Khi làm đề văn phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, có rất nhiều bạn băn khoăn không biết nên bắt đầu phần mở bài như thế nào cho hợp lí và thu hút người đọc mà vẫn đáp ứng đúng yêu cầu của đề. Trong bài viết này, Đọc Tài Liệu sẽ bật mí giúp em những cách mở bài hay và hấp dẫn qua tổng hợp 30+ mẫu mở bài Chiếc thuyền ngoài xa độc đáo và sáng tạo, hi vọng sẽ giúp các em có thêm những tư duy mới để phần mở bài trong bài viết của mình đa dạng, thu hút người đọc và có thể dễ dàng đạt điểm cao.
Các cách mở bài Chiếc thuyền ngoài xa từ cơ bản đến nâng cao
Để phần mở bài đạt điểm tuyệt đối không khó nếu các em nắm chắc và phân biệt được các công thức viết mở bài để áp dụng phù hợp vào bài văn của mình. Dưới đây là một số công thức cơ bản mà các em có thể tham khảo áp dụng:
1. Mở bài theo công thức chung cơ bản
a) Mở bài trực tiếp
Các công thức mở bài trực tiếp Chiếc thuyền ngoài xa:
- Giới thiệu trực tiếp tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" và tác giả Nguyễn Minh Châu.
Ví dụ: "Chiếc thuyền ngoài xa" là một trong những truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nguyễn Minh Châu, được viết vào năm 1983. Tác phẩm không chỉ là một bức tranh hiện thực đầy ám ảnh về cuộc sống khốn khó của người dân miền biển sau chiến tranh, mà còn là một câu chuyện đầy tính triết lý về nghệ thuật và cuộc đời.
- Khẳng định giá trị của tác phẩm, nêu bật vị trí và ý nghĩa của tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu.
- Đi thẳng vào vấn đề chính của tác phẩm (bi kịch của người đàn bà hàng chài, những suy tư sâu sắc về bản chất của nghệ thuật và cuộc sống,...)
- Đưa ra một nhận định, đánh giá về tác phẩm, ví dụ: Tác phẩm là sự kết hợp hài hòa giữa chất hiện thực và chất lãng mạn, là một tác phẩm đáng đọc, đáng suy ngẫm, là một kiệt tác nghệ thuật chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc,...
b) Mở bài gián tiếp
Mở bài gián tiếp cho tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa thường đi từ những vấn đề khái quát, liên hệ với nội dung chính của tác phẩm rồi mới dẫn dắt vào câu chuyện cụ thể. Dưới đây là một số công thức thường gặp mà các em có thể tham khảo:
- Từ vấn đề xã hội: nghịch lý cuộc sống, số phận con người,...
Ví dụ: Cuộc sống luôn ẩn chứa những nghịch lý khó lường, nơi hạnh phúc và đau khổ đan xen, nơi vẻ đẹp và sự thật đối lập. Đề tài này đã được nhiều nhà văn khai thác, và trong số đó, "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu là một tác phẩm tiêu biểu...
- Từ vấn đề nghệ thuật: nhiệm vụ của nghệ thuật, sức mạnh của nghệ thuật,...
Ví dụ: Nghệ thuật có sức mạnh lay động lòng người, thức tỉnh những giá trị nhân văn tốt đẹp. "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, mà còn là một thông điệp sâu sắc về tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự cảm thông...
- Từ tác giả Nguyễn Minh Châu: phong cách nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật,...
Ví dụ: Nguyễn Minh Châu từng quan niệm: "Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử". Quan niệm này đã được thể hiện rõ nét trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa"...
- So sánh, đối chiếu tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa với tác phẩm khác trên phương diện giống nhau, khác nhau hoặc cả hai.
Ví dụ: Trong văn học Việt Nam, có không ít tác phẩm đã đi sâu khai thác thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ, với những nỗi đau khổ, bất hạnh và sự cam chịu. Nếu như "Vợ nhặt" của Kim Lân khắc họa số phận người phụ nữ trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, thì "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu lại phản ánh thân phận người phụ nữ trong xã hội hiện đại với những vấn đề phức tạp hơn.
2. Mở bài theo từng dạng đề
Dưới đây là công thức mở bài chung cho tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" theo từng dạng đề:
Dạng đề 1: Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (dạng chung cơ bản)
Ví dụ: "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu là một kiệt tác văn học, chứa đựng những giá trị nghệ thuật và nhân văn sâu sắc. Tác phẩm không chỉ là một bức tranh hiện thực về cuộc sống lam lũ của người dân miền biển, mà còn là một câu chuyện đầy tính triết lý về nghệ thuật và cuộc đời.
Dạng đề 2: Phân tích nhân vật trong tác phẩm (người đàn bà hàng chài, Phùng...)
Ví dụ: Trong "Chiếc thuyền ngoài xa", nhân vật người đàn bà hàng chài hiện lên như một biểu tượng của sự chịu đựng, hy sinh và tình mẫu tử thiêng liêng. Cuộc đời lam lũ, cơ cực, bị chồng bạo hành tàn nhẫn, nhưng chị vẫn cam chịu, chấp nhận hy sinh để giữ gìn mái ấm gia đình.
Dạng đề 3: Phân tích chi tiết, hình ảnh tiêu biểu của tác phẩm (chiếc thuyền ngoài xa, bức ảnh...)
Ví dụ: Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Minh Châu không chỉ là một hình ảnh đẹp, lãng mạn mà còn mang nhiều tầng ý nghĩa sâu xa. Nó vừa là biểu tượng của vẻ đẹp nghệ thuật, vừa là hiện thân của cuộc sống lam lũ, cơ cực của người dân miền biển.
Dạng đề 4: Nghị luận về một vấn đề xã hội, triết lý rút ra từ tác phẩm (nghịch lý cuộc sống, hạnh phúc, nghệ thuật...)
Ví dụ: "Nguyễn Minh Châu từng quan niệm: "Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử". Quan niệm này đã được thể hiện rõ nét trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa", khi ông khai thác những nghịch lý của cuộc sống, những góc khuất trong tâm hồn con người..."
3. Cách viết mở bài sáng tạo và ấn tượng
- Mở bài bằng hình ảnh: Sử dụng hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa, người đàn bà hàng chài, biển cả... để tạo sự thu hút cho người đọc.
- Mở bài bằng câu chuyện: Kể một câu chuyện ngắn gọn, liên quan đến tác phẩm để dẫn dắt người đọc vào nội dung.
Ví dụ: Câu chuyện của người đàn bà hàng chài trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" là một lát cắt đầy ám ảnh về cuộc sống nghèo khổ, lam lũ của những con người vùng biển. Qua số phận bất hạnh của nhân vật này, Nguyễn Minh Châu đã phơi bày những góc khuất của xã hội, những bi kịch gia đình và thân phận người phụ nữ. Đồng thời, nhà văn cũng gửi gắm niềm cảm thông sâu sắc đối với những mảnh đời bất hạnh và khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của họ.
- Mở bài bằng câu hỏi: Đặt ra những câu hỏi gợi suy ngẫm về ý nghĩa của tác phẩm.
Ví dụ: "Chiếc thuyền ngoài xa - một hình ảnh quen thuộc, bình dị nhưng chứa đựng bao ý nghĩa sâu sắc. Tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đã khơi gợi những suy ngẫm nào về cuộc sống, về con người, về những giá trị bền vững?".
- Mở bài bằng lời dẫn: Dẫn lời nhận xét của các nhà nghiên cứu, phê bình và các nhà văn về tác phẩm.
- Mở bài bằng cách kết hợp nhiều phương pháp với nhau.
- Mở bài bằng phản đề: đưa ra một ý kiến hoặc một nhận định trái ngược với chủ đề của bài văn, sau đó mới dẫn dắt người đọc đến với ý kiến, nhận định đúng đắn.
* Lưu ý khi viết mở bài
- Nên chọn cách mở bài phù hợp với chủ đề, nội dung và mục đích của bài văn.
- Cách mở bài nên ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ ý nghĩa và tạo được sự liên kết chặt chẽ với phần thân bài.
- Sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc để tạo sự thu hút cho người đọc.
TOP 30+ mẫu mở bài Chiếc thuyền ngoài xa hay và sáng tạo
Cùng Đọc tài liệu tham khảo ngay hơn 30 mẫu mở bài Chiếc thuyền ngoài xa với đa dạng thể loại áp dụng theo những công thức đã liệt kê ở trên:
Mẫu mở bài trực tiếp Chiếc thuyền ngoài xa
Mẫu 1:
Nguyễn Minh Châu - người mở đường tinh anh và tài năng của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Những tác phẩm của ông để lại dấu ấn sâu sắc với người đọc: “Mảnh trăng cuối rừng”, “Bức tranh” và đặc biệt là tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” viết vào những năm đầu thời kì đổi mới. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” thể hiện một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa dạng nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng. Đồng thời tác phẩm in đậm phong cách tự sự - triết lí của Nguyễn Minh Châu: với cách khắc họa nhân vật, xây dựng cốt truyện độc đáo và sáng tạo.
Mẫu 2:
Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút xuất sắc nhất của nền văn xuôi Việt nam hiện đại. Ông là người mở đường tinh anh và thành công nhất của nền văn học thời kì đổi mới. Mang một ước nguyện khám phá con người ở bên trong con người, ông đã mang đến cái nhìn đa chiều các sự việc và con người trong cuộc sống vào tác phẩm của mình. "Chiếc thuyền ngoài xa" cùng với nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn là một ví dụ tiêu biểu cho phong cách này của ông. Nhân vật người đàn bà hàng chài được tác giả khắc học và phăm phá bằng cái nhìn đa chiều, từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Có khi được hiện lên từ sự quan sát, cảm nhận của nhân vật Phùng - người nghệ sĩ nhiếp ảnh với tâm hồn nhạy cảm, phong phú, có lúc chị tự bộc lộ mình qua những lời nói, hành động trong mối quan hệ với mọi người xung quanh. Khi khám phá tính cách của người đàn bà hàng chài, ấn tượng đầu tiên Nguyễn Minh Châu muốn đem đến cho người đọc là vẻ ngoài xấu xí, lam lũ cùng với vẻ cam chịu đến nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài này ẩn dấu những vẻ đẹp nhân tâm của phụ nữ Việt nam hiên đại.
Mẫu 3:
Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam trong giai đoạn đổi mới, ông là người tiên phong trong việc khám phá đời sống con người trong sự phức tạp, đa diện thời hậu chiến. "Chiếc thuyền ngoài xa" là truyện ngắn tiêu biểu cho tài năng và sự tinh anh trong vai trò "người mở đường" của Nguyễn Minh Châu. Truyện ngắn viết về bi kịch hạnh phúc, bi kịch đói nghèo trong gia đình người đàn bà hàng chài, qua đó nhà văn không chỉ thể hiện những phát hiện về nghịch lí trong cuộc sống của con người mà còn gửi gắm những thông điệp sâu sắc về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa người nghệ sĩ và nhân dân.
Mẫu 4:
Nguyễn Minh Châu là người suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật, tha thiết kiếm tìm “hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Trước 1975, Nguyễn Minh Châu được biết đến với những tác phẩm đậm chất sử thi như: Cửa sông, Miền cháy, Dấu chân người lính. Thế nhưng, sau 1975, chính Nguyễn Minh Châu lại là người đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học. Chiếc thuyền ngoài xa được in năm 1983 là một bước tiến dài rất đáng trân trọng trong hành trình khám phá vào tầng chìm, vào chiều sâu của cuộc sống và con người của văn xuôi Nguyễn Minh Châu.
Mẫu 5:
Một trong những cái tên nổi tiếng của làng văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới chính là Nguyễn Minh Châu. Ông được coi là người “mở đường tinh anh và tài năng nhất”. Trước năm 1975, ông là một cây bút sử thi lãng mạn, viết nhiều về đề tài người lính. Tuy nhiên, sau năm 1980, sáng tác của ông đi sâu vào cảm hứng đời tư thế sự với vấn đề đạo đức, và triết lý chân thực. Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách ấy là "Chiếc thuyền ngoài xa".
Mẫu mở bài gián tiếp Chiếc thuyền ngoài xa
Mẫu 1:
Trong văn học cách mạng trước năm 1975, thước đo giá trị chủ yếu của nhân cách là sự cống hiến, hy sinh cho cách mạng, là các tiêu chuẩn đạo đức cách mạng được thể hiện chủ yếu trong mối quan hệ với đồng chí, đồng bào, với kẻ thù. Sau năm 1975, văn chương trở về với đời thường và Nguyễn Minh Châu là một trong số những nhà văn đầu tiên của thời kỳ đổi mới đã đi sâu khám phá đời sống ở bình diện đạo đức thế sự. Khi làm cho người đọc ý thức về sự thật, có khả năng nhìn thẳng vào sự thật, phát hiện nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp, chằng chịt, thì văn chương đã ít nhiều đáp ứng được nhu cầu nhìn nhận và hoàn thiện nhiều mặt của nhân cách con người. Truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là phát hiện về đời sống và con người theo hướng đó.
Có thể bạn muốn xem: Tuyển tập những cách mở bài hay về người lính Tây Tiến
Mẫu 2:
Thông qua khắc họa bi kịch trong cuộc sống của người đàn bà hàng chài, nhà văn Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa không chỉ phơi bày hiện thực cuộc sống vẫn còn những nghịch lí, đau khổ thời hậu chiến mà còn gửi gắm rất nhiều thông điệp về nghệ thuật cũng như trách nhiệm của người nghệ sĩ với cuộc đời cũng như với những sản phẩm tinh thần của con người. Nghệ thuật phải gắn bó với cuộc đời, nghệ sĩ chân chính không thể nhìn đời, nhìn người bằng ánh mắt hời hợt như chiếc thuyền ngoài xa mà cần đi sâu vào khám phá để không chỉ thấy được những vẻ đẹp lung linh, đẹp đẽ mà thấy cả những góc tối xù xì, những nghịch lí vẫn lẩn khuất trong cuộc sống con người.
Mẫu 3:
Ai đó từng nói: "Không câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra". Quả đúng, cuộc sống luôn đi vào trong văn đa diện và đa chiều, đầy đủ và sâu sắc. Văn chương là nghệ thuật nhưng nghệ thuật không thể chỉ có vị nghệ thuật mà nghệ thuật còn có vị nhân sinh. Triết lí này càng đúng hơn với nhà văn Nguyễn Minh Châu và truyện ngắn mang tên "Chiếc thuyền ngoài xa".
Mẫu 4:
Mỗi khi cầm bút, người nghệ sĩ dù muốn hay không, dù không nói ra hay bộc lộ trực tiếp thì đều viết dưới ánh sáng của một "tuyên ngôn nghệ thuật" nào đấy. Ta từng bắt gặp nhiều tuyên ngôn nghệ thuật của những nhà văn nhà thơ lớn của dân tộc như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh,... Những tuyên ngôn nghệ thuật ấy không còn của riêng các ông nữa, chúng đã trở thành tuyên ngôn nghệ thuật của cả một thế hệ cầm bút, hơn nữa còn là tuyên ngôn nghệ thuật của cả một thời đại văn học. Viết "Chiếc thuyền ngoài xa", nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn qua đó phát biểu những suy nghĩ, quan điểm của mình về cuộc sống, con người và nghệ thuật.
Mẫu 5:
Chân lí là sự nhận thức đúng đắn hiện thực khách quan trong bộ óc con người. Vì vậy chân lí sẽ phát triển cùng nhận thức của xã hội. Có những khẳng định được đúng một cách hiển nhiên và cũng có những chân lí được chứng minh và kiểm nghiệm thực tế, thể hiện tính chất phổ quát và không tìm được sự kiện trái ngược. Từ những đúc kết ấy, Nguyễn Minh Châu đã mang người đọc đến những chân lí mà ông đã gửi gắm trong truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa".
Mẫu 6:
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng khẳng định: "Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử". Và quả thật ông đã đào sâu vào các tầng sâu lịch sử, phát hiện ra con người và cuộc sống với nhiều nghịch lí để đi đến một triết lí nào đó. Trong các tác phẩm của mình Nguyễn Minh Châu đã thể hiện điều này như một sở trường. Trong Bức tranh, Mảnh trăng cuối rừng, Bến quê và đến Chiếc thuyền ngoài xa ta vẫn bắt gặp nghịch lí trong cuộc sống mà Nguyễn Minh Châu đã phát hiện ra và lấy nó làm tâm điểm để xây dựng tác phẩm.
Mẫu mở bài dạng đề phân tích tác phẩm
Mẫu 1:
Truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu không chỉ mang đến một bài học sâu sắc về cách nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa chiều, khám phá bản chất thật ẩn sau vẻ đẹp bề ngoài, mà còn là một câu chuyện tự sự đậm chất triết lý của nhà văn.
Mẫu 2:
Nhà văn Nguyễn Minh Châu không chỉ phơi bày hiện thực cuộc sống vẫn còn những nghịch lí, đau khổ thời hậu chiến thông qua khắc họa bi kịch trong cuộc sống của người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa, mà còn gửi gắm rất nhiều những thông điệp về nghệ thuật cũng như trách nhiệm của người nghệ sĩ với cuộc đời cũng như với những sản phẩm tinh thần của con người: Nghệ thuật phải gắn bó với cuộc đời, người nghệ sĩ chân chính không thể nhìn cuộc đời, con người bằng ánh nhìn hời hợt như chiếc thuyền ngoài xa mà cần đi sâu khám phá để không chỉ thấy được những vẻ đẹp lung linh, đẹp đẽ, mà thấy cả những góc tối xù xì, những nghịch lí vẫn lẩn khuất trong cuộc sống con người.
Mẫu 3:
Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Ông có những đóng góp quan trọng trong việc cách tân tư duy nghệ thuật và đổi mới văn học. Trong số những tác phẩm tiêu biểu của ông, truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" được xem là một thành công xuất sắc, mang đến những khám phá mới mẻ về con người và cuộc đời. Tác phẩm không chỉ là một bức tranh hiện thực sinh động về cuộc sống lam lũ của người dân miền biển, mà còn là một câu chuyện đầy tính triết lý về thân phận con người và mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Mẫu 4:
Nguyễn Minh Châu là cây bút tiên phong trong thời kì đổi mới với nhiều tác phẩm truyện ngắn xuất sắc như Mảnh trăng cuối rừng, Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa,… Các tác phẩm văn học của ông luôn chứa đựng những triết lý, những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời. Và truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất mang đậm phong cách tự sự - triết lý của ông. Tác phẩm được viết vào năm 1983 kể về nhân vật Phùng - một người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Anh được giao nhiệm vụ chụp một bộ ảnh về cảnh biển để in lên bộ lịch mới nên anh đã thực hiện chuyến đi thực tế ở một vùng biển - nơi từng là chiến trường cũ của mình để kiếm tìm cảm hứng nghệ thuật. Và tại đây, anh đã có được hai phát hiện lớn lao, một là một bức ảnh tuyệt đẹp mà anh cho là cảnh “đắt giá trời cho” khiến anh phải say mê, ngây ngất, hai là phát hiện về một sự thật trần trụi đến đau lòng ngay đằng sau vẻ đẹp hoàn mỹ anh vừa tìm ra.
Mẫu mở bài dạng đề phân tích nhân vật
Mẫu 1:
Đọc các tác phẩm văn học trước năm 1945 người đọc từng xót xa, cảm thông với số phận của những chị Dậu (“Tắt đèn” của Ngô Tất Tố), Thị Nở (“Chí Phèo” của Nam Cao) sống trong nghèo đói và hủ tục đến nỗi bị đẩy vào bước đường cùng. Còn văn học của thời nạn đói 1945, người ta không khỏi ám ảnh với cô vợ nhặt trong trang viết của nhà văn hiện thực Kim Lân. Cho đến văn học sau 1975 tưởng chừng như người phụ nữ đã thoát nghèo, thoát khổ thì hình ảnh của người đàn bà hàng chài với những nỗi đau khổ thầm kín trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu như phơi trần tất cả những tăm tối, góc khuất mà người phụ nữ phải chịu đựng trong những năm đầu xây dựng đất nước. Đặc biệt, hình ảnh của người đàn bà hàng chài khi xuất hiện ở tòa án huyện khiến ta thấm thía hơn những phẩm chất tốt đẹp đã được nhà văn Nguyễn Minh Châu nâng niu như “những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”.
Mẫu 2:
Hình tượng người phụ nữ là đề tài trở đi trở lại trong văn học. Sự yêu thương giành cho những người phụ nữ sâu sắc bao nhiêu thì trước nỗi đau thân phận của họ những trang viết lại càng nhức nhối bấy nhiêu. Nỗi đau ấy từ thân phận nàng Kiều, những người chinh phụ chảy trong tim những nghệ sĩ đến với những Thị Nở, những cô vợ nhặt… và trở nên đầy ám ảnh trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Ở đây tác giả đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài, một người phụ nữ lao động lam lũ, bất hạnh, trải đời và sáng đẹp tình yêu thương, đức hi sinh và lòng vị tha cao cả. Người phụ nữ bất hạnh ấy đã để lại cho người đọc một niềm cảm thông và trân trọng sâu sắc bởi những phẩm chất đáng quý của người phụ nữ.
Mẫu 3:
Nguyễn Minh Châu là nhà văn mở ra con đường tài năng và tinh anh nhất của văn học nước ta hiện nay. Ông đã đi sâu khám phá được sự thật đời sống ở bình diện đạo đức thế sự. Tâm điểm những khám phá nghệ thuật của ông chính là con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tiền hạnh phúc hoàn thiện nhân cách. Chiếc thuyền ngoài xa - một trong nhiều những sáng tác tiêu biểu của ông - đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Phùng, là một nghệ sĩ khao khát khám phá, sáng tạo ra cái đẹp, với người luôn lo lắng, trăn trở, suy tư về nhân cách và đời sống của con người.
Mẫu 4:
Nikulin nhận xét "Nhiều nhân vật của Nguyễn Minh Châu những năm 1980 đã được Nguyễn Minh Châu xây dựng và thể hiện trong không khí cách mạng". Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua nhân vật Nguyệt trong "Trăng sáng". Ở chặng cuối cùng, truyện Con thuyền ngoài xa mang nhiều cảm hứng sáng tạo hơn và triết lý sâu sắc hơn. Nhưng tầm nhìn sáng tạo của ông về việc "đi tìm từng hạt ngọc trong lòng con người mênh mông" dường như không hề thay đổi. Nhân vật chính của chặng này của truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" là một người đánh cá. Tác giả bộc lộ bản thân từ nhân vật này và rút ra những triết lý trong nghệ thuật và cuộc sống.
Mẫu 5:
Tôi đã từng được nghe lời nhận xét của nhà nghiên cứu người Nga Nikulin về Nguyễn Minh Châu rằng: “Các nhân vật của Nguyễn Minh Châu trước năm 1980 được Nguyễn Minh Châu tắm rửa sạch sẽ, được bao bọc trong bầu không khí vô trùng”. Thật dễ nhận ra điều đó ở nhân vật Nguyệt trong “Mảnh trăng cuối rừng” - một cô gái xinh đẹp, trẻ trung, vẻ đẹp của thế hệ trẻ kháng chiến chống Mĩ. Nhưng ở giai đoạn sau, Nguyễn Minh Châu tập trung bút lực để viết về đời sống thế sự, đời tư, những triết lí nhân sinh. Tiêu biểu cho giai đoạn sáng tác ấy là tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, ta bắt gặp người đàn bà hàng chài. Một người đàn bà trong cuộc sống lao động đời thường ấy đã thể hiện được giá trị nhân đạo của một cây bút đi đầu trong quan niệm đổi mới, luôn “đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người”.
Mẫu mở bài phân tích chi tiết, hình ảnh tiêu biểu của tác phẩm
Mẫu 1: Mở bài phân tích hình tượng chiếc thuyền ngoài xa
Không phải ngẫu nhiên mà có người cho rằng Nguyễn Minh Châu là nhà văn của những biểu tượng. Bởi lẽ, trong tác phẩm của mình, Nguyễn Minh Châu thường không trực tiếp phát biểu những suy nghĩ, quan điểm mà chỉ bộc lộ những suy nghĩ cách nhìn về cuộc đời của mình qua những biểu tượng, những hình tượng đa nghĩa. Cách đặt tên tác phẩm, tên nhân vật và xây dựng hình tượng trong truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” của ông là một ví dụ. Và có lẽ hình tượng “chiếc thuyền ngoài xa” trong truyện ngắn cùng tên của ông cũng như vậy.
Mẫu 2: Mở bài phân tích chi tiết tấm ảnh nghệ thuật được chọn trong bộ lịch cuối năm
Nguyễn Minh Châu là nhà văn của những biểu tượng. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu sau 1975 đạt được sự hàm súc, đa nghĩa một phần là nhờ nhà văn đã sáng tạo được những hình ảnh, chi tiết giàu giá trị biểu tượng. Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa là một trường hợp như vậy. Hình ảnh tấm ảnh trong bộ lịch cuối năm đã khép lại tác phẩm nhưng đọng lại mãi với những suy tư, tự nghiệm của nghệ sĩ Phùng và người đọc: “Không những trong bộ lịch năm ấy hòa lẫn trong đám đông”. Không khó khăn mấy người đọc cũng nhận thấy ở đây dường như có hai bức ảnh trong một khuôn hình.
Mẫu 3: Mở bài phân tích chi tiết giọt nước mắt của người đàn bà hàng chài
Nếu Kim Lân - cây bút về truyện ngắn chuyên viết về “đời thường, người thường”, về cuộc sống nông thôn chân chất, bình dị thì với Nguyễn Minh Châu, ông cho rằng “nhân quyền giống như món trang sức đắt tiền trong tủ kính mà những đôi bàn tay lam lũ không thể chạm vào” và mỗi con người đều có trong mình những “vẻ đẹp khuất lấp”. Một Nguyễn Minh Châu suốt đời cầm bút chỉ để đi tìm những hạt ngọc ẩn chứa trong tâm hồn và người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” là một viên ngọc như thế. Tôi nhớ như in những giọt nước mắt của người đàn bà ấy, nó tựa như những viên ngọc đang lăn dài trên má, lấp lánh, ngời sáng.
Mẫu 4: Mở bài phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài.
Nhắc đến Nguyễn Minh Châu là ta nhắc đến một nhà văn chủ nghĩa hiện thực tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Từng khoác trong mình áo lính trước những năm 1975 và cho đến khi hòa bình lập lại, ông luôn mang trong mình cảm hứng thế sự về cuộc đời,về con người và những triết lí nhân sinh vô cùng sâu sắc được thể hiện trực tiếp vào trong các truyện ngắn của mình tiêu biểu là các truyện như “Mảnh trăng cuối rừng”, Bến quê”, “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”. Đặc biệt là truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” thông qua nhân vật Phùng, nhà văn đã nói lên được sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình hàng chài. Cùng viết về sự đối lập nhưng với Thạch Lam trong truyện “Hai đứa trẻ” lại là cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu. Mỗi nhà văn đều có cách nhìn hiện thực khác nhau nhưng đều mang lại cho người đọc cái nhìn riêng biệt chân thực của cuộc sống.
Mẫu mở bài Chiếc thuyền ngoài xa sáng tạo và độc đáo
Muốn viết một bài văn hay, trước tiên phải biết cách dùng lí luận. Cách mở bài bằng lí luận với người làm bài sẽ tạo “đà” cảm xúc để viết nội dung thân bài tốt và hay hơn; còn đối với người chấm bài là sự cảm tình với bài văn. Mở bài bằng lí luận cũng là một trong những cách mở bài được đánh giá cao đặc biệt đối với những đề văn nâng cao. Sau đây sẽ là một số cách mở bài Chiếc thuyền ngoài xa trong các dạng đề nâng cao mà các em có thể tham khảo áp dụng:
Mở bài 1: Mở bài phân tích những chân lý được gửi gắm trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa
Chân lý là sự nhận thức đúng đắn hiện thực khách quan trong bộ óc con người. Vì vậy chân lý sẽ phát triển cùng nhận thức của xã hội. Có những khẳng định được đúng một cách hiển nhiên và cũng có những chân lý được chứng minh và kiểm nghiệm thực tế, thể hiện tính chất phổ quát và không tìm được sự kiện trái ngược. Từ những đúc kết ấy Nguyễn Minh Châu đã mang người đọc đến những chân lý mà ông đã gửi gắm trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa.
Mở bài 2: Mở bài cảm nhận hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua Chiếc thuyền ngoài xa
Nguyễn Minh Châu người đã thổi một làn gió mới vào văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Với sự chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời, Nguyễn Minh Châu đã mang đến cho người đọc Chiếc thuyền ngoài xa. Nơi mà tác giả gửi gắm những thông điệp đặc biệt mà mình đã trải nghiệm về cuộc sống, con người và đặc biệt là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam.
Mở bài 3: Mở bài phân tích hình ảnh người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa
Muốn biết ý nghĩa của hòa bình, hãy hỏi những người chiến binh vừa trở về từ nơi lửa đạn. Muốn biết giới hạn của thời gian, hãy lắng nghe niềm khao khát còn được nhìn thấy bình minh của những kẻ đang phải mang bệnh hiểm nghèo. Và để cảm nhận được tầm vóc của người phụ nữ Việt Nam, xin hãy nhìn vào sự hy sinh và những giọt nước mắt của những người phụ nữ ấy dành cho gia đình của mình. Và đại diện cho hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng trước là người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa.
Mở bài 4: Mở bài phân tích quan điểm về cuộc sống, con người và nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu
Mỗi khi cầm bút, người nghệ sĩ dù muốn hay không, dù không nói ra hay bộc lộ trực tiếp thì đều viết dưới ánh sáng của một “tuyên ngôn nghệ thuật” nào đấy. Ta từng bắt gặp nhiều tuyên ngôn nghệ thuật của những nhà văn nhà thơ lớn của dân tộc như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh… Những tuyên ngôn nghệ thuật ấy không còn của riêng các ông nữa, chúng đã trở thành tuyên ngôn nghệ thuật của cả một thế hệ cầm bút, hơn nữa còn là tuyên ngôn nghệ thuật của cả một thời đại văn học. Viết Chiếc thuyền ngoài xa nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn qua đó phát biểu những suy nghĩ, quan điểm của mình về cuộc sống, con người và nghệ thuật.
Mở bài 5: Mở bài phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
Nguyễn Minh Châu được mệnh danh là người mở đường tinh anh và tài hoa của nền văn học Việt Nam giai đoạn đổi mới, bằng sự thức thời, nhạy bén của người nghệ sĩ Nguyễn Minh Châu không chỉ nhận ra nhu cầu đổi mới của nền văn học mà còn chủ động đi đầu trong công cuộc tìm kiếm những cách tân nghệ thuật ấy. Nếu trước năm 1975, Nguyễn Minh Châu thường viết về đề tài chiến tranh, người lính với cảm hứng sử thi lãng mạn đậm nét thì sau đổi mới ôn lại tập trung bút lực để tìm kiếm, khám phá những vấn đề thế sự nổi cộm. Nguyễn Minh Châu khám phá con người trong cuộc sống mưu sinh thời hậu chiến, đồng cảm thấu hiểu với hành trình tìm kiếm đầy nhọc nhằn của họ, từ đó phát hiện và trân trọng những hạt ngọc quý ẩn giấu trong tâm hồn con người. Một trong những truyện ngắn tiêu biểu nhất cho tài năng và phong cách sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau đổi mới là "Chiếc thuyền ngoài xa".
Mở bài 6:
Bước qua khói lửa chiến tranh, những tưởng con người sẽ được sống một cuộc sống hạnh phúc yên bình. Thế nhưng, trong cuộc sống thời hậu chiến, những con người nhỏ bé, đáng thương vẫn phải "vật lộn" với những lo toan, mưu sinh để rồi bao bi kịch, nghịch lí nảy sinh từ đói nghèo. Hiện thực cuộc sống với tất cả những phức tạp, đa diện ấy được Nguyễn Minh Châu phát hiện và thể hiện đầy tinh tế trong truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa". Truyện ngắn không chỉ thể hiện sự trăn trở, xót xa trước những nghịch cảnh, góc khuất của cuộc đời mà còn đặt ra trách nhiệm của nghệ thuật cũng như điểm nhìn, tư tưởng của người nghệ sĩ: Nghệ thuật cần hướng đến cuộc đời, người nghệ sĩ cần gắn bó để đồng cảm với những nỗi đau của con người.
Mở bài 7:
Nikulin (Nga) từng nhận xét: "Niềm tin vào tính bất khả chiến thắng của cái đẹp tinh thần, cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ anh đã tắm rửa sạch sẽ các nhân vật của mình, họ giống như được bao bọc trong bầu không khí vô trùng". Quả đúng khi nói về những nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu trong chiến tranh. Sau năm 1975, như có làn gió mới thổi vào tâm hồn, ông cố gắng "tìm cái hạt ngọc ẩn giấu trong bể sâu tâm hồn con người". Đáp lại cho cố gắng ấy là truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" được viết năm 1983.
Mở bài 8: Phân tích, cảm nhận những vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài
Ai đó đã từng nói: "Tác phẩm nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo". Phải chăng vì vậy mà ta có thể bắt gặp nhiều nghệ sĩ có phong cách hoàn toàn khác nhau trên cùng một giao lộ của hành trình kiếm tìm và khám phá vẻ đẹp tâm hồn con người. Kim Lân với truyện ngắn "Vợ nhặt" và Nguyễn Minh Châu với tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" là một trường hợp như vậy. Nếu như với khả năng viết rất hay về nông thôn và cuộc sống của người dân quê, Kim Lân xây dựng thành công nhân vật người vợ nhặt qua tình huống truyện độc đáo thì với phong cách truyện đậm chất tự sự - triết lí, Nguyễn Minh Châu đã khám phá ra những nghịch lí trong cuộc sống của người đàn bà hàng chài. Qua cả hai tác phẩm, các tác giả đều cho ta thấy được vẻ đẹp khuất lấp của người phụ nữ Việt Nam trong những hoàn cảnh khó khăn.
(Nguồn: Lớp Văn thầy Nhật)
Trên đây là tuyển chọn những mẫu mở bài Chiếc thuyền ngoài xa từ cơ bản đến nâng cao mà Đọc tài liệu đã sưu tầm và tổng hợp được dành cho các em tham khảo. Mong rằng, bài viết sẽ phần nào giúp các em có thêm tự tin để viết được một mở bài thật hay, một bài văn thật nhiều cảm xúc bởi sự độc đáo trong mở bài khiến bài văn của em trở nên nổi bật và nhận được sự chú ý, theo dõi của mọi người, có cảm hứng khi đọc tiếp bài văn.