Trang chủ

Thuyết minh về thể thơ lục bát

Xuất bản: 18/05/2020 - Tác giả:

Hướng dẫn làm văn thuyết minh về thể thơ lục bát, phân tích đề, lập dàn ý chi tiết và tham khảo một số bài văn mẫu hay thuyết minh, giới thiệu về thể thơ lục bát.

Tài liệu hướng dẫn thuyết minh về thể thơ lục bát do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn gồm những gợi ý cho các em phân tích yêu cầu đề, tìm ý, lập dàn ý chi tiết và tham khảo thêm một số bài văn mẫu hay giới thiệu về thể thơ lục bát.

Hướng dẫn làm bài thuyết minh về thể thơ lục bát

1. Phân tích đề

- Yêu cầu: thuyết minh về thể thơ lục bát

- Dạng đề: thuyết minh về một thể loại văn học

- Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : những bài thơ, đoạn thơ trong các tác phẩm văn học thuộc thể loại lục bát.

- Thao tác lập luận : giải thích, thuyết minh, bình luận.

2. Hệ thống luận điểm, luận cứ

- Luận điểm 1: Tìm hiểu khái niệm và nguồn gốc của thể thơ lục bát

- Luận điểm 2: Đặc điểm của thể lục bát

+ Số câu, số tiếng

+ Cách gieo vần

+ Phối thanh

+ Nhịp và đối

+ Trường hợp ngoại lệ

- Luận điểm 3: Các quy luật làm nên thơ lục bát

- Luận điểm 4: Công dụng của thơ lục bát.

>>> Tham khảo hướng dẫn soạn bài Thuyết minh về một thể loại văn học

3. Lập dàn ý chi tiết

a) Mở bài

- Giới thiệu khái quát về đối tượng cần thuyết minh : thể thơ lục bát.

Ví dụ: Trong tất cả các thể loại văn học được sáng tác bằng tiếng Việt, có thể nói lục bát là thể thơ thuần dân tộc nhất. Nó là sáng tạo riêng của người Việt và vì thế, một cách tự nhiên nó có khả năng diễn tả một cách đắc địa nhất tâm hồn của con người đất Việt. Những kiệt tác của dân tộc đều kết tinh trên cơ sở thể loại văn học này.

b) Thân bài

* Khái niệm và nguồn gốc của thể thơ lục bát

Thể thơ lục bát là thể thơ do người Việt sáng tạo ra với một cặp câu thơ cơ bản gồm một câu 6 âm tiết và một câu 8 âm tiết, phối vần với nhau, không hạn chế số câu trong một bài thơ.

- Nguồn gốc: Thể thơ lục bát xuất hiện khi nào vẫn chưa có căn cứ xác đáng để chứng minh. Một số ý kiến cho rằng lục bát trong nhiều tác phẩm văn học viết vào thế kỷ XVI còn chưa chặt chẽ cả về phối thanh lẫn vần luật nên có lẽ thể thơ lục bát mới xuất hiện trong giai đoạn này.

* Đặc điểm của thể lục bát

- Số câu, số tiếng:

+ Số dòng: Một câu gồm hai dòng (một cặp) gồm: Một dòng có sáu tiếng và một dòng có tám tiếng.

+ Số câu: Không giới hạn nhưng khi kết thúc phải dừng lại ở câu tám tiếng.

+ Một bài thơ lục bát: có thể có một câu, hai câu, ba câu hay có thể có nhiều câu nối dài.

- Cách gieo vần:

+ Âm tiết cuối của dòng sáu tiếng hiệp vần với âm tiết thứ sáu của dòng tám tiếng theo từng cặp. Âm tiết cuối của dòng tám tiếng lại hiệp vần với âm tiết thứ sáu của dòng sáu tiếng nối tiếp. Cứ thế luân chuyển như vậy cho đến hết bài.

+ Vần cuối dòng là vần chân, vần ở giữa dòng là vần lưng.

- Phối thanh:

+ Có sự đối xứng luân phiên B – T – B ở các tiếng 2, 4, 6 trong dòng thơ, đối lập âm vực trầm bổng ở tiếng thứ 6 và thứ 8 dòng bát.

+ Tiếng thứ 4 bắt buộc là trắc, các tiếng 2, 6, 8 phải là bằng.

+ Các tiếng thứ một, ba, năm, bảy của cả hai câu sáu tiếng, tám tiếng và âm tiết thứ hai (của cả hai câu) có thể linh động tùy ý về bằng trắc.

- Nhịp và đối:

+ Nhịp chẵn dựa vào tiếng có thanh không đổi (trừ 2,4,6), nhịp 2/2/2

+ Thơ lục bát không nhất thiết phải sử dụng phép đối. Nhưng đôi khi để làm nổi bật một ý nào đó, người làm thơ có thể sử dụng tiểu đối trong từng cặp hoặc từng câu thơ.

- Trường hợp ngoại lệ:

+ Biến thể lục bát rất đa dạng, có thể chia làm ba loại là sai khác về số âm tiết (số chữ tăng lên), về niêm luật (tiếng thứ hai có thể là thanh trắc) và về vần (có thể gieo vần trắc) hoặc tổ hợp của hai trong ba loại trên.

* Các quy luật làm nên thơ lục bát

- Các tiếng mang thanh huyền và thanh ngang được gọi là thanh bằng; mang thanh sắc, hỏi, ngã, nặng được gọi là thanh trắc.

- Số câu: tối thiểu là hai câu và không giới hạn

- Các tiếng thứ 2, 6, 8 mang thanh bằng, tiếng thứ 4 mang thanh trắc, còn lại có thể tùy ý.

- Đuôi câu lục vần với tiếng thứ sáu của câu bát, đuôi câu bát vần với đuôi câu lục sau.

- Nếu tiếng thứ sáu của câu bát là thanh ngang (dương bình) thì tiếng thứ 8 phải là thanh huyền (âm bình) và ngược lại.

- Vần của thơ lục bát cũng giống như vần trong thơ nói chung, bao gồm hai loại là vần chính (giống nhau phụ âm cuối, khác phụ âm đầu) và vần thông (âm na ná nhau).

* Công dụng của thơ lục bát

- Phản ánh và cô kết trung thành những phẩm chất thẩm mĩ của Tiếng Việt.

- Cách gieo vần và phối thanh, ngắt nhịp giản dị mà biến hoá vô cùng linh hoạt, phong phú và đa dạng làm cho thơ lục bát dồi dào khả năng diễn tả.

c) Kết bài

- Khái quát lại vị trí của thơ lục bát trong nền văn học Việt Nam.

4. Sơ đồ tư duy thuyết minh về thể lục bát

Xem thêmThuyết minh một thể loại văn học: Ca dao

Một số bài văn mẫu hay thuyết minh về thể thơ lục bát

Thuyết minh về thể lục bát mẫu số 1:

Văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ văn học Trung Quốc nhưng không vì thế mà dân tộc ta không sáng tạo ra được những tác phẩm văn chương và những thể loại văn chương giá trị cao. Một trong số những sáng tác đặc biệt của nền văn học dân tộc và chính là thể thơ giản dị - lục bát.

Lục bát là một thể thơ của dân tộc ta nhưng thời điểm chính xác thơ lục bát ra đời từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu vẫn chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên các nghiên cứu tới thời điểm hiện tại thường nghiêng theo hướng lục bát bắt nguồn từ văn học dân gian.

Thơ lục bát ngay từ tên gọi đã cho ta biết số tiếng trong mỗi câu. Thơ gồm các cặp, mỗi cặp lục bát sẽ bao gồm hai câu, một câu sáu chữ (tiếng) và một câu tám chữ (tiếng). Về cách gieo vần, thơ lục bát vừa gieo vần chân cũng vừa gieo vần lưng. Tiếng cuối của lục sẽ vẫn với đến thứ sáu của bát và tiếng cuối của câu bát sẽ vần với tiếng cuối của câu lục bên dưới. Một bài thơ lục bát thường sẽ có số câu chẵn. Thơ lục bát có tuân thủ theo luật bằng trắc, tức có sự quy định về thanh. Giữa các tiếng 2, 4, 6 của câu lục sẽ lần lượt mang thanh (bằng - trắc - bằng), còn đối với các tiếng thứ 2, 4, 6, 8 của câu bát thường sẽ là (bằng - trắc - bằng - bằng) :

“Đầu lòng (B) hai ả (T) tố nga (B)

Thúy Kiều (B) là chị (T) em là (B) Thúy Vân (B)”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Thơ lục bát có cách ngắt nhịp hết sức linh hoạt, nhưng thường sẽ ngắt nhịp chẵn, có nhiều bài thơ ngắt nhịp 2/2/2. Khi diễn tả tình cảm đau thương, buồn bã, lục bát sẽ được ngắt theo nhịp 4/4. Đôi lúc để nhấn mạnh, người ta cũng có thể đưa lục bát theo cách ngắt nhịp 3/3 đối với câu sáu chữ và 3/5 đối với câu tám chữ. Có thể thấy, đây là một thể thơ tương đối tự do và linh hoạt trong cách ngắt nhịp.

Bên cạnh những thể thơ lục bát truyền thống còn có những thể thơ lục bát biến thể, tức có sự biến đổi nhất định về âm tiết hay về cách hiệp vần. Thơ lục bát là một thể thơ giản dị và dễ tiếp nhận đối với mỗi người, đây cũng là một thể thơ diễn đạt được hầu hết những cung bậc cảm xúc của con người. Những tác phẩm lớn của dân tộc đều được làm bằng thể thơ này như Truyện Kiều hay truyện Lục Vân Tiên. Một số tác giả văn học hiện đại cũng rất ưa chuộng thể thơ này như Tố Hữu, Nguyễn Bính,...

Những bài thơ được làm theo thể thơ lục bát rất gần gũi và gắn bó với nhân dân, dễ dàng tiếp cận, rất dễ để thuộc, để nhớ đối với những tầng lớp nhân dân có trình độ học vấn chưa cao. Chính vì vậy, đây là một thể thơ phổ biến trong đời sống nhân dân lao động.

Dù có sự ra đời cũng như du nhập của rất nhiều những thể loại văn học khác, nhưng thơ lục bát sẽ vẫn sẽ giữ được vị trí quan trọng của nó trong lòng mỗi người. Điều đó được khẳng định là bởi mỗi dịp lễ tết, thông thường chúng ta sẽ luôn được nghe rất nhiều những bài thơ tự sáng tác bởi những người dân làm theo thể thơ này. Mỗi chúng ta cần trân quý, gìn giữ, phát huy thể thơ này bởi đó là một thể thơ mang bản sắc và dấu ấn của dân tộc Việt Nam.

>>> Tham khảo đề văn tương tự: Thuyết minh về thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật

Thuyết minh về thể lục bát mẫu số 2:

Trong nền văn học đồ sộ của Việt Nam, để làm nên các tác phẩm thực sự có giá trị không thể kể đến công lao của các hình thức thơ mà các nhà thơ, nhà văn đã lựa chọn làm chất liệu cho tác phẩm của mình. Nếu nói nội dung là phần hồn của bài thơ, bài văn thì hình thức thơ lại được xem là phương tiện truyền tải để những nội dung ấy, quan niệm của tác giả có thể đến được với bạn đọc. Một trong những thể thơ được xem là mang đậm màu sắc của dân tộc Việt Nam có thể kể đến là thể thơ lục bát.

So với nền văn học già lâu đời như nền văn học Trung Hoa, nền văn học Việt Nam có thể coi là non trẻ hơn. Nhưng qua bao thế hệ người Việt Nam luôn có ý thức trong việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, sau đó tiếp thu, chọn lọc một cách có sáng tạo vào Việt Nam, sự chọn lọc này hoàn toàn sáng tạo, bởi người Việt Nam ta chỉ tiếp thu những cái phù hợp nhất với quốc gia, dân tộc mình, và sự kế thừa đó không phải sao chép mà là sáng tạo. Nhìn lại quá trình tiếp thu ấy ta có thể thấy được bản lĩnh dân tộc của con người Việt Nam.

Xét về thể loại và các hình thức thơ trong văn học, người Việt Nam bên cạnh tiếp thu của người Trung Hoa như thể thơ Cổ Phong hay thơ Đường Luật. Bên cạnh đó, ông cha ta cũng sáng tạo riêng cho dân tộc mình những thể thơ độc đáo, mang đậm màu sắc, văn hóa của dân tộc Việt Nam, như thể thơ song thất lục bát hay thể thơ lục bát đã trở nên vô cùng quen thuộc trong văn học Việt Nam. Trong đó, thể thơ lục bát được nhiều nhà thơ lựa chọn làm chất liệu để xây dựng nên các tác phẩm văn chương của mình, cũng là xây dựng nên những bài văn mang đậm tinh thần dân tộc nhất.

Thơ lục bát là thể thơ bao gồm có hai phần câu sáu (câu lục) và câu tám (câu bát) nối tiếp nhau. Thông thường một bài thơ lục bát thường được mở đầu bằng câu lục và kết thúc bằng câu bát. Về số lượng câu trong một bài thơ lục bát không hề bị giới hạn nghiêm ngặt như các bài thơ đường luật hay thể thơ song thất lục bát. Một bài thơ lục bát có thể bao gồm hai hoặc bốn câu như:

“Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”

Hoặc cũng có thể kéo dài ra hàng nghìn câu thơ, mà điển hình nhất mà ta có thể kể đến, đó chính là kiệt tác “Đoạn trường tân thanh” (Truyện Kiều) của đại thi hào Nguyễn Du (gồm 3253 câu, trong đó gồm 1627 câu lục và 1627 câu bát). Số lượng câu thơ hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung và ý đồ mà nhà văn muốn truyền tải đến những độc giả.

Về cách gieo vần, thơ Lục bát tuy không bị giới hạn bởi những luật lệ nghiêm ngặt như thể thơ Đường luật nhưng vẫn phải đảm bảo những yếu tố cơ bản. Cụ thể là trong một bài thơ lục bát thì câu thơ cuối của câu lục phải vần với câu thơ thứ sáu của câu bát. Tương tự, câu cuối của câu bát phải hiệp vần với câu cuối của câu lục. Có thể lấy một ví dụ trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu như:

“Mình về mình có nhớ ta?

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.

Những câu thơ trên thể hiện được tình cảm thiết tha, gắn bó của nhà thơ Tố Hữu với chiến khu Việt Bắc. Nhưng ở đây ta quan tâm đến cách gieo vần của bốn câu thơ này. Như ta thấy, câu thơ cuối của câu lục kết thúc là chữ “ta” thì trong câu thơ thứ tám của câu bát được hiệp vần bằng từ “tha”. Tương tự, câu bát kết thúc bằng vần “ông” thì câu cuối của câu lục lại được hiệp vần bằng từ “không”. Chính vì đảm bảo những quy tắc trên mà những câu thơ lục bát đọc lên rất dễ nhớ, dễ hiểu, dù đọc một lần thì người đọc cũng có thể có thể đọc lại.

Về thanh điệu của bài thơ lục bát ta có thể thấy, chữ thứ hai và chữ thứ sáu của câu bát thì đều là vần bằng, nhưng yêu cầu đặt ra ở đây là chúng không được cùng một thanh. Nếu chữ thứ sáu là thanh không có dấu, hay còn gọi là phù bình thì chữ thứ tám phải thuộc thanh trầm bình. Ví dụ cụ thể như trong bài ca dao sau:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Như vậy, ta có thể thấy một cách khái quát về định nghĩa cũng như những đặc điểm, những luật lệ cơ bản trong một bài thơ lục bát. Qua đó ta cũng phần nào hiểu được cách mà các nhà thơ sáng tạo ra một tác phẩm văn chương, đó là cả một quá trình, vừa thể hiện được tài năng, vừa thể hiện được tư duy nhanh nhạy của các thi sĩ.

-/-

Trên đây là những gợi ý chi tiết để làm một bài văn thuyết minh về thể thơ lục bát cùng với hai bài văn mẫu dành cho các em tham khảo để làm bài tốt hơn. Chúc các em học tốt môn Văn !

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM