Nhà văn Nguyễn Khải có câu nói: "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng.". Câu nói này giống như một triết lí nhưng nó cũng như một lời động viên con người vươn lên trong nghịch cảnh.
Dàn ý Suy nghĩ về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết
I. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề: Vấn đề nhân sinh được đặt ra trong câu nói của nhà văn Nguyễn Khải.
II. Thân bài
1. Giải thích vấn đề nhân sinh được đặt ra trong câu nói của Nguyễn Khải
- Giải thích các phạm trù: "sự sống", "cái chết", "hạnh phúc", "gian khổ, hy sinh".
- Giải thích ý kiến của nhà văn Nguyễn Khải: Khái quát quy luật của cuộc sống và là lời khuyên con người cần phải nỗ lực, cố gắng và mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn, thử thách.
2. Bàn luận vấn đề nhân sinh được đặt ra trong câu nói của Nguyễn Khải
- "Sự sống nảy sinh từ cái chết": Mặc dù sự sống và cái chết là hai trạng thái hoàn toàn đối lập và không thể tồn tại song song nhưng:
+ Từ trong cái chết, sự sống sẽ được tái lập.
+ Cái chết chính là môi trường để gieo mầm, ươm mầm sự sống.
- "Hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ": Trong cuộc đời, không có niềm vui, hạnh phúc nào là trọn vẹn.
+ Cuộc sống của con người xen kẽ, đan cài giữa hạnh phúc và hy sinh, gian khổ.
+ Trong đau khổ, con người cũng có thể tìm thấy những niềm vui, hạnh phúc dù là nhỏ nhoi và còn le lói.
- Con người cần mạnh mẽ vượt qua những đau khổ, mất mát, hy sinh để đạt tới hạnh phúc và duy trì sự sống.
3. Bài học nhận thức và hành động
- Nhận thức được cuộc sống luôn chứa đựng những giá trị tưởng chừng như đối lập nhưng lại có mối quan hệ tương sinh.
- Rèn luyện tinh thần mạnh mẽ đối diện với khó khăn.
III. Kết bài
- Khẳng định lại ý nghĩa nhân sinh được đặt ra trong câu nói của nhà văn Nguyễn Khải.
Top 8 bài văn tham khảo Suy nghĩ về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết
Dưới đây là bài văn mẫu mà Đọc tài liệu đã tổng hợp giúp các em tham khảo để trình bày suy nghĩ về đề bài này.
Suy nghĩ về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết - Mẫu 1
Sự sống ở đây, theo tôi là những giá trị hiện sinh, đó là sự sống của con người, cỏ cây, chim muông. Đó cũng có thể hiểu là sự sống trong tâm hồn, trong nhận thức. Sự sống và cái chết; hạnh phúc và hy sinh gian khổ là những khái niệm trái ngược nhau, thế nhưng "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ".
Tại sao lại như thế? Theo tôi, trước hết là bởi không có gì trường tồn mãi với thời gian, không có cuộc sống, số phận nào là luôn luôn hạnh phúc. Cái chết phải luôn song hành cùng sự sống, có hy sinh gian khổ mới có hạnh phúc. Cuộc sống vốn rất phức điệu và đa chiểu. Nó có muôn màu, muôn vẻ thiên hình ị vạn trạng. Ông cha ta đã từng khẳng định: "Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai". Đó chính là một dẫn chứng cho ý kiến trên. Không ai cấm trên xác cây khô kia nảy sinh những mầm xanh, qua mùa đông tàn tạ úa vàng mới đến ngày xuân trăm hoa đua nó. Đó chính là vì "sự sống nảy sinh từ trong cái chết".
Từ hiện thực sinh động của cuộc sống ở nông trường Điện Biên, nhà văn Nguyễn Khải đã đưa ra một câu nói đầy chất triết lí: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh đế bước qua những ranh giới ấy".
Nó thôi thúc ta hy vọng, chiến đấu để vượt qua tất cả. Hạnh phúc, sự sống nảy sinh hiện hình từ trong đau khổ và cái chết mới khiến ta trân trọng biết bao! Vấn đề nhân sinh mà Nguyễn Khải đặt ra trong "Mùa lạc" là rất đáng để suy ngẫm chiêm nghiệm.
Suy nghĩ về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết - Mẫu 2
Bàn về những vấn để triết lí mang tính nhân sinh, nhân văn Nguyễn Khải đã từng nói: " Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy." " Sự sống" ở đây chính là những giá trị vật chất và tinh thần của mỗi cá thể, ngược lại với "sự sống" chính là "cái chết". " Hạnh phúc" là đích đến của mọi người. "Hi sinh, gian khổ" như những chướng ngại vật giúp ta trưởng thành hơn. "Sự sống nảy sinh từ cái chết" chính là từ trong cái chết sự sống được xác lập, cái chết là môi trường gieo mầm sống. "Hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh gian khổ" trong cuộc sống không chỉ có toàn niềm vui mà còn có rất nhiều khó khăn, thử thách. Muốn có cho mình quả ngọt " hạnh phúc" thì bắt buộc chúng ta phải trải qua những gian nan ấy. Câu nói ấy gửi tới chúng ta thông điệp rằng, cuộc sống luôn chứa đựng những điều tưởng như đối lập nhưng thực chất lại thống nhất với nhau. Dám vượt qua những gian khổ, hi sinh chúng ta sẽ có được niềm hạnh phúc.
Suy nghĩ về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết - Mẫu 3
Nhà văn Nguyễn Khải đã lấy nông trường Điện Biên làm bối cảnh cho truyện ngắn Mùa lạc. Điện Biên - nơi đã ghi dấu bao nhiêu dấu tích của chiến tranh. Nơi đó, xưa kia là một vùng đất chết, sự sống nói chung và sự sống của con người nói riêng bị chiến tranh tàn phá và hủy diệt. Ai có ngờ đâu, sau chiến tranh, cuộc sống nơi đây đã hồi sinh. Điện Biên đã thành một nông trường rộng lớn, tràn đầy sức sống với “màu xanh thẫm của đỗ, của ngô, của lạc, màu xanh non của lá mạ, màu đỏ tươi của ớt chín lấn dần lên các thứ màu nham nhở, man rợ khúc của đất hoang". Đặc biệt là sự hình thành và phát triển ngày càng tốt đẹp, tươi vui, hạnh phúc của cuộc sống con người nơi đây. Dĩ nhiên là cuộc sống tươi vui, đầm ấm, hạnh phúc ấy không phải tự dưng mà những con người nơi đây có được. Muốn có được cuộc sống như thế họ phải lao động cậc lực, họ phải đổ biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và có khi là cả máu của họ. Chính cuộc sống được hình thành như vậy, nên họ yêu thương nhau, gắn bó với nhau và sống với lòng vị tha cao cả. Được sống trong một môi trường mới với những con người lao động mới và sự nỗ lực tự vượt lên chính bản thân mình, Đào đã vượt qua số phận và tìm thấy hạnh phúc. Từ hiện thực sinh động của cuộc sống ở nông trường Điện Biên, nhà văn Nguyễn Khải đã đưa ra một câu nói đầy chất triết lí: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh đế bước qua những ranh giới ấy".
Câu nói của nhà văn Nguyễn Khải đã đưa ra một chân lí của cuộc sống, đề cao sự nỗ lực vươn lên không ngừng của mỗi dân tộc của bản thân của mỗi con người trong việc đi tìm lẽ sống và hạnh phúc cho dân tộc, cho mỗi cá nhân con người.
Thật vậy, trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, ông cha ta đã từng đánh Hán, đuổi quân Nguyên - Mông, diệt Minh, trừ Thanh, đánh Pháp, đuổi Nhật, phá tan bè lũ cướp nước và bán nước Mỹ - ngụy để giành và giữ lấy độc lập tự do cho dân tộc. Nếu không có xương máu của tiền nhân dân đổ xuống trên mảnh đất này trong suốt chiều dài lịch sử thì làm sao ta có được một dải giang sơn Việi Nam gấm vóc chạy suốt từ Bắc đến Nam như ngày hôm nay. Như vậy, không phải là “Sự sống nảy sinh trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ" đấy ư?
Trở lại với nông trường Điện Biên, ta cũng thấy rõ điều đó. Cuộc sống nơi đây hồi sinh, con người nơi đây tìm ra cuộc sống tươi vui, hạnh phúc cũng đi từ những hi sinh gian khổ, từ ý chí, niềm tin và nghị lực, không đầu hàng cuộc sống. Đào - nhân vật trung tâm của câu chuyện cũng đi từ những bất hạnh trong cuộc đời, nhưng nhờ có lòng khát khao cuộc sống, có ý thức không đầu hàng số phận, nên Đào mới lưu lạc đến nông trường Điện Biên và ở đây, trong một môi trường mới với những con người lao động mới. Đào đã vượt qua số phận và tìm thấy hạnh phúc. Quả đúng là “ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy". Trong cuộc sống đời thường đã có biết bao tấm gương vượt khó để thành công trong cuộc đời, có biết bao con người “tàn” mà không “phế" làm được biết bao điều để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho mình và cho xã hội.
Cùng với quan điểm này của nhà văn Nguyễn Khải. Trước đó, bà Thác-kơ-rê một nữ văn sĩ nổi tiếng của nước Anh trong bộ tiểu thuyết Hội chợ phù hoa đã nói: “Cuộc đời là một tấm gương soi, cau mặt với nó, nó sẽ cau mặt trả lại với chúng ta ngay. Nếu mỉm cười với nó, nó vẽ trở thành người bạn vui tính và tốt bụng". Hoàng đế Na-pô-lê-ông của nước Pháp cũng đã từng nói: "Mất tiền là chẳng mất gì cả, mất danh dự là mất một nửa cuộc đời; mất niềm tin và nghị lực là mất cả cuộc đời".
Câu nói của Nguyễn Khải trong truyện ngắn Mùa lạc: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy" là một chân lí, mãi là bài học cho mỗi chúng ta trong cuộc sống.
Suy nghĩ về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết - Mẫu 4
Giống như chiếc lá, đời người có lúc được ươm mình trong nắng vàng ngọt ngào, nhưng cũng có lúc phải đối mặt với mưa to gió lớn. Chúng ta cần phải vươn lên và đối mặt với những thứ khắc nghiệt ấy bởi lẽ: "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy..." (trích "Mùa lạc"). Cuộc sống không phải lúc nào cũng trải đều hoa hồng mà còn rất nhiều những chông gai trắc trở. Khi ta cố gắng vượt qua khó khăn ấy bằng tâm huyết và sức lực, ta không chỉ đang được trải nghiệm những thách thức mới mà còn là cách khuyến khích ta vượt qua những giới hạn của bản thân. Dù việc nhỏ hay lớn, dù điều bình thường hay vĩ đại, nếu chúng ta không do dự, chần chừ, không để nó quá lâu và loại bỏ từ “nản chí” trong từ điển sống của bản thân, thì dù thành công hay thất bại, ta cũng sẽ rút ra được cho mình những bài học đáng quý. Hãy nhớ rằng, không phải ai sinh ra cũng sẽ thành công. Thành công là đích đến cũng là một quá trình. Bạn dù xấu dù đẹp, dù giàu dù nghèo, dù hay dù dở,… nếu biết nỗ lực và kiên trì, ta xứng đáng nhận được phần thưởng - món quà thành công. Chúng ta được sống trong một đất nước Việt Nam dân chủ cộng hòa xinh đẹp, có được một cuộc sống yên bình cùng cha mẹ không cần phải lo nghĩ. Vậy từ đâu mà chúng ta có được cuộc sống ấy? Có phải thiên nhiên tự hình thành cho chúng ta? Không, tất cả những độc lập hạnh phúc ấy đến từ sự đồng lòng kiên trì cao độ của dân tộc ta qua hàng nghìn năm dưới sự lãnh đạo của các vị vua là chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nhưng thật đáng buồn cho thế hệ ngày nay, còn rất nhiều người mới gặp khó khăn, thử thách đã vội nản chí, không biết cố gắng vươn lên trong cuộc sống của mình,… những người này sẽ khó có được thành công trong cuộc sống và sớm bị xã hội đào thải. Bạn thấy đấy, chúng ta thường sẽ tiếc nuối những việc nên làm mà không làm, những lời nên nói mà không nói ra, những ước mơ chính đáng nhưng không dám theo đuổi. Câu nói đã đưa ra một chân lý cuộc sống rằng biết kiên trì, vươn lên, vượt qua hoàn cảnh khó khăn trước mắt ta sẽ tìm được con đường đi riêng cho bản thân mình và hướng đến thành công. Vì thế hãy sống và hết mình khi còn có thể!
Suy nghĩ về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết - Mẫu 5
Cuộc sống của mỗi người mỗi ngày vui vẻ hay buồn bã là do chính bản thân chúng ta lựa chọn. Có thể nhận xét rằng, thái độ sống có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Một thái độ sống lạc quan sẽ khiến cho mỗi ngày trở nên ý nghĩa hơn. Chúng ta hãy giữ cho mình một thái độ sống lạc quan, bởi lẽ: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Thái độ sống tích cực, lạc quan là luôn vui vẻ, thoải mái, vô tư dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn hay gian nan thử thách hay gặp phải chuyện không vui trong cuộc sống. Thái độ sống lạc quan rất quan trọng đối với cuộc sống con người, mỗi người nên rèn luyện cho bản thân đức tính này để sẵn sàng đối mặt với những thử thách của cuộc sống. Trong cuộc sống, con người không tránh khỏi những lúc vấp ngã, chán nản, tinh thần lạc quan sẽ giúp người đó đứng lên và tiếp tục chiến đấu, chinh phục con đường mà mình đã lựa chọn. Bên cạnh đó, thái độ sống lạc quan giúp con người sống vui vẻ hơn, tận hưởng được nhiều vẻ đẹp hơn của cuộc sống, đồng thời giúp cho cuộc sống muôn màu sắc hơn. Người có thái độ sống tích cực, lạc quan luôn biết cách biến cuộc sống của mình trở nên muôn màu và truyền được năng lượng tích cực cho người khác. Tuy nhiên, trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người bi quan, khi đứng trước khó khăn thử thách không dám đương đầu hoặc luôn chán nản mà gục ngã; lại có nhiều người vì quá lạc quan mà trở nên vô tâm;… những người này nên bị chỉ trích, phê phán. Chúng ta hãy hiểu rằng, mỗi ngày khi mở mắt ra thấy bản thân mình còn sống, còn được cống hiến là một điều vô cùng may mắn. Chính vì vậy, chúng ta hãy sống với thái độ tích cực nhất có thể để làm nên nhiều hơn những điều tích cực khác.
Suy nghĩ về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết - Mẫu 6
Trong cuộc sống, chúng ta sẽ không tránh khỏi những lúc khó khăn và vấp ngã, chúng ta cần bước qua những khó khăn ấy và đi tiếp trên con đường của mình bởi lẽ: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Trong cuộc đời, mỗi con người ai cũng sẽ phải trải qua những khó khăn gian khổ để trưởng thành và khôn lớn. Câu nói khuyên chúng ta hãy lạc quan, mạnh mẽ bước qua những thử thách đó để đến với thành công, đến với quả ngọt, sự cố gắng luôn được đền đáp xứng đáng. Người có tinh thần vượt khó khăn, thử thách là những người luôn cố gắng vươn lên trong công việc và cuộc sống, gặp khó khăn không chùn bước, vấp ngã biết đứng dậy và đi tiếp, không bỏ cuộc. Họ luôn kiên trì với mục tiêu và ước mơ mà bản thân mình đã đề ra. Khi chúng ta vượt qua thử thách, ta sẽ đến thành công, sẽ đạt được mục tiêu, đạt được những gì ta mong muốn. Bên cạnh đó, người vượt qua được những khó khăn thử thách sẽ rèn luyện được cho bản thân những đức tính tốt đẹp khác và được mọi người tôn trọng cũng như học tập theo. Tuy nhiên. Chắc hẳn chúng ta ai cũng biết, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người mới gặp khó khăn, thử thách đã vội nản chí, không biết cố gắng vươn lên trong cuộc sống của mình,… những người này sẽ khó có được thành công trong cuộc sống và sớm bị xã hội đào thải. Đứng trước những thử thách, mỗi con người được lựa chọn cho mình một tinh thần để vượt qua, hãy luôn giữ lấy sự lạc quan, niềm hi vọng và bản lĩnh của mình để hướng về phía trước, đến những điều tốt đẹp. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.
Suy nghĩ về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết - Mẫu 7
"Sinh, lão, bệnh, tử" là hành trình mà mỗi một con người cần trải qua kể từ khi cất tiếng khóc chào đời. Trong quá trình đó, con người luôn muốn đạt đến bến bờ của niềm vui, hạnh phúc. Bàn về những phạm trù có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc này, nhà văn Nguyễn Khải từng nói: "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy..." (trích "Mùa lạc"). Câu văn đã thể hiện một cách nhìn nhận, đánh giá về ranh giới của sự sống - cái chết, hạnh phúc - hy sinh, gian khổ và đề cao nỗ lực, cố gắng của con người.
Sự sống là một khái niệm vô cùng phức tạp và là phạm trù nghiên cứu chính của lĩnh vực sinh học. Trong cuộc sống thực tại của con người, sự sống bao hàm ý nghĩa về mặt vật chất và tinh thần, thể hiện qua việc con người tồn tại như một cá thể độc lập, đồng thời đó còn là sự sống trong tâm hồn. Còn "cái chết" là trạng thái hoàn toàn đối lập với sự sống. "Hạnh phúc" là vạch đích mà con người luôn muốn chạm tay tới trong cuộc đời; ngược lại, "hy sinh, gian khổ" là những điều không tốt đẹp, những gian nan, thử thách, buồn đau mà con người mong muốn không bao giờ gặp phải trong cuộc đời. Vậy thì tại sao trong quan niệm của mình, nhà văn Nguyễn Khải lai đặt những khái niệm mang ý nghĩa đối lập ở cạnh nhau trong mối quan hệ tương đồng gần gũi: sự sống - cái chết, hạnh phúc - hy sinh, gian khổ. Là một nhà văn với những triết lí nhân sinh quan sâu sắc, ông cho rằng sức mạnh, sự nỗ lực sẽ giúp con người làm nên những điều kì diệu.
"Sự sống nảy sinh từ cái chết" - quan niệm cho thấy quy luật vận động, phát triển và bản chất tồn tại của sự vật, hiện tượng. Trong "Mùa lạc", trên mảnh đất Điện Biên anh hùng trải qua biết bao mưa bom bão đạn, sự hủy diệt của kẻ thù và tưởng chừng như nó đã hóa thành "mảnh đất chết" đầy đau thương lại có biết bao cây cỏ và niềm vui của con người lao động sinh sôi. Trong thực tế, sự tồn tại của sự vật hiện tượng cũng vậy, trên những cành cây trơ trọi, héo tàn của mùa đông, khi xuân sang, những chồi non lộc biếc lại nảy nở. Còn trong cuộc sống của con người, những hy sinh xương máu về tuổi xuân, tuổi đời của thế hệ cha anh đi trước - những vị anh hùng chống ngoại xâm, các thương binh, liệt sĩ chính là nền tảng để chúng ta được tận hưởng bầu không khí của ngày hòa bình hôm nay. Như vậy, mặc dù sự sống và cái chết là hai trạng thái hoàn toàn đối lập và không thể tồn tại song song nhưng từ trong cái chết, sự sống sẽ được tái lập; hay nói cách khác, cái chết chính là môi trường để gieo mầm, ươm mầm sự sống.
Tương tự như vậy, "hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ" thể hiện quy luật mang tính tất yếu: Trong cuộc đời, không có niềm vui, hạnh phúc nào là trọn vẹn. Cuộc sống của con người xen kẽ, đan cài giữa hạnh phúc và hi sinh, gian khổ. Khi trải qua những hy sinh, gian khổ không có nghĩa là chúng ta chịu sự thiệt thòi, mất mát; mà đó chính là cơ sở để tạo nên hạnh phúc. Đồng thời, trong đau khổ, con người cũng có thể tìm thấy những niềm vui, hạnh phúc dù là nhỏ nhoi và còn le lói.
Như vậy, trong cuộc sống, con người cần nhận thức luôn chứa đựng những giá trị tưởng chừng như đối lập nhưng lại có mối quan hệ tương sinh để mạnh mẽ đối diện, dũng cảm để vượt qua ranh giới của những gian khổ, hi sinh, của sự sống và đặt chân đến bến bờ hạnh phúc, giống như Bác Hồ đã từng nói:
"Ví không có cảnh đông tàn
Thì sao có cảnh huy hoàng hôm nay"
(Trích "Tự khuyên mình")
Bởi thế, câu nói "điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy..." của nhà văn Nguyễn Khải còn hàm chứa một bài học về việc con người cần rèn luyện sự mạnh mẽ, dũng cảm trước những chông gai, thử thách trong cuộc đời. Sự sống là điều con người muốn duy trì, cũng như hạnh phúc là điều ai ai cũng muốn đạt tới. Tuy nhiên, nếu không trải qua những gian nan, thử thách, hy sinh, mất mát, con người sẽ không thể đạt được những điều đó.
Suy nghĩ về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết - Mẫu 8
Triết lý nhà phật có nhắc đến cái gọi là thuyết luân hồi: Một con người, sự vật chết đi sẽ hoá thân, chuyển kiếp sang một kiếp sống mới, dưới một hình hài mới. Bản thân tôi không hoàn toàn tin vào nó, tôi cảm nhận được nó dưới một khía cạnh khác. Đọc "Mùa lạc" của Nguyễn Khải tôi nhận ra được một điều đó: "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chi có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”
Sự sống ở đây, theo tôi là những giá trị hiện sinh, đó là sự sống của con người, cỏ cây, chim muông. Đó cũng có thể hiểu là sự sống trong tâm hồn, trong nhận thức. Sự sống và cái chết; hạnh phúc và hy sinh gian khổ là những khái niệm trái ngược nhau, thế nhưng "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ".
Tại sao lại như thế? Theo tôi, trước hết là bởi không có gì trường tồn mãi với thời gian, không có cuộc sống, số phận nào là luôn luôn hạnh phúc. Cái chết phải luôn song hành cùng sự sống, có hy sinh gian khổ mới có hạnh phúc. Cuộc sống vốn rất phức điệu và đa chiểu. Nó có muôn màu, muôn vẻ thiên hình ị vạn trạng. Ông cha ta đã từng khẳng định: "Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai". Đó chính là một dẫn chứng cho ý kiến trên. Không ai cấm trên xác cây khô kia nảy sinh những mầm xanh, qua mùa đông tàn tạ úa vàng mới đến ngày xuân trăm hoa đua nó. Đó chính là vì "sự sống nảy sinh từ trong cái chết".
Ở đây là một câu nói có tính chất khẳng định. Từ trong cái chết - cái tàn ta úa vàng sẽ nảy sinh ra sự sống - giá trị hiện sinh. Sự sống ấy dĩ nhiên không thể chung sống, phát triển trong môi trường ấy nhưng đó là nơi nó "nảy sinh”. Bản thân sự vật luôn biến đổi không ngừng nghi, ẩn đằng sau - tận bên trong sự khô héo không ai ngăn trở được những biến đổi vận động không ngừng để nảy sinh ra sự sống. Ai biết được, những hạt lúa đã được phơi khô kia cấy xuống nước lại có thể mọc ra cây lúa xanh tươi. Tôi lại chợt nhớ đến bài kể của bậc thiền sư thời Lý căn dặn học trò trước lúc ra đi:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đinh tiền tạc dạ nhất chi mai
(Mãn Giác thiến sư)
Dịch thơ
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Sau lưng già đến rồi
Ai bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
Vâng, xuân đến và đi là quy luật của tạo hoá. Đó là vòng quay của thời gian, nhưng, trong cái giá rét của đêm đông ấy, trên cái cành khô mà tưởng như đã "lạc tận" - rụng hết ấy vẫn bừng lên vẻ đẹp của "nhất chi mai". Cái hình cành mai dẫu đơn độc nhưng thật cứng cỏi ấy như tạc vào đêm tối chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự sống ở giữa cái nơi mà vạn vật tưởng đã úa tàn. Sự sống và cái chết, đau khổ và hạnh phúc, đó chính là một vòng tròn của số phận, của tạo hoá; đó chính là nguyên cớ cho sự nảy sinh - hiện hình.
Với "Mùa lạc", Nguyễn Khải cũng đã chứng minh được điều đó. Có ai ngờ ở trên mảnh đất đầy bom đạn của Điện Biên, nơi từng bị bom thù giày xéo từng tấc đất, tưởng như không một sự sống lại mọc lên một nông trường Điện Biên cây cối tốt tươi, có cả cuộc sống con người với đủ mọi cung bậc cảm xúc. Đối với con người cũng vậy, hạnh phúc hiện hình từ trong hy sinh, gian khổ. Bác Hồ cũng đã từng nói: "Nếu không có cảnh đông tàn/Thì sao có cảnh huy hoàng ngày xuân". Con người từ khi sinh ra, không ai có được quyền hưởng hạnh phúc suốt đời mà không phải chịu sự khổ đau, hi sinh nào. Cũng như, không có ai là suốt đời đau khổ mà không tìm được hạnh phúc. Trong vất vả, đớn đau, hạnh phúc vẫn có thể hiện hình. Một người đã "quá lứa lỡ thì" như Đào, đã từng mất chồng mất con, từng lang bạt tứ xứ tối đến đặt lưng ở đâu là nhà - một con người từng chịu bao nhiêu đau khổ, mặc cảm – cuối cùng cũng tìm được một bến đỗ bình yên nơi nông trường, tìm được một hạnh phúc dẫu muộn màng bên người đội trưởng.
Vâng, phải chăng đó chính là sự hiện hình của hạnh phúc. Hay với “ vợ nhặt" của Kim Lân chẳng hạn. Trong cái nạn đói khủng khiếp từng giết chết hai triệu đồng bào ta, giữa cái không khí dày đặc nỗi ám ảnh về cái chết Kim Lân đã dựng rất thành công, người đọc vẫn cảm động biết bao khi bao hạnh phúc - dẫu mới chớm nở và đang ngập chìm trong nỗi lo toan của Tràng của "Thị" và của bà cụ Tứ. Vâng, trong đau khổ, đói nghèo, kề cận với chết cái hạnh phúc vẫn hiện hình và trở thành nguồn động viên vời họ. Không trải qua hy sinh, gian khổ làm sao đòi hỏi được có hạnh phúc. Hạnh phúc - sự sống như được gieo mầm từ trong cái chết - trong gian khổ hy sinh. Đó chính là lí do để thôi thúc tôi không nguôi hy vọng, không thôi chiến đấu vì niềm tin. Đó là bởi “ ở đời này không có con đường cùng chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy"...
Vai trò của con người đã được khẳng định: con người phải chiến đấu, luôn chiến đấu để vượt qua ranh giới - ranh giới của sự sống và cái chết hạnh phúc và hy sinh, đau khổ. Vâng, ở đời này không có con đường cùng chỉ có những ranh giới. Sự sống, hạnh phúc chưa và sẽ không bao giờ đi đến tận diệt cả, có chăng đó chỉ là những thử thách, ranh giới đòi hỏi con người vượt qua, phải chiến thắng nó. Đó mới là vai trò, sứ mệnh của con người "điều cốt yếu" là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy.
Giữa sự sống - cái chết, hạnh phúc – khổ đau luôn có những ranh giới chỉ có chúng ta, những con người mới có đủ khả năng vượt qua nó. Mị "vợ chồng A Phủ" là một minh chứng về sức mạnh vượt qua những ranh giới của con người. Từ một cô gái xinh đẹp, thổi sáo hay nức tiếng khắp nơi, về "cúng trình ma" nhà A Sử, sau khi muốn tự từ mà không được vì thương bố, Mị phải chấp nhận làm dâu - làm con trâu, con ngựa cho nhà thống lí Pá Tra. Bị hành hạ, đối xử tàn tệ, tưởng như Mị đã mất hết sức sống, mất hết ý chí mà trở thành cái xác vô hồn. Nhưng không, trong con người Mị vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt không gì dập tắt nổi. Đó là ngày xuân muộn ở Hồng Ngài, Mị đòi đi chơi xuân (dù sau đó bị A Sử bắt trói vào cột nhà). Đó là ngày tết Mị lén lấy rượu uống từng ngụm lớn. Và tiêu biểu nhất, đỉnh cao của tác phẩm là khi cô cắt dây trói cho A Phủ và xin đi theo. Đó chính là hành động giải thoát cho người khác và cho chính bản thân mình. Tưởng chừng như sau biết bao hy sinh đau khổ, sự sống, khát khao hạnh phúc trong cô đã bị dập tắt. Nhưng không, nó vẫn cháy âm ỉ thành một sức mạnh giúp cô vượt qua ranh giới ấy mà tìm tới hạnh phúc, tìm lại sự sống (và quả thật, tới Phiền Sa và được ánh sáng của cách mạng Mị và A Phủ đã có cuộc sống đúng nghĩa), con người như Mị, tưởng như bị đẩy tới "bước đường cùng" nhưng vẫn có sức mạnh để vượt qua. Đó chính là minh chứng: trên đời này không có đường cùng mà đó chỉ là ranh giới mà chúng ta phải vượt qua mà thôi, tại sao, con người lại không đủ dũng khí để tiến bước! Hay như nhân vật Đào "Mùa lạc", cành ngộ ấy, cuộc đời ấy như bị đẩy tới tột cùng của đau khổ. Có lúc, Đào mặc cảm không dám đón nhận và chiến đấu vì hạnh phúc, mà sau đó cô cũng nhận thức được, cũng khao khát được hạnh phúc, đón nó. Và cuối cùng, hạnh phúc đã đến với cô, một gia đình hạnh phúc với người yêu cô trên cái nông trường Điện Biên thân yêu. Đó chính là ranh giới và vượt qua ranh giới. Trên đời này không có con đường cùng mà chi có những giới. Vâng, và vì thế đứng trước những ranh giới đó con người phải biết đấu tranh, phải có sức mạnh để vượt qua. Đó chính là điều cốt yếu! Là con người hạnh phúc và sự sống không thể chờ đợi ai mang đến cho mình mà phải chiến đấu mà giành lấy và gìn giữ nó. Đúng trước những ranh giới ấy, bản lĩnh người mới được bộc lộ và phát huy. Không bao giờ được nguôi tắt hi vọng – phải chăng phần nào Nguyễn Khải muốn nhắn gửi với chúng ta điều đó.
Trong cái chết, trong gian khổ hy sinh vẫn có thể nảy sinh, hiện hình hạnh phúc và sự sống. Xung quanh chúng ta cũng có biết bao tấm gương như vậy. Những học sinh hoàn cảnh khó khăn, mất bố mẹ, gia đình nghèo khó mà vẫn lên học tốt không phải là những tấm gương cho ta học tập sao? Những người thương binh, hy sinh một phần máu thịt cho Tổ quốc, những người không còn sức khoẻ mà vẫn vươn lên làm kinh tế giỏi, những người đó có làm khơi lại suy nghĩ? Cuộc sống dường như đã đẩy họ đến bước đường cùng, nhưng họ đã chứng minh cho ta thấy, đó chi là những ranh giới và thực tế ý chí, quyết tâm, sức mạnh họ đã vượt qua cái ranh giới khó khăn ấy rằng, từ trong cái chết sự sống vẫn hiện hình. Nó thôi thúc ta hy vọng, chiến đấu để vượt qua tất cả. Hạnh phúc, sự sống nảy sinh hiện hình từ trong đau khổ và cái chết mới khiến ta trân trọng biết bao! Vấn đề nhân sinh mà Nguyễn Khải đặt ra trong "Mùa lạc" là rất đáng để suy ngẫm chiêm nghiệm.
-/-
Hy vọng với những mẫu "Suy nghĩ về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng." mà Đọc tài liệu tổng hợp giúp các em có thêm tài liệu tham khảo. Cùng với trọn bộ văn mẫu lớp 10 là những tài liệu hữu ích giúp các em học tốt Ngữ Văn 10!