Trang chủ

Tuổi trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ qua nhân vật anh lính lái xe và Phương Định

Xuất bản: 16/03/2019 - Tác giả:

Những bài văn hay cảm nhận về tuổi trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ qua nhân vật anh lính lái xe (Bài thơ về tiểu đội xe không kính) và Phương Định (Những ngôi sao xa xôi)

Đề bài: Nhân vật anh lính lái xe trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật và nhân vật Phương Định trong truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê có những điểm gì chung về tích cách? Hãy nêu cảm nhận của em về một trong hai nhân vật trên. Từ đó em hiểu gì về tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước?

***

Vẻ đẹp tuổi trẻ Việt Nam qua Bài thơ về tiểu đội xe không kính và Những ngôi sao xa xôi

Chiến tranh đã đi qua hơn ba mươi năm. Thế nhưng, những ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc, ký ức về những con người anh hùng trong một thời đại anh hùng thì vẫn tươi mới, nguyên vẹn mỗi khi ta đối diện từng trang sách trong những tác phẩm văn học của thời kỳ này.

Bằng cảm hứng lãng mạn, kết hợp với khuynh hướng sử thi, văn học Việt Nam trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước đã xây dựng trong văn thơ tượng đài những chiến sĩ anh hùng. Họ là những “Thạch Sanh của thế kỷ XX”. Chiến công của họ đẹp và phi thường như huyền thoại.

Có hai tác phẩm được coi là tiêu biểu cho cảm hứng ngợi ca người chiến sĩ anh hùng của văn học thời kỳ này, đó là “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật và “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê. Mỗi tác phẩm là một bức tranh đẹp về hình tượng người chiến sĩ điển hình cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.

Bài thơ về tiểu đội xe không kính” được nhà thơ Phạm Tiến Duật sáng tác năm 1969, rút từ tập thơ “Vầng trăng, quầng lửa” là một bài thơ độc đáo trong chùm thơ được giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1969 - 1970. Bài thơ khắc họa vẻ đẹp người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt. Vẻ đẹp độc đáo được thể hiện ngay trong tên gọi của bài thơ. Đó là sự thống nhất giữa hai sự vật tưởng như tương phản gợi ấn tượng về chất thơ lãng mạn và sự trần trụi khốc liệt.

Khai thác đề tài chiến tranh, tác giả không chỉ tô đậm tính chất ác liệt, tàn khốc nhằm làm nổi bật sự phi thường của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam mà Phạm Tiến Duật đã có cách nhìn, cách cảm khá mới lạ và thú vị. Từ trong sự tàn khốc ấy, chất thơ vẫn cứ tuôn trào !

Câu thơ mở đầu như một lời tự sự xen lẫn miêu tả:

Không có kính không phải vì xe không có kính 

Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi

Nó có tác dụng vừa lý giải sự bất thường của hình ảnh chiếc xe độc đáo “không có kính” vừa tô đậm sự ác liệt của chiến trường “bom giật, bom rung…” Đây là hình ảnh vừa lạ vừa chân thực. Lạ là vì trong thơ, người ta thường chọn những sự vật hoàn thiện, hoàn mỹ để miêu tả nhằm tạo thiện cảm với người cảm nhận nó. Với những chiếc xe cũng vậy! Phải sang trọng, bóng loáng chứ sao lại trần trụi, méo mó, biến dạng thế này !

Không có kính rồi xe không có đèn, 

Không có mui xe, thùng xe có xước

Nhưng đấy là sự thật. Không phải một chiếc như thế mà tác giả nhìn thấy cả một tiểu đội xe như thế! Bởi vì thời điểm mà bài thơ ra đời có thể nói là ác liệt nhất trong thập niên 60 của thế kỷ XX. Đường Trường Sơn – nơi vận chuyển vũ khí lương thực vào chi viện Miền Nam – những năm tháng này là “túi bom, chảo lửa”. Và trên nền hiện thực tàn khốc ấy đã xuất hiện hình ảnh đẹp đẽ, phi thường của người chiến sĩ lái xe. Làm chủ những phương tiện ấy, người chiến sĩ không hề nản chí hay run sợ mà trái lại, lại bình tĩnh đến lạ thường:

Ung dung buồng lái ta ngồi 

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Vẻ đẹp kiêu hùng được toát ra từ tư thế ngồi “ung dung” đến cái nhìn “nhìn thẳng”. Các từ láy “ung dung” cùng với nhịp thơ nhanh, đều, dứt khoát 2/2/2 diễn tả vẻ đẹp khoan thai, thản nhiên, tự tin của người chiến sĩ. Điệp từ “nhìn” gợi lên sự nối tiếp liên tục của những hình ảnh chiến trường như một đoạn phim đang quay chậm:

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng 

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim 

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim 

Như sa như ùa vào buồng lái

Các thủ pháp nhân hóa, so sánh, ẩn dụ đã góp phần làm cho hình ảnh thơ thêm sinh động. Tưởng rằng làm chủ những chiếc xe không kính, người chiến sĩ chỉ thấy những khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng không! Nó đã làm tăng những cảm giác mới mẻ mà chỉ có người chiến sĩ khi ngồi trên những chiếc xe như thế mới cảm nhận được một cách rõ ràng, mãnh liệt… Hình ảnh “gió vào xoa mắt đắng”, “con đường chạy thẳng vào tim” tạo ấn tượng độc đáo. Chiếc xe như đang trôi bồng bềnh trong thiên nhiên hoang dã của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Chất thơ cùng với vẻ đẹp lãng mạn toát lên từ đó. Nhưng có thể nói đẹp nhất là thái độ, tinh thần dũng cảm bất chấp gian khổ để chiến đấu và chiến thắng:

Không có kính, ừ thì có bụi, 

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc 

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Vẻ đẹp được toát lên từ lời thơ giản dị, giàu “chất lính”, hình ảnh thơ mộc mạc. Điệp ngữ “ừ thì”, “chưa cần” vang lên như một lời thách thức, chủ động chấp nhận gian khổ. Một giọng thơ tự tin, ngang tàng. Một tiếng cười “ha ha” hồn nhiên. Tất cả đã toát lên vẻ đẹp của người chiến sĩ lái xe.

Đời sống chiến trường gian khổ là thế. Sự sống và cái chết ở đây chỉ là gang tấc. Thế nhưng tình yêu thương đồng chí, đồng đội vẫn tỏa sáng lạ thường.

Những chiếc xe từ trong bom rơi 

Đã về đây họp thành tiểu đội 

Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới 

Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

Có thể nói rằng, khai thác chất liệu nghệ thuật của đời sống chiến tranh, Phạm Tiến Duật đã rất thành công trong việc khắc họa người chiến sĩ lái xe Trường Sơn bằng những hình ảnh, chi tiết vừa chân thực, gân guốc, mộc mạc vừa lãng mạn nên thơ.

“Xe vẫn chạy vì Miền Nam phía trước: 

Chỉ cần trong xe có một trái tim”.

“Trái tim” ở đây chính là trái tim chứa chan tình yêu Tổ quốc đã giúp người chiến sĩ lái xe làm nên những kỳ tích phi thường. Vẻ đẹp hào hùng của họ tỏa sáng cả bài thơ; đủ làm sống lại trong lòng chúng ta một thời oanh liệt của anh bộ đội cụ Hồ. Chất anh hùng ca dào dạt tạo nên vẻ đẹp của người chiến sĩ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cùng với chủ đề ngợi ca vẻ đẹp người chiến sĩ, nhưng khác với nhà thơ Phạm Tiến Duật trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, nhà văn Lê Minh Khuê trong “Những ngôi sao xa xôi” đã đi tìm và khai thác vẻ đẹp ấy qua hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong.

Truyện viết về cuộc sống và chiến đấu vô cùng gian khổ của những nữ thanh niên xung phong – những cô gái “Ba sẵn sàng” trên tuyến đường Trường Sơn chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Mặc dù cốt truyện đơn giản, nhưng tác giả đã rất thành công trong việc khắc họa vẻ đẹp người nữ chiến sĩ qua miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo và tinh tế.

Nổi bật trong truyện là ba gương mặt đẹp của tổ trinh sát mặt đường. Họ có những nét tính cách chung của người nữ thanh niên xung phong Trường Sơn thời chống Mỹ nhưng ở mỗi nhân vật lại lấp lánh vẻ đẹp riêng. Hoàn cảnh sống và chiến đấu nơi tuyến lửa đã gắn bó họ thành một khối đoàn kết, yêu thương, gan dạ và dũng cảm.

Họ đóng quân trong một cái hang giữa trọng điểm “túi bom, chảo lửa” trên tuyến đường Trường Sơn. Công việc hàng ngày của họ là đếm bom, rồi lao ra trọng điểm sau những trận bom để đo khối lượng đất đá cần phải san lấp, đánh dấu vị trí bom rơi và phá những quả bom chưa nổ. Một khối lượng công việc vừa đồ sộ vừa nguy hiểm. Cái chết rình rập họ từng phút, từng giờ. “Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang âm ỉ xa dần, thần kinh căng như chảo, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng chung quanh còn nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ…”. Họ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, dù chỉ có ba người (lại là ba phụ nữ); họ phân công nhau phá bằng hết những quả bom chưa nổ mà không cần đến sự trợ giúp của đơn vị “như mọi lần chúng tôi sẽ giải quyết hết”.

Trong chiến đấu họ gan dạ, dũng cảm, quyết đoán là thế, nhưng trong cuộc sống họ là những cô gái trẻ trung, yêu đời, dễ rung cảm, lắm ước mơ. Là phụ nữ, họ rất thích cái đẹp và thích làm đẹp cho cuộc sống.

Nếu như nhân vật Nho “mát mẻ như một que kem trắng”, thích ăn kẹo như một đứa trẻ, giàu mơ ước (Nho ước mơ trở thành công nhân nhà máy điện và trở thành cầu thủ bóng chuyền của nhà máy) thì nhân vật chị Thao lại dạn dày, từng trải trong cuộc sống; thích thêu thùa; thích làm đẹp “tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm” nhưng trong công việc thì “ai cũng gờm chị: cương quyết, táo bạo” (dũng cảm, táo bạo nhưng lại sợ nhìn thấy máu chảy).

Còn Phương Định, nhân vật chính của truyện là con người hồn nhiên, nhạy cảm, lãng mạn và mơ mộng. Là con gái Thủ đô, cô thường sống với kỷ niệm quê hương. Nơi ấy có một thời học sinh trong trắng, hồn nhiên, vô tư. Nơi ấy có mẹ, có căn gác nhỏ của cô… Những kỷ niệm yêu dấu ấy là liều thuốc tinh thần quý giá động viên cô, tiếp thêm sức mạnh để cô sống đẹp và chiến đấu anh dũng nơi tuyến lửa.

Ở chiến trường, Phương Định luôn dành cho đồng đội tình yêu thương thắm thiết. Cô yêu quý đồng đội trong “tổ trinh sát mặt đường” của cô và cảm phục các anh bộ đội “những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ”. Trong mắt cô, đó là những “người đẹp nhất, thông minh nhất”. Phương Định rất nhạy cảm. Cô biết mình có “cái nhìn sao mà xa xăm” như lời các anh lái xe nhận xét nhưng cô lại không biểu lộ tình cảm và thích kín đáo giữa đám đông. Cô thích nhạc và mê ca hát. Thậm chí tự đặt lời theo một điệu nhạc nào đó và hát để thấy mình rất buồn cười v.v… Thế nhưng với Phương Định, sự nhạy cảm về tâm hồn có lẽ được biểu hiện tinh tế nhất ở chỗ, chỉ một cơn mưa đá bất ngờ vụt qua trên cao điểm, cũng đủ đánh thức trong cô những ký ức về quê hương, gia đình, khơi dậy trong cô khát khao sum họp đến cháy bỏng.

Một cô gái Hà Nội chính gốc, lãng mạn và mơ mộng như thế, nhưng trong chiến đấu lại dũng cảm, gan dạ đến tuyệt vời. Một mình phá bom trên đồi “quang cảnh vắng lặng đến dễ sợ” nhưng tinh thần cô không hề nao núng. Đáng lẽ cô phải “đi khom” nhưng sợ mấy anh chiến sĩ “có cái ống nhòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt” nhìn thấy, nên cô “cứ đàng hoàng mà bước tới”.

Khi ở bên quả bom, tử thần có thể cướp đi mạng sống của cô bất cứ lúc nào, nhưng cô vẫn bình tĩnh thao tác một cách chính xác và chạy đua với thời gian để vượt qua cái chết.

“Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”. Những cảm giác tinh tế ấy không chỉ là sự nhạy cảm mà còn là kinh nghiệm của sau bao nhiêu lần phá bom ở tuyến lửa và chỉ những người nữ thanh niên xung phong dạn dày như Phương Định, Nho, chị Thao mới có được !

Với tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi”, ngòi bút của Lê Minh Khuê đã miêu tả sinh động, chân thực tâm lý nhân vật; làm hiện lên một thế giới nội tâm rất phong phú nhưng không phức tạp, rất đời thường, giản dị nhưng vô cùng trong sáng và cao thượng của những nữ thanh niên xung phong.

Vẻ đẹp của những “cô gái mở đường” Trường Sơn cùng với vẻ đẹp của người chiến sĩ lái xe trong các tác phẩm văn học chống Mỹ nói chung và trong các tác phẩm của Phạm Tiến Duật và Lê Minh Khuê nói riêng đã giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về ý chí, tâm hồn và nhân cách của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hình ảnh người lính thanh niên xung phong dũng cảm trong kháng chiến chống Mĩ

Không hiểu vì sao mỗi lần nghĩ đến đất nước và con người Việt Nam, mỗi chúng ta lại nghe vang vọng trong tâm chí những câu thơ của Huy Cận:

Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững,

Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa

Trong và thực, sáng hai bờ suy tưởng

Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hoà.

Sảng khoái biết bao ! Tự hào biết bao! Trong tâm trí ta bỗng cuồn cuộn đổ về dòng lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc. Bừng sáng trong tâm hồn ta bốn ngàn năm của cha ông với những chiến công dựng nước và giữ nước, với trời bể ân tình thuỷ chung, yêu thương đùm bọc nhau. Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi, bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh của những anh hùng vô danh nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc tạc một cách vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc trong suốt trường kỳ lịch sử.Ta nhớ Thao, Nho, Phương Định trong "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê ; và những người lính lái xe dũng cảm trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật.

"Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật và "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê là những tác phẩm xúc động, hào hùng về những người lính thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Các tác giả đã đi sâu khám phá vẻ đẹp của những người lính trẻ, những con người ngày đêm ra tiền tuyến vì miền Nam ruột thịt. Con người hiện lên trong trang thơ, trang văn của Phạm Tiến Duật và Lê Minh Khuê là một tập thể anh hùng đầy hiên ngang khí phách hào hùng, đã lắng nghe họ sống để ghi lại cái nhịp sống hào hùng, ghi lại vẻ đẹp tâm hồn, bản chất anh hùng của những con người giản dị, mộc mạc mà ngang tàng bất khuất.

"Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật là những dòng tâm sự đầy tình cảm về những đồng đội của nhà thơ, những người đã từng sống, từng chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa. Phạm Tiến Duật không chỉ tái hiện lại hình ảnh của những chiếc xe không kính mà còn khắc tạc hình ảnh của những người lính lái xe kiên cường, dũng cảm, ngang tàng với một đời sống tình cảm hết sức phong phú - tình đồng đội đồng chí. Phạm Tiến Duật đã khắc tạc một cách sâu sắc vào tâm trí người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước, của dân tộc trên những chiếc xe đặc biệt:

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Bình thường, những chiếc xe không kính không thể gọi là cái đẹp. Ấy thế mà tác giả đã lấy hình tượng đó làm cảm hứng xuyên suốt của bài thơ. Hình tượng độc đáo nhưng hợp lý này đã có tác dụng gây ấn tượng mạnh, là cơ sở để làm nổi bật phẩm chất dũng cảm, sự lạc quan và quyết tâm dành chiến thắng của anh lính lái xe thời chống Mĩ. Xưa nay, những hình ảnh xe cộ, tàu thuyền nếu đưa được vào thơ thì thường được “mĩ lệ hóa”, “lãng mạn hóa” đi rồi và thường mang ý nghĩa tượng trưng hơn là tả thực (chiếc xe tam mã trong thơ của Puskin, con tàu trong bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, đoàn thuyền đánh cá trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận). Nay chiếc xe không kính của Phạm Tiến Duật là một hình ảnh thực, thực đến trần trụi. Tác giả giải thích nguyên nhân cũng rất thực:

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

Hình ảnh thực này được diễn tả bằng hai câu thơ rất gần với văn xuôi, lại có giọng thản nhiên càng gây sự chú ý về vẻ khác lạ của nó. Những “bom giật, bom rung” làm vỡ kính xe.  Bom đạn chiến tranh làm cho những chiếc xe ấy biến dạng. Bom đạn đã tàn phá làm những chiếc xe ban đầu vốn tốt, mới trở thành hư hỏng: không còn kính chắn gió, không mui không đèn, thùng xe bị xước. Hình ảnh chiếc xe không kính vốn không hiếm trong chiến tranh, nhưng phải có hồn thơ nhạy cảm với nét ngang tàng và tinh nghịch, thích cái lạ như của Phạm Tiến Duật mới nhận ra được và đưa nó vào thành hình tượng thơ độc đáo của thời chiến tranh chống Mĩ. Không tô vẽ, không cường điệu mà tả thực, nhưng chính cái thực đã làm người suy nghĩ, hình dung mức độ ác liệt của chiến tranh, bom đạn giặc Mỹ. Hình tượng những chiếc “xe không kính” đã gợi lên những nguy hiểm cận kề. Sự hi sinh, cái chết đã ở đâu đó, rất gần những người lính.

Mục đích Phạm Tiến Duật miêu tả những chiếc xe không kính là nhằm ca ngợi những chiến sĩ lái xe. Đó là những con người trẻ trung, tư thế ung dung, coi thường gian khổ, hy sinh. Hình ảnh những chiếc xe không kính đã làm nổi rõ hình ảnh những chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn. Thiếu đi những điều kiện, phương tiện vật chất tối thiểu lại là một cơ hội để người lính lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, sức mạnh tinh thần lớn lao của họ, đặc biệt là lòng dũng cảm, tinh thần bất chấp gian khổ khó khăn.Trong buồng lái không kính chắn gió, họ có cảm giác mạnh mẽ khi phải đối mặt trực tiếp với thiên nhiên bên ngoài. Những cảm giác ấy được nhà thơ ghi nhận tinh tế sống động:

Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng

Trong bom đạn khốc liệt của chiến tranh, anh chiến sĩ vẫn giữ vững tư thế hiên ngang hướng về phía trước, thực hiện khẩu hiệu: “tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Vẻ đẹp kiêu hùng được toát ra từ tư thế ngồi “ung dung” đến cái nhìn “nhìn thẳng”. Các từ láy “ung dung” cùng với nhịp thơ nhanh, đều, dứt khoát diễn tả vẻ đẹp khoan thai, thản nhiên, tự tin của người chiến sĩ. Tư thế của họ ung dung, hiên ngang mới đàng hoàng làm sao. Con mắt nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng có một vẻ trang nghiêm, bất khuất như lời thề. Họ không thẹn với đất, với trời. Hay nhất là hai chữ nhìn thẳng – nhìn thẳng vào gian khổ, nhìn thẳng vào hi sinh, không run sợ, không né tránh. Bầu không khí căng thẳng với “Bom giật, bom rung”, vậy mà họ vẫn nhìn thẳng, cái nhìn hướng về phía trước của một con người luôn coi thường hiểm nguy. Nhịp thơ 2/2/2 với những dấu phẩy ngắt khiến âm điệu câu thơ trở nên chậm rãi, như diễn tả thái độ thản nhiên đàng hoàng. Với tư thế ấy, họ đã biến những nguy hiểm trở ngại trên đường thành niềm vui thích. Chỉ có những người lính lái xe với kinh nghiệm chiến trường dày dạn, từng trải mới có được thái độ, tư thế như vậy. Không có kính chắn gió, bảo hiểm, đoàn xe vẫn lăn bánh bình thường. Lời thơ nhẹ nhõm, trôi chảy như những chiếc xe vun vút chạy trên đường.

Còn hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn trong "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê được khắc hoạ lên từ cuộc sống gian khổ nguy hiểm của họ. Bằng sự kết hợp một cách hài hoà giữa cái nhìn hiện thực với cảm hứng lãng mạn, Lê Minh Khuê đã dựng lên bức chân dung người lính thanh niên xung phong vừa chân thực vừa có sức khái quát, tiêu biểu cho vẻ đẹp sức mạnh dân tộc ta trong thời đại cả dân tộc kháng chiến chống Đế quốc Mĩ. Đó là bức chân dung được khắc tạc bằng cả tình yêu của Lê Minh Khuê đối với những người đồng đội, đối với đất nước của mình. Trong bức chân dung đó, Phương Định, cô nữ sinh Hà thành trở thành nữ thanh niên xung phong được tác giả thể hiện thật chân thực giữa chiến trường khốc liệt. Nhất là khi cô phá bom một mình. Ngày nào Định cũng phá bom nhiều lần, cô có nghĩ tới cái chết nhưng điều quan trọng hơn là “liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai ?”. Tâm trạng Phương Định khi phá bom được miêu tả cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác. Mỗi lần phá bom là mỗi lần tiếp xúc với công việc vô cùng nguy hiểm. Phương Định có cảm giác là “Các anh cao xạ” ở trên kia đang dõi theo từng động tác, cử chỉ của mình để rồi lòng dũng cảm ở cô như được kích thích bởi sự tự trọng: "Tôi đến gần quả bom… tôi sẽ không đi khom, các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”... Cô không sợ nữa, không đi khom mà cứ đàng hoàng mà bước tới”. Đó là những ý nghĩ trong sáng, cao thượng. Đó là tư thế ngẩng cao đầu của cô gái bằng một tâm lý kiêu hãnh trước cái nhìn động viên tin tưởng của đồng đội. Khi ở bên quả bom, kề sát cái chết im lìm cảm giác căng thẳng của Định được miêu tả tỉ mỉ đến từng chi tiết, từng cảm giác của con người cũng trở nên sắc nhọn hơn: “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom, một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi, tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”. Mỗi chữ, mỗi lời trong đoạn miêu tả ấy làm hiện lên đậm đặc, sắc sảo từng nét cảm giác của cô gái đang đối diện với cái chết. Không thể hiện sự gan dạ, dũng cảm trước hiểm nguy một cách thô cứng theo kiểu ngợi ca: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật) hay “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng” (Tố Hữu). Minh Khuê thể hiện những nét tâm lý tinh tế, chân thật làm hiện lên vẻ đẹp tâm hồn. Phải chăng chất mơ mộng của tâm hồn giữa khói lửa là chiều sâu của tinh thần gan dạ, dũng cảm.Đó là công việc hàng ngày đã quen của Định. Công việc hiểm nguy ấy khiến ba cô gái thanh niên xung phong trở nên thật phi thường, thật đáng khâm phục.

Trong đội ngũ điệp trùng ấy của thế hệ trẻ trên đường Trường Sơn thời đánh Mĩ, bên cạnh những người lính trẻ, hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong làm nên vẻ đẹp của thời đại toàn dân đánh Mỹ. Đã có biết bao cô gái để lại cả tuổi xuân của mình ở Trường Sơn, họ mãi mãi là những ngôi sao sáng, ánh sáng của tâm hồn ấy, tình yêu Tổ quốc ấy được Lâm Thị Mỹ Dạ ca ngợi:

Em đã lấy tình yêu Tổ Quốc của mình thắp lên ngọn lửa

Đánh lạc hướng quân thù hứng lấy luồng bom.

Cùng với đồng đội của mình, Phương Định là vẻ đẹp đầy tự hào của thế hệ trẻ thời chống Mĩ. Họ là nhũng người có tâm hồn trong sáng, giàu mơ mộng, có tinh thần dũng cảm.

"Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê; "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật là những tượng đài lộng lẫy về vẻ đẹp của thế hệ thanh niên Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đầy gian khổ thử thách mà rất đỗi anh hùng. Các tác phẩm đi vào những khía cạnh khác nhau của đời sống thời kì chống Mỹ, nhân vật hiện lên từ những khung cảnh, hoàn cảnh khác nhau và bút pháp khắc hoạ cũng mang tính độc đáo, cá biệt nhưng đều góp phần vào tiếng nói chung của dân tộc, tiếng nói khám phá, ngợi ca vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Năm tháng trôi đi và lịch sử không ngừng biết động, "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê; "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật mãi là những bông hoa không tuổi tựa mùa xuân không ngày tháng, đã ghi lại cái quá khứ hào hùng, sôi động của đất nước mình một thuở. Và vẻ đẹp của con người Việt Nam đã làm nên cái hồn của cả dân tộc và góp phần làm cho tác phẩm sống mãi với thời gian.

--------------------------------------------------------------------

Các bạn vừa tham khảo một số bài văn mẫu hay cảm nhận về tuổi trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ qua hai nhân vật anh lính lái xe (Bài thơ về tiểu đội xe không kính) và Phương Định (Những ngôi sao xa xôi). Truy cập kho tài liệu Văn mẫu lớp 9 để cập nhật thêm nhiều bài văn hay khác giúp bạn rèn luyện kỹ năng làm văn, chuẩn bị tốt cho các bài thi và kiểm tra môn Văn. Chúc các bạn học tốt !

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM