Thuyết trình về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ trang 86

Xuất bản: 24/08/2024 - Tác giả:

Thuyết trình về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ trang 86 được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 12 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 12 dễ dàng hơn.

* Yêu cầu:

- Nêu được vấn đề có ý nghĩa để thuyết trình.

- Xác định được mối liên hệ giữa vấn đề với đời sống của giới trẻ.

- Làm rõ được từng khía cạnh của vấn đề, đánh giá được tính tích cực hay tiêu cực của các cách nhìn nhận về vấn đề.

- Đảm bảo tính cụ thể, chính xác của các thông tin liên quan đến vấn đề.

- Rút ra được ý nghĩa của việc thuyết trình về vấn đề.

1. Chuẩn bị nói

Lựa chọn đề tài

Bên cạnh những đề tài đã được gợi ý ở phần Viết, bạn có thể tham khảo một số đề tài khác, chẳng hạn:

- Tuổi trẻ hiện nay cần nhận thức như thế nào về vấn đề cống hiến và hưởng thụ?

- Ứng xử như thế nào với các thế hệ khác nhau trong gia đình và trong cộng đồng cho phù hợp?

- Vấn đề việc làm đặt ra với giới trẻ trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo có thế làm thay phần việc của con người ở một số lĩnh vực.

- Vai trò của kĩ năng mềm đối với tuối trẻ.

Tìm ý và sắp xếp ý

Nếu lựa chọn đề tài đã triển khai ở phần Viết, bạn cần dựa vào nội dung bài viết để lập dàn ý cho bài thuyết trình. Chú ý điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động nói và nghe. Còn nếu chọn đề tài mới thì bạn cần tìm ý và xây dựng dàn ý cho bài thuyết trình. Để có hướng tìm ý, bạn hãy nêu một số câu hỏi xoấy vào các khía cạnh trọng tâm sau:

- Bản chất của vấn đề là gì?

- Vấn đề có liên quan như thế nào đến đời sống của giới trẻ?

- Những khía cạnh nào của vấn đề cần làm rõ?

- Cần định hướng hoạt động như thế nào sau khi đã nhận thức rõ về vấn đề?

Xây dựng dàn ý của bài thuyết trình bằng cách sắp xếp những ý đã tìm được vào các phần Mở đầu, Triển khai, Kết thúc một cách hợp lí.

2. Thực hành nói

- Bài nói đảm bảo các phần: Mở đầu (giới thiệu vấn đề liên quan đến tuổi trẻ, chọn cách giới thiệu gây được chú ý cho người nghe); Triển khai (đi sâu vào từng khía cạnh của vấn đề, làm rõ sự liên quan của từng khía cạnh đó đối với đời sống của giới trẻ, lí giải và nêu cách thức ứng xử,..); Kết luận (làm rõ ý nghĩa của việc thuyết trình về vấn đề).

- Việc nhận xét vấn đề tuy cần thiết, nhưng cần tiết chế, tránh làm cho bài thuyết trình (vốn ưu tiên cho việc cung cấp thông tin) biến thành bài nghị luận (chủ yếu đánh giá, bàn luận về vấn đề).

Bài nói tham khảo

Xin chào thầy cô và các bạn, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ: Tuổi trẻ hiện nay cần nhận thức như thế nào về vấn đề cống hiến và hưởng thụ.

Khi trở thành một phần của lịch sử, mỗi con người không chỉ sống cuộc sống của riêng mình mà còn sống đời sống của cộng đồng, cùng tồn tại và phát triển với môi trường tự nhiên, xã hội xung quanh. Trong sự tồn tại ấy, có biết bao vấn đề mà con người phải nhận thức và giải quyết để có thể duy trì và nâng cao chất lượng sự sống. Cống hiến và hưởng thụ là hai trong số những phương diện như thế.

Cống hiến là tạo ra những giá trị hữu ích góp phần thúc đẩy cộng đồng, xã hội và đất nước. Ngược lại với cống hiến là hưởng thụ. Hưởng thụ là đón nhận, nhận về những điều tốt đẹp mà mình mong muốn, khao khát. Người biết cống hiến là người luôn nỗ lực làm việc tạo ra các giá trị hữu ích, cho đi nhiều hơn là nhận lại. Người hưởng thụ là người chỉ biết nhận về mình mà không muốn lao động hoặc cho đi một cái gì. Tại sao nên cống hiến hơn là hưởng thụ? Xã hội phát triển được là bởi mỗi cá nhân biết đóng góp sức mình để xây dựng từng ngày. Nếu chỉ biết hưởng thụ, con người sẽ nghĩ đến hưởng lạc, lạc thú mà quên nghĩa vụ đóng góp, dựng xây của mình đối với cộng đồng, dần dần sẽ trở thành người lười lao động, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân. Người hưởng thụ luôn ỷ lại, dựa dẫm, vô trách nhiệm với gia đình, xã hội, kiềm hãm xã hội phát triển, thậm chí là gây hại đến cộng đồng. Tìm mọi cách để hưởng thụ là biểu hiện của lối sống gấp, ích kỷ, hẹp hòi. Ngược lại, luôn cống hiến, hành động nỗ lực không ngừng để góp sức mình vào sự phát triển của xã hội sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn. Tìm mọi cách để cống hiến là lý tưởng đẹp đẽ, hành động cao cả đáng được ngợi ca, góp phần nâng cao giá trị của mỗi cá nhân trong đời sống. Đó là cách để mỗi chúng ta sống có ích hơn, có ý nghĩa hơn và để được xã hội tôn vinh.

Nhà bác học Anh-xtanh đã từng nói: Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý. Sinh ra trên đời, mỗi người đã được thừa hưởng những thành quả vật chất và tinh thần mà các thế hệ đi trước đã tạo dựng và để lại. Một cách tự nhiên và bằng kết quả lao động của mình, con người được phép thu nhận, sử dụng cho bản thân những sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể, từ cái ăn, cái mặc, phương tiện đi lại đến tri thức khoa học, các hoạt động nghệ thuật, giải trí… Có được những cái đó là nhờ sự cống hiến của biết bao người trong cộng đồng: người nông dân làm ra hạt gạo, người thợ làm ra vải vóc, người kĩ sư thiết kế ra xe cộ, người thầy giáo truyền thụ kiến thức, người nghệ sĩ sáng tạo ra các sản phẩm văn nghệ… Thánh Gandhi đã từng nói: Con người trở nên vĩ đại theo mức độ họ làm cho đồng loại hạnh phúc. Đến lượt mình, mỗi người lại phải cống hiến sức lực và trí tuệ của bản thân để tạo ra nguồn của cải phục vụ cộng đồng, góp phần làm cho đời sống ngày càng tốt đẹp hơn. Nếu hưởng thụ là thu nhận, thụ hưởng những tiện nghi của đời sống thì cống hiến là đóng góp, dâng hiến những khả năng của bản thân cho cộng đồng. Cống hiến và hưởng thụ, nói chung, là như thế. Nhưng với riêng mỗi người, mối quan hệ giữa chúng lại không hề giản đơn. Nhận thức vấn đề này thế nào để có thể sống tốt và sống đẹp là điều mà rất nhiều người, nhất là tuổi trẻ quan tâm. Ý kiến trên đây có thể coi là một định hướng  đừng chỉ nghĩ đến việc tìm mọi cách để thụ hưởng thành quả lao động của người khác mà nên tìm mọi cách để sống có ích, đóng góp sức mình vào sự tiến bộ chung của cộng đồng, nhân loại. Đừng tìm mọi cách để hưởng thụ mà hãy tìm mọi cách để cống hiến. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ai đó đã đưa ra tư tưởng, nhận thức về vấn đề cống hiến và hưởng thụ như trên. Bởi như chúng ta đều biết, hưởng thụ và cống hiến là hai mặt quyền lợi và trách nhiệm ràng buộc lẫn nhau mà mỗi người khi sống trong cộng động cần phải có. Là một thành viên của cộng đồng nhỏ – gia đình, cộng đồng lớn – xã hội và nhân loại, mỗi người vừa có quyền, có điều kiện thừa hưởng, tiêu dùng những thành quả mà các thế hệ đi trước đã tạo ra nhưng trở lại phải có nghĩa vụ đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của các cộng đồng ấy. Đấy là hai mặt biện chứng của cặp khái niệm cho và nhận mang tính triết học, phản ánh một quy luật tất yếu của đời sống mà nhà thơ Tố Hữu khi sinh thời đã có lần viết trong thơ: Đã làm con chim, chiếc lá/ Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không trả/ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình (Một khúc ca). Nếu chỉ tìm mọi cách để hưởng thụ, con người sẽ chỉ nghĩ đến việc hưởng lạc, đến lạc thú mà quên nghĩa vụ đóng góp, dựng xây của mình đối với cộng đồng. Nếu cứ như vậy, dần dần anh sẽ trở thành kẻ lười lao động, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, từ đó hình thành thói ỷ lại, dựa dẫm, vô trách nhiệm với gia đình, xã hội. Tìm mọi cách để hưởng thụ là biểu hiện của lối sống gấp, sống như thể ngày mai sẽ chết, bất chấp những gì diễn ra xung quanh. Sống như thế có khác gì nước ở biển Chết trong câu chuyện Hai biển hồ (Trích Quà tặng cuộc sống). Trong khi đó, tìm mọi cách để cống hiến là hành động nỗ lực không ngừng để góp sức mình vào sự phát triển liên tục của xã hội. Cống hiến càng tốt, càng nhiều thì xã hội càng nhanh tiến bộ, văn minh và bản thân mỗi người càng có cơ hội nhiều hơn để hưởng thụ và nâng cao chất lượng của sự thụ hưởng. Tìm mọi cách để cống hiến là lý tưởng đẹp đẽ, hành động cao cả đáng được ngợi ca, góp phần nâng cao giá trị của mỗi cá nhân trong đời sống. Cống hiến cho cuộc sống cũng là một trong những cách để mỗi chúng ta sống có ích hơn, có ý nghĩa hơn và để được xã hội tôn vinh. Cho nên, một định lý trong cuộc sống mà ai cũng đồng tình: một ánh lửa sẻ chia là một ánh lửa lan tỏa, một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng. Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết giữ riêng cho mình, sự sống trong họ rồi cũng sẽ chết dần chết mòn như nước trong lòng biển Chết. Đó là chưa kể, những hành động trao đi cao cả, những cống hiến vĩ đại cho loài người sẽ mãi mãi được lịch sử ghi nhận và ngợi ca.

Hưởng thụ chính là một trong những cách tốt nhất để giảm những áp lực trong cuộc sống mà mỗi người thường xuyên phải đối mặt. Hưởng thụ, sẽ không chỉ giúp chúng ta thỏa mãn nhu cầu chính đáng của mình mà còn giúp ta tái sản xuất sức lao động, có thêm động lực, tinh thần để cống hiến được nhiều hơn và tốt hơn cho cộng đồng. Vì thế, biết hưởng thụ cũng là biết sống, yêu sống, trước hết là sống cho mình, rồi đến là sống cho mọi người (mình vì mọi người). Con người có cống hiến và cũng có quyền được hưởng thụ với nhiều cách thức khác nhau, ở nhiều dạng thức không giống nhau, tùy theo nhu cầu, sở thích, khả năng, điều kiện của bản thân.

Tuy nhiên, ta không nên lạm dụng cái quyền được hưởng thụ để cho phép mình lãng quên hoặc tiết giảm những nghĩa vụ, trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Mỗi người cần phải cân mực hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ. Thậm chí, trong những hoàn cảnh nào đó của đời sống, cần biết hi sinh hoặc chấp nhận những thiệt thòi về bản thân để toàn tâm, toàn trí cho việc cống hiến. Trong thực tế, việc đòi hỏi sự cân bằng tuyệt đối giữa hưởng thụ và cống hiến là chuyện không tưởng. Sự đãi ngộ dành cho những cống hiến của con người còn phải tùy thuộc vào điều kiện chung, mức sống chung của cộng đồng, xã hội. Vả lại, có những công việc, những cống hiến không thể lấy vật chất ra để đo, đếm. Vì thế, nhận thức về tương quan giữa hưởng thụ và cống hiến cần hài hòa và linh hoạt, có như thế ta mới dễ sống, dễ thăng tiến trong công việc của mình.

Đừng tìm mọi cách để hưởng thụ mà hãy tìm mọi cách để cống hiến. Mỗi chúng ta cần phải xác định rõ tư tưởng: hãy nghĩ đến cống hiến nhiều hơn là hưởng thụ. Có tích cực cống hiến thì mỗi chúng ta mới có hạnh phúc, có điều kiện để nâng cao chất lượng hưởng thụ và giá trị bản thân. Vận dụng vào thực tiễn đời sống, thanh niên, học sinh cần học tập, tu dưỡng thật tốt để tích cực chuẩn bị cho việc cống hiến sau này. Hãy phấn đấu trở thành những người cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc, cho nhân dân. Khi đó sự hưởng thụ chính đáng sẽ đến với chúng ta và đất nước sẽ không bao giờ quên những gì mà chúng ta đã đóng góp.

Trên đây là bài trình bày của tôi, cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.

3. Trao đổi, đánh giá

- Người nghe có thể nhận xét về sự cần thiết của vấn đề được đề cập, sức thuyết phục của bài thuyết trình, độ chính xác của các thông tin đã nêu, cách sử dựng ngôn ngữ và các yếu tố phi ngôn ngữ của người nói. Nếu có khía cạnh nào chưa rõ, yêu cầu người nói giải thích thêm.

- Người nói cần làm rõ thêm những ý mà người nghe nêu thắc mắc, trao đối lại các ý kiến đánh giá về nội dung và cách thực hiện bài thuyết trình.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BackToTop