Trang chủ

Những bài văn mẫu tả cây phượng theo mùa độc đáo nhất

Xuất bản: 17/03/2021 - Cập nhật: 08/11/2021 - Tác giả:

Bài văn tả cây phượng theo mùa thường chỉ tập trung vào tả cây phượng mùa hè, nhưng Đọc tài liệu đã tổng hợp và đưa ra cho các em những bài văn riêng biệt tả cây phượng mùa xuân, mùa đông, mùa thu độc đáo nhất.

Với đề bài văn tả cây phượng theo mùa, các em có thể hiểu rằng mình sẽ chỉ miêu tả đặc điểm của cây phượng, hoạt động của con người gắn với cây phượng trong một mùa nhất định. Vì vậy khi làm bài văn tả cây phượng mùa hè/mùa thu/mùa đông/mùa xuân nên làm theo dàn ý sau.

Dàn ý tả cây phượng 1 mùa trong năm

Mở bài: Giới thiệu về cây phượng và nêu hình ảnh của cây phượng vào mùa nào đó trong năm mà em định tả(mùa hè/mùa thu/mùa đông/mùa xuân).

Thân bài: 

- Tả bao quát về cây phượng: Vị trí, tuổi đời, chiều cao, độ rộng tán.

- Tả chi tiết về các bộ phận của cây phượng: Bộ rễ cây, thân cây, vỏ cây, cành cây, lá cây, hoa, quả...

+ Cành cây: mùa xuân: đâm chồi/mùa hè: phủ kín lá/mùa thu: phủ kín lá/ mùa đông: lá rụng chỉ còn trơ lại cành không.

+ Lá cây: mùa xuân: lá xanh non/mùa hè: lá xoè rộng nhất/ mùa thu: lá chuyển từ xanh đậm sang vàng/mùa đông: lá rụng.

+ Hoa phượng: mùa xuân, mùa đông: ko có hoa/mùa hè: bắt đầu ra nụ, nở đỏ rực rỡ/ mùa thu: hoa phượng rụng.

+ Quả phượng: mùa thu: quả xanh non, to bản/mùa đông: quả già, tách đôi và rụng hạt xuống đất.

- Tả hoạt động của con người gắn với cây phượng trong các mùa khác nhau: vui chơi dưới gốc cây, quét lá, nhặt hoa, hái quả...

Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em đối với cây phượng trong mùa đó.

Từ dàn ý chung tả cây phượng theo mùa ở trên, các em học sinh từ đó liên hệ với yêu cầu cụ thể để có thể tự xây dựng cho mình một dàn ý tả cây phượng 4 mùa một cách chi tiết. Dưới đây Đọc tài liệu tổng hợp một số bài văn mẫu tả cây phượng các mùa cho các em tham khảo và hiểu thêm về cách tả cây phượng theo mùa.

Văn mẫu tả cây phượng theo mùa

Cây phượng là loài cây có mùa hoa được coi là sắc hoa của mùa hè, vì vậy mà đề bài tả cây phượng mùa hè cũng sẽ là đề bài mà các em thường gặp nhất. Phần lớn những bài văn mẫu tả cây phượng cũng là tả cây phượng vào mùa hè, vì vậy các em không khó để có thể tìm và tham khảo khi viết bài văn tả cây phượng khi mùa hè đến.

Tả cây phượng mùa hè

Mùa xuân đã trôi đi một cách âm thầm như cách mầm cây lớn lên, nhường chỗ cho mùa hè rực rỡ sắp tới. Hè sang là một niềm vui của lũ học trò nghịch ngợm nhưng lại xen lẫn tâm trạng nôn nao không muốn xa mái trường thân yêu, xa thầy cô, bạn bè, xa cây bàng già và cây phượng đang rực rỡ giữa sân trường. Cây phượng mà học sinh thầm thì các bí mật suốt bao năm trời nay. Còn bây giờ thì hoa phượng nở đỏ rực trên từng cành như thắp lửa cả ngôi trường em. Tiếng ve sầu cũng bắt đầu cất tiếng kêu vang. Mọi thứ như hòa quyện vào nhau và tạo nên một bức tranh mùa hạ tuyệt mĩ.

Nhìn từ xa, cây phượng như khoác lên mình một chiếc áo đỏ rực cháy như mùa lửa. Gốc phượng to sần sùi vì bao năm tháng dãi dầu mưa nắng. Rễ cây ngoằn ngoèo bò trên mặt đất như những con rắn khổng lồ đang bò dưới đất lộ sống lưng lên mặt đất. Hoa phượng đỏ bao nhiêu thì lá cây của nó có một màu xanh um bấy nhiêu. Cành cây đâm ra từ người mẹ của nó. Cuống hoa xanh mơn mởn khoảng tám phân, thon dài, nối liền giữa bông hoa và cành hoa. Nụ hoa thật đẹp, lúc thoáng nhìn cứ tưởng hạt ngọc bích. Hoa phượng nở từng chùm, một màu đỏ rực như muốn tô điểm lên vẻ đẹp lộng lẫy của ngày hè ở trường em. Hoa phượng đỏ rực thế mà sao hiền dịu quá.

Khi có một làn gió nhẹ thổi qua cũng đủ làm những cánh phượng, đôi khi là cả bông hoa phượng rơi xuống đất. Nhưng không vì thế mà phượng lấy làm buồn bã, cứ hàng ngày, phượng lại nở thêm nhiều hơn những bông hoa đẹp của tuổi học trò. Và rồi cuối cùng những bông hoa phượng nở đầy cả cây. Có ai biết rằng, giữa chùm hoa màu đỏ rực đó là nỗi nhớ thương của học trò nhớ thầy cô, bạn bè, trường lớp. Năm cánh hoa phượng mịn như nhung, lung linh dưới nắng hè, có lúc rực lên như chứa lửa chứa nắng. Giữa năm cánh hoa là nhụy hoa như những cô tiên áo vàng đáng tỏa hương thơm ngát, lan tỏa khắp cả khu vườn.

Cánh hoa phượng đỏ thắm như màu máu của những anh hùng vĩ đại đã, đang hàng ngày hi sinh để bảo vệ Tổ quốc thân yêu có được yên bình. Màu vàng của nhị hoa như màu ngôi sao sáng soi đường, chỉ lối từ lịch sử tăm tối xưa kia. Hoa phượng như lá cờ đỏ, sao vàng. Lũ học trò chúng em xem cây phượng như người bạn tri kỉ, chia sẻ những chuyện vui buồn của tháng năm học trò.

Quanh gốc phượng trường em có đặt 4 chiếc ghế đá. Cứ mỗi buổi ra chơi, chúng em lại tụ nhau ngồi dưới gốc phượng để trò chuyện. Có bạn mặt rạng rỡ khoe với các bạn những điểm mười đỏ chói. Có bạn mặt buồn bực vì những chuyện không vui. Còn gì thích hơn được ngồi dưới gốc phượng, tận hưởng cái cảm giác mát mẻ, dễ chịu giữa trưa hè. Nghe những tiếng ve đang râm rang rạo rực như tan biến những cái mệt mỏi, căng thẳng sau giờ học. Trong không khí nhộn nhịp, nàng phượng vẫn lặng lẽ đứng nhìn chúng em vui chơi, đùa giỡn, em chợt thấy ánh mắt phượng rộn lên, vẫy tay trong nắng.

Rồi những buổi chúng em nhặt những bông hoa phượng, tách lấy phần nhị hoa để chơi đá gà. Lũ học trò chúng em tụm năm, tụm ba lại mà không biết rằng chị phượng cũng đang đón chờ kết quả. Cây phượng như người bạn tri kỉ của tuổi học trò chúng em. Hoa phượng báo hiệu cho học trò đủ thứ chuyện. Nào là hè đã đến rồi, đã đến lúc nghỉ ngơi sau cả một năm học. Nhưng điều quan trọng là hoa phượng báo hiệu đã đến lúc phải xa mái trường, thầy cô, bạn bè. Nhưng dù có xa cách mấy, tất cả vẫn luôn ở trong tim, trong tâm trí của mỗi người. Hoa phượng như đánh dấu bước ngoặt trưởng thành trên con đường học vấn nhưng nghĩ đến cảnh xa trường, xa thầy, xa bạn lại thấy nao nao. Còn đối với các anh chị cuối cấp, màu hoa phượng đỏ như sự cổ vũ, thúc giục mọi người cần cố gắng hơn, đích đến ngay trước mắt rồi.

Vì sao tuổi học trò chúng em lại yêu hoa phượng đến thế. Mỗi lần nhìn thấy hoa phượng hay nghe tiếng ve cất tiếng là lòng em lại có một cảm giác nôn nao đến lạ. Chính vì vậy mà cây phượng là kí ức tươi đẹp mà học trò không thể quên. Với nhiều người, mùa hè đơn giản chỉ là một mùa trong bốn mùa, không hơn, không kém. Nhưng đối với ai đã trải qua thời áo trắng thì mùa hè là nỗi niềm, là tâm trạng và trong thẳm sâu tâm hồn còn một chút xốn xang khi hè về.

Hoa phượng ơi! Ve sầu ơi! lũ học trò sẽ chẳng bao giờ quên bạn đâu. Nhờ các bạn mà mình hiểu được mùa hè thú vị đến thế nào. Mùa hè mang lại cho chúng mình màu sắc của tuổi thơ yêu dấu. Chúng mình sẽ mãi mãi không quên màu đỏ của hoa phượng. Các bạn ơi đừng ngắt phượng, bắt ve, đừng tàn phá mùa hè bạn nhé.

Cây phượng không phải một loài cây đại diện cho mùa đông, nhưng mùa đông cây phượng cũng có những hình ảnh rất riêng, các em cùng đọc bài viết sau để tìm hiểu xem cây phượng mùa đông sẽ thế nào nhé.


Tả cây phượng mùa đông

Mùa đông những đợt gió rét cứ rít ngoài cửa sổ của lớp học. Chính vì vậy mà chúng em cũng không ra ngoài sân chơi mà chủ yếu ở trong lớp. Nhìn ra sân cảnh tượng cây cối đìu hiu, đặc biệt là cây phượng cổ thụ trụi lá ở góc sân nhìn vô cùng cô đơn, buồn tủi.

Cây phượng cao khoảng bảy đến tám mét. Thân cây thẳng rồi lên trên gần ngọn mới toả tán rộng. Mùa hè, khi lá phượng xanh mượt toả ra, tán cây trùm kín cả một góc sân. Nhưng mùa đông mang những chiếc lá phượng lìa cành thì tán cây nhìn nhỏ đi nhiều.

Mùa hè cây phượng rực rỡ bao nhiêu thì mùa đông cây phượng lại nhạt nhoà bấy nhiêu. Khi lộc vừng, bàng thi nhau thay lá các sắc đỏ, vàng thì lúc này cây phượng chỉ còn trơ những cành cây gầy guộc lên bầu trời xám xịt của mùa đông. Những bông hoa phượng đã rụng khi mùa hạ qua đi, thu đến quả phượng cũng già và nứt hạt. Mùa đông chỉ để lại cho cây phượng vài ba quả phượng khô đã tách vỏ ra làm đôi. Nhìn từ dưới gốc cây lên, những cành phượng khẳng khiu đan vào bầu trời u ám của mùa đông như mạch máu.

Nhìn cây phượng mùa đông thật thiếu sức sống. Cành lá trơ trọi, thân cây phượng cũng khô và bị bong những lớp vỏ mỏng phía ngoài nhìn xù xì, già nua. Đám rễ cây ngoằn ngoèo phía trên mặt đất như những con rắn khổng lồ lẩn trốn dưới mặt đất lạnh lẽo mùa đông. Những chiếc ghế quanh gốc cây phượng cũng vắng bóng dáng học trò, trời lạnh, gió rét khiến chúng em chẳng thể ra sân chơi. Chắc hẳn cây phượng già càng thêm cô đơn, buồn tủi hơn nữa.

Cây phượng cổ thụ ở trường em đứng lặng lẽ nơi góc sân nhưng em biết bên trong của cây phượng vẫn đang tràn trề nhựa sống, chỉ chờ mùa xuân tới mang theo mưa xuân để sẵn sàng bung ra những lộc non, chồi biếc xanh ngọc nõn nà. Cũng vì sự chịu đựng siêu việt này mà cây phượng được các thầy cô chăm sóc, giữ gìn sau bao nhiêu năm.

Đây cũng là một phần bài học cuộc sống mà thầy cô muốn dạy dỗ chúng em: ai cũng cần phải có thời gian nuôi dưỡng tâm hồn, tài năng từ chính bên trong mình rồi sau đó sẽ tới lúc vẻ đẹp đó được biểu hiện ra bên ngoài để mọi người cùng thấy, yêu thương và ngưỡng mộ. Mỗi lần nhìn cây phượng già góc sân em lại thêm thấu hiểu bài học quý giá này. Em tự hứa với bản thân sẽ luôn cố gắng học tập, trau dồi kiến thức cho bản thân để chờ ngày "nở hoa rực rỡ".

Cây phượng mùa đông không có nhiều đặc biệt về ngoại hình, mang lại cảm giác buồn, hiu hắt của mùa đông. Thì cây phượng mùa xuân sẽ mang những hình ảnh hồi sinh sau những tháng ngày im lìm chịu đứng giá rét. Các em cũng tham khảo bài văn tả cây phượng mùa xuân dưới đây để xem cây phượng vào mùa xuân có đặc điểm gì nhé.

Tả cây phượng mùa xuân

Sau những ngày nghỉ Tết nguyên đán quay lại trường học, em đã bắt gặp một cảnh tượng vô cùng ngạc nhiên. Đó chính là cây phượng trước cửa lớp em đã đâm chồi non xanh.

Năm học vừa rồi chúng em có kì nghỉ Tết khá dài, vì vậy cảnh tượng trường học có nhiều thay đổi sau khi chúng em nghỉ Tết. Khi mùa đông, cây phượng vô cùng khẳng khiu, trơ trụi thân với màu sắc xám lạnh. Trên cây có vài quả khô tách đôi nhìn như những cây kiếm cố gắng chém toạc bầu trời u ám, mang chút tia nắng ấm áp cho không gian.

Nhưng khi mùa xuân tới, thời tiết ấm áp cùng với mưa phùn khiến mọi vật như được hồi sinh, trong đó có cả cây phượng trước cửa lớp em. Thân cây phượng bình thường có màu xám trắng sáng, nhưng thời tiết ẩm cùng mưa phùn khiến thân cây ngấm nước và vỏ cây có màu đen đậm. Chúng em không còn phải tưới nước cho cây vì trời mưa nhiều. Từng giọt nước mưa ngấm qua bao nhiêu lớp đất để rễ cây có thể hút được và nuôi dưỡng cho cả cây phượng.

Lúc trở lại đi học sau kì nghỉ Tết, em thấy xuất hiện trên đầu cành cây phượng là những chồi non nho nhỏ bằng đầu ngón tay thôi. Những chồi non màu xanh ngọc đầy sức sống dần lớn lên và tăng lên sau mỗi buổi sáng em tới trường. Thật kì diệu! Rồi từ những chồi non đó tiếp tục lại mở ra những búp lá. Ban đầu những búp lá phượng cuộn tròn như những con sâu chiếu. Rồi từ từ chiếc lá non lớn dần, dài ra mà mở ra những tay lá như một chiếc lá lớn. Các mầm chồi cứ chen nhau đâm lên từ các mắt cành, đầu cành khiến em rất thích thú, quan sát thật kĩ cây phượng mỗi ngày.

Mùa xuân đến cũng là lúc chim chóc rời tổ để kiếm ăn. Trên cành cây phượng những chú chim chuyền từ cành nọ sang cành khác để kiếm ăn, bắt sâu. Những chú chim chính là người bảo vệ những chồi non cho cây phượng, tránh xa khỏi sâu bọ ăn lá và những chú rệp.

Mùa xuân ấm áp không chỉ khiến cây cối đâm chồi, nảy lộc mới mà còn đưa chúng em trở lại với sân trường cùng nhiều trò chơi thú vị. Chúng em lại cùng nhau ngồi dưới tán cây phượng để chơi đùa, đọc sách... cùng các bạn. Xung quanh bồn cây của cây phượng, lớp em cũng trồng thêm các khóm hoa mười giờ thật xinh. Hoa mười giờ đua nhau khoe sắc xuân và như đang vẫy gọi cây phượng cũng mau ra hoa khoe sắc cùng mười giờ.

Cây phượng mùa xuân không rực rỡ như cây phượng mùa hè, nhưng cũng mang đến cho chúng em nhiều cảm giác vui lạ. Cây phượng đâm chồi, nảy lộc như muốn động viên chúng em cũng chăm chỉ học hành để có thể đạt kết quả tốt trong tương lai.

Em cùng các bạn trong lớp hứa sẽ chăm sóc cây thật tốt để mùa hè này, cây phượng toả bóng mát cho lớp em, làm cho lớp em nổi bật nhất trường với sắc đỏ rực rỡ.

Cây phượng mùa thu vẫn còn chút dư âm của mùa hạ và lại là thời gian chuyển mình của cây phượng, vì vậy tả cây phượng mùa thu chắc chắc ko rực rỡ nhưng cũng vô cùng ấn tượng.

Tả cây phượng mùa thu

Khi những con gió heo may bắt đầu kéo về, sân trường bỗng xào xạc từng tán lá, những cánh phượng đỏ bắt đầu lìa cành và rơi xuống sân. Năm học mới đã bắt đầu khi những cánh phượng nở muộn chạm xuống mặt sân bê tông. Thời kì chuyển mình của đất trời và của cây cối, đặc biệt là cây hoa học trò cũng tới.

Nhìn từ xa, cây phượng toả tán xanh rợp cả khoảng sân trường. Đó chính là cây phượng thẳng lớp em ra, cũng chính là nơi chúng em hay chơi đùa nhất. Mùa thu tới, lá phượng không còn màu xanh non mơn mởn mà chuyển sang màu xanh đậm, lá phượng cũng cảm giác dày hơn. Lá phượng cứ đung đưa theo gió như những cánh tay nhỏ vẫy vẫy chúng em mau xuống dưới tán lá ngồi cho mát mẻ.

Trên cây phượng sót lại vài chùm hoa nở muộn, sắc đỏ như những vạt nắng hè còn vương lại, chờ lúc chuyển sang nắng dịu của mùa thu. Những chùm phượng cuối khiến chúng em càng thêm tiếc nuối về mùa hè đã qua. Cánh hoa phượng mong manh như cánh bướm, màu đỏ tươi như màu khăn quàng. Nhị hoa phượng có màu màng, lúc nào nhị già sẽ bung ra những hạt phấn li ti màu vàng. Cùng với nhuỵ, các hạt phấn đậu lên nhuỵ sẽ tạo thành quả phượng.

Sau khi phượng tàn, những chiếc nhuỵ hoa phượng không bị rụng lúc này sẽ đậu thành quả. Quả phượng dài, màu xanh lá cây, hình dẹt dẹt như thanh kiếm. Quả phượng cứng lắm, có lần giông lớn làm gẫy cành phượng, chúng em đã lấy một quả phượng vào lớp để cùng xem. Vỏ quả phượng cứng, phải dùng lực mạnh mới có thể bẻ gãy được. Phía trong quả phượng có rất nhiều hạt thon dài xếp thành 1 hàng ngang. Hạt phượng căng bóng, khi bóc ra bên trong có phần vỏ và phần nhân màu xanh non.

So với quả phượng, thì hoa phượng là món mà bọn em có nhiều trò để chơi hơn. Hoa phượng ăn còn có vị chua nhẹ, nhiều bạn cũng thích ăn hoa phượng nữa. Chúng em rất thích chơi dưới tán cây phượng. Thân cây phượng cao nên chúng em có thể thoải mái chơi các trò như đá cầu, đá bóng mà không sợ bị mắc lên cây. Quanh gốc cây cũng có những chiếc ghế đá, tán phượng che cho ghế đá giúp cho ghế đá ở đây lúc nào cũng mát rượi.

Khi cuối thu, cây phượng bắt đầu rụng lá. Lá cây phượng chuyển từ xanh non sang xanh đậm rồi chuyển màu vàng ối trước khi lìa cành. Những cơn gió mùa bắt đầu mạnh hơn, trời lạnh hơn và khô hơn làm cho cây phượng rụng bớt lá. Ban đầu là từng chiếc lá, sau đó là tới cả cành lá. Chẳng mấy chốc mà cây phượng đã bước vào giấc ngủ đông.

Cây phượng vào mùa thu đẹp xao xuyến, dịu dàng và lãng mạn. Vì thế em luôn yêu quý cây phượng dù mùa nào cây có ra sao nhưng khi chúng em trở lại trường thì phượng vẫn xanh tươi đón chào chúng em vào năm học mới.

Tả cây phượng 4 mùa

Ôi tiếng ve đang gọi hè, ôi những tia nắng vàng gọi cây phượng thực dậy sau giấc ngủ đông dài. Hè đến rồi, em lại thỏa sức được ngắm cây phượng vĩ ở sân trường em.

Cây phượng ở sân trường được nhà trường trồng khá lâu rồi. Phượng có thân khá cao, thon, vỏ cây màu xám nhạt làm nổi bật màu xanh của tán lá. Vì là cây nhiệt đới, được trồng để lấy bóng mát nên các tán lá tỏa ra rộng, lá mọc kép thành tầng tràn đầy sức sống. Lá phượng xanh ngát khi xuân về, còn e ấp như những thiếu nữ ngại ngùng, dần dần chúng xòe ra chào đón những tia nắng hè rực rỡ. Cây phượng như muốn chạy kịp với trời hè, qua còn xanh màu lá mà giờ đã bừng đỏ rực những ngọn lửa cháy trên cành. Đó là hoa phượng, hoa phượng đỏ rực rỡ làm sao, nó không phải một đóa mà là hàng trăm chùm. Mọc xen kẽ trên những tán cây xanh, hoa phượng hé những đôi mắt lửa, ngắm nghía không gian.

Nhìn từ xa , cây phượng như một chiếc ô đỏ sặc sỡ giữa nền trời xanh trong với những áng mây bồng bềnh. Dường như hoa phượng nở càng đỏ, lá phượng lại càng xanh, một niềm vui cháy khát và nỗi sầu mang mác có lẽ chính là nỗi niềm của phượng vĩ. Có lẽ vui vì hè đến, mang lại hơi thở tươi mới cho từng tế bào trong thân cây, còn buồn, buồn vì hè đến, Phượng lại nhìn những học sinh bước vào mùa thi, rồi kì nghỉ hè đến, phượng lại cô đơn một mình. Cây phượng, ôi thân thương, có người kể với em rằng phượng vĩ còn là nơi hò hẹn, nơi những thiếu nữ mân mê tà áo trắng ngượng ngùng cười lệ với người yêu, là nơi khởi nguồn của sự gặp gỡ cùng là nơi hẹn ngày tái ngộ. Chính vậy mà phượng vĩ mang cả niềm vui mà cũng chất chứa nhiều nỗi buồn.

Phượng vĩ vốn là cây nhiệt đới, ưa cái nóng và ghét cái lạnh. Mỗi lần ông già mùa đông khắc nghiệt ghé qua, là lúc cây phượng phải chịu những thử thách lớn. Phượng trơ cành khẳng khiu không một chiếc lá, thân phượng đen già. Bầu trời âm u, quạt từng cơn gió lớn, lay lắt những cành lá và quả già còn sót lại trên cành. Em nhìn cây phượng mà xót thương vì giờ đây nó không còn sức sống mà nó vốn có. Những rực rỡ, những nồng nhiệt bị thay thế bởi từng đợt run rẩy của cành cây và sự u buồn vì vắng bóng những tầng lá xanh. Và rồi đông qua, mùa xuân đánh thức những cành lá, mùa hè ồ ạt tiếng ve như tiếng reo gọi những bông hoa phượng bừng nở rực rỡ.

Những cơn gió hè mơn man trên cành lá đung đưa những chùm hoa phượng vĩ chào đọn bầu trời thay áo mới xanh tươi không một gợn mây âm u. Mùa hoa phượng nở rồi rụng đỏ quanh gốc, đó cũng là lúc chúng em bắt đầu những trò chơi quen thuộc. Nhặt những bông hoa, ngắt từng nhị hoa chơi đấu gà, những bạn nữ như em thường cài những bông hoa phượng lên mái tóc chơi. Hoặc tìm những cành lá nhỏ rơi rụng đan thành vòng nguyệt quế xanh tươi đội lên đầu , đeo vào cổ. Lúc ấy thì hãnh diện lắm, vì mình có một chiếc vòng nguyệt quế, làm từ những cành lá của cây phượng thân yêu.

Tuổi học trò cứ thế trôi đi êm đềm, cùng bạn cùng bè cùng cây phượng vĩ lưu giữ bao thương nhớ thuở mộng mơ. Không biết mai sau trưởng thành, quay về mái trường thân yêu, thì thầm với cây phượng , hỏi phượng xem có nhớ ta, hỏi phượng về kí ức tuổi thơ tươi đẹp. Em mỉm cười thích thú, có lẽ khi lớn ta sẽ chẳng còn cơ hội ngắm phượng vĩ thật gần, thật lâu, ngắm được vẻ đẹp rực rỡ của nó như khi còn cắp sách đến trường.

Phượng vĩ đẹp mà thơ. Loài cây che bóng mát cho biết bao thế hệ học sinh Việt Nam. Em còn nhớ mãi, yêu mãi thôi cây hoa học trò.

-/-

Trên đây là những bài văn tả cây phượng 4 mùa xuân hạ thu đông giúp các em có góc nhìn đầy đủ về cây phượng các thời điểm khác nhau. Hi vọng những bài văn trên có thể giúp các em viết được bài văn tả cây phượng theo mùa thật hay và ý nghĩa.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM