Trang chủ

Soạn văn 7 Tôi đi học CTST

Xuất bản: 13/12/2022 - Cập nhật: 19/12/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn văn 7 Tôi đi học (Thanh Tịnh), trả lời các câu hỏi hướng dẫn đọc hiểu văn bản Tôi đi học trang 14 SGK Ngữ văn 7 tập 2 Chân trời sáng tạo.

Đọc Tài Liệu cung cấp nội dung hướng dẫn chi tiết soạn văn 7 Tôi đi học, tham khảo cách trả lời các câu hỏi đọc hiểu văn bản Tôi đi học trang 12 - 14 sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập 2 Chân trời sáng tạo.

Soạn văn 7 Tôi đi học SGK Ngữ văn 7 tập 2 Chân trời sáng tạo

Tìm hiểu tác giả, tác phẩm

1. Tác giả Thanh Tịnh

- Thanh Tịnh (1911 - 1988), tên khai sinh là Trần Văn Ninh, là một nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến.

- Các sáng tác của ông đều toát lên vẻ đẹp đằm thắm, tình cảm êm dịu, trong trẻo, nhẹ nhàng, sâu lắng.

- Một số tác phẩm tiêu biểu: Hận chiến trường (1937), Quê mẹ (1941), Tôi đi học (1941), Ngậm ngải tìm trầm (1943), Những giọt nước biển (1956), Thanh Tịnh đời và văn (1996), Thơ ca (1980),...

2. Văn bản Tôi đi học

- Văn bản Tôi đi học được trích trong tập “Quê mẹ” xuất bản 1941.

- Bố cục văn bản gồm 4 phần:

+ Phần 1 (từ đầu đến "... tôi đi học"): Khởi nguồn của nỗi nhớ
+ Phần 2 (tiếp theo đến "... trên ngọn núi"): Tâm trạng và cảm giác của nhân vật tôi trên đường đến trường
+ Phần 3 (tiếp theo đến "... chút nào hết"): Tâm trạng và cảm xúc của nhân vật tôi khi đứng trong sân trường và phải rời tay mẹ để vào lớp học
+ Phần 4 (còn lại): Tâm trạng của nhân vật tôi khi vào lớp và đón nhận giờ học đầu tiên.

- Tóm tắt nội dung chính: Tái hiện tâm trạng hồi hộp, cảm giác bỡ ngỡ, kỉ niệm trong sáng tuổi học trò của nhân vật “tôi” trong buổi tựu trường đầu tiên.

Soạn bài Tôi đi học ngắn nhất

Suy ngẫm và phản hồi

Trả lời các câu hỏi trang 14 SGK Ngữ văn 7 tập 2 Chân trời sáng tạo

Câu 1: Những phép so sánh dùng để diễn tả cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật “tôi”:

- "Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang"

- "Ý nghĩ thoáng qua ấy trong trí óc tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi"

- "Trước mắt tôi trường Mĩ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hòa Ấp”

=> Tác dụng: giúp cụ thể hóa cảm xúc bâng khuâng, bồi hồi của nhân vật tôi ngày đầu đến lớp, làm bài văn giàu hình ảnh và sinh động hơn.

Câu 2: Sự thay đổi tâm trạng của nhân vật “tôi” khi vào lớp học: Không còn cảm thấy bỡ ngỡ, sợ sệt mà cảm thấy mọi thứ trong lớp học thân quen, quyến luyến. Lí do có sự thay đổi tâm trạng ấy là sự ân cần, nhiệt tình của thầy giáo khi tiếp đón các em học sinh và cả sự trang trí lớp học, bàn ghế, tình bạn thân thiện đã khiến nhân vật “tôi” cảm thấy yên tâm, quen thuộc.

Câu 3: Tôi đi học vừa là nhan đề, vừa là cụm từ nhà văn dùng để khép lại văn bản. Theo em, cụm từ ấy gợi ra ý nghĩa nhằm để đánh dấu những kỉ niệm và cảm xúc của ngày đầu tiên đến trường của tác giả.

Câu 4:

Giờ đây tuy tôi đã là học sinh lớp bảy rồi nhưng mỗi khi nghe thấy tiếng trống “tùng... tùng... tùng... rất rõ năm đó là năm hai ngàn không trăm lẻ bảy. Vào hôm trước khi ngày khai trường diễn ra, tôi lấy làm hồi hộp và trong đầu cứ suy nghĩ về nhiều thứ liên quan đến trường lớp nào là “mình sẽ vào học ngôi trường như thế nào đây?”, “bạn bè có tốt không?”, “thầy cô có dữ không?”. Và những ngày này, ba mẹ tôi rất bận rộn. Không phải bận rộn vì công việc mà vì lo cho ngày khai trường đầu tiên của tôi. Ba thì đi mua giấy bao vở, dán nhãn, tập vở. Mẹ thì đi mua sách giáo khoa. Khi bao tập, tôi cứ nói thầm trong lòng không được làm dơ bất cứ cuốn tập nào nhưng suy nghĩ đó không được thực hiện tốt. Tôi đã làm rách bìa giấy bao tập. Tôi liền òa khóc lên nhưng nhờ mẹ tôi dỗ dành, an ủi nên tôi mới thôi không khóc nữa. Ba thì chỉ cho tôi bao vở làm sao cho đúng cách và cẩn thận, dán nhãn ra sao cho đẹp và dính chặt. Chị hai thi viết tên của tôi lên các giấy nhãn đó. Ôi! Những con chữ như rồng bay phượng múa thật tuyệt đẹp.

Soạn Tôi đi học chi tiết

Câu 1 trang 14 sgk Ngữ văn 7 tập 2 CTST

Xác định và nêu tác dụng của những phép so sánh dùng để diễn tả cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật “tôi”.

- Hình ảnh so sánh:

+ “Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không đi ra đồng nô đùa như thằng Sơn nữa.”

+ “Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang

+ Ý nghĩ thoáng qua ấy trong trí óc tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi

+ Trước mắt tôi trường Mĩ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hòa Ấp”

- Những hình ảnh so sánh giúp nhấn mạnh sự thay đổi từ thói quen đến suy nghĩ của nhân vật “tôi” trong ngày đầu đến trường. Từ đó làm nổi bật tâm trạng háo hức, mong chờ với chút lo lắng.

Câu 2 trang 14 sgk Ngữ văn 7 tập 2 CTST

Khi vào lớp học, tâm trạng của nhân vật tôi thay đổi như thế nào? Vì sao có sự thay đổi ấy?

Tâm trạng của nhân vật “tôi” thay đổi từ cảm giác lúng túng, lo lắng, nhớ mẹ đến tự nhiên, thân thuộc lạ thường. Có sự thay đổi ấy là bởi trước khi vào lớp nhân vật “tôi” đang lo lắng vì rời xa vòng tay của mẹ và xung quanh đều lạ lẫm, điều đó khiến cậu có chút sợ hãi. Nhưng khi bước vào lớp, mọi thứ trong phòng học đều gần gũi, khiến cậu đỡ sợ hơn, mở lòng mình đón nhận mọi thứ xung quanh.

Câu 3 trang 14 sgk Ngữ văn 7 tập 2 CTST

Tôi đi học vừa là nhan đề, vừa là cụm từ nhà văn dùng để kết thúc văn bản. Theo em, cụm từ ấy gợi ra ý nghĩa gì?

Cụm từ ấy gợi ra điều mới mẻ ngày đi học: Một cánh cửa mới đã mở ra, cánh cửa của tri thức. Một đứa trẻ tự do, vô tư chơi đùa vô lo, vô nghĩ trước đây nhưng hôm nay đã khác, đã trưởng thành hơn, phải đi học, phải làm bài tập, sẽ không còn những buổi vui chơi không hồi kết như trước. “Tôi” đã thay đổi.

Câu 4 trang 14 sgk Ngữ văn 7 tập 2 CTST

Kí ức ngày đầu tiên đi học là ấn tượng khó phai trong tâm trí mỗi người. Em hãy chia sẻ những kỉ niệm ấy với các bạn.

Tuổi thơ của tôi đã trải qua biết bao kỉ niệm vui buồn, có những kỉ niệm cùng bạn bè, cùng gia đình hay chỉ là kỉ niệm của riêng tôi. Những kỉ niệm chính là những kí ức tươi đẹp đáng nhớ nhất, là quá khứ để tô vẽ nên tương lai của chúng ta, đối với tôi kỉ niệm không thể quên đó là ngày đầu tiên đi học.

Nhớ ngày đó, khi tôi mới chỉ là cậu bé 6 tuổi bé tẹo, ngồi đằng sau chiếc xe đạp Thống Nhất và chị tôi chở đến trường ngày khai giảng. Trên đường đi tôi cứ ghì bám hai bên vạt áo của chị, hỏi chị đủ thứ về ngày khai giảng, nào là “khai giảng có đông người không?”, “đi khai giảng có phải mang sách vở không?”,... vô vàn câu hỏi ngây ngô của tôi khi ấy khiến chị của tôi rất buồn cười. Tôi còn nhớ mình đã rất gìn giữ bộ quần áo mới mặc trong ngày đi học đầu tiên, lúc nào cũng ngó xuống lấy tay phủi bụi rồi lại sửa khăn quàng cho chỉnh tề, không dám đưa tay bẩn lên sờ vào quần áo. Chị đưa tôi tới trường rồi chị cũng đi tới trường của chị, chỉ còn mình tôi bơ vơ, tôi sợ đến suýt khóc nhưng nghĩ rằng khóc ở đây thì thật xấu hổ nên lại cố gắng không khóc. Tôi nhìn các bạn đi vào trường cũng theo vào, đứng vào hàng ghế lớp mình và ngồi xuống, một vài bạn cùng lớp với tôi đã bắt chuyện với tôi giúp tôi đỡ bỡ ngỡ và lo lắng hơn, không ngờ sau đó chúng tôi đã chơi thân với nhau cho đến tận bây giờ.

Thật khó để kể được hết những cảm xúc của tôi trong ngày đi học đầu tiên, khó để nói thành lời hay viết thành văn nhưng dù trải qua bao thời gian tôi vẫn ghi sâu và nhớ về những kỉ niệm đó.

-/-

Các bạn vừa tham khảo xong nội dung chi tiết soạn văn 7 Tôi đi học SGK Chân trời sáng tạo. Hi vọng thông qua việc giải đáp các câu hỏi đọc hiểu cuối bài các em sẽ nắm được kiến thức cơ bản về văn bản Tôi đi học một cách dễ dàng và ghi nhớ lâu hơn.

Xem thêm bài soạn liên quan:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM