Trang chủ

Thuyết minh về bánh chưng ngày Tết

Xuất bản: 20/01/2020 - Cập nhật: 29/12/2020 - Tác giả:

Tham khảo ngay dàn ý cùng văn mẫu thuyết minh về bánh chưng ngày Tết để giới thiệu món ăn truyền thống của dân tộc ta tới bạn bè quốc tế.

Mục lục nội dung

Bánh chưng là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc ta. Đối với đề tài thuyết minh về bánh chưng ngày Tết khá được các thầy cô yêu thích đặc biệt là trong thời gian cận và sau Tết.

Với mong muốn giúp các em hiểu rõ và làm tốt nhất đề tài này thì chúng tôi xin gửi tới các em dàn ý kèm một số bài văn mẫu hay nhé!

Dàn ý thuyết minh về bánh chưng ngày Tết

Chi tiết như sau:

I. Mở bài:

- Giới thiệu món ăn truyền thống của dân tộc: Bánh chưng

- Đây là món ăn đặc trưng, không thể thiếu trong mâm cỗ Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

II. Thân bài:

1. Nguồn gốc bánh chưng

- Sự tích bánh chưng:

+ Bánh chưng được lưu truyền thuyết liên quan đến hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ 6

+ Món bánh này nói đến sự nhắc nhở của Vua đến sự quan tâm đến và biết ơn đến lúa nước.

- Quan niệm dân gian về bánh chưng:

+ Bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa

+ Bánh chưng tượng trưng cho trời

2. Nguyên liệu làm bánh

- Lá gói bánh

- Lạc buộc

- Gạo nếp

- Đỗ xanh

- Gia vị khác

3. Công đoạn gói bánh chưng

- Lá gói: lá dong hoặc lá chuối, rửa lá cho sạch rồi đem phơi ráo nước

- Gạo nếp: được vo sạch, ngâm để hạt được mềm

- Đỗ xanh: ngâm tách vỏ, giã nhuyễn (hoặc để chỉ tách đôi ở một số địa phương) trộn với thịt

- Thịt lợn: rửa sạch, cắt nhỏ và ướp gia vị

4. Quy trình thực hiện:

- Gói bánh: bánh được gói bằng tay, có thể sử dụng khuôn bánh vuông vắn tùy theo kích thước mỗi nơi để bánh có diện mạo bắt mắt nhất.

- Luộc bánh: bánh được xếp vào nồi luộc trong khoảng 6 đến 12 tiếng (tùy loại bánh)

- Sử dụng bánh:

+ Bánh ăn hàng ngày: bánh chưng được cắt thành 8 miếng và được ăn từ đêm 30 Tết

+ Bánh được dùng để cúng vào ngày tết (bánh bày trên bàn thờ tổ tiên)

+ Bánh được dùng để biếu tặng

III. Kết bài:

- Khẳng định bánh chưng là món ăn truyền thống của dân tộc Việt Nam

- Chúng ta nên lưu giữ truyền thống của dân tộc.

Văn mẫu thuyết minh về bánh chưng ngày Tết

Bài văn thuyết minh về bánh chưng ngày Tết với mở bài gián tiếp (bài số 1)

Bánh chưng - biểu tượng trongTết cổ truyền của dân tộc Việt Nam ta

Trong dân gian, mỗi dịp xuân về người ta vẫn thường nghe câu:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ 

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Vâng đúng vậy, bánh chưng đã trở biểu tượng không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam ta. Từ xa xưa đến nay, hình ảnh nhà nhà tất bật chuẩn bị quây quần bên nồi bánh chưng để đón Tết vô cùng quen thuộc với chúng ta. Bởi trong tâm thức của mỗi người thì bánh chưng là món ăn mang ý nghĩa sum vầy, đoàn viên.

Tương truyền trong câu nói của ông bà ta rằng bánh chưng ngày Tết đã có từ rất lâu. Mọi người vẫn tin rằng bánh chưng bánh giầy có từ thời vua Hùng thứ 6, và cho đến ngày nay thì nó đã trở thành biểu tượng của Tết truyền thống tại nước ta. Người đời vẫn luôn cho rằng bánh chưng là minh chứng cho sự đủ đầy của trời đất và sự sum vầy của gia đình sau một năm trời làm việc tất bật.

Cho dù chúng ta có ở bất cứ đâu trên mảnh đất hình chữ S này thì bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Có thể nói đây là món ăn được chờ đợi nhiều nhất, vì ngày Tết mới đúng là ngày thưởng thức những chiếc bánh chưng ngon và ấm áp nhất. Nhưng nếu bạn tới các vùng miền khác nhau thì bạn sẽ được thưởng thức hương vị cũng như thấy được cách làm đặc trưng ở mỗi nơi có điểm khác nhau.

Về nguyên liệu, bánh chưng được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản và thân quen với đời sống nhân dân. Nguyên liệu chính là gạo nếp, lá dong, thịt, đậu xanh giã nhỏ (hoặc nhân đậu hấp). Mỗi nguyên liệu đều được chọn lọc thật kỹ để có thể tạo nên món ăn ngon và đậm đà nhất. Về phần gạo nếp thì ta chọn những hạt tròn lẳn, đều hạt, không bị mốc, khi nấu lên ngửi thấy mùi thơm lừng của nếp. Đậu xanh chọn loại đậu có màu vàng đẹp, nấu nhừ lên và giã nhuyễn làm nhân. Thịt ba chỉ hoặc thịt nạc cần trộn với tiêu xay, nêm nếm vừa ăn. Một nguyên liệu khác không kém phần quan trọng chính là lá dong để gói bánh. Ở một số vùng khác người ta dùng lá chuối gói bánh nhưng phổ thông nhất vẫn là lá dong. Lá gói bánh cần lau sạch, bỏ cuống, cắt thành miếng hoặc theo khuôn bánh để bánh có bề ngoài bắt mắt.

Việc lựa chọn lá gói bánh vô cùng quan trong. Lá dong cần có màu xanh đậm, có gân chắc, không bị héo và rách nát. Hoặc nếu những chiếc lá bị rách người ta có thể lót bên trong chiếc lá lành hoặc cắt đệm lá để gói sao cho giữ được hình vuông vắn và khi luộc bánh không bị vỡ. Khâu rửa lá dong, cắt phần cuống đi cũng rất quan trọng vì lá dong sạch mới đảm bảo vệ sinh cũng như tạo mùi thơm đặc trưng sau khi nấu bánh.

Sau khi chuẩn bị xong tất cả các nguyên vật liệu thì đến khâu gói bánh. Gói bánh chưng cần sự tẩn mẩn, tỉ mỉ và khéo léo để có được những chiếc bánh vuông vắn dâng lên ông bà tổ tiên. Nhiều người sử dụng khuôn vuông để gói nhưng nhiều người lớn có nhiều năm kinh nghiệm thì không cần, họ chỉ cần gấp 4 góc của chiếc lá dong lại là có thể gói được một chiếc bánh vô cùng đẹp. Bao bọc xung quanh nhân đậu và thịt là một lớp gạo nếp thật dày, phủ kín. Chuẩn bị dây lạt để gói, giữ cho phần ruột được chắc, không bị nhão ra trong quá trình nấu bánh.

Gói bánh đã khó thì công đoạn luộc bánh cũng vô cùng quan trọng. Thông thường mọi người luộc bánh trong một nồi to, đổ đầy nước và sử dụng củi khô, to để luộc trong khoảng từ 8 - 12 tiếng. Thời gian luộc bánh lâu như thế là vì để đảm bảo bánh sẽ chín đều và đạt được độ dẻo. Khi nồi bánh sôi cũng là lúc mùi bánh chưng bốc lên nghi ngút. Khi đó ta mới cảm nhận được không khí Tết mới trọn vẹn.

Sau khi chín, bánh chưng được mang ra và lăn qua lăn lại để tạo sự săn chắc cho chiếc bánh khi cắt ra đĩa và có thể để được lâu hơn.

Đối với mâm cơm cúng ngày Tết thì đĩa bánh chưng là điều tuyệt vời không thể thiếu. Cũng như trên bàn thờ ngày tết, một cặp bánh chưng cúng tổ tiên là phong tục lưu truyền từ bao đời nay. Bánh chưng không chỉ tượng trưng cho sự trọn vẹn của trời đất, cho những gì phúc hậu và ấm áp nhất của lòng người mà nó còn là những tình cảm đong đầy gắn kết của cả gia đình nữa.

Hiện nay trong những ngày Tết đến, người ta còn sử dụng bánh chưng như một món quà biếu, lễ Tết những người lớn tuổi. Nó tượng trưng cho lòng thành, cho sự chúc phúc tròn đầy nhất.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, nồi bánh chưng nghi ngút khói chính là dấu hiệu cho sự ấm áp đoàn viên. Vì vậy, nó là món ăn truyền thống của người Việt mà không loại bánh nào có thể thay thế được. Đây chính là truyền thống, là nét đẹp của con người Việt Nam mà ta cần gìn giữ và tôn trọng từ quá khứ, hôm nay và cả ngày mai nữa.

Xem thêm văn mẫu: Thuyết minh về mâm ngũ quả ngày Tết

Bài văn số 2 thuyết minh về bánh chưng ngày Tết

Bánh chưng - thức quà gắn liền với tuổi thơ của mỗi người

Ta vẫn thường được nghe kể về sự tích “Bánh chưng, bánh giầy” qua lời kể của bà, của mẹ: “Ngày xửa ngày xưa, vua Hùng muốn nhường lại ngôi vua của mình cho các con nên đã truyền rằng các hoàng tử hãy dâng lên vua những vật có ý nghĩa và lạ nhất thì sẽ truyền ngôi cho. Khi ấy Lang Liêu đã làm ra hai loại bánh trong đó có bánh chưng tượng trưng cho đất được vua khen ngợi rồi truyền ngôi báu cho. Từ đó bánh chưng được lưu truyền để dân ta dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.

Quan niệm dân gian về bánh chưng cũng từ đó mà ra, người ta vẫn thường nói bánh chưng tượng trưng cho Trời Đất, là thức quà được ban tặng. Cho tới ngày nay, nhân dân ta đã sử dụng bánh chưng vào ngày Tết giống như một món ăn truyền thống đặc trưng không thể thiếu. Vật liệu chính để làm bánh chưng bao gồm lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lạt, đó đều là những vật liệu dễ tìm, thân thuộc với người dân.

Về phần gói bánh thì nhân dân ta thường gói bánh theo hai hình là hình vuông truyền thống và hình tròn dài. Theo cách gói bánh vuông truyền thống nếu muốn cho bánh đẹp vuông vắn thì ta cần lựa lá dong phải to và dài, trước khi gói lá cần được rửa sạch, để khô rồi cắt đầu đuôi. Thông thường khi làm bánh chưng vuông, ta cắt lá và gấp khúc trước rồi xếp hai lá lên nhau, sau đó đổ một lớp gạo nếp dày, tiếp là đổ một ít đỗ bên trên, rồi miếng thịt đã ướp gia vị và cuối cùng là một lớp đỗ và lớp gạo nếp dày lên trên cùng. Công đoạn gấp bánh cần phải đảm bảo các xếp lá chồng lên vuông vắn và ôm sát vào những nguyên liệu bên trong. Trước đó ta cần lấy tay ấn thật chặt cho gạo đỗ lấp đầy vào những chỗ hở để tạo thành một hình vuông vắn. Khi đã có một khối vuông vắn thì chúng ta phải lấy lạt buộc cố định lại rồi đem đi luộc.

Đối với bánh chưng tròn dài (địa phương gọi tắt là bánh dài) thì cũng tương tư nhưng cần đến lá dong dài hơn và buộc bánh theo hình dài chứ không nén chặt theo hình vuông. Thường nhân dân ta hay gói bánh chưng vào những ngày cuối năm như 29 hay 30 Tết để đón năm mới bên nhau, cả gia đình cùng trông nồi bánh chưng ấm cúng để chờ khoảnh khắc điểm giao giữa năm cũ và năm mới. Hình ảnh anh chị em quây quần, cũng kể cho nhau những gì đã trải qua trong năm cũ, nói ra những dự định mới cho năm tới. Đó chính là khoảnh khắc xua tan hết nhưng mệt mỏi, áp lực còn sót lại, ta chỉ tận hưởng khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình mà thôi.

Bánh chưng trong ngày Tết có những ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó là cách người Việt ta bày tỏ những tấm lòng nhớ về tổ tiên, về cội nguồn đã sáng tạo và để lại loại bánh có ý nghĩa này. Một món ăn thể hiện sự đầy đủ, trọn vẹn nhất cho bữa cơm đoàn viên. Và nó cũng là món ăn truyền thống không thể nào vắng mặt trong ngày tết của nhân dân ta.

Không những vậy, nhân dân ta sẽ chọn những chiếc bánh chưng đẹp nhất để dâng lên bàn thờ thờ cúng ông bà tổ tiên trong những ngày Tết.

Bánh chưng ăn nóng có lẽ là ngon nhất tuy nhiên thức quà này khi nguội rồi còn có thể cắt chúng ra từng miếng nhỏ đem rán lên ăn rất là ngon và thơm. Những người thích ăn nóng thì cũng có thể luộc lại như bình thường hoặc hấp nóng bánh.

Tóm lại, bánh chưng có ý nghĩa rất lớn trong đời sống cũng như tình cảm của nhân dân ta trong ngày tết truyền thống. Kể từ khi xuất hiện cho đến ngày nay, bánh chưng không chỉ khẳng định sự thơm ngon hấp dẫn mà còn xoay quanh những ý nghĩa sâu sắc của mình.


Xem thêm văn mẫu: Thuyết minh về Tết cổ truyền

Bài văn thuyết minh về bánh chưng ngày Tết số 3

Nét đẹp trong ẩm thực của nước ta - bánh chưng

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa ẩm thực đặc trưng như đất nước Hàn quốc là xứ sở của những loại kim chi, Pháp nổi tiếng với những hương vị rượu vang nổi tiếng. Ẩm thực là một nét văn hóa đặc trưng mà không quốc gia nào có được. Ẩm thực Việt cũng vậy, nhưng để chọn một thức quà nổi tiếng mà những nơi khác khó có được thì bánh chưng có lẽ là nét đẹp, là truyền thống không thể bỏ qua của nước ta.

Bánh chưng được biết đến là một món ăn truyền thống của người Việt, bánh chưng (bánh tét) được ví như linh hồn của bữa cơm giao thừa, bữa cơm đoàn viên. Mỗi người Việt đều biết đến sự tích bánh chưng bánh giầy. Sự tích liên quan đến việc truyền ngôi của vị vua Hùng đời thứ sáu. Ông đã đưa ra yêu cầu rằng: Trong 20 vị hoàng tử, ai dâng được của ngon vật lạ nhất đem đến để tế trời, đất thì sẽ được nhường ngôi. Khi đó hoàng tử thứ 18 là Lang Liêu đã dâng cho vua cha 2 loại bánh được làm từ gạo là bánh chưng và bánh giầy. Vua cha ưng ý và nhường ngôi cho Lang Liêu. Từ đó đến nay, bánh chưng đã trở thành món ăn quen thuộc của các gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về.

Bánh chưng muốn ngon, muốn đẹp thì đòi hỏi sự cầu kì, tỉ mỉ trong từng giai đoạn. Đầu tiên là chọn nguyên liệu để làm bánh. Nguyên liệu để làm bánh bao gồm lá rong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lạt buộc, một số gia vị thông thường (đặc biệt không thể thiếu hạt tiêu). Trước tiên là chuẩn bị lá rong. Việc chọn lá dong cần phải tỉ mỉ, chọn những lá có màu xanh đậm, đường gân lá rõ ràng, độ dẻo tốt, các lá đều nhau. Lá rong cần rửa sạch, để ráo nước, có nơi lựa chọn cách gói luôn bằng cách loại bỏ gân lá to rồi gói, có nơi lại đem lá hơ qua lửa (nướng qua) hoặc phơi nắng cho mềm, tránh rách khi gói bánh. Vậy là nguyên liệu để làm vỏ bánh đã sơ chế xong.

Tiếp theo đến phần nhân bánh. Đầu tiên là gạo nếp. Gạo nếp là một loại gạo quen thuộc trong đời sống nhân dân, khi gạo nấu chín sẽ rất dẻo, đặc biệt có mùi thơm rất hấp dẫn. Gạo nếp sẽ được ngâm trong nước ít nhất 5 tiếng, sau đó vo sạch, nêm muối vừa ăn. Về đỗ xanh thì ta sẽ chọn loại đỗ đã bóc vỏ để tiết kiệm thời gian sơ chế. Đỗ cũng sẽ được ngâm với nước khoảng 6 đến 7 tiếng để nở hoàn toàn. Nguyên liệu tiếp theo kể đến là thịt lợn, thông thường thì các gia đình lựa chọn thịt ba chỉ làm nhân bánh. Thịt được cắt miếng dài to sao cho 2 miếng hợp lại thành hình vuông, dày từ 4 - 5 cm tùy bánh to hay nhỏ. Thịt được ướp với gia vị thông thường và hạt tiêu. Hạt tiêu sẽ giúp miếng thịt đậm đà, thấm gia vị, thơm và đặc biệt là trung hòa các vị của gia vị khác khiến cho miếng thịt không bị ngán quá. Cuối cùng là lạt buộc. Lạt buộc được làm từ tre dẻo, được mang đi ngâm nước hoặc luộc qua cho mềm dễ buộc. Lạt buộc được dùng để cố định bánh theo hình để khi luộc xong bánh có hình vuông hoặc tròn dài đặc trưng. Nếu không buộc lạt chặt thì chiếc bánh không thể có hình dáng bắt mắt được.

Vậy là công tác chuẩn bị đã hoàn tất, tiếp theo chính là giai đoạn gói bánh chưng. Việc này cần nhất là sự khéo léo, tỉ mỉ của người gói. Bánh phải vuông, quất lạt xong không bị rách, không được chặt cũng không được quá lỏng. Đầu tiên, ta trải một lớp lá, tiếp đến là gạo nếp, đến đỗi xanh rồi thịt lợn, tiếp đó thêm 1 lớp đỗ lấp kín thịt rồi cuối cùng là lớp gạo nếp phủ kín. Người gói sẽ dùng tay của mình gói cho lá rong bao chọn lấy phần nhân bánh, gấp cho vuông lại, cuối cùng là dùng lạt buộc cố định. Khó nhất trong việc gói bánh chưng chính là người gói phải nới lỏng sao cho bánh không bị chặt quá hoặc dễ làm nứt bánh. Bởi nếu chặt thì khi luộc phần bánh sẽ chín không đều hoặc dẫn đến bánh không chín được. Còn nếu lỏng thì dẫn tới các lớp nguyên liệu dễ lẫn lộn vào nhau gây mất thẩm mỹ. Gói bánh có được đẹp hay không là cả một sự tài tình của người gói.

Khâu cuối cùng nhưng cũng không hề kém phần quan trọng chính là luộc bánh. Bánh chỉ ngon khi được nấu bằng củi khô, trong một nồi gang to và dày. Nấu bánh chưng thường rất lâu, khoảng 6 - 12  tiếng đồng hồ (tùy theo bánh to hay nhỏ). Bởi bánh cần được chín đều và có độ dẻo mềm cần thiết. Khi nước sôi thì lửa để nấu bánh không được quá to mà chỉ cần liu riu mà thôi. Bánh khi chín trong quá trình vớt ra sẽ được lăn hoặc cố định lại lạt để sao cho bánh đạt chuẩn hình dáng bắt mắt nhất. Bánh đạt tiêu chuẩn là khi bóc bánh ta thấy được một màu xanh  rất đẹp và mùi thơm hấp dẫn. Cắt bánh ra sẽ thấp từng lớp từng lớp nhân bên trong đều nhau, mỗi miếng bánh cắt ra đều có một miếng thịt thơm béo ngậy, lớp gạo nếp, lớp đỗ chín mềm dẻo thơm lừng. Tất cả những điều đó hòa quyện với nhau tạo nên một hương vị truyền thống đặc trưng của dân tộc.

Ngày xưa, bánh chưng chỉ có mặt mỗi dịp tết đến xuân về để thờ cúng tổ tiên cùng với góp mặt trong bữa cơm những ngày Tết chính. Nhưng ngày nay, bất cứ lúc nào cũng có thể nhìn thấy thức quà này ở khắp nơi. Cứ đến dịp lễ hội hoặc ngày trọng đại như cưới hỏi, bánh chưng có thể được đem vào thực đơn của mâm cơm gia đình. Bánh chưng rất nhiều chất dinh dưỡng, hàm lượng calo cao. Ngoài món bánh chưng luộc, người ta có thể biến tấu thành các món hấp dẫn khác như bánh chưng rán cùng với những món ăn kèm đặc sắc khiến bữa cơm gia đình trở nên nhiều hương vị hơn.

Bánh chưng đã trở thành một nét văn hóa, một món ăn truyền thống và lâu đời ở Việt Nam. Nét độc đáo từ ẩm thực này này đã góp phần làm đẹp hình ảnh Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Dù ai xa quê cũng mong được về nhà bên nồi bánh chưng mỗi dịp giao thừa đón chào năm mới.

Xem thêm văn mẫu: Thuyết minh về cây đào ngày Tết

-/-

Trên đây là dàn ý kèm một số bài văn mẫu dành cho các em học sinh tham khảo để hoàn thiện bài văn thuyết minh về bánh chưng ngày tết. Mong rằng những gợi ý ở trên sẽ giúp các em hoàn thành bài văn của mình tốt nhất.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM