Trang chủ

Tập đọc: Thầy cúng đi bệnh viện tuần 16 SGK Tiếng việt 5

Xuất bản: 07/07/2018 - Cập nhật: 19/07/2019 - Tác giả:

Soạn bài Thầy cúng đi bệnh viện được Đọc Tài Liệu biên soạn giúp bạn nắm chắc kiến thức bài tập đọc và hướng dẫn trả lời câu hỏi trang 159 SGK Tiếng Việt 5 tập 1 tuần 16.

Hướng dẫn luyện tập đọc Thầy cúng đi bệnh viện được Đọc Tài Liệu biên soạn nhằm giúp các em học sinh tóm tắt kiến thức cần nhớ trong bài tập đọc và hướng dẫn trả lời câu hỏi trang 159 SGK Tiếng Việt 5 tập 1. Qua câu chuyện các em sẽ hiểu được việc cần phải chữa bệnh một cách khoa học.

I. Nội dung Thầy cúng đi bệnh viện

Cụ Ún làm nghề thầy cúng đã lâu năm. Khắp làng xa bản gần, nhà nào có người ốm cũng nhờ cụ đến cúng để đuổi tà ma. Nhiều người tôn cụ làm thầy, cắp sách theo cụ học nghề cúng bái.

Vậy mà gần một năm nay, chẳng hiểu cái ma nào làm cho cụ Ún ốm. Bụng cụ đau quặn, lắm lúc tưởng như có con dao cứa mạnh vào từng khúc ruột. Các học trò của cụ đã nhiều lần cúng cho thầy mà bệnh tình không thuyên giảm.

Thấy cha ngày càng đau nặng, con trai cụ khẩn khoản xin đưa cụ đi bệnh viện. Anh nói mãi, nể lời, cụ mới chịu đi.

Bác sĩ bảo cụ bị sỏi thận, phải mổ lấy sỏi ra. Cụ sợ mổ. Hơn nữa, cụ không tin bác sĩ người Kinh bắt được con ma người Thái. Thế là cụ trốn về nhà. Nhưng về đến nhà, cụ lại lên cơn đau quằn quại. Cụ bắt con mời thầy Vui, học trò giỏi nhất của cụ, đến cúng trừ ma. Cúng suốt ngày đêm, bệnh vẫn không lui.

Sáng hôm sau, bỗng có hai người áo trắng tất tả phi ngựa đến. Hóa ra họ là bác sĩ và y tá bệnh viện đi tìm cụ Ún. Bác sĩ tiêm thuốc giảm đau, cụ Ún thấy đỡ. Ngồi bên giường người bệnh, ông bác sĩ ôn tồn giải thích. Gia đình lại đưa cụ lên bệnh viện.

Nửa tháng sau, cụ Ún khỏi bệnh. Về nhà, cụ nói với bà con:

-  Từ nay, tôi dứt khoát bỏ nghề thầy cúng. Bà con ốm đau nên đi bệnh viện.

Theo Nguyễn Lăng

Thuyên giảm(bệnh) có giảm nhẹ, đỡ bớt.

II. Hướng dẫn đọc hiểu

1. Nội dung chính

Câu chuyện nói về sự thay đổi trong nhận thức của người dân tộc. Trước đây ai có bệnh, thầy cúng Ún luôn đi cúng ma để đuổi bệnh cho mọi người. Khi cụ bị bệnh, phải tới bệnh viện mổ mới khỏi. Từ đó cụ bỏ nghề thầy cúng, khuyên mọi người đi chữa bệnh một cách khoa học.

2. Ý nghĩa câu chuyện

Phê phán cách suy nghĩ mê tín dị đoan; giúp mọi người hiểu cúng bái không thể chữa khỏi bệnh, chỉ có khoa học và bệnh viện mới làm được điều đó.

3. Hướng dẫn đọc bài

  • Đọc lưu loát, diễn cảm bài văn, giọng kể linh hoạt, phù hợp với diễn biến truyện.
  • Chú ý nhấn mạnh một số từ ngữ: khẩn khoản, nói mãi, nể lời, mổ lấy sỏi, sợ mổ, không tin, trốn, quằn quại, suốt ngày đêm, vẫn không lui.

III. Gợi ý trả lời câu hỏi SGK

Câu 1 - Trang 159 SGK

Cụ Ún làm nghề gì?

Gợi ý trả lời:

Cụ Ún làm nghề thầy cúng đuổi tà ma cho người bệnh.

Câu 2 - Trang 159 SGK

Khi mắc bệnh, cụ đã tự chữa bằng cách nào? Chọn ý đúng để trả lời:

a) Tự mình cúng đuổi tà ma.

b) Mời học trò đến cúng đuổi tà ma.

c) Mời bác sĩ đến khám chữa bệnh.

Gợi ý trả lời:

b) Mời học trò đến cúng đuổi tà ma.

Câu 3 - Trang 159 SGK

Vì sao bị sỏi thận mà cụ không chịu mổ, trôn bệnh viện về nhà?

Gợi ý trả lời:

Cụ Ún sợ mổ và không tin bác sĩ người Kinh bắt được con ma người Thái.

Câu 4 - Trang 159 SGK

Nhờ đâu cụ Ún khỏi bệnh? Câu nói cuối bài giúp em hiểu cụ Ún đã thay đổi cách nghĩ như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Cụ Ún khỏi bệnh nhờ bệnh viện mổ lấy sỏi thận ra. Cụ tin tưởng chỉ có thầy thuốc mới chữa khỏi bệnh.

*****

Sau khi tham khảo tập đọc Thầy cúng đi bệnh viện trên đây, hy vọng rằng các em có thể nắm được nội dung chính được tổng hợp trong bài. Bên cạnh đó giáo viên và phụ huynh học sinh có thể tham khảo tài liệu trên để hướng dẫn học sinh học tập.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM