Hướng dẫn làm bài văn thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội, dàn ý chi tiết kèm theo TOP 7+ bài văn thuyết minh hay giải thích một sự vật, hiện tượng trong đời sống mà bản thân quan tâm.
Dàn ý thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội
1. Mở bài
- Giới thiệu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nêu rõ sự tồn tại của sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội.
2. Thân bài
- Nêu thực chất của sự vật, hiện tượng được thuyết minh.
- Lí giải nguyên nhân của hiện tượng được thuyết minh.
- Trình bày hệ quả, tác động tích cực hoặc tiêu cực của hiện tượng đối với đời sống con người (có sử dụng các cứ liệu cụ thể).
- Nêu giải pháp phát huy hiện tượng tích cực hoặc hạn chế, xóa bỏ hiện tượng tiêu cực (có sử dụng yếu tố biểu cảm, nghị luận).
3. Kết bài
- Nêu ý nghĩa của việc nhận thức đúng về sự vật, hiện tượng được thuyết minh.
TOP 7+ bài văn mẫu thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội
Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội mẫu 1: Tình trạng hâm mộ thần tượng một cách thái quá
Cuộc sống ngày càng hiện đại và phát triển, kéo theo đó là rất nhiều vấn đề nảy sinh ra trong xã hội, trong đó, phải kể tới tình trạng tôn thờ thần tượng một cách thái quá của giới trẻ ngày nay.
Khái niệm thần tượng đang được sử dụng ở đây để chỉ những người có vẻ bề ngoài ưa nhìn, làm diễn viên, người mẫu hoặc ca sĩ, vận động viên… những người thường xuất hiện trước công chúng với một vẻ ngoài bóng bẩy và hào nhoáng. Nhiều người họ coi thần tượng như hình mẫu lý tưởng, thậm chí là lý tưởng sống của mình và luôn muốn làm mọi thứ theo họ, từ phong cách ăn mặc, thói quen… Tình trạng tôn thờ thần tượng một cách thái quá chính là lúc chúng ta quá thích một người nào đó, luôn muốn được gặp họ, mua đồ giống như họ, luôn tưởng tượng về sự hiện diện của họ ở xung quanh bởi sự xuất hiện với tần suất lớn của họ trên truyền thông khiến cho nhiều người bị mù quáng và lầm tưởng.
Nhiều người rơi vào tình trạng như thế, họ dần trở nên mù quáng và thiếu đi lý trí. Họ ảo tưởng rằng thần tượng sẽ yêu mình, thường xuyên chủ ý theo dõi thậm chí là bám đuôi thần tượng của mình để xem họ làm gì hoặc ăn gì. Thậm chí, có nhiều người vì quá yêu thích thần tượng của mình, ngay cả khi họ đang đi trên đường, nghe thấy một đoạn nhạc trong một bài hát quen thuộc mà mình biết, họ lập tức dừng lại, nhảy và hát theo rồi bắt chước theo những hành động của thần tượng khi thể hiện bài hát đó. Đặc biệt, nhiều người vì theo đuổi thần tượng của mình, họ sẵn sàng chi ra một khoản tiền rất lớn để mua được tất cả những album, hay những phụ kiện liên quan tới thần tượng của mình, rồi mua vé để đi xem những buổi concert biểu diễn của họ. Đó chắc hẳn là một khoản tiền không hề nhỏ. Một ví dụ điển hình có thể kể đến như một người có tên là John Hinckley – người hâm mộ của nữ diễn viên Mỹ Jodie Foster đã đi ám sát Tổng thống Ronald Reagan chỉ vì để nữ diễn viên ấn tượng. Hay tại Trung Quốc, một người cha đã tự tử với mong muốn rằng con gái mình được gặp gỡ thần tượng Lưu Đức Hoa. Hay hiện nay, việc thần tượng các nhóm nhạc Hàn Quốc (Kpop) đã nhiều lần vấp phải những sự chỉ trích từ báo đài vì nhiều bạn trẻ đã rơi vào tình trạng cuồng mà làm những hành động sai trái về đạo đức như dọa dẫm sẽ tự tử, tuyệt thực và gào khóc đòi bố mẹ phải đáp ứng những nhu cầu theo đuổi thần tượng của bản thân. Đây thực sự là mặt trái mà giới thần tượng đã gây nên.
Hậu quả của tình trạng ấy là vô cùng nghiêm trọng. Bởi đa số, những người đang theo đuổi thần tượng đều là những người trẻ, thậm chí là những bạn mới ở tuổi vị thành niên, bởi vậy họ không có cách nào khác ngoài việc xin tiền bố mẹ để có thể đu idol của mình. Nó không chỉ ảnh hưởng tới việc học của cá nhân đó mà nó còn gây ra sự phiền muộn đến bố mẹ của họ. Thậm chí, có những bạn trẻ vì quá cuồng, họ lấy bản thân ra để đe dọa bố mẹ nhằm đạt được mong muốn và điều đó thực sự là hết sức tồi tệ. Có những bạn trẻ vì muốn gặp được thần tượng mà họ sẵn sàng chờ ngày, chờ đêm với mong muốn sẽ gặp được thần tượng và điều đó cũng khiến sức khỏe của họ bị ảnh hưởng và tâm lý cũng không được ổn để chú tâm vào những việc khác. Không những thế, chính thần tượng của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng này. Nhiều người vì họ quá cuồng thần tượng của mình, họ đã theo dõi thần tượng, đào bới sâu vào đời tư, khi phát hiện ra thần tượng làm điều gì không đúng thì họ sẽ ngay lập tức quay lưng, ném đá và chửi bới trên mạng xã hội khiến cho danh tiếng của những thần tượng ấy bị hủy hoại.
Đây thực sự là một tình trạng không một ai mong muốn và chúng ta cần phải thực sự cảnh giác. Hãy tự đặt cho mình một giới hạn nhất định trước khi mọi chuyện trở nên quá đỗi tồi tệ. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất, xem họ ít đi, dùng bớt tiền đi khi tiêu xài cho họ… như vậy là một cách rất tốt để bạn có thể kiềm chế được bản thân tránh trở nên cuồng thần tượng một cách thái quá.
Thần tượng một ai đó không phải là một việc xấu nhưng nó sẽ chỉ tốt khi mà bạn biết điểm dừng cho chính mình. Hãy giữ đúng giá trị và thông suốt về khái niệm thần tượng và hâm mộ, hãy để nó trở lại với đúng vị trí và giá trị của nó. Cần phải phê phán mạnh mẽ những hành động quá cuồng thần tượng để gây ảnh hưởng xấu cho gia đình và xã hội.
Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội mẫu 2: Tệ nạn ma túy
"Cái chết trắng" chính là cách gọi đầy hình tượng cho kết cục của những người dùng một loại chất kích thích đáng sợ, đó chính là ma túy. Cùng với những loại tệ nạn như rượu chè, cờ bạc, văn hóa phẩm đồi trụy… ma túy lâu này đã trở thành mối lo ngại hết sức đáng sợ cho con người trong xã hội hiện đại.
Có thể khẳng định về tác hại của ma túy đối với cuộc sống của con người là rất khôn lường. Ma túy được hiểu là một dạng chất kích thích có nguồn gốc từ loài hoa anh túc hoặc nhựa cây thuốc phiện có mặt nhiều trên các vùng núi của thế giới hay cụ thể là khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.
So với thuở sơ khai khi mới ra đời, hiện nay ma túy được tồn tại ở rất nhiều dạng như: nước, bột, viên nén,… được sử dụng ở nhiều hình thức khác nhau như tiêm chích, hút hít, ngậm, nhấp môi… Do có sự biến tấu vô cùng đa dạng nên ngày nay có rất nhiều loại ma túy xuất hiện. Có lẽ những tên gọi như cỏ, tem, đá, cần, bùa lưỡi… không còn xa lạ với giới trẻ. Đó đều ám chỉ ma túy.
Tuy nhiên dù gọi nó như thế nào hay cách dùng ra sao thì ma túy đều mang đến một hậu quả chung là người dùng, chỉ sử dụng một lần cũng sẽ gây nghiện. Điều đáng sợ chính là nó chẳng kiêng nể bất cứ ai, đối tượng thuộc lứa tuổi, giới tính hay địa vị nào, cứ sử dụng đều sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng và đáng sợ.
Vậy ma túy để lại cho xã hội những hậu quả gì? Thật đáng sợ khi có người cho rằng, cứ sử dụng ma túy mà sử dụng đầy đủ sẽ béo tốt và duy trì được sức khỏe cho con người. Không thể phủ nhận có một loại, được gọi là moóc-phin, thường được sử dụng trong y học để giảm đau rất hiệu nghiệm.
Những lối suy nghĩ trên không biết rằng nếu lạm dụng moóc-phin sẽ gây ra những hậu quả vô cùng đáng sợ mà chúng ta không thể ngờ tới. Trước tiên, hậu quả để lại vô cùng nặng nề cho chính bản thân "con nghiện". Ma túy sẽ làm tàn phá sức khỏe con người một cách rất trầm trọng. Ảnh hưởng đầu tiên chính là với hệ thần kinh. Ở mức độ nhẹ thì người sử dụng ma túy sẽ chỉ mới mất tập trung, hay mệt mỏi, uể oải, tâm lý thì chán nản, hay cáu bẳn và có ý định muốn phá phách, đôi khi gây ra tâm lý lo lắng và bất an.
Nhưng ở mức độ nặng thì có thể gây ra hiện tượng ảo giác, không kiểm soát được hành vi của bản thân, có những biểu hiện quá khích và phản cảm. Trên mạng xã hội facebook hiện nay không thiếu những cảnh tượng bị cho là "ngáo đá" (tên gọi của những người đã sử dụng ma túy đá quá nhiều).
Những người này thường sẽ có biểu hiện là mắt trắng dã, trợn ngược, mặt đờ đẫn hoặc la hét, người luôn rung lắc, không đứng yên, thậm chí còn cởi hết quần áo, lăn lê trên đường, trèo lên lan can hoặc nóc nhà, mái nhà cao tầng để đi lại, cười nói lớn tiếng… Thật sự đáng sợ.
Nhưng có lẽ bấy lâu nay, hậu quả đáng tiếc nhất của ma túy chính là việc người sử dụng dễ bị lây nhiễm HIV/AIDS. Trong số những nguyên nhân lây nhiễm căn bệnh thế kỉ ấy, phần lớn thuộc về việc sử dụng ma túy.
Nhưng còn lo ngại hơn đó là sử dụng ma túy ảnh hưởng tới nhân cách và phẩm chất của họ. Có lẽ xã hội không bao giờ muốn chấp nhận người nghiện ma túy như một người tử tế. Họ cũng rất khó có thể trở thành người tử tế. Cứ nhìn những hình ảnh nêu ra ở trên thì không thể nào họ tử tế được. Trong khi ấy còn chưa kể, họ phải tìm mọi cách để có tiền mua thuốc.
Cho nên nếu không vòi vĩnh gia đình thì cũng sẽ tìm cách như ăn cắp, ăn trộm hay lừa dối người khác, bất chấp mọi thủ đoạn để có thể mua được ma túy. Chúng ta chẳng còn xa lạ với cái cảnh con nghiện sẵn sàng chửi rủa và đánh đập chính cha mẹ hay người thân trong gia đình mình để được cho tiền mua ma túy. Có người chẳng còn con đường nào khác mà chấp nhận buôn bán ma túy để có thể nuôi cơn nghiện của chính mình.
Từ việc sử dụng ma túy tới con đường phạm pháp là rất ngắn ngủi. Họ dần dần trở thành những con người hết sức đáng sợ, bị xã hội coi thường và muốn tránh xa. Chắc chắn chẳng ai muốn sống chung một khu phố mà ở đó có người bị nghiện ma túy. Hay chỉ cần nghe thông tin về một trại cai nghiện mà học viên phá cửa bỏ trốn là cả xã hội cũng đầy rẫy lo lắng rồi. Sự mất mát về nhân cách và tâm hồn của họ vô cùng lớn. Cơ hội làm lại cuộc đời và sống tử tế gần như không thể. Tương lai và sự nghiệp đều bị hủy hoại. Cái giá phải trả cho việc dùng ma túy quá đắt.
Bên cạnh đó, việc sử dụng chất ma túy còn gây ra biết bao nhiêu hậu quả vô cùng đáng tiếc cho gia đình và xã hội. Cha mẹ đau lòng và nhục nhã vì có con nghiện, gia đình tan hoang và kiệt quệ vì có con nghiện. Những mất mát về mặt vật chất và tinh thần khó có thể đong đếm được. Chỉ biết nỗi đau khi có người thân bị nghiện là có thật và là bi kịch cả đời. Vì đối tượng nghiện không có giới hạn, nên việc kiểm soát con người với phương diện này là rất phức tạp.
Xã hội sẽ bị đảo lộn, tình hình an ninh trật tự cũng khó đảm bảo, kinh tế khó phát triển và hình ảnh về mặt văn hóa cũng như con người và đất nước cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Một lực lượng lao động lớn không được sử dụng, ngành du lịch cũng bị hạn chế đi rất nhiều vì không ai dám tới một vùng hoặc một quốc gia tệ nạn và không ổn định. Cho nên thiệt hại về xã hội mà ma túy đã và đang gây ra là vô cùng lớn và khó kiểm soát.
Nhưng có lẽ, điều đáng lo ngại nhất là vấn đề trẻ hóa của những người nghiện ma túy, trong đó có một bộ phận không nhỏ là những người còn đang ở lứa tuổi học sinh. Theo thống kê của Bộ Lao động và Thương binh xã hội năm 2017, có tới 8% số người nghiện đang ở tuổi vị thành niên và càng ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Đó thực sự là một con số biết nói và cho thấy được diễn biến vô cùng phức tạp của các loại hình ma túy có mặt trong xã hội hiện nay. Thật chẳng khó để các bạn trẻ mua được ma túy cả, có khi ngay ở ngoài cổng trường, quán internet hay ở những quán bar, vũ trường…
Nên việc để giảm thiểu đi tác hại của ma túy, nhất là trong môi trường học đường là điều vô cùng cần thiết. Chỉ cần nhìn vào những hậu quả mà nó gây ra sẽ cho thấy những chủ nhân tương lai của đất nước mà vướng phải vòng vây của "cung đường trắng" thì khó có thể thoát khỏi mức án tử hình của cuộc đời.
Vào giữa năm 2017, cả nước đã rúng động bởi một vụ việc đó chính là các chiến sĩ công an Việt Nam đã triệt phá được một đường dây sản xuất và buôn bán thuốc lắc, cung ứng trực tiếp cho nhiều vũ trường và quán bar từ Bắc vào Nam. Kẻ cầm đầu và những người có liên quan đều đã bị bắt và chờ đợi một hình phạt thích đáng.
Nhưng chúng ta vẫn có nhiều lo ngại bởi một đường dây lớn như vậy đã hoạt động rất nhiều năm nay và nó chỉ là những gì mà chúng ta biết và nhìn thấy mà thôi. Vậy đã có bao nhiêu cuộc đời của bao nhiêu con người bị hủy hoại bởi nó? Còn bao nhiêu những vụ việc về buôn bán, tàng trữ và vận chuyển ma túy vẫn chưa được phát giác? Ma túy – mối hiểm họa vẫn chưa thể dừng lại trong xã hội hiện đại.
Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội mẫu 3: Hiện tượng ô nhiễm môi trường
Môi trường là nơi chúng ta sinh sống, phát triển hàng ngày, là không gian để sinh tồn của rất nhiều những loại động vật, thực vật trong tự nhiên. Tuy nhiên, ngày nay do ý thức không tốt của con người mà môi trường đang ngày càng trở nên ô nhiễm nặng nề. Sự ô nhiễm này không chỉ gây suy giảm chất lượng môi trường sống mà còn đe dọa đến chính sự sống của con người trên trái đất.
Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, đời sống xã hội tuy đã được cải thiện rất nhiều. Nhưng song song với nó là những tác hại vô hình nhưng lại để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với cuộc sống của con người. Đó chính là thực trạng suy giảm môi trường sống, môi trường tự nhiên. Sự phát triển của công nghiệp kéo theo một loạt các mặt trái như: rác thải trong quá trình sản xuất, khói bụi thải ra từ các nhà máy, rồi để phục vụ cho sản xuất, cho phát triển kinh tế mà con người đã khai thác quá mức cho phép các nguồn lực tự nhiên, từ đó gây suy giảm sinh thái, gây ô nhiễm môi trường. Môi trường sống ở đây có thể hiểu là bao gồm các yếu tố tự nhiên như: nước, không khí, cây cối, đất đai… là những yếu tố có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống của con người. Mà khi những yếu tố này bị nguy hại, nó sẽ đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của con người cũng như của các loài sinh vật, thực vật trong tự nhiên.
Sự phát triển công nghiệp, sự phát triển của đời sống xã hội, đời sống kinh tế đã kéo theo một loạt những tác hại đối với môi trường. Cụ thể như: khi khói bụi ở các nhà máy sản xuất công nghiệp, khói bụi ở đường xá xe cộ thải vào trong không khí sẽ làm cho bầu khí quyển bị ô nhiễm, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, cũng như sức khỏe của con người trong xã hội. Ta có thể thấy không khí là yếu tố duy trì sự sống của con người thông qua hoạt động hô hấp của cơ thể. Vì vậy, một khi môi trường bị ô nhiễm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của con người. Con người có thể một ngày không ăn hoặc không uống nhưng không thể không thở, dù chỉ là một phút. Nói như thế ta mới thấy được vai trò của môi trường không khí, và sự nguy hiểm, đe dọa của ô nhiễm môi trường đến sự sống của con người.
Không chỉ có môi trường không khí bị ô nhiễm mà nguồn nước thải trong công nghiệp, trong sinh hoạt chưa được xử lí mà thải trực tiếp ra ngoài môi trường gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Môi trường nước khá nhạy cảm, chỉ cần ô nhiễm một vùng nước sẽ có nguy cơ lây lan ra rất nhiều các vùng khác, các ao hồ, sông suối khu vực xung quanh. Môi trường nước bị ô nhiễm không chỉ làm cho cá, tôm, các loài thủy sinh chết mà còn gây nguy hiểm cho con người bởi nguồn nước bị ô nhiễm là nguồn nước con người sinh hoạt hàng ngày, từ đó sẽ gây ra nhiều căn bệnh lạ về da, về đường hô hấp, đặc biệt là căn bệnh ung thư. Hẳn chúng ta còn nhớ vụ việc công ty sản xuất mì chính Vedan xả nước thải sản xuất ra môi trường mà không hề qua khâu xử lí nước thải nào. Hành động vô ý thức này đã khiến cho nước của cả một vùng bị ô nhiễm trầm trọng, người dân một làng lân cận đó bị ung thư rất nhiều. Vụ việc này đã thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận trong một thời gian dài.
Ô nhiễm nước còn làm các con sông trở thành sông chết. Ví dụ như con sông Tô Lịch ở Hà Nội, do lượng rác sinh hoạt thải xuống quá nhiều mà giờ đây nó đã trở thành một con sông chết, không có bất kì loài sinh vật nào có thể sống ở đó, màu nước đen đục như màu của nước cống, khi di chuyển qua khu vực này còn có mùi thối của rác thải. Ô nhiễm môi trường nước còn gây ra những hệ lụy quan trọng, đó là gây ô nhiễm môi trường đất. Vì giữa chúng có mối quan hệ rất thân thiết. Nước thải, rác thải ngấm vào đất gây ô nhiễm. Vùng đất bị ô nhiễm này khiến cây cối không thể sinh trưởng được, mặt khác đất bị ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, làm nó ô nhiễm theo. Khi con người sử dụng nguồn nước ô nhiễm này thì rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Ngoài ra, thực trạng chặt phá rừng để phục vụ cho sản xuất một cách bừa bãi, thiếu hợp lí cũng làm cho môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mất rừng sẽ gia tăng các loại thiên tai, làm cho thời tiết thất thường. Mưa lớn nhưng không có những cánh rừng đầu nguồn cản trở dòng chảy dễ gây sạt lở đất đá, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Như vậy, môi trường sống của chúng ta đang bị đe dọa nghiêm trọng vì hiện trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, vì vậy để bảo vệ môi trường sống cũng chính là bảo vệ sự sống của con người, thì chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tuyên truyền để bạn bè, người thân cùng những người trong xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường. Chỉ có như thế môi trường sống của chúng ta mới trở nên trong sạch, tốt đẹp.
Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội mẫu 4: Những hành vi thiếu lệch chuẩn
Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển thì những giá trị về mặt đạo đức, giá trị của con người lại càng thêm thay đổi. Đặc biệt là ở trong giới trẻ, khi mà bắt đầu xuất hiện thêm những trường hợp gây ra những hành động phản cảm đã đi ngược lại với truyền thống của dân tộc nước ta. Như là hành động của một cô thiếu nữ có “khuôn mặt ưa nhìn” đã phô ra ở trên mạng xã hội Facebook cả một loạt những hình ảnh ngồi ghếch chân lên trên bia mộ liệt sĩ…” - (Theo Nỗi sợ hãi không muốn “học làm người” - trong Mục Góc nhìn của nhà thơ Trần Đăng Khoa - báo Tuổi trẻ và đời sống, số 152 ngày 14/1/2013).
Hành động của cô thiếu nữ ấy thể hiện sự thiếu văn hóa trong tư duy và lối sống. Ở Việt Nam, giáo dục dành cho những người phụ nữ thường tập trung vào những giá trị truyền thống như nết na, thướt tha và kỹ năng giao tiếp. Phụ nữ được khuyến khích học ăn nói, đứng ngồi, biết vị trí và biết cách ứng xử trong mọi tình huống. Những giáo lý này được coi là quan trọng trong xã hội và ảnh hưởng đến cách phụ nữ xử lý vấn đề. Vậy mà cô thiếu nữ đó lại có những hành động bất kính là “trên những bia mộ liệt sỹ” - đây là một nơi vô cùng trang nghiêm, đáng nhẽ ra cần phải tỏ lòng tôn kính và sự biết ơn. Không những thế lại còn đăng lên mạng xã hội để cho rất nhiều người xem. Đủ thấy được sự suy đồi ở trong cách sống và cả trong suy nghĩ của người thiếu nữ có “khuôn mặt ưa nhìn này”. Hiện nay tình trạng cơ số một bộ phận thanh, thiếu niên đang tồn tại những suy nghĩ và những hành động lệch lạc, có nhiều hành vi phản cảm, thiếu đi tính văn hóa, đi ngược lại những truyền thống đạo lí của dân tộc là không ít. Tình trạng giới trẻ ngày nay sống một cách buông thả, không coi trọng những giá trị về đạo đức, văn hóa đã và đang diễn ra phổ biến và ở rất nhiều nơi. Ví dụ như những hành vi về bạo lực học đường.
Cách đây không lâu rất nhiều người đã tỏ ra bàng hoàng vì một đoạn video clip nữ sinh đánh bạn rất nặng nề và đăng tải trên Internet. Trong clip này có một cô bé đang bị một nữ sinh tóc ngắn khác vừa đánh tới tấp vào mặt kèm theo nói những ngôn từ tục tĩu với kiểu “dạy dỗ” rất đàn anh đàn chị. Trong khi đó xung quanh thì nhiều học sinh khác lại ngồi chễm chệ ở ghế đá và rất thản nhiên nhìn vụ đánh hội đồng này và không làm gì. Một thái độ đầy vô cảm không thể ngờ đến được! Vấn đề ăn mặc của thanh niên ngày nay thường gây tranh cãi với việc chọn lựa trang phục quá ngắn, mỏng, hở, hoặc kỳ quặc. Tại các thành phố lớn, phong cách ăn mặc táo bạo thường xuất hiện. Áo mỏng, quần jean rách, áo thun in hình độc đáo hoặc mang nội dung gây tranh cãi thường được những bạn trẻ ưa chuộng. Mục đích chủ yếu là thu hút sự chú ý và tạo nên sự khác biệt trong cộng đồng. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ thường không chú ý đến sự đẹp đẽ, lịch sự, hay phù hợp của trang phục. Thay vào đó, họ tập trung vào việc tạo ra sự gây sốc và lập dị, tăng cường vẻ nổi bật của bản thân, tạo nên một xu hướng thời trang "lệch chuẩn" đang trở nên rất phổ biến.
Vậy thì đâu là nguyên nhân của những hành vi thiếu lệch chuẩn đó? Nguyên nhân của những hành vi thiếu chuẩn mực thường xuất phát từ nhiều yếu tố. Một khía cạnh đó có thể là sự thiếu quan tâm và giáo dục từ gia đình và nhà trường. Cha mẹ, tập trung vào công việc kiếm sống, thường bỏ qua sự quan sát và hiểu biết về suy nghĩ, hành động của con cái. Sự tự do phát triển mà họ để lại cho trẻ có thể dẫn đến hướng phát triển tiêu cực. Đôi khi, thiếu hiểu biết về giá trị văn hóa và truyền thống Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành những hành vi không phù hợp. Ảnh hưởng từ phim ảnh, internet, và lối sống cá nhân thích làm nổi cũng đóng góp vào tình trạng này. Mạng xã hội và các trang giải trí trực tuyến mang lại nhiều lợi ích như thông tin và kết nối, nhưng cũng mở ra cửa cho thông tin tiêu cực và sốc, đặc biệt đối với thanh thiếu niên. Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là do tâm hồn và ý thức cá nhân của từng người. Mặc dù có môi trường giáo dục tốt, nhiều thanh thiếu niên vẫn có thể rất vô tư và không có ý thức tự cải thiện. Họ có thể bỏ qua cơ hội được quan tâm và giáo dục, không tự đặt ra những tiêu chuẩn và giới hạn cho bản thân. Sự chấp nhận bản thân mà không có ý thức tự hoàn thiện có thể làm tăng nguy cơ hình thành những hành vi không tốt, bất chấp sự quan tâm và giáo dục từ gia đình và xã hội.
Hậu quả của những hành động thiếu văn hóa và thiếu suy nghĩ ở giới trẻ là vô cùng lớn. Trước hết, ảnh hưởng lớn nhất là lên bản thân họ khi xã hội đánh giá và chỉ trích những hành động không tuân thủ chuẩn mực. Cảm giác bị lên án có thể gây sự áp lực tinh thần, khiến họ sợ hãi đối mặt với sự phê phán từ xã hội và truyền thông. Không chỉ tác động đến tâm lý cá nhân, những hành động này còn gây ảnh hưởng tiêu cực lớn đến xã hội và cộng đồng xung quanh. Chúng tạo ra sự xôn xao và bất bình trong dư luận, làm tổn thương và xúc phạm đến những giá trị đạo đức, nguyên tắc sống tốt đẹp của xã hội. Điều này không chỉ là việc ảnh hưởng đến cá nhân mà còn tạo ra hiệu ứng dây chuyền những tiêu cực, tác động đến những người trẻ khác trong cộng đồng. Hành động cá nhân thiếu suy nghĩ có thể làm đảo lộn và phá vỡ những giá trị cộng đồng, đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của xã hội, khiến cho ý nghĩa của tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn" trở nên mất đi giá trị vốn có.
Để khắc phục những tình trạng đó, cần tăng cường nhận thức ở giới trẻ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng. Đoàn thanh niên có thể đóng vai trò quan trọng bằng cách tổ chức thường xuyên các diễn đàn, tuyên truyền và giáo dục về lối sống đẹp, khuyến khích giữ gìn những giá trị truyền thống, nhấn mạnh về ý nghĩa tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn". Điều này giúp giới trẻ hiểu rõ hơn về vẻ đẹp của những giá trị này, thúc đẩy họ hành động đúng theo chuẩn mực. Hình ảnh phản cảm trong cuộc sống hàng ngày cũng như trên mạng xã hội cần phải được dư luận lên án một cách mạnh mẽ. Gia đình và nhà trường đóng vai trò quyết định trong việc nhắc nhở, giáo dục và thậm chí quyết liệt bác bỏ đi những hành vi không đúng đắn của giới trẻ. Điều này giúp thay đổi suy nghĩ và hành động của họ, hướng tới sự hoàn thiện tích cực về bản thân.
Qua các hiện tượng lệch chuẩn, cần thiết phải tích cực trau dồi về nhân cách, bồi đắp những giá trị đạo đức và văn hóa, đặc biệt là truyền thống "Uống nước nhớ nguồn". Việc kiên quyết lên án và ngăn chặn các biểu hiện của lối sống vô cảm, thiếu văn hóa là vô cùng quan trọng để xã hội phát triển lành mạnh và tiến bộ hơn. Điều này đồng thời đặt ra một thách thức quan trọng, là sự cần thiết phải phân định rõ và thực hiện các biện pháp giáo dục, tạo ra môi trường tích cực để giáo dục giới trẻ và hỗ trợ họ hình thành những giá trị tích cực và có ý thức đạo đức.
Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội mẫu 5: Chiến tranh
Hòa bình luôn là biểu tượng của sự bình yên là niềm mơ ước của tất cả mọi người. Chúng ta được sống trong môi trường hòa bình ngày hôm nay chính là niềm hạnh phúc của chúng ta.
Dân tộc của chúng ta đã trải qua biết bao đau thương từ những cuộc chiến tranh trong lịch sử. Đặc biệt là hai cuộc chiến tranh gần đây nhất là cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hai cuộc chiến tranh này đã để lại những nỗi đau thương, mất mát vô cùng lớn cho nhiều thời thế hệ. Những đau thương ấy đến nay chúng ta vẫn chưa thể khắc phục, chính vì thế cho nên dân tộc ta hơn ai hết hiểu rõ nhất về tầm quan trọng của hòa bình. Không những Việt Nam chúng ta chúng ta mà toàn thể nhân dân ưa chuộng hòa bình trên thế giới đều mong muốn có một thế giới hòa bình, chan chứa tình thương.
Ở đó con người ta được sống hạnh phúc được thấy nụ cười trên môi em thơ, hạnh phúc trên đôi mắt hằn chân chim của người già. Đau thương từ chiến tranh đã và đnag lùi dần vòa quá khứ thay vào đó là một thế giới hòa bình, phát triển như hôm nay. Chúng ta hãy trân quý những phút giây hạnh phúc này, hãy cống hiến và tận hưởng những điều tốt đẹp nhất của thế giới này, của nhân loại mang lại. Hãy kiên quyết đấu tranh với những thế lực phản động, âm mưu diễn biến hòa bình để phát động chiến tranh. Đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay cần tỉnh táo hơn với những âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch hòng bạo loạn lật đổ.
Chúng ta đang được sống trong môi trường hòa bình hà cớ gì phải làm những điều hủy hoại hòa bình, phát động chiến tranh. Chúng ta được sống như ngày hôm nay, được sống trong những phút giây hòa bình chính là nhờ công lao của biết bao vị anh hùng dân tộc đã ngã xuống, cho nên chúng ta cần kiên quyết đấu tranh với âm mưu diễn biến hòa bình hiện nay. Hòa bình là điều mong ước của toàn thể nhân loại. Và chúng ta đang được sống trong những giây phút ấy thì hãy sống cho thật xứng đáng với những gì chúng ta đã được nhận hôm nay, sống chan hòa nhân ái như Tố Hữu đã từng viết:
“Có gì đẹp trên đời hơn thế,
Người với người sống để yêu nhau”.
Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội mẫu 6: Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta
Rừng là nguồn tài nguyên có vai trò vô cùng quan trọng và có khả năng tác động trực tiếp đến môi trường sống của con người, vì thế bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. "Rừng": là nguồn tài nguyên quý giá, thường ở cao hơn đồng bằng và là nơi tập trung nhiều loại cây và động vật quý hiếm. "Bảo vệ" là giữ gìn an toàn cho một cơ quan hay một nhân vật. Bảo vệ rừng là bảo vệ. giữ gìn và phát triển tài nguyên rừng. Vì sao rừng lại có vai trò quan trọng đến vậy? Bởi rừng là ngôi nhà chung của muôn loài thực vật,trong đó có những loài vô cùng quý hiếm. Rừng là lá phổi xanh của trái đất, cung cấp oxi, ngăn nước lũ, chống xói mòn, điều hòa khí hậu... Rừng cho gỗ quý, dược liệu, khoáng sản... Thế nhưng ngày nay, hiện tượng chặt phá, đốt rừng bừa bãi đã gây nên hậu quả nghiêm trọng. Đó là những kẻ chặt phá rừng đầu nguồn, rừng lâu năm không biết giới hạn là gì. Là những kẻ khai thác tài nguyên, động vật rừng đến cạnh kiệt. Từ đó, gián tiếp dẫn đến biến đổi khí hậu, sạt lở đất và những trận lũ lịch sử, khiến thế giới mất đi hơn 13 triệu hecta rừng, động thực vật mất chỗ ở, các loài thú quý hiếm dần tuyệt chủng... Để bảo vệ rừng cũng như bảo vệ cuộc sống của chúng ta, cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc, ngăn chặn nạn chặt phá rừng, đốt rừng bừa bãi, đồng thời có những biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp phá hoại, chặt phá cây rừng... chỉ cần tất cả mọi người cùng chung tay, thì những cánh rừng sẽ sớm xanh tươi trù phú trở lại. Lúc đó, cuộc sống của chúng ta sẽ lại bình yên, trong lành như xưa.
Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội mẫu 7: Cảm thông và sẻ chia
Trong cuộc sống ngày nay với bộn bề lo toan mệt mỏi, người ta dần quên đi những đạo lí ứng xử cần thiết và một trong số đó là cảm thông chia sẻ. Có thể nói "Cảm thông và chia sẻ là một đức tính cần thiết của mọi người”.
Cảm thông và chia sẻ là một quan niệm gần gũi, quan trọng và mỗi người đều có thể hiểu được cảm nhận được. Cảm thông là hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của người khác. Còn chia sẻ là san sẻ, gánh vác giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống rằng cả suy nghĩ và hành động, bằng cả vật chất và tinh thần. Chia sẻ còn là cùng với nhau để cùng chịu là san sẻ với người khác những gì mình có để họ cùng hướng. Vì thế, mà cảm thông và chia sẻ là một đức tính tốt của con người, là lẽ sống mà con người nên hướng tới.
Vậy, tại sao mỗi chúng ta cần phải cảm thông và chia sẻ? Trong xã hội vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như trẻ em lang thang cơ nhỡ, người nghèo, nạn nhân của chiến tranh, thiên tai, những người khuyết tật, người có cảnh ngộ éo le…. Họ là những người rất cần được sự cảm thông của mọi người và cộng đồng. Cảm thông và chia sẻ là biểu hiện của tình người, của ý thức vị tha, vì người khác. Mỗi con người chúng ta không ai có thể sống tách rời người thân tập thể, cộng đồng. Sự cảm thông, chia sẻ giúp người gặp khó khăn có thêm sức mạnh, nghị lực, niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn. Không những vậy, nó còn giúp con người có điểm tựa, sự động viên, giúp đỡ khi vấp ngã, khi thất bại, thậm chí cả khi ta mắc sai lầm trong cuộc sống. Người biết đồng cảm chia sẻ nhận được tình yêu thương sự cảm phục, biết ơn từ chính người nhận được chia sẻ, cảm thông và đồng thời còn nhận được sự tin yêu, quý mến từ mọi người xung quanh. Cảm thông và chia sẻ, giúp mọi người gần gũi, gắn bó hơn và là cầu nối giữa người với người tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp. Có như vậy, gia đình mới em ấm, hạnh phúc, xã hội mới văn mình, tốt đẹp. Bên cạnh đó, thông cảm và sẻ chia với người khác là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, là truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.
Bên cạnh đó có những người quan tâm nhưng họ tỏ ra là trên thiếu sự chân thành của con người để dẫn đến sự giả dối. Có những kẻ quan tâm để cầu lộc khi không thể trục lợi sẽ dễ phơi bày bản chất. Nguyễn Bỉnh Khiêm từng viết đoạn thơ phê phán trong tác phẩm Thói đời:
“Thớt có tanh tao ruồi đỗ đến
Gang không mật mỡ kiến bò chi!
Đời nay những trọng người nhiều của
Bằng đến tay không ai kẻ vì?”
Vì thế mà chúng ta cần phê phán, tố cáo những kẻ quan tâm có tính chất vụ lợi, giả tạo, phê phán sự lạnh lùng, thờ ơ, vô cảm của con người hiện nay. Mỗi chúng ta cần cần chia sẻ, sống có tình người như Bill Gates, như Hồ Chí Minh… Nguyễn Khuyến có câu “Còn tiền còn rượu còn đệ tử/ Hết cơm hết rượu hết ông tôi”.
-/-
Trên đây là mẫu dàn ý và một số bài văn thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội do Đọc tài liệu sưu tầm và tổng hợp, các em có thể dựa vào đó kết hợp với những hiểu biết của mình về sự vật hiện tượng để viết thành một bài thuyết minh hoàn chỉnh nhất. Chúc các em học tốt!
Sưu tầm và tuyển chọn Văn mẫu 11 hay nhất / Đọc Tài Liệu