Trang chủ

Suy nghĩ về triết lí sống trong truyện ngắn Bến quê (Nguyễn Minh Châu)

Xuất bản: 21/02/2019 - Tác giả:

Những mẫu bài văn hay phân tích, nêu suy nghĩ của em về triết lí sống trong tác phẩm truyện ngắn Bến Quê của Nguyễn Minh Châu.

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của em về triết lý sống trong truyện ngắn “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu.

***

Top 3 bài văn hay phát biểu cảm nghĩ về triết lí sống trong truyện Bến Quê

Bài số 1:

Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989), là nhà văn có ngòi bút mang tính biểu tượng sâu sắc. Mỗi tác phẩm của ông đều hướng đến một triết lý, một ý nghĩa nhân sinh. Ông có tầm ảnh hưởng rất lớn đến văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam và thời kỳ đầu đổi mới. Ông có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, mang lại suy nghĩ, sự ám ảnh cho người đọc. Và “Bến quê“ là một tác phẩm như vậy. Truyện muốn gửi gắm đến tất cả chúng ta triết lý sống “con người ta trên đường đời thật khó tránh khỏi những vòng vèo hay chùng chình".

Nhân vật Nhĩ, nhân vật chính của Bến quê đã nhận ra triết lý này, khi anh đứng ở bên kia cái dốc của cuộc đời. Có lẽ đây là triết lý mà chính tác giả đã đúc rút nên, mang tính trải nghiệm, tổng kết cho đời người.

Câu truyện được kể lại theo cái nhìn và tâm trạng của nhân vật Nhĩ, trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Nhĩ làm công việc được đi khắp nơi, “suốt đời Nhĩ từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất”. Thế nhưng đến khi cuối đời, anh lại bị buộc chặt vào giường bệnh và bị hành hạ hàng năm trời với một căn bệnh quái ác. Và thật trớ trêu, dù được đi khắp nơi nhưng Nhĩ lại chưa từng được đặt chân sang bãi bồi bên kia sông Hồng, nơi gần gũi và thân quen nhất với anh. Đọc đến đây, có thể thấy rõ ràng một nghịch lý cuộc sống đáng suy nghĩ. Một người được đi đây đó khắp nơi cả cuộc đời, thế nhưng ngay cái nơi gần gũi nhất, nơi anh sinh ra và lớn lên thì lại chưa có cơ hội được đặt chân tới dù chỉ một lần. Sự trớ trêu, nghịch lý này đã tạo nên sự ân hận và nỗi day dứt sâu sắc trong lòng anh.

Bệnh nặng đã khiến anh không thể làm gì, việc đi lại cũng trở nên khó khăn, ngay việc nhích người đến bên cửa sổ, Nhĩ cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của đám trẻ con hàng xóm. Rồi vào buổi sáng hôm ấy, khi Nhĩ phát hiện ra vẻ đẹp lạ lùng của bãi bồi bên kia sông ngay trước cửa sổ nhà anh, cũng là lúc anh biết rằng, anh sẽ không bao giờ có thể đặt chân lên mảnh đất ấy, dù nó ở ngay trước mắt. Đây tiếp tục lại là một nghịch lý đáng suy ngẫm với người đọc. Và cũng chính lúc ấy, Nhĩ nhận ra mình đã vô tâm với người vợ tần tảo, giàu đức hi sinh và tình yêu dành cho anh. Anh xót xa nhìn lại quá khứ và cảm thấy thật sự biết ơn vợ của mình. Có thể thấy, có những điều rất bình thường trong cuộc sống, nhưng thường bị người ta bỏ qua, lãng quên để tìm đến những ham muốn xa vời hơn. Có lẽ chỉ khi đã từng trải, con người ta mới nhận ra giá trị của những điều đó.

Với Nhĩ, giờ đây khi nằm trên giường bệnh, anh mới nhận ra: “họa chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia”. Anh khao khát được đặt chân đến đó, nhưng biết mình không thể làm được. Nhĩ quyết định nhờ đứa con trai duy nhất sang bên đó, thực hiện thay ước vọng của mình, là được ngắm nhìn bãi bồi phù sa màu mỡ, tươi đẹp. Thế nhưng lại là một nghịch lý đối với Nhĩ, khi đứa con trai không hiểu được điều mà Nhĩ mong muốn. Cậu bé đã bị cám dỗ bởi những người chơi cờ, mải mê vào đó mà có thể sắp phải lỡ mất chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Chính lúc này đây, Nhĩ đã đau đớn nhận ra rằng: “con người ta trên đường đời khó tránh khỏi những điều vòng vèo hay chùng chình.” Sự vòng vèo hay chùng chình ở đây chính là những cám dỗ, những thứ mê hoặc mà nếu con người không có đủ mạnh mẽ, không đủ tỉnh táo thì sẽ dễ dàng bị cuốn vào những thứ cám dỗ đó.

Nhĩ bất lực nhìn con trai qua cửa sổ. Anh cố dùng chút sức lực cuối cùng, đưa tay vẫy vẫy để bảo đứa con hãy đi đi, đừng bị những thứ tầm thường đó cám dỗ. Thế nhưng có lẽ cố gắng đến mấy thì cũng đã muộn, Nhĩ không còn nhiều thời gian nữa.

Qua Bến Quê, chúng ta đã được Nguyễn Minh Châu gieo vào lòng nhiều băn khoăn và sự suy nghĩ sâu sắc. Với triết lý “con người ta trên đường đời khó tránh khỏi những vòng vèo hay chùng chình”, chúng ta sẽ có thêm những nỗi trăn trở khi bước trên đường đời. Rằng mỗi khi sắp làm một việc gì, chúng ta cố gắng có đủ bản lĩnh, đủ tỉnh táo để vược qua những cám dỗ, những ngọt ngào. Những vòng vèo, chùng chình đó có thể sẽ rèn luyện chúng ta trưởng thành hơn, nhưng cũng có thể làm cho chúng ta bỏ lỡ mất những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Bài số 2:

Nguyễn Minh Châu được xem là một tác giả có cách viết rất độc đáo, bởi trong mỗi tác phẩm của ông đều gửi gắm một triết lý sống sâu sắc.

Tác phẩm “Bến quê” là câu chuyện ám ảnh với người đọc về triết lý sống của con người “Con người ta sống trên đời thật khó tránh khỏi những vòng vèo hay chùng chình”. Triết lý sống này được nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê rút ra trong những ngày anh ta ốm liệt giường đang ở cái dốc bên kia của cuộc đời. Nó cũng chính là triết lý sống mà Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm tới tất cả người đọc sau những gì ông đã đúc kết được trong cuộc sống.

Câu nói này thể hiện sự tinh tế, từng trải của nhà văn Nguyễn Minh Châu với cuộc đời, thể hiện sự thấu hiểu vạn vật nhân sinh xung quanh mình. Thể hiện sự nuối tiếc xót xa hối hận vì những thứ chưa làm được, những điều đã bỏ lỡ.

Truyện ngắn “Bến quê” kể lại nhân vật Nhĩ, một con người khi còn trẻ có thú vui đi đây, đi đó, khám phá cuộc sống để rút ra những điều chiêm nghiệm của mình. Trong tác phẩm của mình Nguyễn Minh Châu đã đặt ra những nghịch lý sống, có thể coi đó là tình huống nghịch cảnh tạo nên triết lý sống sâu sắc nhất cho tác phẩm.

Nhân vật Nhĩ là người mà suốt cuộc đời đã từng đi không sót một xó xỉnh nào, nhưng tới cuối đời khi nằm liệt trên giường vì căn bệnh quái ác, thì anh ta mới phát hiện ra mình chưa từng đặt chân lên bãi bồi bên kia sông Hồng của làng mình, nơi gần gũi thân thiết nhất. Đây chính là nghịch lý đầu tiên mà tác giả Nguyễn Minh Châu đã đặt ra cho tác phẩm cho nhân vật của mình. Cả cuộc đời một con người đi khắp nơi, bôn ba hết nơi này đến nơi khác nhưng nơi gắn bó gần gũi nhất lại chưa từng đặt chân tới lần nào. Sự trêu đùa của số phận tạo nên sự ân hận trong lòng nhân vật Nhĩ cho tới tận ngày cuối đời của mình.

Nhĩ rất muốn sang bãi bồi bên kia sông để tận mắt ngắm nhìn bãi bồi xinh đẹp xanh tươi đó, nhưng anh bị liệt, ngay cả tới gần cửa sổ đứng bằng hai chân anh còn không làm được huống chi sang bên đó phải đi qua một con đò, qua sông. Không tự mình đi được Nhĩ nhờ con trai của mình, một cậu bé tinh nghịch ham chơi mới hơn chục tuổi đầu sang bên đó ngắm nhìn cảnh vật thật chi tiết rồi về kể lại cho Nhĩ nghe.

Cậu bé nghe theo lời ba mình, nhưng trên đường đi có rất nhiều trò chơi hấp dẫn khiến cậu bé ham chơi, sa đà quá mà quên mất lời ba dặn, đến khi giật mình nhớ đến thì đã lỡ chuyến đò sang sông. Cậu bé về nhà kể lại cho ba nghe mọi chuyện diễn ra. Lúc này Nhĩ mới đau đớn kêu lên chua xót "Con người ta sống trên đời thật khó tránh khỏi những vòng vèo hay chùng chình”.

Nghịch lý thứ hai mà nhân vật Nhĩ gặp phải đó chính là người vợ thân yêu của mình. Những ngày còn khỏe mạnh, trai trẻ đi đây đi đó Nhĩ không coi trọng vợ là mấy, anh ta thường xuyên làm khổ vợ.

Nhưng những ngày bị ốm nằm liệt giường Nhĩ mới nhận ra tấm lòng người vợ dành cho mình là vô cùng sâu sắc. Một người vợ hiền thục, tần tảo thương chồng thương con. Lo lắng cho người chồng ốm yếu từng miếng ăn giấc ngủ mà không nửa lời kêu than. Nhĩ cảm thấy mình mắc nợ vợ nhiều quá. Nhưng vợ anh không cảm thấy vậy, cô hạnh phúc khi được quan tâm chăm sóc chồng những ngày cuối đời.

Những triết lý nhân văn sâu sắc đầy ám ảnh mà Nguyễn Minh Châu muốn gửi tới người đọc, làm cho người đọc cảm thấy băn khoăn suy nghĩ rất nhiều. Nó như những thử thách của cuộc sống dành cho mỗi con người vậy, ai muốn đi tới đích thì cần phải có đủ dũng cảm, ý chí vượt qua những cám dỗ, mê hoặc ngoài kia.

Bài số 3:

Nguyễn Minh Châu được xem là nhà văn của những biểu tượng bởi rằng mỗi nhân vật, mỗi sự việc trong từng trang viết của ông đều hướng đến một triết lí, một ý nghĩa nhân sinh nào đó. Người đọc cần phải đọc bằng tâm thì mới có thể nhận ra giá trị đó. Truyện ngắn “Bến quê” là một câu chuyện đầy sức ám ảnh mỗi khi gấp trang sách lại. Ở đó Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm triết lí sống “Con người ta trên đường đời thật khó tránh khỏi những vòng vèo hay chùng chình”.

Đây chính là triết lí sống trong truyện ngắn Bến quê, là nhân vật Nhĩ đã nhận ra khi anh đang đứng ở bên kia cái dốc của cuộc đời. Phải chăng đây cũng chính là triết lí mà Nguyễn Minh Châu đúc rút nên, vừa mang tính trải nghiệm, vừa mang tính tổng kết cho một đời người. Hẳn rằng phải có sự tinh tế, sự thấu hiểu cũng như sự từng trải, tác giả mới có thể nhận ra chân lí hiển nhiên nhưng lại đầy chua xót và nuối tiếc như vậy.

Bến quê” là câu chuyện được kể lại qua cái nhìn, chiêm nghiệm của nhân vật Nhĩ, nhân vật trung tâm, nhân vật mà tác giả gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng cùng những chiêm nghiệm cuộc sống đáng trăn trở. Nguyễn Minh Châu đã đặt ra những nghịch lí, có thể coi đó là những tình huống tạo nên nghịch lí và tạo nên triết lí cuộc sống sâu sắc nhất. Nhân vật Nhĩ được đặt vào một hoàn cảnh rất trớ trêu “suốt đời Nhĩ từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất” nhưng đến cuối đời căn bệnh quái ác hành hạ, Nhĩ lại chưa từng đặt chân sang bãi bồi bên kia sông Hồng, nơi gần gũi và thân quen nhất. Đây chính là một nghịch lí cuộc sống đáng suy ngẫm. Cả cuộc đời bôn ba khắp nơi, nhưng cái nơi thân quen và gần gũi nhất, ngay trên quê hương mình lại chưa một lần có cơ hội đặt chân tới. Sự trớ trêu này đã tạo nên ân hận và đầy day dứt trong lòng Nhĩ.

Tuy nhiên vào một buổi sáng, Nhĩ nhận ra mọi thứ quá đỗi thân quen qua ô của sổ, Nhĩ nhận ra vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông và muốn được đặt chân đến đó trước khi từ giã cuộc đời. Nhưng số phận khắc nghiệt, cuộc sống trớ trêu, Nhĩ lại không thể tự mình làm được cái việc tưởng chừng đơn giản đó. Đây chính là một nghịch lí thứ hai mà người đọc cảm nhận được.

Cuối cùng Nhĩ đã nhờ đứa con trai sang bên đó hộ mình, để ngắm nhìn bãi bồi màu mỡ, phù sa. Nhưng đứa con trai không thể hiểu được điều mà cha mong muốn nên thực hiện một cách miễn cưỡng nhất. Trên chặng được đi, đứa con trai đã không thể vượt qua được cám dỗ của những người chơi cờ, cậu đã mê mải và sà vào đó, quên mất lời cha, có thể sẽ lỡ mất chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Lúc này Nhĩ mới đau đớn nhận ra “Con người ta trên đường đời khó tránh khỏi những cái vòng vèo hay chùng chình”. Cái sự “vòng vèo hay chùng chình” đó chính là cám dỗ mà con người khó có thể vượt qua được. Nếu không có đủ mạnh mẽ, không biết tỉnh táo thì sẽ rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy đó. Nhĩ bất lực nhìn con trai và cố vươn tới cửa sổ lấy tay vẫy vẫy, Nhĩ cố dồn chút sức lực cuối cùng để bảo đứa con trai hãy đi đi, đừng để những thứ tầm thường xung quanh mình cám dỗ. Đây chính là triết lí mà đi hết một đời Nhĩ mới nhận ra và thấu hiểu. Nhưng tất cả đều đã muộn rồi, cuộc đời Nhĩ sắp không gượng được bao nhiêu nữa.

Với triết lý sống trong truyện ngắn Bến quê sâu sắc và đầy sức ám ảnh đó. Nguyễn Minh Châu đã gieo vào lòng người đọc nhiều băn khoăn, nhiều trăn trở khi đang bước đi trên chặng đường đời. Liệu rẳng chúng ta có đủ bản lĩnh để vượt qua được những cám dỗ ngọt ngào ở bên ngoài kia hay không. Sự vòng vèo, chùng chình đó có cuốn chúng ta vào, và chúng ta có bỏ lỡ những điều bình dị nhưng tốt đẹp ở trong cuộc đời hay không.

Như vậy với triết lí sống đó, mỗi khi nghĩ đến nhân vật Nhĩ, nghĩ đến cái khoát tay ở cuối truyện; người đọc càng thêm thấm thía hơn, càng thêm trận trọng cuộc sống hiện tai. Những thứ tưởng chừng như rất đỗi bình dị nhưng lại có sức ám ảnh lớn với mỗi người.

--------------------------------------------------------------------

» Tham khảo thêm:


TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM