khẳng định.
- Hiệu quả triển khai: cách triển khai so sánh toàn diện cả về nội dung và nghệ thuật. Với cách so sánh này chúng ta có thể dễ dàng nhìn nhận và hiểu sâu sắc về tư tưởng, tình cảm trong hai bài thơ. Với cách so sánh cụ thể, chi tiết và hệ thống lập luận chặt chẽ tác giả đã cho người đọc cảm nhận được quan điểm, ý kiến riêng của bản thân cũng như cách cảm, cách nghĩ của chủ thể về hai bài thơ.
Câu 3: Theo bạn, có thể có những cách trình bày nào khác về nội dung so sánh, đánh giá trong bài viết?
Trả lời
Triển khai về nội dung so sánh, đánh giá theo cách khác:
- So sánh theo đối tượng.
- So sánh theo chủ đề.
- So sánh theo bố cục.
- So sánh theo ngôn ngữ.
- So sánh theo hình ảnh.
* Thực hành viết:
1. Chuẩn bị viết
- Truớc hết, cần xác định được những cơ sở để triển khai các nội dung so sánh, gắn với đặc trung của thể loại thơ (đề tài, phong cách sáng tác, bút pháp nghệ thuật,..). Từ những cơ sở đã xác định, cần lựa chọn các bài thơ tiêu biểu với những điểm tương đồng và khác biệt có ý nghĩa.
- Phạm vi lựa chọn để so sánh, đánh giá rất mở và linh hoạt. Hai bài thơ đó có thể của hai tác giả hoặc của một tác giả.
- Xác định được các phương diện cần so sánh: đối tượng cụ thể được miêu tả, thể hiện, cảm hứng, cái nhìn nghệ thuật, bút pháp,..
- Một số đề tài gợi ý:
+ So sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ thuộc các giai đoạn văn học, xu huớng văn học khác nhau: Tiếng nói tri âm trong Độc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du) và Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo),..
+ So sánh, đánh giá bút pháp và cảm hứng nghệ thuật trong các tác phẩm thơ: Cảm hứng về đất nước trong Đất nước (Nguyễn Đình Thi) và Việt Bắc (Tố Hữu);…
+ So sánh, đánh giá các hình tượng: Hình tượng người lính trong Đồng chí (Chính Hữu) và Tây Tiến (Quang Dũng); Hình tượng nguời phụ nữ trong Tự tình ll (Hồ Xuân Hương) và Thuyền và biển (Xuân Quỳnh),…
+ So sánh, đánh giá về hình thức nghệ thuật: Cách thể hiện nỗi nhớ trong Tây Tiến (Quang Dũng) và Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên),..
2. Tìm ý, lập dàn ý
a. Tìm ý
Dựa vào yêu cầu của kiểu bài, định hướng từ bài viết tham khảo và để tài đã xác định, có thể nêu các câu hỏi sau để tìm ý:
- So sánh, đánh giá hai bài thơ dựa trên cơ sở nào? Việc xác định cơ sở để so sánh, đánh giá dựa trên nội dung (hiện thực đời sống, tư tuởng, tình cảm của tác giả,..) và hình thức nghệ thuật của các tác phẩm (thể loại, ngôn ngữ, kết cấu, giọng điệu, hình ảnh, chi tiết, thủ pháp nghệ thuật,..). Chẳng hạn, ở bài viết tham khảo, tác giả so sánh, đánh giá cảm hứng mùa thu trong hai bài thơ Thu vịnh và Đây mùa thu tới ở cả hai bình diện nội dung miêu tả (cảnh tình thu) và cách thể hiện (chọn hình ảnh, không gian,.).
- Điểm tương đồng giữa hai tác phẩm thơ là gì? Ở bài viết tham khảo, tác giả đã làm rõ điểm tương đồng trong cảm hứng mùa thu của hai bài thơ là cảnh thu đẹp và tình thu buồn, tất cả được thể hiện bằng những hình ảnh chấm phá, giàu sức gợi.
- Đâu là đểm khác biệt giữa hai bài thơ? Ở bài viết tham khảo, tác giả đã phân tích sự khác biệt trong cảnh thu, tình thu của hai bài thơ; bút pháp miêu tả và quan điểm thẩm mĩ của hai tác giả trong hai thời đại.
- Yếu tố nào tạo nên những điềm tương đồng và khác biệt của hai bài thơ? Điểm tương đồng và khác biệt thường xuất phát từ những yếu tố thuộc về đặc trưng của thơ ca và phong cách nghệ thuật riêng của mỗi nhà thơ, hoặc xu hướng và bút pháp thi ca của từng giai đoạn sáng tác. Ở bài viết tham khảo, tác giả đã phân tích, lí giải điểm tương đồng và khác biệt trong cảm hứng về cảnh thu, tình thu của hai bài thơ là sự đồng điệu của tâm hồn thi nhân trước vẻ đẹp của mùa thu đất nước; sự khác biệt là do hai nhà thơ thuộc hai thời đại, hai phong cách thơ.
- Đánh giá thế nào vê giá trị của mỗi bài thơ? Qua so sánh, bài viết tham khảo đã khẳng định vị trí, giá trị và sức hấp dẫn của hai bài thơ viết về mùa thu đối với người đọc bao thế hệ cũng như ý nghĩa của việc cảm nhận hai bài thơ từ góc độ so sánh.
b. Lập dàn ý
Từ hướng tìm ý nêu trên, cần xem xét, sắp xếp lại hệ thống ý thật hợp lí để có dàn ý hoàn chỉnh.
Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về hai bài thơ và nêu cơ sở lựa chọn để so sánh, đánh giá.
Thân bài:
Có nhiều cách trình bày nội dung so sánh, đánh giá. Người viết cần linh hoạt trong việc lựa chọn cách trình bày phù hợp với hiểu biết và hứng thú của bản thân, điều này sẽ góp phần quan trọng vào thành công của bài viết. Có thể triển khai các nội dung so sánh, đánh giá theo những cách sau:
- Cách 1: Lần lượt phân tích từng bài thơ, sau đó chỉ ra điểm tương đồng, sự gặp gỡ và những điểm khác biệt, lí giải nguyên nhân của sự tuơng đồng và khác biệt đó; đồng thời đánh giá về giá trị và đóng góp của mỗi bài thơ. Cách này dễ làm nhưng nhiều khi bị trùng lặp ý và mục đích so sánh không được làm nổi bật.
- Cách 2: Phân tích bài thơ thứ nhất theo các phương diện đã xác định, khi phân tích bài thơ thứ hai sẽ so sánh với bài thơ thứ nhất theo từng phuơng diện và lí giải nguyên nhân của những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai bài thơ, từ đó, đánh giá về giá trị và đóng góp của mỗi bài thơ. Cách này cũng dễ thực hiện và tránh bị trùng lặp, thể hiện được ý so sánh, nhưng mạch so sánh khi trình bày bài thơ thứ nhất dễ bị chìm.
- Cách 3: So sánh lần lượt các phương diện đã lựa chọn đối với hai bài thơ, chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt; lí giải nguyên nhân sự tương đồng và khác biệt đó; đánh giá về giá trị và đóng góp của mỗi bài thơ từ các nội dung so sánh. Cách này làm nổi bật được tính chất so sánh nhưng dễ làm mờ tính liền mạch, chỉnh thể của mỗi bài thơ, đòi hỏi nguời viết phải có khả năng tư duy tổng hợp và lập luận chặt chẽ, có sự tinh nhạy trong phát hiện vấn đề.
Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của việc so sánh, đánh giá; nêu cảm nhận và ấn tượng của bản thân về các bài thơ.
c. Viết
- Vận dụng kinh nghiệm đã tích lũy được qua việc thực hành viết bài văn so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện đã học trước để viết Mở bài và Kết bài ngắn gọn, gây ấn tượng đối với người đọc về ý nghĩa của việc so sánh, đánh giá; triển khai Thân bài theo các ý đã xác định và cách triển khai bài viết so sánh, đánh giá.
- Thể hiện khả năng cảm thụ văn học tinh tế trong quá trình phân tích, so sánh; lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu với từng nội dung so sánh, kết hợp với ý kiến lí giải, đánh giá; diễn đạt mạch lạc, sáng sủa, có cảm xúc.
- Có những sáng tạo riêng của cá nhân trong quá trình phân tích, đánh giá về những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai bài thơ (qua những phát hiện sâu sắc hoặc qua cách diễn đạt độc đáo) để tăng sức thuyết phục và hấp dẫn cho bài viết.