Trang chủ

Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên

Xuất bản: 01/03/2024 - Tác giả:

Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, hướng dẫn lập dàn ý chi tiết và tham khảo TOP 7+ bài văn thuyết minh hay về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên

Hướng dẫn làm bài văn thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, dàn ý chi tiết kèm theo TOP 7+ bài văn thuyết minh hay giải thích một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên.

Dàn ý thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên

Dàn ý chung

Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về sự vật, hiện tượng cần thuyết minh (tên gọi, khái niệm, đặc điểm chung…).

- Nêu vai trò, tầm quan trọng của sự vật, hiện tượng đó.

Thân bài

- Khái niệm về sự vật, hiện tượng tự nhiên: Giới thiệu khái niệm, tên gọi khoa học (nếu có) của sự vật, hiện tượng đó.

- Đặc điểm, biểu hiện của sự vật, hiện tượng

+ Đặc điểm nổi bật về hình thức, cấu tạo của sự vật, hiện tượng.

+ Đặc điểm về tính chất của sự vật, hiện tượng.

+ Phân loại (nếu có) và so sánh các dạng khác nhau của sự vật, hiện tượng.

+ Các giai đoạn phát triển, biến đổi của sự vật, hiện tượng theo trình tự thời gian, mối liên hệ giữa các giai đoạn, sự tác động qua lại giữa các yếu tố...

+ Các biểu hiện cụ thể của sự vật, hiện tượng trong thực tế (xuất hiện ở đâu, khi nào? Hiện nay có thay đổi gì so với những lần xuất hiện trước?).

- Nguồn gốc, nguyên nhân hình thành của sự vật, hiện tượng tự nhiên

+ Giải thích sự vật, hiện tượng đó xuất hiện từ đâu, do đâu mà có.

+ Nêu các yếu tố, điều kiện cần thiết cho sự hình thành và phát triển của sự vật, hiện tượng.

+ Sử dụng các dẫn chứng khoa học, số liệu cụ thể (nếu có).

- Mối quan hệ giữa con người và hiện tượng tự nhiên:

+ Hiện tượng tự nhiên đó tác động như thế nào đối với đời sống con người? (tiêu cực/tích cực)

+ Con người bày tỏ thái độ và có hành động gì trước hiện tượng đó?

- Liên hệ mở rộng về các vấn đề liên quan đến hiện tượng tự nhiên:

+ Biện pháp ứng phó với những tác động tiêu cực (nếu có).

+ Kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ, gìn giữ (nếu có).

Kết bài

- Đánh giá của em về sự vật, hiện tượng tự nhiên vừa thuyết minh.

- Nêu ý nghĩa của việc nhận thức đúng về sự vật, hiện tượng đó.

Dàn ý chi tiết thuyết minh về hiện tượng lũ lụt

Mở bài

- Giới thiệu về một hiện tượng lũ lụt

- Nêu cái nhìn bao quát về hiện tượng này (có ích hay có hại, có quan trọng với đời sống hay không)

Thân bài

- Giới thiệu về khái niệm, tên gọi khoa học của hiện tượng lũ lụt

+ Lũ: hiện tượng ngập lụt, nước chảy xiết với tốc độ cao, mang tính chất bất ngờ, có khả năng cuốn trôi nhà cửa, vật nuôi, tài sản, cây cối, thậm chí đe dọa tính mạng con người.

+ Lụt: hiện tượng một vùng đất bị ngập nước trong một khoảng thời gian nhất định.

=> Hiện tượng mực nước dòng chảy trên sông, hồ quá lớn vượt mức quy định dẫn đến tình trạng ngập úng, tràn đê, vỡ đê.

- Biểu hiện của hiện tượng lũ lụt:

- Đặc điểm nổi bật của hiện tượng lũ lụt:

+ Xuất hiện ở đâu, khi nào?

+ Hiện nay có thay đổi gì so với những lần xuất hiện trước?

- Giải thích nguyên nhân của hiện tượng lũ lụt:

+ Nguyên nhân gây ra hiện tượng lũ lụt: Mưa lớn kéo dài, bão, triều cường, vỡ đê điều, tác động của con người, biến đổi khí hậu, khí nhà kính,...

+ Các chuyên gia đã giải thích như thế nào về hiện tượng lũ lụt? (có thể trích dẫn các ý kiến của những chuyên gia trong ngành)

+ Trong các nguyên nhân đó có điều gì là do con người gây ra?

- Mối quan hệ giữa con người và hiện tượng lũ lụt:

+ Hiện tượng lũ lụt tác động như thế nào đối với đời sống con người? (tiêu cực/tích cực)

  • Đe dọa tính mạng con người, vật nuôi
  • Thiệt hại tài sản
  • Ô nhiễm môi trường
  • Phát sinh mầm bềnh, nấm mốc
  • Ảnh hưởng hiệu quả kinh tế, sản xuất

+ Con người bày tỏ thái độ và có hành động gì trước lũ lụt?

Kết bài

- Đánh giá của em về hiện tượng lũ lụt.

TOP 7+ bài văn mẫu thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên

Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên ngắn nhất bài số 1

Bạn đã bao giờ nhìn thấy cầu vồng sau cơn mưa? Đó là một hiện tượng quang học vô cùng đẹp mắt với nhiều màu sắc rực rỡ. Cầu vồng thường được coi là biểu tượng của hy vọng và may mắn. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cầu vồng, bao gồm cách hình thành, đặc điểm và ý nghĩa của nó.

Cầu vồng thường xuất hiện khi có nắng lên sau cơn mưa, hoặc lúc cơn mưa sắp tạnh. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, chính là do các tia sáng mặt trời xuyên qua những giọt nước mưa rồi phản chiếu lên bầu trời. Các tia sáng phản chiếu lại đó, tụ hội lại thành hình dáng của cầu vồng mà chúng ta thường thấy. Cầu vồng có thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng không thể sờ hay chạm vào được, bởi bản chất của nó chỉ là các tia sáng hội tụ mà thôi. Một điều rất thú vị về cầu vồng, chính là màu sắc của nó. Một số người đến nay vẫn tin rằng cầu vồng có bảy màu. Tuy nhiên, bảy màu đó là màu sắc do mắt con người nhìn được từ xa. Còn trên thực tế, thì cầu vồng là dải sáng có rất nhiều màu khác nhau, chỉ là mắt thường khó mà nhìn thấy được.

Vẻ đẹp lung linh của cầu vồng đã giúp nó trở thành biểu tượng của sự may mắn, và đi vào thơ ca, nhạc họa bao thế kỉ qua. Đây là một hiện tượng tự nhiên vừa thú vị, lại hoàn toàn vô hại nên rất phù hợp để chiêm ngưỡng.

Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên bài số 2

Mưa, một trong những hiện tượng tự nhiên phổ biến và gắn liền với cuộc sống con người, không chỉ là một sự kiện đơn thuần mà còn là nguồn cảm hứng cho sự tò mò và nghiên cứu khoa học. Thực tế, mưa không chỉ xuất hiện từ khi Trái Đất mới hình thành mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống trên hành tinh này.

Sự hiện diện của mưa là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa hơi nước, đám mây và không khí. Hơi nước nhẹ bồng bềnh trong không trung, tạo nên những đám mây đầy ảo diệu. Khi đám mây trở nên nặng nề do sự ngưng tụ của hơi nước, chúng bắt đầu giảm độ cao và chuyển sang màu tối. Quá trình này tiếp tục cho đến khi đám mây trở nên quá trọng lượng để giữ chúng lên cao, dẫn đến việc giải phóng giọt nước bên trong chúng, tạo nên cơn mưa.

Khám phá sự đa dạng của mưa là một hành trình thú vị, với nhiều loại như mưa phùn, mưa rào, mưa bụi, mưa đá và mưa tuyết. Trong số này, mưa đá nổi lên như một hiện tượng thời tiết đặc biệt, có thể mang đến những tác động tiêu cực đối với cuộc sống hàng ngày.

Mặc dù mưa mang lại lợi ích lớn cho hệ sinh thái và sự phát triển của động, thực vật, nhưng nếu không có đủ mưa trong thời gian dài, sẽ gây ra những khó khăn đáng kể cho cả con người trong xã hội hiện đại. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của mưa trong việc duy trì sự cân bằng tự nhiên và sự sống trên Trái Đất.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng mưa cũng có thể trở thành một thiên tai đe dọa. Những cơn mưa lớn kéo dài có thể gây lũ lụt, sạt lở đất, và gây hậu quả nặng nề cho môi trường và cộng đồng. Do đó, sự hiểu biết về mưa không chỉ giúp chúng ta tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời của tự nhiên mà còn là chìa khóa để đối mặt với những thách thức và rủi ro mà mưa mang lại.

Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên bài số 3

Núi lửa phun trào vừa là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú vừa là một thảm họa vì gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho cuộc sống của con người. Vậy núi lửa là gì? Nguyên nhân gây ra núi lửa như thế nào?

Núi lửa là ngọn núi có miệng ở đỉnh, qua đó, từng thời kỳ, các chất khoáng được nóng chảy với nhiệt độ và áp suất cao bị phun ra ngoài. Núi lửa phun trào là một hiện tượng tự nhiên trên Trái Đất hay các hành tinh khác vẫn còn hoạt động địa chấn, với các vỏ thạch quyển dịch chuyển trên lõi khoáng chất nóng chảy. Khi núi lửa phun trào, một phần năng lượng đã ẩn sâu trong lòng hành tinh sẽ được giải phóng. Một ngọn núi lửa hoàn chỉnh sẽ có cấu tạo gồm các bộ phận như sau: nguồn dung nham, đường dẫn nhanh, ngưỡng, lỗ thoát, ống dẫn, cổ họng núi lửa, miệng núi lửa. Các sản phẩm núi lửa phun trào ra bên ngoài bao gồm lớp tro bụi, dòng dung nham và khói.

Núi lửa được chia thành nhiều cách phân loại khác nhau, nhưng chủ yếu được chia thành hai cách đó là dựa theo hình dáng bao gồm núi lửa hình chóp và núi lửa hình khiên và dựa vào dạng thức hoạt động chứa ba loại: núi lửa thức, núi lửa ngủ và núi lửa chết.

Khi đá được đun nóng và tan chảy, chúng giãn nở ra, do đó cần nhiều không gian hơn. ở một số khu vực trên Trái Đất, các dãy núi liên tục được nâng cao hơn. Áp suất ở phía dưới nó không lớn nên dòng mắc ma được hình thành. Khi áp lực của các dòng chảy mắc ma cao hơn áp lực tạo bởi lớp đá bên trên, dòng mắc ma phun trào lên trên qua miệng núi và tạo thành núi lửa.

Việc hiểu rõ núi lửa là gì, cách thức hoạt động của núi lửa cho ta thấy được những tác hại nghiêm trọng của núi lửa cũng như hậu quả nguy hại khi núi lửa phun trào lớn đến mức nào. Đầu tiên, nó gây ảnh hưởng đến các hoạt động địa chất, rõ nhất là động đất: Trong quá trình phun trào, trước khi các vật liệu núi lửa phun lên trên mặt, chúng di chuyển theo họng núi lửa từ dưới sâu lên, cọ sát tạo nên các chấn động có khi kèm theo tiếng nổ tạo thành động đất yếu, cục bộ. Từ động đất, liên tiếp gây ra các hiện tượng trượt lở đất, nứt đất, sụt lún. Ngoài ra, núi lửa phun trào làm biến đổi bề mặt địa hình: dung nham núi lửa quánh lại thường tạo thành các dạng địa hình thoải như vòm thoải cao nguyên hoặc lớp phủ dung nham. Không những vậy, nó còn làm ảnh hưởng tới môi trường sống của con người, gây cháy rừng, làm biến đổi môi trường sinh thái và gây nên thảm họa sóng thần:

Bên cạnh đó, núi lửa cũng mang lại những lợi ích đáng kể. Bởi các ngọn núi lửa cũng là nơi đem đến cho con người nhiều tài nguyên khoáng sản, năng lượng địa nhiệt, đất đai canh tác màu mỡ và cả tiềm năng du lịch. Dung nham mắc-ma phun trào từ trong lòng quả đất có chứa rất nhiều thành phần khoáng sản. Các khoáng sản này bao gồm thiếc, bạc, vàng, đồng và thậm chí kim cương cũng hiện diện trong đá núi lửa. Đây được coi là nơi lý tưởng cho sự phát triển của ngành công nghiệp khai mỏ quy mô lớn và các hoạt động khai mỏ nhỏ lẻ mang tính cá nhân hoặc do một nhóm nhỏ dân địa phương chung tay khai thác.

Hàng năm vào các mùa khác nhau, các ngọn núi lửa cũng là nơi thu hút hàng triệu du khách tham quan. Đa phần du khách chờ đến thời khắc được tận mắt ngắm nhìn những khối tro bụi nóng màu đỏ lửa bắn tung lên bầu trời. Những ngọn núi lửa ít hoạt động thì lại cuốn hút du khách bởi việc chiêm ngưỡng những màn hơi và khói thoát ra từ các lỗ thông khí thiên nhiên trên mặt đất.

Tóm lại, ta thấy được sức ảnh hưởng lớn lao của núi lửa đến đời sống con người, đặc biệt là những người đang sống trong vùng gần núi lửa phun trào. Các tác động tự nhiên này vừa mang tới những hiểm nguy những vẫn tồn tại các mặt lợi ích đáng kể để mang lại nền kinh tế cho con người.

Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên bài số 4

Cực quang là hiện tượng tự nhiên không hiếm gặp nhưng nó lại không bao giờ diễn ra ở Việt Nam. Vì sao lại vậy? Hiện tượng này có gì đặc biệt? Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu cho các bạn về cực quang.

Trái Đất chính là một thanh nam châm khổng lồ, nó có các từ trường với hai đầu hút là cực Bắc và cực Nam địa lí. Tầng khí quyển phải chịu những chùm tia có năng lượng cao từ vũ trụ nên xuất hiện rất nhiều các điện tích tự do. Dưới tác dụng của từ trường Trái Đất, chúng sẽ chuyển động về hai cực Bắc và Nam. Các điện tích này sẽ kết hợp với các phần tử khác trong không khí tạo ra các ánh sáng màu xanh, tím, vàng khác nhau. Đây chính là cực quang.

Khi ngắm nhìn cực quang, ta nhận thấy nó gồm rất nhiều những tia sáng màu sắc đổ dọc xuống, chuyển động liên tục như dải lụa bay dập dờn trên nền trời đêm. Đây là một hình ảnh đẹp, rực rỡ, khó tin, cũng chính là món quà mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho con người.

Bởi vì tác động của từ trường, hiện tượng này chỉ xuất hiện ở các hai cực Bắc và cực Nam trên Trái Đất, tương ứng với các đất nước như: Phần Lan, Thụy Điển, Canada, Na Uy,... Thời gian xem cực quang thường là giữa tháng 9 và tháng 4. Các nước phương Tây thường có đêm ngắn ngày dài, vậy nên ta nên ngắm nhìn bầu trời vào khoảng từ 9h tối đến 3h sáng vì trời đêm lúc này đủ tối để ta thấy những dải tia sáng.

Ngoài Trái Đất, các hành tinh khác như Sao Hỏa, Sao Thổ, Sao Mộc, Sao Thiên Vương, Sao Hải Vương đều có cực quang. Trên những hành tinh này đều có từ trường, chúng được tương tác với các hạt trong gió mặt trời, tạo nên hiện tượng kì thú.

Cực quang là hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp mà ta nên ngắm nhìn một lần trong đời. Các bạn có thể du lịch đến những đất nước trên để trực tiếp thưởng thức khung cảnh này. Hoặc, khi chưa có điều kiện, chúng ta có thể xem các video trên internet để hiểu thêm về cực quang nhé.

Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên bài số 5

Một trong những vấn đề nóng đang được xã hội quan tâm nhất hiện nay, đó chính là biến đổi khí hậu. Khi cuộc sống của con người ngày càng phát triển, sự tác động đến môi trường ngày càng lớn, dẫn đến khí hậu sẽ bị biến đổi trên toàn cầu. Đây đang là vấn đề đáng lo ngại không chỉ của riêng một quốc gia nào mà là của toàn nhân loại.

Biến đổi khí hậu có thể hiểu đó là sự thay đổi của khí hậu, âm thầm ngày ngày diễn ra trong một khoảng thời gian, tác động trực tiếp đến khí hậu, đến môi trường sống của loài người cũng như hàng nghìn sinh vật khác trên trái đất. Biến đổi khí hậu có thể là sự nóng lên của trái đất, nước biển dâng cao do hiện tượng băng tan, hay đó là sự thay đổi hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển…Và những thiên tai mà nhân loại đang phải hứng chịu trước mắt đó chính là những thiên tai như động đất, núi lửa, sóng thần… dẫn đến sự thiệt hại vô cùng lớn cho nhân loại.

Vậy nguyên nhân do đâu, vì đâu dẫn đến biến đổi khí hậu? Đầu tiên phải kể đến chính là do sự tác động của con người đến thiên nhiên như chặt phá rừng dẫn đến hệ sinh thái bị mất cân bằng; sử dụng bừa bãi các loại hóa chất, thuốc trừ sâu có hại cho môi trường… rồi chất thải công nghiệp được thải ra từ những nhà máy sản xuất công nghiệp, khói thải ra từ đô thị, giao thông… dẫn đến hiệu ứng nhà kính và sự nóng dần lên của trái đất. Chính con người đang ngày đêm đục khoét, khai thác những nguồn tài nguyên quý giá, làm biến dạng lớp vỏ trái đất. Không chỉ thế, chiến tranh nổ ra liên miên với bom đạn, vũ khí hạt nhân.., cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của chúng ta. Tất cả sẽ như một ngòi nổ dẫn đến sự giận dữ của thiên nhiên, dẫn đến sự diệt vong của trái đất và loài người trong một tương lai không xa.

Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những sinh vật trên trái đất, bao gồm cả loài người. Những hiện tượng xảy ra liên tiếp gần đây như bão lũ, sóng thần, động đất, núi lửa… đã làm cho chúng ta phải gánh chịu biết bao đau thương. Chưa kể đến sự xuất hiện ngày càng nhiều của những căn bệnh lạ mà y học thế giới chưa tìm ra nguyên nhân cũng như phương án chữa trị, tất cả đều do biến đổi khí hậu, biến đổi môi trường sống mà ra.

Để ngăn chặn cũng như làm chậm hơn quá trình biến đổi khí hậu, mỗi người chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ trái đất, bảo vệ môi trường sống xung quanh. Mỗi một người chỉ cần có ý thức, sẽ giúp cho trái đất hàng ngày không phải gánh chịu những tổn hại nặng nề thêm nữa. Ngoài ra nhà nước, các cơ quan chức năng, ban ngành cần phải có biện pháp cứng rắn, trừng phạt thích đáng những kẻ chuyên chặt phá rừng, xả chất thải gây hại cho môi trường không khí, môi trường nước. Tuyên truyền, vận động mỗi cá nhân tích cực hơn, có ý thức bảo vệ môi trường sống, để giảm thiểu tối đa những tác hại đến thiên nhiên.

Thật vậy, có thể thấy biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của riêng mỗi người, mà là của toàn xã hội, toàn thế giới. Chúng ta hãy cùng nhau chung tay xây dựng, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống, vì một tương lai tươi đẹp ở phía trước.

Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên bài số 6

Thủy triều đỏ là cách gọi thông thường, nhưng các nhà khoa học thường gọi là hiện tượng nở hoa của tảo ở biển.

Hiện tượng tảo nở hoa (có tài liệu còn gọi là hiện tượng nở hoa của nước) gây ra bởi các loài vi tảo và vi khuẩn lam sống trong nước biển hoặc nước ngọt khi chúng phát triển rất nhanh, bùng phát quá mức về mật độ tế bào hoặc sinh khối. Hiện tượng tảo nở hoa xảy ra cả ở biển và nước ngọt, khi xảy ra ở biển thì gọi là thủy triều đỏ. Tảo nở hoa có thể sống ở bề mặt nước hoặc ở tầng đáy.

Đặc biệt, những thực vật phù du và sinh vật nguyên sinh đơn bào, các sinh vật như thảo mộc có thể hình thành những đám dày đặc, các vết có thể nhìn thấy ở gần bề mặt nước. Một số loài thực vật phù du, tảo chứa sắc tố quang hợp khác nhau về màu sắc từ xanh sang nâu đỏ.

Khi mật độ tảo tập trung cao, nước sẽ đổi màu hay xỉn lại, từ tím đến gần như màu hồng, thường là màu đỏ hoặc màu xanh lá cây. Không phải tất cả việc nở rộ tảo đều dày đặc đủ để làm cho nước đổi màu, và không phải tất cả những nước đổi màu có liên quan đến nở rộ tảo đều đỏ.

Hiện tượng tảo nở hoa có thể do các loài tảo có độc tố và các loài không có độc tố. Khi các tảo độc nở hoa, chúng tiết ra các độc tố thuộc về 3 nhóm: nhóm độc tố gan, nhóm độc tố thần kinh, nhóm độc tố gây tiêu chảy. Chúng không chỉ gây độc cho các sinh vật sống trong nước như cá, giáp xác, động vật thân mềm, động vật có vú ở biển (như cá voi, sư tử biển)… mà còn gây độc cho cả một số loài chim, cho con người khi ăn phải thủy sản bị nhiễm độc, khi tiếp xúc hoặc uống phải nguồn nước bị nhiễm độc.

Các độc tố có thể ảnh hưởng tới không khí, gây khó thở. Ngoài việc tạo ra các độc tố, chúng còn làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước do chuyển màu, có mùi tanh khó chịu, hàm lượng oxy giảm đột ngột do phân hủy một lượng sinh khối lớn.Tảo không độc khi nở hoa cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng nước khi lượng sinh khối lớn của chúng bị chết và phân hủy.

Tóm lại, hiện tượng nở hoa của tảo, đặc biệt là tảo độc gây tác hại tới hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đối với con người, gây thiệt hại cho ngành kinh tế khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Thực tế, không phải đợt bùng phát tảo biển nở hoa nào cũng có hại. Chúng có thể có lợi vì là thức ăn cho sinh vật trong đại dương.

Theo một cuốn sách của ông Kin-Chung Ho, Đại học Mở Hong Kong, sự xuất hiện của thủy triều đỏ ở một số địa điểm dường như là hoàn toàn tự nhiên, do sự chuyển động của các dòng hải lưu nhất định. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể do phú dưỡng hóa nguồn nước - thải quá nhiều vào nước chất dinh dưỡng như nitrat hay phốt phát từ hoạt động nông nghiệp hay hiện tượng nước trồi - dòng nước lạnh đặc và nhiều dinh dưỡng di chuyển từ phía sâu lên bề mặt đại dương, thay thế dòng nước nóng hơn.

Thủy triều đỏ đã xảy ra ở nhiều nước: Hoa Kỳ, Brasil, Úc, Philippines, Trung Quốc, Anh, Malaysia…và gây ra nhiều thiệt hại.

Năm 1968, tại Anh có 78 trường hợp người bị ngộ độc do ăn sò xanh nhiễm độc tố của tảo Alexandrium tamarense. Tính đến năm 1995, tại Philippines đã có 1422 người bị ngộ độc do ăn cá nhiễm độc tảo Pyrodinium bahamense var compressum và 82 người trong số này đã tử vong. Năm 1998, một loài tảo mới xuất hiện ở vùng biển Hong Kong đã gây ra thuỷ triều đỏ, ảnh hưởng đến 20 trong tổng số 26 khu vực nuôi cá, hủy hoại hơn 80 % trữ lượng cá thường xuyên. Năm 2013, hai người Malaysia đã chết do ăn cá nhiễm tảo độc từ thủy triều đỏ ở bờ biển đảo Borneo.

Tất cả các bang ven biển của Hoa Kỳ đều bị thủy triều đỏ và chịu nhiều thiệt hại do thủy triều đỏ gây ra, đặc biệt là ở New England, Florida, khu vực gần Vịnh Mexico… Thiệt hại do thủy triều đỏ gây ra đối với nuôi trồng, khai thác thủy sản, du lịch lên tới hàng chục triệu đô la.

Tại Việt Nam, hiện tượng thủy triều đỏ cũng đã xảy ra ở nhiều nơi. Tuy nhiên, khu vực biển Bình Thuận là nơi có tần suất nở hoa của vi tảo cao nhất, hiện tượng này. Tháng 6 - 7/2014, thủy triều đỏ tạo nên các trận bọt biển màu đỏ vàng ở bãi biển Mũi Né – Hòn Rơm (Phan Thiết, Bình Thuận). Xác cá và nhiều động vật, rong tảo biển dạt vào và phân hủy, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Cư dân ở đây cho biết hiện tượng thủy triều đỏ thường xuất hiện ở vùng biển này vào tháng 6 hàng năm.

Đồng thời, nghề sản xuất giống thủy sản và nuôi lồng các loài tôm hùm, cá mú cũng thải ra môi trường một lượng dinh dưỡng đáng kể cũng là một điều kiện kích thích sự nở hoa. Hiện tượng nở hoa nước thường xảy ra trong các hồ nước ngọt và các ao nuôi thủy sản. Hiện tượng tảo nước ngọt nở hoa cũng đã gặp ở Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), hồ Xuân Hương (thành phố Đà Lạt) và gần đây, trong tháng 4/2016 tại sông Ba, đoạn chảy qua xã Chư Ngọc huyện Krông Pa, Gia Lai.

Theo các nhà khoa học, hiện tượng thủy triều đỏ và nở hoa nước là một trong những vấn đề cấp bách cần được quan tâm nghiên cứu cụ thể, lâu dài như: Về quy luật phát sinh và lan truyền của hiện tượng thủy triều đỏ và nở hoa nước; về sinh thái phát triển và sản sinh độc tố của một số loài vi tảo kể cả các loài đang hình thành có khả năng nở hoa. Trên cơ sở đó, có sự cảnh báo để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời đánh giá đầy đủ về những thiệt hại mà nó gây ra.

Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên bài số 7

Sóng thần, hiện tượng tự nhiên mạnh mẽ, không chỉ mang lại sức công phá đối với con người và tài sản mà còn luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Được hình thành từ những sự kiện như động đất, núi lửa phun trào, va chạm của thiên thạch, sóng thần gây ra những chấn động mạnh mẽ trên mặt đất và dưới lòng biển. Kết quả là, một lượng lớn nước biển bị chuyển dịch ngay lập tức, tạo thành những cột sóng khổng lồ di chuyển với tốc độ ấn tượng, hay còn được biết đến với cái tên Tsunami.

Hậu quả của sự xuất hiện của sóng thần là vô cùng nghiêm trọng đối với con người và tài sản. Với chiều cao của cột nước, tốc độ di chuyển nhanh chóng, cùng lực va chạm mạnh mẽ, các đợt sóng thần càn quét và tàn phá mọi thứ trên đường đi của chúng. Sau đó, chúng nhấn chìm tất cả trong nước biển chỉ trong vài giờ. Quy mô của một trận sóng thần có thể tàn phá rộng lớn, chiếm một phần của đất liền với khoảng cách hàng trăm km. Đặc điểm khiến cho sóng thần trở nên đáng sợ chính là sự bất ngờ của nó. Dù các nhà khoa học đã nỗ lực nghiên cứu, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra phương pháp dự báo hay biết trước về sự xuất hiện của sóng thần. Chỉ khi nó hình thành từ đáy biển, chúng ta mới có thể nhận biết thông tin về nó. Tuy nhiên, tốc độ di chuyển nhanh chóng và cường độ mạnh mẽ khiến cho việc sơ tán là lựa chọn duy nhất khi có thông tin về sóng thần, không có cách khác.

Mặc dù sóng thần thường chỉ thực sự mạnh mẽ khi xuất hiện ở những vùng biển sâu, cách xa đất liền hàng nghìn cây số, và cần vài giờ để đổ bộ vào đất liền, nhưng vẫn đủ để người dân kịp thời sơ tán với tài sản của mình. Do đó, việc nắm bắt thông tin và học các kỹ năng đối phó khi có sóng thần xảy ra trở nên cực kỳ quan trọng, đặc biệt là đối với những người sống ở các khu vực ven biển.

Mặc dù sóng thần có sức tàn phá đáng sợ và ảnh hưởng nặng nề, nhưng may mắn là chúng không xảy ra thường xuyên. Do đó, cuộc sống ven biển vẫn được xây dựng và hoạt động bình thường. Có lẽ trong tương lai không xa, chúng ta sẽ có khả năng dự báo chính xác hơn về sự xuất hiện của hiện tượng tự nhiên này, giúp người dân chuẩn bị và phòng tránh hiệu quả hơn.

-/-

Trên đây là mẫu dàn ý và một số bài văn thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên do Đọc tài liệu sưu tầm và tổng hợp, các em có thể dựa vào đó kết hợp với những hiểu biết của mình về sự vật, hiện tượng để viết thành một bài thuyết minh hoàn chỉnh nhất. Chúc các em học tốt!

Sưu tầm và tuyển chọn Văn mẫu 11 hay nhất / Đọc Tài Liệu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM