Trang chủ

Tập đọc: Cánh diều tuổi thơ

Xuất bản: 13/08/2019

Hướng dẫn trả lời các câu hỏi tiết Tập đọc: Cánh diều tuổi thơ trang 146 Sách giáo khoa Tiếng Việt 4 tuần 15, qua đó chuẩn bị thật tốt cho bài học trên lớp.

Mời các em tham khảo bài hướng dẫn soạn bài Tập đọc: Cánh diều tuổi thơ lớp 4 trang 146 tuần 15 SGK Tiếng Việt 4 tập 1 dưới đây của Đọc tài liệu, bao gồm nội dung bài tập đọc, hướng dẫn đọc hiểu và cách làm bài tập SGK. Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em dễ dàng nắm bắt bài học và tiếp thu kiến thức hơn!

I. Bài tập đọc Cánh diều tuổi thơ

Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều.

Chiều chiều, trên bãi thả, đám trẻ mục đồng chúng tôi hò hét nhau thả diều thi. Cánh diều mềm mại như cánh bướm. Chúng tôi vui sướng đến phát dại nhìn lên trời. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè,... như gọi thấp xuống những vì sao sớm.

Ban đêm, trên bãi thả diều thật không còn gì huyền ảo hơn. Có cảm giác diều đang trôi trên dải Ngân Hà. Bầu trời tự do đẹp như một thảm nhung khổng lồ. Có cái gì cứ cháy lên, cháy mãi trong tâm hồn chúng tôi. Sau này, tôi mới hiểu đấy là khát vọng. Tôi đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời và bao giờ cũng hy vọng khi tha thiết cầu xin: "Bay đi diều ơi! Bay đi!" Cánh diều tuổi ngọc ngà bay đi, mang theo nỗi khát khao của tôi.

Theo TẠ DUY ANH

II. Nội dung chính bài Cánh diều tuổi thơ

Tuổi thơ của các bạn nhỏ ở quê gắn liền với cánh diều. Ai cũng thích thả diều. Ban ngày họ cùng thi thả diều, nghe tiếng sáo diều. Buổi tối, họ cùng ngắm nhìn cánh diều huyền ảo bay trên trời đêm, cùng mơ nhiều ước mơ.

III. Hướng dẫn đọc hiểu bài tập đọc Cánh diều tuổi thơ

1. Từ khó

- Mục đồng: trẻ chăn trâu, bò, dê cừu

- Huyền ảo: đẹp một cách kì lạ và bí ẩn, nửa thực nửa hư

- Khát vọng: điều mong muốn, đòi hỏi rất mạnh mẽ

- Tuổi ngọc ngà: tuổi thơ, tuổi đẹp đẽ

- Khát khao: mong muốn, đòi hỏi tha thiết

2. Ý nghĩa bài học

Niềm vui sướng và những khát vọng tốt đẹp mà trò chơi thả diều mang lại cho đám trẻ mục đồng khi các em lắng nghe tiếng sáo diều, ngắm những cánh diều bay lơ lửng trên bầu trời.

3. Hướng dẫn đọc diễn cảm

Đọc trôi chảy, lưu loát toàn bài. Biết đọc diễn cảm bài văn với giọng vui tha thiết, thể hiện niềm vui sướng của đám trẻ khi chơi thả diều.

IV. Hướng dẫn làm bài tập SGK

Câu 1 (trang 147 sgk Tiếng Việt 4) : Tác giả đã chọn những chi tiết nào để tả cánh diều ?

Trả lời:

Để tả cánh diều, tác giả chọn những chi tiết:

- Cánh diều mềm mại như cánh bướm.

- Trên cánh diều có nhiều loại sáo: sáo đơn, sáo kép, sáo bè...

- Tiếng sáo diều vi vu, trầm bổng.

Có thể tác giả tả cánh diều bằng cả thị giác và thính giác bằng mắt nhìn và tai nghe.

Câu 2 (trang 147 sgk Tiếng Việt 4) : Trò chơi thả diều đem lại cho trẻ em những niềm vui lớn và những mơ ước đẹp như thế nào ?

Trả lời:

Trò chơi thả diều đem lại cho trẻ em những niềm vui lớn và những ước mơ đẹp. Các bạn nhỏ hò hét nhau thả diều thi, vui sướng đến phát dại. Nhìn lên bầu trời đêm huyền ảo, các bạn thấy lòng cháy lên, cháy mãi khát vọng. Có bạn đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời và bao giờ cũng hi vọng khi tha thiết cầu xin: "Bay đi diều ơi! Bay đi!"

Câu 3 (trang 147 sgk Tiếng Việt 4) :

Qua các câu mở bài và kết bài, tác giả muốn nói điều gì về cánh diều tuổi thơ ?

a) Cánh diều là kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ.

b) Cánh diều khơi gợi những mơ ước đẹp cho tuổi thơ.

c) Cánh diều đem đến bao niềm vui cho tuổi thơ.

Trả lời:

Qua các câu mở bài và kết bài, tác giả muốn nói: Cánh diều khơi gợi những mơ ước đẹp cho tuổi thơ.

Nội dung: Niềm vui sướng và những khát vọng tốt đẹp mà trò chơi thả diều mang lại cho đám trẻ mục đồng khi các em lắng nghe tiếng sáo diều, ngắm những cánh diều lơ lửng trên tầng mây.

**********

Hy vọng hướng dẫn soạn bài Tập đọc: Cánh diều tuổi thơ lớp 4 trang 146 trên đây của Đọc tài liệu sẽ giúp các em chuẩn bị bài tốt hơn, qua đó tiếp thu kiến thức và hoàn thành các bài tập. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM