Mở bài Đất Nước hay nhất do Đọc tài liệu sưu tầm và thực hiện chắc chắn sẽ giúp các em dẫn dắt vào bài làm của mình tốt hơn. Đối với các đề tài trích đoạn thơ trong bài, các em chỉ cần khéo léo đưa nội dung chính hoặc cảm nhận của em về đoạn thơ đó rồi trích dẫn đoạn thơ. Chắc chắn các em sẽ đạt được điểm tối đa nội dung này.
Cùng tham khảo nhé:
Tuyển tập những mở bài bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm hay nhất
Mở bài 1
Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ trẻ thời chống Mĩ. Ông là nhà thơ trưởng thành từ ghế nhà trường xã hội chủ nghĩa, không chỉ tiếp thu trình độ văn hóa mới, lí tưởng mới, ông còn là thế hệ thanh niên trẻ tích cực tham gia trực tiếp vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Chính vì vậy, những áng thơ của ông luôn cháy bỏng tình yêu quê hương, đất nước. Đất Nước là một bài thơ như vậy. Nó là đứa con tinh thần, là khát vọng chất chứa của ông, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ hướng về cuộc kháng chiến chung của dân tộc.
Mở bài 2
Trong những thi phẩm hay viết về đề tài đất nước, không thể không nhắc tới bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Các nhà thơ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm thường tạo ra một khoảng cách nhất định để chiêm ngưỡng sự lớn lao, kì vĩ của Tổ quốc. Nhưng ông lại cho người đọc thấy một Đất nước rất gần gũi và bình dị lại không kém phần cao cả và thiêng liêng. Đoạn trích “Đất nước” nằm trong bản trường ca “Mặt đường khát vọng” với mục đích kêu gọi những sinh viên tri thức, thanh niên tuổi trẻ cùng tham gia hòa chung với cuộc kháng chiến của dân tộc.
Mở bài 3
Giữa muôn vàn thơ ca về đề tài Đất nước, ta vẫn nhận ra được chất riêng của Nguyễn Khoa Điềm với thi phẩm “Đất nước” trích từ bản trường ca “Mặt đường khát vọng”. Những vần thơ mang chất trữ tình chính luận của ông không khô khan giáo điều mà rung động dạt dào cảm xúc. Với “Đất nước”, Nguyễn Khoa Điềm đã góp thêm thành tựu cho thơ ca thời kì chống Mĩ bằng một cái nhìn toàn diện, cách nói mới mẻ không lặp lại con đường đi của người khác. Bài thơ là lời kêu gọi thiết tha của tác giả với các bạn sinh viên tuổi trẻ cùng xuống đường, hướng về cuộc kháng chiến chung của dân tộc.
Mở bài 4
Trong những năm tháng kháng chiến oanh liệt của dân tộc, đề tài đất nước luôn là nguồn cảm hứng lớn lao, bất tận. Các nhà thơ viết về đất nước bằng tất cả niềm tự hào của riêng họ. Trong đó ta không thể không nhắc đến bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Bài thơ nằm trong bản trường ca “Mặt đường khát vọng” năm 1971 tại chiến khu Trị - Thiên. Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm được ấp ủ và hình thành trong một khoảng thời gian khá dài từ năm 1948 đến năm 1955 và được viết liền mạch trong cảm xúc dồn nén. Bởi vậy, những ai đã nghe các vần thơ của ông đều không thể nào quên hình ảnh một Đất nước gần gũi, giản dị nhưng không kém phần cao cả thiêng liêng.
Xem thêm: Phân tích bài Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm
Các em có thể tham khảo thêm một số mở và kết bài do thầy Phan Danh Hiếu gợi ý:
Mở bài:
1. Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ như Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh… Thơ Nguyễn Khoa Điềm hấp dẫn bạn đọc bởi sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm trích từ chương V trường ca “Mặt đường khát vọng” là một trong những vần thơ hay nhất về đề tài đất nước trong thơ Việt Nam hiện đại.
2. Đất Nước là một đề tài muôn thuở của thơ ca và nghệ thuật. Hình hài đất nước cũng được tạc thành nhiều vẻ đẹp khác nhau từ những góc nhìn khác nhau. Tố Hữu thấy Đất Nước trong bóng dáng người anh hùng, người Mẹ. Chế Lan Viên “tìm hình của nước” trong vị cha già Hồ Chí Minh. Nguyễn Trãi tự hào về triều đại Triệu, Đinh, Lý, Trần… còn Nguyễn Khoa Điềm, một nhà thơ chống Mỹ lại tìm vẻ đẹp của Đất Nước trong chiều sâu văn hóa, phong tục mang đậm dấu ấn tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”.
3. Hiếm có một giai đoạn văn học nào mà hình ảnh Tổ quốc- Dân tộc- Đất nước lại tập trung cao độ như giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tố Hữu với “Ôi Việt Nam! Yêu suốt một đời/ Nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi!” (Vui thế hôm nay), Chế Lan Viên với “Sao chiến thắng”, Lê Anh Xuân từ hình tượng anh giải phóng quân đã tạo nên “Dáng đứng Việt Nam”. Và Nguyễn Khoa Điềm gắn liền với Tổ quốc qua “Đất Nước”- một chương thơ trong trường ca “Mặt đường khát vọng”. Chương thơ đã thể hiện một cách sâu sắc vẻ đẹp của Đất Nước và tư tưởng lớn của thời đại “Đất nước của nhân dân”.
Thầy Hiếu cũng gợi ý thêm 2 kết bài khá hay với bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm:
1. Đất Nước là một đoạn trích hay nhất trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Thi phẩm ấy không chỉ khẳng định tài năng thơ phú của nhà thơ mà còn qua đó nói lên được tiếng nói của người công dân yêu nước với tình yêu sâu nặng, mãnh liệt “như máu xương của mình”. Cuộc chiến tranh chống Mỹ gian khổ đã làm con người xích lại gần nhau, tất cả đều hướng đến nhiệm vụ chung cao cả để bảo vệ Tổ Quốc. Tình yêu và trách nhiệm cao cả ấy trong thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng chính là quyết tâm của cả một thời đại: “Thời đại của chúng tôi là thời đại của những thanh niên xuống đường chiếm lĩnh từng tầng cao của mái nhà, của ngọn đồi, của nhịp cầu để bắn toả lương tâm lên bầu trời đầy giặc giã” (Chu Lai).
2. Pauxtôpxki từng nói “Niềm vui của nhà thơ chân chính là niềm vui của người mở đường đến với cái đẹp”. Và phải chăng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã tìm thấy niềm vui cho mình khi mở đường đến với Đất Nước của nhân dân.
Xem thêm: Cảm nhận về Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
Tham khảo thêm mở bài Đất nước của một số bài văn đạt điểm cao
Mở bài 1
"Ôi tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ như cha như vợ như chồng
Ôi tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi dòng sông"
Lịch sử dân tộc ta đã trải qua những năm tháng kháng chiến trường kỳ gian khổ để có được độc lập tự do và hạnh phúc như ngày hôm nay. Trong những tháng ngày mưa bom bão đạn, những giây phút thiêng liêng một thời khói lửa, ta càng trân trọng hơn những tiếng thơ hay của các văn nghệ sĩ viết về quê hương đất nước, về cách mạng. Một trong số đó không thể không kể tới bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Mở bài 2
Đất Nước - hai tiếng thiêng liêng ấy vang lên tự sâu thẳm tâm hồn ta vừa cao cả, trang trọng, vừa xiết bao bình dị, gần gũi. Hình tượng Đất nước đã khơi nguồn cho biết bao hồn thơ cất cánh. Văn học kháng chiến 1945 – 1975, trong mạch chảy ngầm dạt dào, mãnh liệt của cuộc sống không chỉ bắt được những âm vang náo nức của thời đại mà còn khắc tạc nên tượng đài nghệ thuật Đất nước thật nên thơ, cao đẹp. Từ khói lửa Bình Trị Thiên những năm đánh Mỹ, Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm như bản giao hưởng trầm hùng đã bay lên với bao yêu thương cháy bỏng, ngân nga mãi cùng tháng năm.
Mở bài 3
Đất nước đã nghiêng vào trong thơ ca, nghệ thuật như một điểm hẹn về tâm hồn của rất nhiều văn nghệ sĩ. Xuân Diệu đã từng viết:
Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau
Hay Chế Lan Viên đã không kìm được lòng mình mà thốt lên rằng:
"Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng
Chưa đâu và cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn"
Nguyễn Khoa Điềm - một nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ đã gặp gỡ đề tài này bằng tập thơ "Trường ca mặt đường khát vọng”. Trong đó chương V là chương trung tâm kết nối tác phẩm bằng hình tượng nghệ thuật trung tâm là Đất Nước. Bằng phong cách thơ trữ tình chính luận, thơ Nguyễn Khoa Điềm lôi cuốn người đọc bởi xúc cảm lắng đọng, giàu chất suy tư, thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân. Nguyễn Khoa Điềm đã chọn cho mình điểm nhìn gần gũi, quen thuộc, bình dị, khác hẳn với những nhà thơ cùng thời để miêu tả về Đất Nước và để thể hiện quan niệm vô cùng mới mẻ và sâu sắc:
“Đất nước này là của nhân dân
Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao, thần thoại”.
Mở bài 4
Đất nước là những nỗi niềm thân thuộc, những kí ức đẹp đẽ trong tuổi thơ của mỗi người. Đất nước là những nét văn hóa truyền thống mang bản sắc quê hương, dân tộc đậm đà sắt son. Đất nước còn là “Đất Nước của nhân dân” – một tư tưởng sáng ngời trong đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1971. Với chín câu thơ đầu, nhà thơ đã tái hiện thật sinh động và sâu sắc tất cả các đặc trưng ấy của đất nước bằng một hồn thơ phóng khoáng và trọn tình vẹn nghĩa, khiến người đọc không khỏi bịn rịn luyến lưu.
-/-
Trên đây là gợi ý một số mở bài Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm hay nhất do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tuyển chọn, mong rằng sẽ phần nào giúp các em hoàn thiện bài văn của mình và dành trọn điểm cho phần này nhé!