Tiết học Tập làm văn: Ôn tập về tả cây cối tuần 27 không những hướng dẫn em cách quan sát cây cối mà còn giúp em ôn lại các bước làm bài, dàn ý tả cây cối, qua đó em có thể hoàn thành một đoạn văn tả cây một cách hoàn chỉnh nhất. Cùng tham khảo bài hướng dẫn chi tiết dưới đây của Đọc tài liệu em nhé!
I. Mục tiêu tiết học
- Ôn lại dàn ý tả cây cối
- Tìm hiểu cách quan sát cây cối và trình tự tả cây cối
- Tập viết một đoạn văn tả cây cối
II. Dàn ý chung tả cây cối
1. Mở bài: Giới thiệu cây định tả
• Chủng loại (cây gì ?)
• Vị trí, địa điểm (trồng ở đâu ?)
• Nguồn gốc (ai trồng ?)
• Thời gian (trồng vào dịp nào ?)
2. Thân bài: Tả cây
a) Tả bao quát: Hình dáng của cây
- Nhìn từ xa, cây có hình dáng ra sao ?
- Khi đến gần, cây thế nào ?
b) Tả chi tiết từng bộ phận:
• Gốc, rễ, thân, nhánh, cành, tán lá, chồi non.
• Hoa : cuống hoa, đài hoa, cánh hoa, nhụy hoa.
• Thời tiết, những điều kiện cho cây phát triển ?
c) Các yếu tố tác động và có ảnh hưởng đến cây.
- Con người
- Chim chóc, ong bướm.
3. Kết bài
- Cảm nhận của bản thân về ích lợi của cây.
- Suy nghĩ về cây đã tả.
III. Hướng dẫn làm bài tập SGK
Câu 1 (tr. 96 sgk Tiếng Việt 5 tập 2) Đọc bài văn "Cây chuối mẹ" và trả lời câu hỏi:
a) Cây chuối trong bài văn trên được tả theo trình tự nào ? Em còn có thể tả cây cối theo trình tự nào nữa ?
b) Cây chuối đã được tả theo cảm nhận của giác quan nào ? Em còn có thể quan sát cây cối bằng những giác quan nào nữa ?
c) Tìm các hình ảnh so sánh, nhân hoá được tác giả sử dụng để tả cây chuối.
Trả lời:
a) Cây chuối trong bài văn trên được tả theo trình tự của từng thời kì phát triển của cây: cây chuối con -> cây chuối to -> cây chuối mẹ.
Ta còn có thể tả cây cối theo trình tự khác là tả từ bao quát đến chi tiết từng bộ phận.
b) Cây chuối được tả theo ấn tượng của thị giác để thấy được hình dáng của cây, lá, hoa.
Em cũng có thể quan sát cây cối bằng xúc giác, thính giác, vị giác, khứu giác.
Ví dụ: Tả độ trơn bóng của thân bằng xúc giác, tả tiếng khua tàu lá khi gió thổi bằng thính giác, tả vị chát, vị ngọt của quả bằng vị giác, tả mùi thơm của quả chín bằng khứu giác.
c) Các hình ảnh so sánh, nhân hoá:
- Hình ảnh so sánh: Tàu lá nhỏ xanh lơ, dài như lưỡi mác / Các tàu lá ngả ra... như những cái quạt lớn / Cái hoa thập thò, hoe hoe đỏ như một mầm lửa non.
- Hình ảnh nhân hoá: Nó đã là cây chuối to đĩnh đạc / Chưa được bao lâu, nó đã nhanh chóng thành mẹ / cổ cây chuối mẹ mập tròn, rụt lại / Vài chiếc lá... / Các cây con cứ lớn nhanh hơn hớn / Khi cây mẹ bận đơm hoa... / Lẽ nào nó đành để mặc... để giập một hai đứa con sát nách nó / Cây chuối mẹ khẽ khàng ngả hoa...
Câu 2 (tr. 97 sgk Tiếng Việt 5 tập 2). Viết một đoạn văn ngắn tả một bộ phận của cây (lá hoặc hoa, quả, rễ, thân).
Trả lời:
Học sinh có thể tham khảo đoạn văn mẫu dưới đây:
Không biết cây bàng đã trồng từ bao giờ, bao nhiêu tuổi, em chỉ biết rằng từ khi em vào lớp một thì đã thấy cây bàng sừng sững trước sân trường.
Nhìn từ xa, cây bàng như một cái ô khổng lồ. Tán lá dày, gồm nhiều tầng xanh um. Thân cây thẳng, to bằng hai vòng tay người lớn. Trên thân có những cái ụ to gồ ghề, đó là nơi những chỗ xanh ẩn nấp, chờ ngày vươn lên để nhận nhiệm vụ của mình. Bao bọc lấy thân cành là lớp vỏ sần sùi, bạc phếch, sờ vào nghe nham nhám. Thế nhưng, có ai biết rằng bên trong lớp vỏ xấu xí ấy là dòng nhựa ngọt ngào đang chảy. Nhờ có dòng nhựa mát lành này mà cây xanh tốt, cành lá vươn dài. Nhờ những cành lá này mà chúng em có bóng mát để vui chơi và hít thở không khí trong lành.
**********
Trên đây là hướng dẫn bài Tập làm văn: Ôn tập về tả cây cối tuần 27 SGK Tiếng Việt 5 tập 2 mà Đọc tài liệu tổng hợp, hy vọng có thể giúp các em tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn để có những tiết học bổ ích và vui vẻ. Chúc em luôn học tốt và đạt kết quả cao!